Hoa Thạch Trúc - Tranh của Nguyễn Tuấn Khoa |
Nǎm 1965, tôi mới 19 tuổi, lần đầu xa nhà, sang Trung Quốc học đại học. Đoàn chúng tôi đi tàu hỏa tới Bắc Kinh. Lúc này máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc, miền Nam đang đánh lớn. Bạn bè chúng tôi nhiều người ra trận, còn chúng tôi thì ngày càng xa dần Tổ quốc, đi về "hậu phương lớn" như các bạn Trung Quốc thường gọi.
Từ Bắc Kinh, chúng tôi về Thanh Đảo, một thành phố cảng nằm bên bờ Đông Hải. Mấy tuần đầu, chúng tôi được bố trí ổn định ǎn ở, tham quan, mua sắm quần áo, liên hoan, tiệc tùng. Lãnh đạo Học viện, các thày cô giáo và các bạn học Trung Quốc rất nhiệt tình, giành cho chúng tôi những gì tốt nhất.
Đầu tháng chín khai giảng. Phòng chúng tôi ở trên đồi cao, xung quanh là một vườn anh đào và táo. Thành phố trải dài trên một vịnh biển, nhà xây theo kiểu châu Âu, tường xây bằng đá, tường rào cũng bằng đá. Các con phố chạy ngoằn ngoèo theo những sườn đồi rồi đổ xuống bờ biển. Hai bên đường là viả hè lát đá, có trồng những hàng phong lá mùa này đỏ rực và đã bắt đầu rụng.
Chẳng mấy chốc đã cuối thu. Đêm đã se lạnh, sáng sớm có sương mù. Chưa có tuyết nhưng thỉnh thoảng lại có những cơn mưa rào lạnh buốt. Chúng tôi được lệnh đi sắm thêm quần áo bông và mǎng tô bông (người Trung Quốc gọi là đại y) để đón mùa đông đầu tiên ở đây. Và một tai họa đã xảy đến với tôi, tai họa đã dẫn tôi tới với bông hoa Thạch trúc nhỏ xinh, màu tím ngát, với mùi hương nhẹ nhàng dịu ngọt, để đến bây giờ, ba mươi nǎm sau, tôi vẫn còn có thể nhận ra.
Ba giờ chiều, chúng tôi xuống phố bằng một chiếc xe du lịch. Gió rất mạnh. Xe xuống tới đường bờ biển, mọi người nhao nhao chuyện trò. Trời hình như hơi tối dần, rồi lác đác thấy mấy hạt mưa đập vào kính xe. Mưa ngày càng nặng hạt, gió tạt mưa đập vào cửa kính, nước bắt đầu chảy ròng ròng bên ngoài thành xe. Có ai đó kêu hắt. Ngay hàng ghế phía sau tôi, một cô bạn đang luống cuống tìm chỗ tránh nước mưa. Cửa kính chỗ đó bị hỏng, không đóng kín lại được. Một vùng trống rộng khoảng vài chục phân đang bị nước mưa tạt vào, may mà không đúng chiều gió. Cô bạn bên cạnh nghĩ ra một cách: giương một chiếc ô đưa ra ngoài cửa che bớt nước. Loay hoay một lúc thì tạm ổn. Xe vẫn bon bon trong mưa. Lúc này trời mờ mịt nước, mặt biển trắng xóa. Chợt xe qua một khúc quanh và bắt đầu đi theo hướng ngược gió. Đến đây thì tai họa xảy ra. Tôi chợt nghe một tiếng "ối!" ở đàng sau, vội quay người lại. Chiếc ô che cửa bị gió giật rúm lại, cô gái đang cố níu cán ô, giằng giật với gió. Theo phản xạ, tôi chồm người về phía cô, tóm lấy tay cô và kéo mạnh vào trong. Đúng lúc đó, chắc lái xe nghe tiếng kêu đã phanh xe đột ngột. Mọi người trên xe dúi dụi về phía trước. Người tôi bị vặn ngửa ra phía sau lưng. Một tiếng động không rõ rệt ở dưới chân tôi. Tôi cảm thấy nhói đau ở cẳng chân phải, chỗ gần đầu gối. Chắc chân tôi đã đập phải một thanh chắn bằng sắt dưới gầm ghế.
Xe dừng hẳn. Mọi người xúm vào hỏi han cô bạn. Cán ô của cô đã gãy đôi, nhưng hai phần còn dính với nhau bằng sợi dây thép trong lõi cán. Cô ta đầu tóc ướt lướt thướt, mặt mũi cũng đầm đìa nước mưa. Tôi ngồi phịch xuống ghế, lúc này mới thấy chân đau dữ, vội cúi xuống kéo quần lên xem. Một vết bầm tím giữa cẳng chân đang sưng to dần, ở giữa vết thương có một vết nhỏ rơm rớm máu, nhưng mỗi lúc một đau. Mọi người lúc đó mới nhìn đến tôi. Anh em bắt tôi ngồi nguyên, không động chân, lấy một mảnh khǎn của ai đó quấn chỗ bị thương lại. Bàn tán hồi lâu, cuối cùng anh trưởng đoàn quyết định cho xe chạy đưa tôi tới bệnh viện.
Bệnh viện Trung ương Thanh Đảo nằm giữa thành phố. Xe chạy qua cổng, tới một đoạn đường có mái che. Trời vẫn đang mưa to. Cuối đường có mấy bóng y tá áo trắng đang đứng chờ, bên một chiếc bǎng ca. Xe dừng lại, họ bảo tôi đứng lên. Hai anh bạn xốc nách đưa tôi xuống xe. Tôi nghĩ mình còn đi được. Mới thử bước thì đau quá, tôi nhǎn mặt, rồi nhảy lò cò một chân tới ngồi ngả xuống bǎng ca. Nằm xuống rồi, tôi còn cố nén đau cười với mấy anh bạn: "Mình là người đầu tiên trong đoàn biết mùi bệnh viện!"
Ai ngờ chẳng phải chuyện đùa. Sau mấy tiếng đồng hồ người ta đẩy tôi đi chiếu, chụp điện, chờ hội chẩn, một nhóm bác sĩ trao đổi gì đó với anh trưởng đoàn rồi đưa tôi vào một buồng bệnh trắng toát. Họ tạm tiêm cho tôi một mũi giảm đau. Anh em bạn ở cả bên ngoài. Một bác sĩ đã đứng tuổi cùng anh trưởng đoàn bước vào. Anh bảo tôi: "Cậu phải mổ thôi, gãy xương rồi. Phải mổ để xếp lại chỗ gãy. Cố định xong sẽ bó bột. Chắc cậu sẽ phải nằm lâu đấy!" Tôi kêu ầm lên:
- Bao lâu hả anh? Làm thế nào mà em học đuổi được bây giờ?
- Các bác sĩ bảo cậu phải nằm đây ít nhất là một tháng. Thôi chịu khó cho khỏi hẳn rồi về học.
Tôi không biết ca mổ đã xảy ra như thế nào. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong một buồng bệnh khác nhỏ hơn. Anh em Việt Nam đã về cả. Tôi bắt đầu hơn một tháng nằm tại chỗ, chỉ có ǎn, ngủ, thay bột, làm thuốc và làm đủ các loại xét nghiệm.
Học kỳ một sắp kết thúc. Tôi bỏ thi. Giữa tháng mười một, tôi được phép chống nạng đi trong phòng. Qua cửa kính, mọi vật bên ngoài rực một màu nắng vàng, màu vàng đến lạ, không giống màu nắng thu ở quê nhà, cũng chẳng giống màu mây trước cơn giông bão. Nó là một màu vàng sẫm, rực rỡ đến nôn nao. Những cây phong đã rụng hết lá. Bãi cỏ úa nâu. Lác đác trong vườn còn lại vài khóm hoa Mỹ nhân tiên, giống một loài hoa dong riềng, cánh hoa to, màu đỏ như lửa, cháy lên trong nắng chiều lạ lẫm. Tôi lập cập lần về giường, nhớ học viện, nhớ anh em, nhớ nhà và cuộc sống bình thường của chính mình trong ký túc xá lưu học sinh những ngày còn khỏe mạnh.
Đêm ấy tuyết rơi. Buổi sáng tỉnh dậy thấy trời rất sáng. Những cánh tuyết đầu mùa nhỏ xinh như những sợi bông bồng bềnh theo gió nhẹ bay bay ngoài cửa sổ. Trên mái nhà đã có một lớp tuyết mỏng, khắp nơi đều có tuyết phủ trắng. Lối đi đã được quét sạch. Bao giờ tôi mới được bước đi trên tuyết?
Nửa tháng sau người ta tháo bột lần cuối cùng và cho tôi ra viện, nhưng không phải để về trường. Đúng là một tai họa thực sự. Bệnh viện yêu cầu tôi phải đi điều dưỡng vài tháng. Học viện thấy tôi bỏ thi học kỳ thì cho tôi nghỉ luôn nǎm học, chờ sang nǎm học lại.
Viện điều dưỡng cách thành phố gần trǎm cây số. Trên chuyến xe học viện đưa tôi đi, tôi không nhớ anh trưởng đoàn và mấy cậu bạn, ta có, Trung Quốc có, đã nói những chuyện gì, đã dặn dò tôi những gì. Suốt dọc đường, tôi như người mất hồn, lơ đãng nhìn ra những cánh đồng mênh mông tuyết trắng và nghĩ tới nỗi đắng cay mất một nǎm học vì một rủi ro vớ vẩn, mong sao cho chóng đến ngày về lại đường này.
Chiều thì xe tới viện. Viện điều dưỡng nằm trong núi. Những dãy nhà một và hai tầng nối nhau trên sườn núi đất, dưới những rặng thông. Mái nhà và cây cối đều một màu trắng xóa. Họ xếp tôi ở một phòng trong khu nhà tách riêng trên một ngọn đồi nhỏ. Lối lên đồi xếp bằng đá, trên đã đóng bǎng. Vòng quanh đồi là một con suối thì phải, mùa này nước cũng đóng bǎng, nhưng tôi đoán vậy vì hai bên có những bụi cây phủ đầy tuyết. Một chiếc cầu treo nối hai bên suối, dẫn sang một con đường nhỏ đi sâu vào trong núi. Phía xa hơn là những rặng núi đá màu xám, sừng sững như một bức tường khổng lồ, đỉnh phủ đầy tuyết. Mặt trời đã ở sau núi. Đỉnh núi hồng lên, tuyết cũng hồng rực trong ánh chiều.
Cuộc sống trong viện điều dưỡng đều đều trôi đi. Ngày ngày chỉ có ǎn rồi lại chơi. Tôi béo ra nhiều, đã bỏ nạng, nhưng đi vẫn còn tập tễnh. Người ta không cho tôi đi đâu một mình, sợ trơn ngã. Tôi đã quen thân với bác Triệu, một cán bộ tỉnh, anh Đặng, quản đốc xưởng cơ khí và mấy bác giáo viên. Chiều nào sau bữa cơm, chúng tôi cũng rủ nhau đi dạo. Khoác chiếc đại y to xù, theo mấy chục bậc đá mới xuống tới con đường nhỏ quanh nhà, vượt qua con suối đóng bǎng sang phía núi bên kia, chúng tôi tới một con đường lớn hơn. Đó là đường ô tô về thành phố.
Một buổi chiều như mọi chiều, tôi và bác Triệu đang tha thẩn ven đường, chợt nghe tiếng còi ô tô. Chúng tôi nép vào bên đường. Một chiếc com mǎng ca hiện ra sau khúc ngoặt. Trên xe khá đông người, toàn là bộ đội hải quân, mặc quân phục màu tím than sẫm. Xe qua, chúng tôi lại đi tiếp, chợt nghe sau lưng những tiếng con gái cười phá lên. Người tôi nóng bừng, tại cái áo đại y quá dày hay tại tiếng cười cũng chẳng biết nữa.
Nửa tiếng sau trời đã sắp tối, hai bác cháu chúng tôi quay về. Khi qua khu vǎn phòng của viện, vẫn thấy chiếc ô tô hải quân đỗ trước cửa. Nǎm sáu cô gái còn rất trẻ, đều mặc quân phục, từ trong vǎn phòng đi ra, ríu ra ríu rít, hình như đang lưu luyến không muốn chia tay nhau thì phải. Một chàng hải quân cao lớn bước ra sau cùng và gọi: "Tiểu Vương, anh bảo này!" Cô gái họ Vương dừng bước, quay lại chờ anh, rồi họ đi chậm lại phía sau. Tới bên ô tô, các cô khác đã lên xe, chỉ còn hai người đứng cạnh cửa. Cô gái giơ tay vẫy các bạn, chắc cô này ở lại. Anh lính tần ngần như muốn nói gì nữa, xong lại thôi. Trèo lên phía trước ngồi cạnh lái xe, anh ngoái đầu ra dặn dò gì cô gái. Xe từ từ lǎn bánh. Cô gái vẫy theo một lát rồi quay bước về phía vǎn phòng. Bác cháu tôi đứng nhìn họ tiễn nhau. Còn cách chúng tôi khoảng vài bước chân, cô gái nhìn thấy bác cháu tôi. Tôi không kịp nhìn kỹ mặt cô, nhưng tôi chắc chắn một điều: ánh mắt cô đã nhìn tôi, một cái nhìn rất khó tả, ánh mắt buồn vì cuộc chia ly, nhìn tôi lơ đãng, không thiện cảm, không quen biết nhưng cũng chẳng phải là hoàn toàn vô tình, xa lạ. Tôi chỉ chợt cảm thấy nó giống như ánh mắt của một người có lỗi!
Nhịp sống buồn chán và đơn điệu cứ thế trôi đi. Tôi mong sao cho chóng đến mùa hè. Ngày ngày tôi rất chịu khó tập đi bộ, mỗi ngày đi một xa hơn, bước đi cũng đã tự nhiên hơn nhiều.
Chúng tôi còn có một thú vui xem chiếu bóng. Có một đại đội trinh sát ở trong núi, chiều nào đi tập về anh em cũng hành quân qua chỗ chúng tôi. Một tháng hai lần có một đội chiếu bóng của quân đội về phục vụ. Bãi chiếu là sân viện điều dưỡng, ghế ngồi tự túc. Người ta toàn chiếu phim chiến đấu, phim kịch hát của Trung Quốc. Có một lần chiếu cả phim tài liệu về Việt Nam đánh Mỹ.
Một tối, thấy bộ đội hành quân ra bãi, chúng tôi cũng kéo nhau sang. Đến nơi thì thấy khác mọi khi. Người ta dựng một sân khấu nhỏ ngay trước cửa vǎn phòng, một dãy đèn điện treo trên cao, sáng rực. Hai cánh gà bằng vải đỏ. Một bǎng đỏ chǎng ngang, dán giòng chữ vàng "Liên hoan vǎn nghệ quân dân một lòng". Nghĩa là không phải chiếu phim. Chúng tôi sẽ được xem các tiết mục cây nhà lá vườn của nhân dân và bộ đội vùng này.
Các tiết mục nối nhau, nào diễn ca với đôi thanh tre gõ nhịp, nào dân ca đệm bằng thanh la và chiếc kèn sừng trâu, nào ca khúc mới do thanh niên và mấy cô y tá trình bày. Một tốp ca của bộ đội, nǎm sáu anh hát bài "Bắn bia trở về", có một anh đệm phong cầm. Các diễn viên nghiệp dư hát không hay, nhưng rất say sưa, nhiệt tình. Trẻ con ngồi sổm phía trước nhấp nhổm, hò hét cấu chí nhau chán, có đứa bé đã lǎn ra ngủ trong lòng mẹ. Những nhóm thanh thiếu niên nông thôn bá vai nhau đứng bên ngoài, quần áo bông có nhiều chỗ vá, chân đi đôi giày vải không tất, đang nép vào nhau tránh rét. Tôi không chú tâm xem các tiết mục mà đưa mắt nhìn ngắm mọi người, hay là tôi định tìm ai?
Trời về khuya càng rét đậm. Người ta đốt lên một đống lửa to. Đến một tiết mục thấy loa phóng thanh giới thiệu: "Một bệnh nhân điều dưỡng sẽ hát một bài. Xin mời chị Vương Mỹ Anh!"
Tôi nhận ngay ra chị. Vẫn khuôn mặt trắng hồng trước ánh lửa, đôi bím tóc dày cuộn túm cao hai bên đầu. Chị nói gì đó nhưng tôi nghe không rõ và cũng không để ý nghe chị nói gì, tôi chỉ chờ nghe chị hát. Người kéo phong cầm cất lên khúc dạo đầu, tôi nghe quen quen. Rồi chị cất tiếng hát:
- Kìa mây ơi, đám mây bay về phương Nam, nhắn cùng ta tới người chiến sĩ trên tuyến đầu chống Mỹ ...
Đây là một bài hát Trung Quốc nói lên tình cảm và ý chí chi viện Việt Nam mà lưu học sinh chúng tôi ai cũng thuộc. Chị hát rất hay, đôi mắt nhìn xa xôi, như đang nhìn về phương Nam quê tôi vậy. Tôi ngây người ngồi nghe. Bác Triệu quay sang nói khẽ vào tai tôi: "Cô ấy bảo hát tặng bài này cho một thương binh Việt Nam đang điều trị ở đây. Cô ấy là vǎn công có khác, hát hay tuyệt. Lát nữa cháu nên lên nói mấy lời cảm ơn cô ấy nhé. Vừa là tình quân dân, vừa là tình quốc tế!"
Tôi đỏ bừng mặt, may trời tối nên chắc chả ai trông thấy, lại nghĩ bụng: tình quốc tế thì đúng rồi, tình quân dân thì bị ngược. Tôi đâu phải thương binh, chắc chị ấy nhầm, mà chính chị thì lại là chiến sĩ.
Bài hát kết thúc trong tiếng vỗ tay vang rền. Bác Triệu kéo tay tôi đứng lên, rồi cứ thế hai bác cháu diễu qua đám đông náo nhiệt, lên tới tận sân khấu. Bác tới trước micrô: "Xin giới thiệu với các đồng chí: đây là anh Nguyễn, người Việt Nam, đang điều dưỡng ở Viện." Tôi lúng túng quá, đành bước lên cạnh bác, cố trấn tĩnh nói được vài lời, đại ý nhân dân Việt Nam mãi mãi biết ơn nhân dân Trung Quốc đã hết lòng ủng hộ, chi viện. Chẳng chờ cho tôi ấp úng được hết bài nói ngắn ngủi này, chị đã đến bên tôi. Chị giơ tay bắt tay tôi, bàn tay chị rất ấm. Chị khẽ nói với mình tôi: "Cảm ơn anh, tôi đã có lỗi với anh!" Tôi ngạc nhiên nhìn chị, một cô gái còn rất trẻ, xinh đẹp, đôi môi đỏ mọng đang mỉm cười, một chiếc lúm đồng tiền bên má trái. Bộ quân phục mùa đông dày cộp cũng không che được một thân hình cân đối, trẻ trung và duyên dáng. Dưới ánh lửa đêm đông có lẽ trông chị càng xinh hơn. Đêm ấy tôi trằn trọc rất khuya, cứ tự hỏi sao chị biết tôi, sao chị lại xin lỗi?
Hôm sau tôi đánh bạo hỏi bác Triệu:
- Chị vǎn công hôm qua vì sao phải vào điều trị ở đây hả bác?
- Cô ấy là diễn viên múa, tập tành thế nào bị ngã rạn xương, chắc cũng chỉ ở đây ít lâu thôi. Muốn tìm hiểu thì cậu đi mà hỏi lấy!
Tôi lại đỏ mặt, tránh nhìn bác:
- Cháu hỏi thế là để có dịp nào gặp cảm ơn chị ấy cho đúng phép. Hôm qua cháu ấp úng quá phải không bác?
Bác cười:
- Cậu muốn gặp thì sang khu nhà nữ mà tìm!
Nào tôi có dám.
Rồi một buổi chiều, chính trên con đường lần đầu trông thấy chị, mấy bác cháu tôi đã gặp lại chị, cũng đang đi dạo cùng mấy bác gái. Vừa thấy chúng tôi, chị đã mỉm cười và chào. Tôi hỏi:
- Chị đi dạo đấy à?
- Vâng, cũng phải chịu khó đi dạo cho chóng khỏe anh ạ!
Đường về quá ngắn, tôi cũng kịp hỏi và biết nhà chị ở Thanh Đảo, mẹ chị đã mất, bố chị là giáo sư giảng dạy ở một học viện, chị còn một em trai đang học cấp 2. Chị học trường nghệ thuật quân đội từ nhỏ, tham gia công tác từ nǎm 16 tuổi, và chị bảo nay thì chị đã già. Rồi chị cười, chắc vì cho tôi là quá trẻ, khi biết tôi còn chưa học hết nǎm thứ nhất đại học.
Từ hôm ấy, chiều nào hai nhóm bệnh nhân chúng tôi cũng chờ nhau trên đường. Bên này đường là cánh rừng thông phủ tuyết trắng, bên kia đường, sau những dãy núi đất lô nhô là dặng núi đá cao cũng tuyết trắng phủ đầy. Con đường uốn lượn giữa hai sườn núi tuyết. Chúng tôi đùa vui, trò chuyện với nhau về gia đình, quê hương và mọi thứ linh tinh khác. Hôm nào chị không ra, tôi lại cảm thấy mong.
Một sáng chủ nhật, tôi trông thấy chiếc xe hải quân trên bãi đất trước vǎn phòng. Chắc chị có bạn đến thǎm, hay họ đón chị về? Phấp phỏng chờ tới chiều, ra đến đầu đường, tôi đã thấy chị và mấy bác đứng chờ. Trông chị rất vui. Tôi hỏi:
- Chắc sáng nay chị có người tới thǎm?
- Sao anh biết? Anh chị em tới thǎm, cho nhiều quà lắm, chỉ mong sớm đón tôi về.
- Tôi cũng chúc chị như thế!
- Thật sao? Cảm ơn anh!
Rồi chị lại cười. Chị móc túi đưa cho bác Triệu một nắm kẹo cao lương mời chúng tôi ǎn. Sao chị không đưa cho tôi nhỉ?
Một bác gái trêu chị:
- Gớm, hôm nay có anh Hoàng đến thǎm, thảo nào vui như hội!
- Có phải anh Hoàng hôm trước đưa chị Vương đến đây không bác?
- Cậu chưa biết à? Vừa là thủ trưởng, vừa là đối tượng đấy. Đưa đón nhau bịn rịn lắm! Tuần nào anh ấy chả tranh thủ tới!
Tôi thấy chị che miệng cười, bèn nửa đùa nửa thật:
- Cháu còn ở đây mấy nǎm nữa, may ra sẽ được anh chị ấy mời đi ǎn cưới. Bác cháu mình nhất định phải đến, để còn ǎn kẹo thả cửa ấy chứ!
Nói xong mới thấy mình vô duyên. Hình như chị đoán được tôi hơi ngượng, nên trả lời rất nghiêm chỉnh:
- Nếu các bác có lòng thì cháu đâu dám không mời. Chỉ sợ đến lúc ấy thì các bác và anh Nguyễn quên cháu thôi.
Chị lại nghiêng đầu, hơi cúi xuống mỉm cười, đôi bím tóc nghiêng nghiêng vừa thẹn thùng, vừa tinh nghịch.
Tháng sau, tôi được đón về học viện hai tuần để dự lễ bế giảng và học chính trị. Chân tôi đã hoàn toàn bình phục. Các bạn tôi sẽ đi nghỉ hè ở Hàng Châu, còn tôi lại phải về "nghỉ" ở viện điều dưỡng vì người ta không cho tôi đi xa, còn phải kiểm tra lại cái chân què.
Đường về viện điều dưỡng không còn xa và buồn như lần trước. Tôi sắp được ra viện hẳn, cũng mong gặp lại những người đã chǎm sóc mình, các bác bạn già, và thực lòng cũng mong gặp chị.
Trời tháng nǎm trong veo. Có tiếng ve râm ran trong đám cây trên đồi. Hoa Nghênh xuân vàng rực, hoa Đỗ quyên tím đỏ nở đầy hai sườn núi. Tuyết đã tan hết. Nước suối trong vắt, róc rách chảy, uốn lượn quanh những hốc đá màu trắng xám. Hai bên đường cỏ mọc xanh mướt. Khu nhà tôi ở cũng tràn ngập một màu xanh. Cây hòe đang ra nụ, anh đào thì đã nở từng chùm, từng chùm hoa tím hồng. Bãi cỏ sau nhà là cả một thảm hoa cúc vàng, cúc trắng. Một lọ hoa rừng lớn đặt trên tủ đầu giường trong phòng tôi. Không gian thấm đẫm mùi hương của muôn hoa. Gió nhẹ, nắng đầu hè vàng rực rỡ.
Chiều hôm ấy tôi lại gặp chị trên đường. Chị rất vui, nhưng trách tôi:
- Sao hôm nọ anh về trường mà không nói, cứ tưởng anh đi hẳn rồi?
- Không. Tôi còn ở đây tới đầu tháng bảy mới về hẳn. Xin lỗi chị vì biết chắc còn quay lại nên hôm đi đã không sang chào chị.
Tôi chợt nhớ:
- Mà sao hôm lên hát chị lại xin lỗi tôi? Chị có lỗi gì đâu?
- Bởi vì lần đầu nhìn thấy anh đi tập tễnh buồn cười lắm. Thật ra chẳng ai có ý định cười người bệnh cả, nhưng các cô ở đơn vị tôi không nhịn được. Mong anh đừng giận. Về sau vào vǎn phòng, tôi mới biết anh là người Việt Nam.
Thì ra là thế! Đến giờ tôi mới hiểu. Vậy là hòa!
Một sáng chủ nhật, tôi trông thấy bóng chị đi xuống con đường nhỏ. Nhìn theo hướng chị đang đi tới, tôi nhận ra anh Hoàng đang đứng chờ. Hai anh chị cùng đi xuống suối, trèo qua những tảng đá giữa dòng, sang bờ bên kia rồi dẫn nhau ngược về phía núi.
Buổi chiều trông chị hơi buồn. Chị nói chuyện gì rất lâu với bác Triệu. Tôi lẽo đẽo đi sau với mấy bác già. Hồi lâu, chị dừng lại chờ chúng tôi. Chị cười hơi có vẻ gượng, nhưng cũng đã vui hơn. Chị hỏi:
- Bao giờ anh ra viện?
- Hơn tuần nữa chị ạ! Tôi đang mong từng ngày.
- Vậy là anh khó mà giữ lời hứa đến dự đám cưới chúng tôi đấy nhé. Anh về rồi biết tìm anh ở đâu?
- Không đâu chị ơi! Thế nào tôi cũng sẽ chờ! Chỉ cần chị báo cho tôi là tôi sẽ đến!
Chúng tôi đâu biết rằng cả hai đều không thể thực hiện được lời hẹn ấy.
Sáng chủ nhật tiếp sau, anh Hoàng không thấy đến. Lần đầu tiên chị sang tìm tôi. Chị mặc một chiếc áo sơ mi mỏng màu xanh, tết một bím tóc dày xõa trước ngực, không buộc túm hai bên như mọi ngày. Trông chị trẻ hơn và mềm mại hơn. Chị rủ:
- Anh có rảnh không? Hôm nay ta thử đi thật xa, đi về phía biển đi. Chúng mình đều sắp ra viện, nghe nói theo con đường rẽ lên dốc cao đi mãi sẽ thấy biển. Anh có dám đi không?
- Tôi sẽ đi cùng chị. Tôi cũng muốn thử sức xem sao!
Chỉ có hai chúng tôi lên đường từ lúc mặt trời mới lên khỏi đầu núi. Đường càng ngày càng dốc ngược lên. Mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo. Chị đưa tay quệt ngang trán, rồi kêu mệt. Chúng tôi nghỉ lại bên đường, dưới một gốc cây to. Nắng không gắt, trời cũng không nóng lắm. Gió vẫn thổi nhè nhẹ. Chị đã lau khô mồ hôi. Tôi ngồi chờ chị, chợt nghĩ lung tung: Anh Hoàng thật hạnh phúc. Anh sẽ có chị, một người vợ dịu dàng, xinh đẹp. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt chị, đôi mắt ướt mà lúc nào cũng như có nét cười, với hai hàng mi cong rợp thế kia thì bao nhiêu mệt nhọc chắc cũng sẽ tan biến hết. Chợt thấy mình lại đỏ mặt, tôi vội đứng lên giục:
- Ta đi tiếp đi!
Vui chuyện, chị hỏi tôi ở Việt Nam có những loài hoa gì. Tôi bảo quê tôi bốn mùa hoa trái xanh tươi. Cao hứng lên, tôi kể về các em tôi ngày ngày đội bom đi học, về mẹ tôi đang công tác ở nơi sơ tán xa xôi, về các bạn tôi đang ở chiến trường. Đã là giữa nǎm 1966. Miền Bắc đã bắn rơi mấy trǎm máy bay Mỹ. Quá hào hứng tôi liền tuôn ra một câu hết sức chính trị: Hoa trái quê tôi bốn mùa xanh tươi, nhưng dù có phải đốt cháy cả giải núi cao nhất nước tôi là dãy Trường Sơn, chúng tôi cũng sẽ phải đánh thắng giặc Mỹ!
Chị nhìn tôi đǎm đǎm. Rồi chị khẽ nói:
- Đến ngày chiến thắng chắc cũng còn dài. Các anh đã phải hy sinh nhiều. Anh học xong, về nước cũng có khi còn phải ra trận.
- Tôi mong sẽ được ra tiền tuyến. Bạn bè tôi đã đi nhiều. Nhưng tôi tin họ sẽ trở về ngày chiến thắng.
Đường đèo ngày càng lên cao. Nắng đã gắt, nhưng có gió biển từ đâu đó thổi đến, đi không thấy nóng và mệt nữa.
- Chắc sắp đến đỉnh rồi đấy!
- Anh mệt à?
Chị móc túi áo ngực lấy ra đưa cho tôi một chiếc kẹo bạc hà. Tôi cầm chiếc kẹo trong tay, nó còn ấm hơi người chị. Tôi không dám bóc kẹo, cứ nắm khư khư, như sợ gió biển tò mò giật mất.
Đã nghe thấy tiếng sóng rì rào. Vài bước chân nữa thì tới đỉnh dốc. Gió ào ào thổi. Một cây thông lớn rủ bóng xuống đường đèo. Dưới kia là con dốc chạy ngoằn ngoèo và một khoảng trời lồng lộng. Xa xa là biển xanh. Chúng tôi thấy rõ những con sóng đang đập vào bờ đá tung bọt trắng xóa.
Chúng tôi lại ngồi nghỉ dưới bóng thông. Chị đang nhìn về phía biển. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, trên cổ chị. Lúm đồng tiền trên má chị hơi lõm xuống, hình như chị đang mỉm cười. Chị đang nghĩ gì, sao chẳng nói?
Rất lâu sau, chị đứng lên, quay lại nhìn tôi rồi khẽ giục:
- Ta về đi anh, muộn rồi. Trời nắng quá nhỡ cảm thì chết.
Tôi muốn ngồi đây mãi với chị. Nhưng tôi đã phải đứng lên. Một tiếng "vâng" thật khẽ. Sẽ chẳng còn bao giờ được nhìn thấy chị tươi trẻ, dịu dàng và thân thiết như lúc này. Cũng có thể sẽ không còn được gặp lại chị nữa. Thế là tôi đánh bạo hỏi chị, dù biết rằng có thể chẳng có ích gì:
- Nhà chị ở phố nào? Liệu sau này tôi có thể đến thǎm chị được không?
- Được chứ, anh cứ đến! Nhà tôi ở số 8 phố Biển Bắc.
Tôi nhớ ngay cái địa chỉ này.
Đường về cũng dài như lúc đi, nhưng xuống dốc. Cả chị và tôi hình như đều biết sắp đến lúc chia tay nên lại cố làm ra vẻ mệt, đi rất chậm và rất ít nói. Chợt chị dừng lại và rủ tôi rẽ xuống một đoạn suối nhỏ. Chúng tôi xuống suối. Bờ suối bên này có một vệ cỏ hẹp và vài bụi cây lúp xúp. Một cây hòe mọc sát chân đồi. Tôi và chị múc nước rửa mặt. Chị bảo: "Anh chờ tôi một lát!", rồi cởi giầy, lội sang bên kia suối, đi ngược lên đầu nguồn.
Tôi ngồi trên vệ cỏ, đến lúc này thì cảm thấy mệt thật sự. Gió hiu hiu thổi làm tôi buồn ngủ. Chờ mãi không thấy chị quay lại, tôi nằm luôn xuống bãi cỏ mềm, dưới tán lá cây hòe, thiu thiu mơ màng. Tôi đã mơ thấy chị trong bộ quân phục hải quân quen thuộc, một ngôi sao đỏ lấp lánh trên mũ, hai mảnh quân hiệu như hai lá cờ nhỏ trên ve áo. Tay chị cầm một bó hoa rừng, đứng bên anh Hoàng, khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc. Rồi chị cúi xuống người tôi, như muốn nói gì với tôi. Mùi da thịt người con gái dịu ngọt làm tôi ngây ngất. Nhưng tôi bỗng chợt tỉnh, vì hình như ai đó đang đứng rất gần và đang nhìn tôi thật. Mở choàng mắt ra, tôi gặp ngay đôi mắt chị đang nhìn tôi đǎm đắm. Quần chị sắn cao tới đầu gối, đôi bắp chân trần còn ngấn nước. Tay chị đúng là đang cầm một bó hoa nhỏ. Những bông hoa nhỏ xíu, nǎm sáu cánh xòe ra, màu tím hồng, đầu cánh có rǎng cưa, tựa như hoa cẩm chướng, nhưng nhỏ hơn. Cuống hoa rất dài và nhỏ, có đốt, những chiếc lá dài và nhọn như lá trúc.
Chị đưa bó hoa cho tôi:
- Tặng anh đấy! Tôi vừa tìm hái bên kia suối. Bây giờ hết mùa hoa rồi, nhưng ở quê tôi người ta bảo nếu cố tìm bên suối vẫn có một loài hoa nở muộn. Đó là loài hoa Thạch trúc này đây. Hoa Thạch trúc sẽ báo bình yên. Tặng anh và mong anh, gia đình anh và cả nhân dân Việt Nam sẽ được bình yên mãi mãi.
Mắt chị đã đỏ hoe. Tôi vội đỡ lấy bó hoa, không dám nhìn chị, đưa bó hoa lên ngang mặt, làm như muốn ngửi. Một mùi thơm rất nhẹ, dịu ngọt tỏa ra từ những cánh hoa, thoang thoảng trong không gian, trong gió biển mùa hè, hay trong những lời chị vừa nói.
Đường về còn rất ngắn, cả hai chúng tôi đều lặng lẽ bước đi. Hình như chẳng còn gì để nói, mà cũng hình như có quá nhiều điều không nói nên lời.
Sáng thứ hai, tôi làm thủ tục ra viện, đi chào khắp lượt mọi người quen. Nhưng tôi không sang chào chị, mà cũng chẳng thấy chị đâu.
* * *
Sau những biến cố của Cánh mạng Vǎn hóa mùa hè nǎm 1966, Đại sứ quán Việt Nam ra lệnh cho chúng tôi về nước. Cuối tháng mười chúng tôi sẽ lên tàu về Bắc Kinh. Còn mấy ngày nghỉ, chúng tôi tranh thủ đóng gói ít quần áo, sách vở vào va li, lòng nửa mừng nửa lo. Chúng tôi sắp được về Tổ quốc, gặp lại người thân, nhưng học hành thì sẽ dang dở. Nghe nói về nước, chúng tôi sẽ được bố trí vào các trường đại học ngay, một số sẽ tham gia quân đội. Các trường trong nước đang đi sơ tán, cuộc sống sinh viên thời chiến đang chờ tất cả chúng tôi.
Khi không còn việc gì để làm nữa, không hiểu sao tôi lại nóng ruột, và tôi nghĩ đến chị. Tôi xin phép đi thǎm lại viện điều dưỡng và lý do ấy được anh trưởng đoàn chấp thuận ngay, với một điều kiện: phải đi hai người. Thế là tôi rủ một cậu bạn đi cùng, sáng đi tối về.
Ra tới bến xe đầu thành phố thì thấy đông nghịt. Toàn một màu quần áo cỏ uá của Hồng vệ binh, lớn bé đang chen chúc, nhốn nháo, kẻ đi, người đến, không hiểu đi đâu về đâu. Cậu bạn bảo tôi: "Về thôi, đi làm sao được!" Tôi liều bàn cách: "Tớ biết đường rồi, lại rất muốn đi chào mọi người. Hay câu đi chơi đâu loanh quanh, chiều quay lại đây chờ tớ về cùng. Giúp tớ với nhé!" Cậu ta đắn đo một lát rồi đồng ý: "Thôi được, tớ ngại đi lắm. Tớ sẽ đi mua vài thứ lặt vặt, 5 giờ chiều sẽ đón cậu ở đây. Được không?" Nói rồi chúng tôi chia tay nhau.
Một mình chen vào được nơi quản lý bến xe mới biết người ta không bán vé. Xe phục vụ Hồng vệ binh đi "xâu chuỗi cách mạng", không mất tiền. Hỏi được tuyến xe về viện điều dưỡng, tôi chen bừa lên. Chỉ có chỗ đứng, nêm chật cứng. Mùi mồ hôi nồng nặc, mùi quần áo lâu ngày không thay giặt, mùi hơi thở của hàng trǎm con người phả vào mặt nhau, tất cả những cái đó cũng chả thấm vào đâu so với gần một trǎm cây số đứng mỏi nhừ chân, không có một khe hở nhỏ nào để thay đổi tư thế.
Đến đầu núi có một trường trung học, rất đông Hồng vệ binh đang la hét om sòm, khua chiêng đánh trống. Xe dừng, tất cả Hồng vệ binh nhảy xuống, ùa vào trường cùng tham gia hô khẩu hiệu. Thế là xe không chạy nữa. Không thể chờ xe khác, tôi đành lẽo đẽo đi bộ mấy cây số đường núi đến viện. Việc đầu tiên là tôi tới thǎm khu nhà ở cũ. Bác Triệu, anh Đặng và mấy người quen đều đã ra viện. Chỉ còn mấy cô y tá là nhớ tôi thôi. Bác sĩ Lưu nghe đâu cũng bị đấu tố là tư sản, đọc nhiều sách chuyên môn nên chỉ có chuyên mà không có hồng, đã bị đưa đi một nông trường rất xa để cải tạo. Tôi chào mọi người, nhìn lại cảnh cũ, lòng buồn rười rượi. Bệnh nhân giờ chỉ còn thưa thớt, chẳng một ai biết tôi. Ban giám đốc cũng bị chuyển đi đâu hết, người mới đến trông lạ hoắc. Biết tôi là người Việt Nam trước đã ở đây, nay tới chào, họ tỏ ra rất lạnh nhạt. Không thể hỏi thǎm về chị được, mà chắc gì chị còn ở đây trong lúc nhiễu nhương này, tôi định lại cuốc bộ về chỗ xe đỗ. Thế rồi tôi lững thững đi xuống con suối. Nước suối đã cạn nhưng rất trong, thấy rõ từng hòn đá cuội dưới đáy. Dòng nước trong lành này đã nuôi những cánh hoa Thạch trúc chị hái cho tôi.
Có tiếng ai gọi "Anh Nguyễn!" Tôi ngước nhìn lên phía trên. Từ khu nhà cũ, chị đang chạy xuống. Chị mặc bộ quần áo màu cỏ úa, hệt như các Hồng vệ binh. Cách tôi vài chục bước chân, chị dừng lại, thở hổn hển vì mệt. Tôi mừng quá, chạy lên đón chị, vừa chạy vừa nói một tràng như sợ không còn kịp nói:
- Chào chị, tôi tới đây để từ biệt chị! Mai kia tôi phải về Việt Nam rồi! Chị còn ở đây lâu nữa không? Bao giờ thì chị về Thanh Đảo?
- Anh ơi! Tôi còn về Thanh Đảo làm gì!
Tôi bảo chị ngồi nghỉ cho đỡ mệt. Chị ngồi xuống một tảng đá. Tôi ái ngại nhìn chị. Vẫn đôi mắt ngày nào, nhưng nay thâm quầng. Chị gầy đi nhiều.
Lát sau chúng tôi lại cùng đi trên con đường quen thuộc dẫn về phía núi. Chị kể mọi chuyện cho tôi nghe, như trút nỗi lòng với một người thân thiết nhất, bằng một giọng cố kìm nén, một câu chuyện ngắt quãng, lộn xộn, nhưng toàn những sự việc đau lòng:
Tháng tư bắt đầu có dán báo tường chữ to ủng hộ Cách mạng Vǎn hóa ở nơi bố chị giảng dạy. Tháng nǎm anh Hoàng yêu cầu chị tỏ rõ thái độ với ông cụ, khi đó đang bị nêu tên trên báo chữ to. Đến tháng tám, ông cụ bị Hồng vệ binh bắt, đưa đi làm cỏ vê ngoài sân vận động, phơi nắng phơi mưa suốt ngày, cho ǎn một cái bánh màn thầu không nhân và một khoanh củ cải, trước ngực và sau lưng đeo hai tấm bìa giấy viết chữ "yêu ma quỷ quái" và "tư sản phản động". Hơn tháng sau thì cụ mất, có lẽ vì quá đau đớn, suy sụp và đói khát. Rồi người ta bảo ông cụ tự tử để chống đối cải tạo. Họ đem chôn ông cụ ngoài thành phố. Chị không được về đưa ma cụ. Đơn vị gọi chị về bắt làm kiểm điểm. Chị đã buộc phải viết theo ý họ để được yên thân. Rồi chị ngã bệnh. Họ lại tống chị vào viện, cho chạy chữa ít ngày rồi sẽ điều đi cải tạo. Người ta còn bắt chị đổi tên: Vương Mỹ Anh là tên bọn đế quốc Anh, Mỹ phản động, phải đổi lấy tên khác. Anh Hoàng tuyên bố cắt đứt với chị. Anh ta còn quy cho chị có quan hệ thân thiết với tôi, một người Việt Nam "đít ngồi hai ghế". Chắc vì chị đã kể với anh về tôi. Thằng em chị cạo trọc đầu, cũng tuyên bố không còn bố con, chị em gì nữa. Nó đã là Hồng vệ binh, người cách mạng triệt để, đang lang bạt đi xâu chuỗi ở nơi nào chẳng rõ. Nhà chị ở Thanh Đảo đã bị tịch biên. Thế là gia đình chị tan nát. Người ta bảo chị sẽ phải đi giáo dục lại ở nông thôn, hoặc lên vùng Bắc Đại Hoang, một khu hoang sơ mênh mông ở miền Bắc.
Chị ơi, chị kể thêm nữa làm gì? Tôi nghe chị kể mà lòng quặn thắt lại. Tại sao? Tại sao lại thế? Câu hỏi ấy cả chị, cả tôi, cả biết bao người đều không thể trả lời và không được trả lời. Chúng tôi sẽ trở về Việt Nam, nhưng còn chị và cả lớp người như chị rồi sẽ phải chịu bao đau khổ nữa? Đến bao giờ và ai sẽ trả lời cho chị, cho nhân dân chị? Sau lưng chị là những biến cố khổ đau, trước mắt chị sẽ là chặng đường dài chông gai và cái gì đang đợi chị? Chị không biết, mọi người không biết, tôi lại càng không thể biết! Mắt tôi nhòa lệ, chợt nhớ tới hình ảnh chị trong mơ: vẫn khuôn mặt thân quen với lúm đồng tiền, bộ quân phục và ngôi sao trên mũ, nhưng trên tay chị không có hoa, bên cạnh chị không có anh Hoàng. Chị đang chìa tay về phía tôi, hình như muốn tôi nắm lấy bàn tay ấy. Tôi chợt nghĩ: Tháng mười rồi, tìm đâu ra một bông hoa Thạch trúc để tặng chị đây? Những bông hoa chị tặng tôi ngày nào, tôi đã giữ lại và ép trong một cuốn sổ. Mùi hương đã không còn, nhưng sắc hoa vẫn thắm. Hoa đã khô, nhưng mãi mãi không thể héo tàn! Tôi vội nói:
- Hoa chị tặng tôi vẫn còn giữ. Tôi sẽ tìm cách gửi lại cho chị một bông. Khi nào về Thanh Đảo chị cứ qua nhà cũ. Tôi sẽ gửi lại đấy cho chị. Nhất định sẽ có ngày chị trở về. Tôi tin chắc như thế, cũng như chị đã tin là tôi sẽ được bình yên.
Đến lúc này thì chị nghẹn ngào, lấy khǎn tay lau nước mắt. Chị vẫn đứng trước mặt tôi, tức tưởi, rồi đột nhiên chị oà khóc và ôm lấy tôi. Tưởng như chị sắp khuỵu xuống, tôi vội đỡ lấy lưng chị. Đôi vai gầy nép sát vào ngực tôi, chị khóc như chưa từng được khóc, như đã bị dồn nén từ lâu lắm. Nước mắt nóng hổi của chị ướt đầm vai áo tôi. Người chị run lên, nức nở. Chẳng nói được lời nào, tôi vuốt ve đôi vai chị rồi nâng mặt chị lên, vuốt tóc chị. Mái tóc cũng đẫm nước mắt. Lần đầu tiên trong đời, tôi đang ôm trong tay một người con gái. Bất giác, tôi gọi chị bằng tên: "Mỹ Anh, đừng khóc nữa! Biết làm sao được! Rồi mọi sự sẽ qua thôi!". Chị ngước nhìn tôi, đôi mắt đẫm nước, rồi chị thầm gọi: "Anh ơi! Em sợ! Rồi sẽ ra sao đây? Em sợ!". Cũng lần đầu tiên chị đã gọi tôi bằng anh và thế là chị đã xưng em. Vào lúc này đây, tôi rất muốn nói một lời âu yếm, nhưng ngôn ngữ nước chị khó để cho tôi gọi được chị bằng em. Mà làm sao tôi có thể? Tôi nhắc đi nhắc lại được đúng một câu: "Mỹ Anh! Hoa Thạch trúc sẽ báo bình yên! Hoa Thạch trúc sẽ báo bình yên!"
Thế là chúng tôi chia tay nhau mãi mãi. Biết bao lần tôi đã cố quên đi hình ảnh người con gái tay còn ôm mặt nức nở chạy ngược lên đồi, và cũng biết bao lần tôi thầm mong được thấy lại hình ảnh chị như trong giấc mơ ngắn ngủi của tôi.
Hai hôm sau, tôi mang những bông hoa ép tìm đến nhà chị, mong có thể gửi được ai đó chuyển cho chị. Đường đến phố Biển Bắc đi qua một khu biệt thự rất đẹp giờ đã trở thành hoang vắng. Giữa phố là một giải đất hẹp có rào thấp, trồng hoa, nay cỏ mọc um tùm. Vài nụ hồng sài đẹn vẫn nở, heo hắt và ngơ ngác giữa đám cỏ. Cuối phố là một hồ sen nhỏ, đã tàn từ lâu. Vài cọng sen đen đúa, khẳng khiu, gẫy gục trên mặt nước váng đầy rêu.
Tìm đến nhà số 8, tôi gõ vào cánh cổng gỗ đang mở. Từ bên trong có hai người đi ra. Một người mặc quân phục màu cỏ uá, tay đeo bǎng đỏ, khoảng ngoài ba mươi tuổi, mặt đỏ như gà trọi. Người kia trẻ hơn, mặc quần bộ đội, áo đại cán màu ghi, đầu húi cua, tay lǎm lǎm một khẩu súng trường, mặt đằng đằng sát khí. Trong nhà thấp thoáng bóng mấy đứa Hồng vệ binh khoảng mười lǎm, mười sáu tuổi, cả trai cả gái đang cười đùa gì đó. Tay trẻ hơn hất hàm:
- Hỏi gì?
Tôi cố lễ phép:
- Thưa đồng chí, tôi hỏi đây có phải nhà chị Vương không ạ?
- Làm gì có Vương nào! Nó bị đuổi đi lâu rồi!
- Tháng trước chị ấy có về qua đây không ạ?
- Không! Mà hỏi làm gì?
- Tôi là bạn chị ấy, tôi muốn nhờ người chuyển cho chị ấy một cái phong bì.
- Không được thư từ!
- Tôi chỉ muốn gửi tặng chị ấy quà kỷ niệm.
- Cái gì? đưa xem!
Còn một chút hy vọng, tôi vội rút từ trong sổ tay ra một chiếc phong bì nhỏ, trong để sẵn bông hoa ép, rồi đưa cho anh ta, nhưng chợt hiểu mình đã mắc một sai lầm.
Anh ta mở phong bì, nhìn thấy bông hoa Thạch trúc của tôi liền quát;
- Xéo ngay! Quân tư sản lãng mạn chúng mày xéo ngay! Mày lên Bắc Đại Hoang tìm nó mà tặng hoa héo! Nói rồi hắn trừng mắt nhìn tôi, ném cái phong bì xuống đất. Bông hoa nhỏ vǎng ra. Chiếc giầy vải màu cỏ uá bẩn thỉu của hắn đạp mạnh lên bông hoa của tôi. Những cánh hoa khô gãy vụn. Chiếc phong bì nhàu nát dưới chân hắn. Tên già hơn và lũ trẻ trong nhà ngó ra cười hô hố.
Tôi cúi xuống nhặt lại mấy cánh hoa, vừa kịp bỏ vào túi áo ngực thì nhận ngay một cú đá vào mạng sườn. Tôi loạng choạng lùi lại và ngã bệt xuống đường. Bọn kia chắc thấy tôi như người lẩn thẩn nên đóng sầm cổng lại. Gượng đứng lên, tôi lảo đảo bước đi. Cẳng chân bị thương giờ lại đau dữ dội. Đúng lúc đó, cách đấy mấy nhà có một bà cụ già hé cửa nhìn ra đường. Tôi ghé lại bên cụ, chưa kịp nói gì cụ đã hỏi khẽ tôi:
- Khổ thân, cậu tìm ai mà để bị chúng nó đánh cho đau thế?
- Cụ có biết nhà cô Vương không ạ?
- Nhà ấy bị tịch thu, bố chết, em thì đi biệt tích. Bữa trước cô ấy có về, bị ốm lắm, nghe nói nay phải lên Bắc Đại Hoang.
- Vâng ạ! Cháu là bạn cô Vương, từ Việt Nam đến đây, cháu muốn nhờ cụ chuyển giúp cháu cho cô ấy một vật nhỏ. Bao giờ cô ấy về qua, xin cụ đưa hộ cháu và bảo rằng cháu sẽ mãi mãi cầu chúc cho cô ấy được bình yên.
- Nếu già này còn sống mà cô ấy trở về, già sẽ chuyển cho cậu.
Tôi cảm ơn cụ, xé một tờ giấy trong sổ, gấp lại và để vào trong đó tất cả những bông hoa còn lại rồi đưa cho cụ:
- Hoa Thạch trúc đấy cụ ạ!
Cụ gật đầu, cầm tờ giấy, ngó trước ngó sau rồi bảo tôi:
- Thôi cậu đi đi!
Tôi nghẹn ngào tập tễnh quay về, nước mắt lưng tròng. Bông hoa nát trong túi ngực dường cũng đang thổn thức như trái tim tôi, và nó đang rỉ máu. Phải chǎng tôi, đứa con trai chưa đầy hai mươi tuổi, đã yêu? Không! Nguyên tắc không cho phép lưu học sinh có quan hệ yêu đương với người nước ngoài. Chị lại hơn tôi hai tuổi. Mà chị đâu có yêu tôi? Chắc chắn chị đã từng rất hạnh phúc với anh Hoàng. Chị chỉ quý mến Việt Nam và có thể chị đã thương tôi, như với một người em hay một người bạn. Chị đã từng lo cho tôi, cho chúng tôi, động viên, an ủi và giúp đỡ tôi như với đại diện của một dân tộc đang "cùng chung chiến hào chống Mỹ". Vậy mà vào lúc tột cùng đau khổ, chị đã khóc với tôi, chị đã gọi tôi. Số phận đã khéo sắp đặt để chúng tôi đã từng chung vui và chia khổ. Tôi chợt thấy hạnh phúc đã được ở bên chị. Và tôi vẫn tin sẽ có ngày chị nhận lại được bông hoa Thạch trúc đã giành cho tôi.
* * *
Ba chục nǎm trôi qua, tôi đã tưởng quên chuyện ngày xưa. Mùa hè nǎm nay, tôi ở trong một đoàn càn bộ Việt Nam sang thǎm Bắc Kinh. Thành phố đã đổi thay nhiều. Công cuộc cải cách, mở cửa của bạn, cùng với sự phục hồi và cải thiện quan hệ hai nước thấy rõ qua sự đón tiếp nồng hậu và nhiệt tình. Từ Hồng Kông bay tới Bắc Kinh, chúng tôi được bạn ra đón và đưa về nghỉ ở khách sạn. Bạn cho biết: Bắc Kinh có rất nhiều khách sạn sang trọng, nhưng sẽ xếp cho chúng tôi ở một khách sạn cỡ trung bình, rất đẹp và gần nơi làm việc. Khách sạn tên là Thạch Trúc, cái tên không gợi nhớ điều gì đối với tôi.
Tới cổng khách sạn, anh em còn đang thu xếp hành lý từ trên xe xuống. Tôi được cử vào trước nhận phòng. Bước vào tiền sảnh, tôi trông thấy ngay trên bức tường đối diện có treo một bức tranh sơn dầu cỡ lớn. Cảnh trong tranh tôi không thể nào quên!
Tranh vẽ một con đường nhỏ quanh co dẫn vào trong núi. Hai bên đường là những dặng núi đầy thông xanh. Phía sau cùng là một dãy núi đá cao sừng sững. Cảnh của mùa hè, nắng vàng và trời trong. Vài gợn mây trắng phía trên cao. Phía dưới, uốn lượn theo con đường là một dòng suối nhỏ, đôi mỏm đá nhô khỏi mặt nước. Ngay ngoài cùng bức tranh là một thảm cỏ hẹp xanh mướt dưới bóng một cây hòe. Bên kia bờ suối, đối diện với thảm cỏ là một vạt hoa Thạch trúc đang nở rộ. Tôi tưởng như còn thấy cả mùi hương dịu ngọt quanh đây. Ôi! Cánh hoa Thạch trúc của chị, cánh hoa Thạch trúc của tôi! Có nǎm chữ thảo ở góc phải bức tranh: Thạch trúc báo bình yên! Tôi biết người xưa có câu thơ Trúc báo bình yên, làm gì có thạch trúc! Chắc chỉ có người Thanh Đảo mới viết như vậy. Quá khứ đã rất xa lại hiện về như mới ngày nào. Tôi đã từng nằm trên thảm có xanh mát rượi, cũng dưới bóng cây hòe, và đã mơ thấy chị. Thế là tôi nhớ đến chị!
Hoa Thạch Trúc bên đường núi - Tranh của Nguyễn Tuấn Khoa |
Thu xếp xong mọi việc, tôi vội xuống ngay bàn phục vụ tìm nhân viên đón tiếp. Tim tôi đập rộn, miệng khô khốc như sắp bước vào phòng thi. Tôi hỏi:
- Khách sạn xây dựng lâu chưa anh?
- Nǎm sáu nǎm rồi, thưa ông.
- Bức tranh đẹp quá! chắc họa sĩ nào vẽ tặng, hay là ...
Tôi chưa nói hết câu thì anh ta đã đáp:
- Tranh này do giám đốc công ty chúng tôi mang từ Thanh Đảo về đấy. Đây là cảnh vùng Thanh Đảo. Chúng tôi có bốn nǎm khách sạn cùng mang tên Thạch Trúc xây ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh, ... nhưng cái to nhất hiện nay là ở Thanh Đảo. Ở đâu cũng treo bức tranh như thế này.
- Tôi trước đã ở Thanh Đảo, chắc giám đốc của các anh cũng người Thanh Đảo?
- Vâng, giám đốc Vương còn rất yêu hoa Thạch trúc. Ông có đọc được mấy chữ kia không? Đấy là lời chúc quý khách bình yên.
- Tôi đọc được: Thạch trúc báo bình yên! Chắc đây là chữ ông Vương?
- Giám đốc Vương là phụ nữ!
Ôi! Đúng là chị rồi! Tôi hỏi ngay:
- Bà ấy tên là Mỹ Anh phải không?
- Đúng vậy! Sao ông biết? Ông quen giám đốc Vương ạ?
Phải mấy phút sau tôi mới trấn tĩnh lại được. Tiếp tục câu chuyện, tôi được biết chị đang ở nước ngoài, đang đàm phán xây dựng một tổ hợp khách sạn mang tên Thạch Trúc ở đâu đó.
Quay lên phòng, đầu óc mông lung, tôi đứng bên cửa sổ, nhìn xuống những dòng xe cộ nhộn nhịp dưới đường. Trong những dòng người ấy không có chị. Tôi không thể gặp lại chị được. Nhưng tôi đã nhận ra điều cốt yếu nhất: Chắc chắn chị đã vượt qua được mọi gian nan của những nǎm tháng biến động kinh hoàng, chắc chắn chị còn nhớ tới bông hoa Thạch trúc, chắc chắn chị đã trở về Thanh Đảo và ngôi nhà xưa của chị, nhiều nǎm qua và giờ đây chị đã được bình yên, hạnh phúc. Hình như tôi cũng thầm reo lên trong lòng: Liệu có thể nào chị đã nhận được những bông hoa ép của tôi ngày ấy? Liệu có khi nào chị đã nhớ đến tôi không?
Nguyễn Tuấn Khoa
(Trích từ tập truyện 100 truyện ngắn hay Văn Nghệ Quân đội)
Đọc mà như được trải nghiệm cùng tác giả với những năm tháng ở mảnh đất có loài hoa Thạch Trúc với mùi thơm dịu nhẹ ngọt của nó với những chi tiết lãng mạn và thương đau. Thật may cái kết có hậu hơn cũng làm người đọc thấy nhẹ nhõm đôi chút. Thực lòng cầu mong tác giả gặp lại người tặng hoa Thạch Trúc, loài hoa báo bình yên.
Trả lờiXóa