Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Hai mẩu thơ cảm tác



Cảm tác thu

Sông Xen tha thẩn một sớm thu
Con đường đá lát đẫm sương mù.
Phố nhỏ ngoằn ngoèo còn ngái ngủ,
Lau trắng lưng đồi Mông-mac-trơ.

Đâu phải lâu đài, thành quách cũ,
Đâu phải bóng người, dáng ngựa xe,
Chỉ giọt nắng vàng vương trên lá
Níu kéo chân tôi chẳng muốn về.

Paris, 2009

Đồng chiều

Một cánh đồng cỏ cháy
Một nóc nhà thờ xa
Một đàn bò gặm cỏ,
Thấp thoáng vài mái nhà.

Hàng bạch dương trắng xám,
Chiều rồi, tím ngọn cây.
Chuông nhà thờ xa vắng,
Hải âu sải cánh bay.

Đồi xa còn bóng nắng,
Chân trời mù khói sương.
Hàng bạch dương im lặng
Ngắm trông người vấn vương.

Bruxen, Bỉ, 2009

3. Thiền trên đất Phật - Thơ



Thiền trên đất Phật

                          Nguyễn Tuấn Khoa

Trưa hè trên đồi nắng gắt
Chân trần rảo bước đi tìm
Theo dấu chân người đạo sĩ,
Tôi tới một vùng lặng im.

Giáo đường trăm nghìn khuôn mặt
Hằn sâu dấu vết cuộc đời
Trầm luân trong miền bể khổ,
Thiên đường hay vạc dầu sôi?

Lá bồ đề không xào xạc,
Thời gian cũng như ngừng trôi,
Tim người cũng như ngừng đập,
Không thấy người, không thấy tôi.

Bốc một nhúm cơm gạo trắng
Đặt vào giữa lòng bàn tay
Thêm chút gừng cay muối mặn,
Nếm đi, mùi vị của đời.

Tôi ngồi thế rồng, thế rắn,
Không vui, không khổ, không buồn.
Mắt nhìn khoảng không trước mặt,
Và tôi bỗng nhìn thấy tôi
Tan trong ráng chiều tím ngắt,
Hòa vào đất, lẫn vào sương,
Ẩn vào trong mây, trong núi,
Chỉ còn thoảng một mùi hương
Cánh hoa đại vàng quay lượn
Nhẹ nhàng rớt xuống bên người,
Chợt nghe gió chiều ào ạt,
Ngoài kia quạ kêu đầy trời.

Bangalor, Ấn Độ, 2004

* Quạ là loài chim phổ biến ở Ấn Độ, sống thân thiện với người, buổi chiều thường gọi nhau về tổ. Quạ không phải là biểu tượng nỗi buồn và sự chết chóc như quan niệm của người Trung Quốc và Việt Nam.