Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Ca khúc Trung Quốc "Khát vọng" lời Việt

Xin giới thiệu ca khúc chủ đề Phim "Khát vọng" (Trung Quốc), do Nguyễn Tuấn Khoa dịch lời Việt và trình bày:
Dưới đây là video để hát karaoke tiếng Việt:

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Ươm mầm tài năng

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xin giới thiệu lại một bài viết hay về nền giáo dục: "Ươm mầm tài năng" của Nhà báo Vũ Công Lập, đã đăng trên Tuổi trẻ số Tết 2011.

Tuổi Trẻ Xuân 2011  
Tài năng là của riêng mỗi người, nhưng cũng là tài sản chung của cả xã hội. Phát hiện và nuôi dưỡng tài năng là một nhiệm vụ của ngành giáo dục, điều mà chúng ta từng làm rất tốt trong nhiều năm trước, ngay cả khi vô cùng khó khăn về cơm áo lẫn bom đạn. Một bài học rất đáng suy nghĩ trong năm 2010, khi giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields.
Vun trồng tài năng là việc của mọi người và mọi thời - Ảnh: Thuận Thắng
Vào năm 1959, tôi học lớp 6 ở Trường cấp II Trưng Vương, cũng là ngôi trường sau này Ngô Bảo Châu theo học, nằm ở góc phố Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Một buổi chiều, lũ trẻ chúng tôi được tập trung để nghe nói chuyện. Diễn giả hôm ấy là thầy Nguyễn Đình Tứ, vừa từ Trung Quốc trở về.
Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói đến phóng xạ, hạt nhân, nguyên tử, hạt cơ bản… Dù không hiểu được nhiều nhưng tất cả chúng tôi đều say sưa, tất cả chúng tôi đều hăm hở. Và hầu như ai cũng có một khao khát, chỉ có điều là không ai dám nói ra mà thôi. Hơn nữa, chúng tôi thấy một nhà khoa học là người Việt Nam, trẻ trung và hấp dẫn vô cùng.
Sang năm 1960, thầy giáo dạy toán Vũ Tế Kỳ nói với cả lớp về một kế hoạch đào tạo đặc biệt. Thầy bảo đang có kế hoạch chọn ra những em học sinh giỏi nhất, để tập trung đào tạo theo yêu cầu cao hơn, để ươm mầm những tài năng sau này phục vụ đất nước. Cái hăm hở năm trước như càng hối hả hơn, cho dù chưa ai biết việc chọn học sinh giỏi hay dạy học sinh giỏi sẽ thực hiện như thế nào. Riêng ở lớp do thầy Kỳ phụ trách, có phong trào giải một bài toán bằng nhiều cách.
Đề toán do học sinh tự chọn. Tôi còn nhớ kỷ lục của lớp tôi năm ấy thuộc về Phan Quốc Khánh, với 28 cách giải khác nhau cho một bài toán hình học. Bây giờ Khánh là Giáo sư - Tiến sĩ khoa học, nguyên Hiệu trưởng Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, đã nghỉ hưu và đang giảng dạy ở Mỹ. Cái hay của lớp tôi ngày ấy là có rất nhiều bạn tham gia cuộc thi toán đơn giản đó, rất vui.
Tới năm chúng tôi học lớp 8, khoảng năm 1962-1963, bắt đầu có phong trào thi học sinh giỏi. Thi nhiều môn lắm, có toán, văn, lý, hóa, sinh học, ngoại ngữ. Và thi cũng thực tế, cũng đơn giản: chỉ khoảng 15-30 phút trước mỗi giờ học thường ngày. Chưa có luyện thi, chưa có bồi dưỡng hay lựa chọn gì rắc rối. Nhưng khí thế rất sôi nổi và rầm rộ.
Về sau có thi trường, thi cấp thành phố, rồi thi học sinh giỏi toàn miền Bắc, chỉ hai môn toán và văn. Năm 1964, lớp 10E Trường Trưng Vương 3A chúng tôi có bạn Nguyễn Tuấn Khoa giành giải ba miền Bắc khi không có giải nhất và giải nhì. Nghĩa là đứng đầu. Nguyễn Tuấn Khoa là con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm, sau này anh còn đoạt giải ba cuộc thi truyện ngắn của Văn Nghệ Quân Đội, dù anh là Viện trưởng Viện Thông tin Y học của Bộ Y tế.
Năm 1967-1968, khi tôi học năm thứ 4 ngành vật lý lý thuyết, khoa lý Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi được chứng kiến một lớp tài năng thật sự. Đó là lớp toán đặc biệt, ký hiệu là lớp A0. Chúng tôi chiêm ngưỡng các bạn học A0 bằng một cái nhìn nể phục, hơi chút ghen tỵ và với rất nhiều hi vọng. Từ lứa này đã sinh ra hàng loạt tên tuổi lớn của toán học Việt Nam.
Riêng tôi chỉ có cơ hội tiếp tục làm việc với một người - anh Vũ Duy Mẫn, là phó giáo sư công tác ở Viện Tin học, Viện Khoa học Việt Nam, sau chuyển sang Mỹ làm việc tại Liên Hiệp Quốc. Anh Mẫn không theo đuổi khoa học nhưng là người dịch hai cuốn sách nổi tiếng rất thành công: Bài giảng cuối cùng (R. Pausch) và Chuyển đổi lớn (N. Carr). Đó là những cuốn sách của Nhà xuất bản Trẻ rất có tiếng vang. Khi tôi trao đổi với Vũ Duy Mẫn, không khí lớp toán A0 ngày xưa lại hiện về với những dấu ấn không bao giờ phai nhạt.
Trường đại học Tổng hợp ngày ấy sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên. Chúng tôi ở nhờ nhà dân, đi rừng chặt nứa, chặt gỗ về tự làm nhà, đóng lấy bàn ghế, rồi đào hầm tránh tàu bay, tăng gia sản xuất. Các thầy cùng sinh viên ì ạch khiêng thiết bị thí nghiệm lên núi cao. Nhưng Trường Tổng hợp ngày ấy có một sự say mê đến lạ lùng.
Chúng tôi say mê các thần tượng của mình (các thầy giáo) như các bạn trẻ bây giờ mê mẩn các ngôi sao ca nhạc (!). Chúng tôi kể các huyền thoại về các thầy (thầy Hoàng Tụy khoa toán, thầy Hoàng Phương khoa lý…) và đứng trông theo cả mỗi bước đi của các thầy. Chúng tôi kể cho nhau nghe về Trường Lomonosov, nơi chưa một ai được đặt chân đến, nhưng ai ai cũng ao ước dù chỉ một lần được nhìn qua ngọn đồi Lênin ở đó…
Với tất cả chúng tôi ngày đó, bác Bộ trưởng Tạ Quang Bửu là một huyền thoại trên mọi huyền thoại. Những ngày nghe tin bác lên trường, cứ có cảm tưởng như thần tiên hạ giới. Rồi thấy bác đi cùng các nhà khoa học hàng đầu thế giới, phăm phăm lội suối, phăm phăm lên rừng, nói chuyện về toán học, về vật lý, về sinh học…
Trong tình cảm ngày ấy có nhiều cái còn nông nổi, còn trẻ con, nhưng thật sự là trong mỗi sinh viên đói ăn luôn cháy một niềm mơ ước, tạo ra sự say mê và quyết tâm ngấm ngầm làm nên một điều gì đó. Sau này đi thi nghiên cứu sinh, chúng tôi đã trải qua những ngày cực kỳ căng thẳng. Bác Tạ Quang Bửu là người vô cùng nghiêm khắc khi quyết tâm đảm bảo chất lượng thật sự cho những kỳ thi, không đầu hàng bất cứ sức ép nào, để chúng tôi hiểu rằng làm khoa học là cực khổ và gian nan lắm, đòi hỏi những người thật sự có khả năng.
Đó là ơn huệ chúng tôi nhận được từ nền giáo dục Việt Nam suốt hơn 50 năm qua. Trong lứa chúng tôi, không ai được như Ngô Bảo Châu, như nhiều nhà khoa học tài danh khác, nhưng đó là khóa 9 của Đại học Tổng hợp, Bách khoa hay Nông nghiệp, lứa chúng tôi có nhà văn Chu Lai, có nhà toán học Phan Quốc Khánh, có dịch giả Phạm Văn Thiều, nhà vật lý lý thuyết Nguyễn Văn Liễn, nhà sử học Dương Trung Quốc… Chúng tôi là những hạt giống đã được phát hiện và được ươm trồng.
Nói tài năng thì hình như là hơi to tát quá. Vì tài năng chỉ một số không nhiều người có. Nhưng chắc chắn rằng mỗi chúng ta đều có một khả năng thật sự nào đó. Phát hiện ra khả năng đó, hun đúc với lòng khát khao, sự say mê để trau dồi khả năng đó, và quyết tâm đem khả năng đó ra để chứng tỏ mình, để làm một cái gì đó cho mình và vì mọi người, có lẽ lại là việc của mọi người và mọi thời.
VŨ CÔNG LẬP

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Động vật và khoáng vật làm thuốc

"Động vật và khoáng vật làm thuốc" là cuốn sách của Nguyễn Tuấn Khoa sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản Y học xuất bản năm 2010.

Điều trị bệnh bằng y học cổ truyền đã hình thành, phát triển, tồn tại từ trên 2000 năm nay trong quá trình phát triển của loài người và vẫn được minh chứng là một cách điều trị bệnh có hiệu quả, nhất là đối với những bệnh mạn tính.

Trong quá trình điều trị bệnh có thể dùng thuốc và không dùng thuốc. Dùng thuốc thì chủ yếu là các vị thuốc có nguồn gốc thiên nhiên như nhiều loại cây cỏ, hoa lá, động vật và một số loại khoáng vật. Đặc biệt là một số loại động vật và khoáng vật này lại có tác dụng rất hữu hiệu trong nhiều bệnh tưởng chừng như rất khó chữa.

Tác giả Nguyến Tuấn Khoa, có nhiều năm công tác trong lĩnh vực thông tin y học và nghiên cứu nhiều về Trung Quốc, nơi có nền y học cổ truyền được cho là lâu đời và đặc sắc nhất thế giới đã sưu tập và biên soạn một số loại động vật và khoáng vật được dùng làm thuốc có hiệu quả để giới thiệu thêm vào kho tàng sách về loại thuốc y học cổ truyền được dùng vào điều trị bệnh ở Việt Nam.

Cuốn sách này rất hữu dụng cho việc nghiên cứu và ứng dụng một số loại dược liệu sẵn có tại Việt Nam, có thể nuôi trồng và thu hoạch để cung cấp cho thị trường dược liệu rất đa dạng và phong phú phục vụ nhu cầu chữa bệnh của nhân dân và là tài liệu tham khảo hữu ích cho mọi người, nhất là các thầy thuốc hành nghề về y học cổ truyền.

Nhà xuất bản Y học trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

ĐỘNG VẬT VÀ KHOÁNG VẬT LÀM THUỐC
ĐỘNG VẬT

1. Bạch bối xỉ


Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Bạch bối xỉ.
Tên La Tinh: Monetaria annulus Linnaeus.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là vỏ sò vòng nhăn làm tiền cổ (Hoàn Văn Hóa Bối).
Nơi sản xuất: Có nhiều tại biển Đông và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Thu nhặt chế biến: Suốt năm lúc nào cũng thu nhặt được, sau khi thu tập để cho chết, để thịt thối rữa sau đó lấy nước dội rửa hết thịt nát, lấy vỏ sò đen sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này trông giống hình trứng, vỏ dài 1,2 – 2,5 cm, chiều rộng ước 2 cm, cao ước 1,5 cm, vùng giữa phần lưng nổi lên, chung quanh hơi thấp bằng, mặt trước như sứ, màu vàng hoặc màu xám trắng, phần lưng hình bồ dục cuộn xoắn có màu vàng chanh. Hai bên miệng sò đều cuộn vào trong, miệng sò mở toác có 10-14 đôi khía răng. Không mùi, không vị. Dược liệu tốt thì sắc trắng, bóng bảy, nhỏ con.
Tính vị công dụng: Mặn, bình. Vào kinh can. Thanh tâm an thần, bình can minh mục. Dùng khi run sợ, tâm phiền mất ngủ, trẻ nhỏ ban sởi, mắt đỏ kéo màng. Liều lượng thường dùng 6-12g.

2. Bạch cáp thỉ

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Bạch cáp thỉ.
Tên La Tinh: Columba livia domestica Linnaeus.
Tên khác: Tả bàn long.
Nguồn gốc: Phân khô chim bồ câu nhà, động vật thuộc họ Bồ câu (Cưu cáp khoa).
Nơi sản xuất: Đại bộ phận các nơi đều nuôi.
Thu nhặt chế biến: Ngày nắng ráo thu nhặt phân bồ câu trưởng thành trong chuồng chim, chọn bỏ tạp chất rồi sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này là các tảng tròn hoặc hạt, đường kính mảng là 1,2- 2 cm. Nguyên vẹn thì có thể thấy sợi phân tròn quấn về trái, cho nên gọi là Tả bàn long, bên ngoài màu trắng xám và lục xám lẫn máu, thường dính các lông vũ thành hột thóc, chất ròn dễ vỡ. Mùi tanh, hơi thối, vị mặn. Dược liệu đẹp thì hột to, ít vỡ vụn.
Tính vị công dụng: Mặn, ngọt, hơi ôn. Khu phong, tiêu thũng, sinh tân, sát. Dùng khi trong bụng có cục, tràng nhạc thương thũng, sản hậu tiêu khát. Liều lượng thường dùng 10-30g. Lúc dùng nên sao chế.
Phụ chú: Vị thuốc này dân gian thường dùng khi sản hậu choáng váng, miệng khát, ăn vào không tiêu. Lấy dược liệu sạch cho vào nồi đất sao đến khi vàng sẫm, lúc nóng cho thêm chừng 150g nước sắc uống nóng, công hiệu càng rõ rệt hơn.

3. Ban miêu

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Ban miêu (sâu trên cây đậu đen).
Tên La Tinh: Mylabris phalerata pallas hoặc Mylabirid cichorii Linnaeus.
Tên khác: Sâu Đậu.
Nguồn gốc: Thân phơi khô của Nam phương đại ban miêu hoặc Hoằng hoắc tiểu ban miêu, động vật họ Nguyên thanh.
Nơi sản xuất: Có nhiều ở Việt Nam, ở Hải Nam, Quảng Tây, An Huy, Giang Tô, Hồ Nam, Quảng Đông của Trung Quốc.
Thu nhặt chế biến: Mùa hạ, mùa thu bắt lấy trên đồng, bắt được rồi thì ủ chết hoặc dội nước sôi cho chết, sấy khô hoặc rang khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này hình tròn dài, đại ban miêu thì dài 1 - 2,5 cm, ngang 0,5 - 1 cm, tiều ban miêu thì khá nhỏ, dài chừng trên dưới nửa phần của đại ban miêu. Đầu hình tam giác, sắc đen, mắt kép to, hình bán cầu, một đôi râu xúc giác, thường rụng; ở lưng có một đôi cánh, vẩy túi, sắc đen, trên có ba đường vằn ngang sắc vàng hoặc tía, dưới cánh vảy túi có hai lá vảy bên trong suốt kiểu màng mỏng sắc tía; ngực và bụng sắc đen sẫm, ở ngực có 3 đôi chân. Có mùi hôi rất đặc biệt. Dược liệu tốt thì nguyên vẹn, vằn hoa tươi sáng. Nguyên con khô, to, không sâu mọt là tốt.
Tính vị công dụng: Cay, nhiệt. Vào các kinh can, vị, thận. Tất độc. Phả huyết tiêu độc, công độc nhọt sang. Dùng để điều trị tràng nhạc, ung thũng có hòn có cục, lở nhọt lâu ngày, ác sang. Lượng thường dùng 0,03 - 0,06 gam, sau khi bào chế thì sắc uống hoặc chế hoàn tán mà dùng. Dùng ngoài với liều lượng thích hợp, nghiền bột hoặc tẩm rượu dấm hoặc chế thành dầu cao bôi vào chỗ bệnh.
Phụ chú: Vị thuốc này cần phải qua bào chế, khử đầu, chân, vây cánh, sau đó sao cùng với gạo cho đến vàng, lấy ra khử bỏ gạo mà dùng.
Theo y học cổ truyền Việt Nam: Chỉ dùng thân, nên bỏ đầu, chân và cánh vì có cạnh sắc. Lấy gạo nếp tẩm ướt trộn với thân Ban miêu, sao lên cho vàng là được. Khi dùng có thể dùng ban miêu bỏ gạo nếp, hoặc dùng gạo nếp bỏ ban miêu (bệnh nhẹ), rồi tán bột trộn với các thuốc bột khác. Dùng để bôi ngoài. Cũng có thể chỉ bỏ đầu và bỏ ruột (bấu đốt sau cùng rồi rút ra, ruột sẽ ra theo). Khi dùng, sao với gạo nếp 1 - 2 lần để giảm ngộ độc. Nếu cơ thể yếu, bệnh nặng không nên dùng. Kỵ dùng với Ba đậu, Đan sâm và Cam thảo.

4. Báo cốt


Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Báo cốt.
Tên La Tinh: Panthera pardus Linnaeus.
Nguồn gốc: Bộ xương khô của con Báo Kim Tiền, động vật họ Mèo.
Nơi sản xuất: Chủ yếu tại vùng Đông Bắc, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây và Thanh Tạng.
Thu nhặt chế biến: Phần nhiều săn bắt về mùa đông, giết báo lấy xương, khử sạch thịt, gân, màng, đem bộ xương phơi ở chỗ gió lạnh cho khô.
Tính chất vị thuốc: Toàn bộ khung xương cứ theo tự nhiên mà có thể chia vị trí, gồm đầu, xương cổ, ngực, xương sườn, xương ức, cột sống lưng, sống đuôi, bả vai, móng trước, móng sau, bụng chân, đùi, vế, bánh chè, cẳng tay, xương cùng, cẳng chân... mười chín loại hợp thành. Xương đầu hình tròn dài, môi hẹp hơn, chất xương mỏng, xương trán dô lên, răng khá nhỏ, lâu ngày màu rỉ, sắc nhọn, răng trắng hình chóp, xương bốn chân nhỏ dài hơi mỏng, xương cẳng trước mỗi bên có xương bả vai bán nguyệt dạng quạt, đầu chót dưới xương chân trước dài mà hẹp, có các lỗ ống gần như hình dây, gọi là phượng nhãn, mép xương dày hơi hình cung, trước dày sau mỏng, dây tuỷ xương có dạng dưa leo. Xương đuôi nhỏ, có tới 36 đốt. Mùi tanh, vị hơi mặn. Dược liệu tốt thì khung xương to, thể nặng, chất rắn, sạch hết gân thịt.
Tính vị công dụng: Cay, ôn. Vào các kinh can, thận. Mạnh gân cốt, khử phong thấp, chỉ thõng . Dùng trong trường hợp khớp xương gân cốt đau nhức, lưng vẽ yếu nhũn vô lực. Liều lượng thường dùng 10 - 15 gam. Sao chế làm thuốc.
Phụ chú: Vân báo Neofelus nebulosa Griffith cũng dùng bộ xương làm thuốc gọi là Cốt báo, công dụng như vị thuốc này.

5. Can thiềm

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Can thiềm.
Tên La Tinh: Bufo melanostictus Schneider.
Tên khác: Thiềm thừ can, Cáp mạc can.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là toàn thân khô của cóc đen (Hắc khuông thiềm thừ) thuộc họ động vật thiềm thừ bỏ nội tạng, da hoặc da ngoài.
Nơi sản xuất: Có nhiều ở các nước Đông Nam Á, ở Trung Quốc có những nơi sản xuất chính là Quảng Đông, Quảng Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang tây, Quí Châu, Sơn Đông.
Thu nhặt chế biến: Phần nhiều bắt vào cuối mùa xuân, đến mùa thu. Mổ bụng, bỏ nội tạng, hoặc bóc bỏ lớp da ngoài, cho vào nước trong ngâm 1 giờ, rửa sạch máu bẩn, dùng 2 cái nẹp tre xếp chéo nghiêng căng ra phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này có dạng con ếch, khô căng khẳng khiu, dài 13-17 cm, ngang 4-6 cm, bốn chân đầy đủ, đầu hình tam giác tù, vành mắt to và khuất phía dưới, bắp thịt của thân khá mỏng...trong suốt, xương lưng lộ rõ, xương sống lưng và 6 đôi xương sườn thấy rõ được, bốn chi duỗi thẳng và đối xứng, ngón chân xoè đều, có màng ngón, chỗ khớp xương sắc trắng xám, bỏ da thì mầu vàng trắng, có da thì mầu đen nâu khắp người có sần sùi. Ngửi mùi hơi tanh, nếm vị hơi ngọt, hơi chát. Dược liệu tốt thì to, đủ toàn hình, khử bì, mầu sắc tươi không có mùi hôi.
Tính vị công dụng: Cay, mát, đi vào các kinh can, tì, phế, có độc. Tiêu hòn phá kết, giải độc trừ thấp, sát trùng chỉ thống. Dùng cho các bệnh kết hòn cục, thũng độc, các chứng thương tích. Liều dùng: 0,5-2 g hay làm thành hoàn hoặc làm thuốc dùng ngoài với liều lượng thích hợp.
Phụ chú: Thiềm thừ bỏ da thì ở Quảng Đông gọi là quải can, 10 con xâu lỗ thành một chuỗi, phần lớn xuất khẩu.

6. Cáp giới

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Cáp giới (tắc kè)
Tên khoa học: Gekko gekko Linnaeus.
Nguồn gốc: Toàn bộ con tắc kè (họ Tắc kè Gekkonidae
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, Quý Châu, Phúc Kiến và Giang Tây. Vùng Đông nam Á cũng có sản xuất.
Thu nhặt chế biến: Hè, thu là mùa bắt tắc kè tốt nhất. Đập vào đầu cho chết, mổ từ hậu môn lên đến họng, loại bỏ nội tạng, lau sạch máu bẩn (không dùng nước rửa), đặt cả con cho thẳng, dẹt, giữ nguyên vẹn đuôi và các ngón chân. Sấy than ở nhiệt độ thấp cho khô.
Tính chất vị thuốc: Tắc kè hình dẹt, toàn thân có vảy nhỏ hình tròn nhiều cạnh, óng ánh, đầu cổ và thân dài 9-18 cm, rộng 6-11 cm, đuôi dài 6-12 cm hoặc hơn. Đầu hơi dẹt, hình tam giác, hai mắt lõm thành hốc, mép hàm trong miệng có răng nhỏ, không có răng to dị hình, vảy mõm và vảy mũi tiếp với nhau. Lưng màu đen xám hoặc xám bạc, rải rác có chấm hoặc vân màu trắng vàng hoặc màu lục xám, xương sống và xương sườn lồi lên. 4 chân đều có 5 ngón, giữa các ngón có vết màng chân, dưới ngón chân có miệng hút. Đuôi nhỏ dài, chắc, hơi trông thấy đốt xương, màu như ở lưng, có 7 vòng tròn màu bạc. Xung quanh mắt và con ngươi của Tắc kè có chất độc cho nên người ta thường hay khoét bỏ mắt khi dùng, khi dùng bỏ vẩy trên đuôi, dưới bụng và trên thịt. Dùng rượu ngâm cho thấm rồi lấy lửa than rang cách 2 lần giấy cho vàng khô, xong bỏ vào bình sứ treo trên góc nhà phía đông một đêm thì tác dụng trị bệnh tăng lên gấp đôi, nhưng đừng làm hỏng đuôi. Không dùng con đã mất đuôi, hoặc đuôi bị chắp, vì hiệu lực của Tắc kè là do đuôi của nó. Mùi tanh, vị hơi mặn. Loại con to, đuôi nguyên vẹn là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, ôn. Vào 2 kinh phế, thận. Ôn phế bổ thận, nạp khí định suyễn, trợ dương ích tinh. Dùng cho hư suyễn, thở hổn hển, mệt nhọc, ho ra máu, liệt dương, di tinh. Liều thường dùng 3-9 gam. Khi dùng bỏ đầu và vảy.
Bài thuốc tham khảo:
- “Sâm Cáp Tán”: Cáp giới 1 cặp, Nhân sâm 1 chỉ 5 tán bột, lần uống 5 phân, ngày uống 2-3 lần với nước cơm. Trị phế thận đều hư, ho lâu không bớt.
- “Cáp Giới Thang”: Cáp giới 2 chỉ, Tri mẫu, Bối mẫu, Lộc giao (chưng), Anh bì, Hạnh nhân, Tỳ bà diệp, Đảng sâm mỗi thứ 3 chỉ, Cam thảo 1 chỉ, sắc uống. Trị ho suyễn, tổn thương phế, trong đờm có lẫn máu.
- “Rượu Tắc kè”: Tắc kè 24g, Đảng sâm 40g, Huyết giác 3g, Trần bì 3, Tiểu hồi 1, đường rượu đủ 1000ml uống tối trước khi đi ngủ 1 cốc con (30ml). Trị thận suy dương kém, đau lưng, mỏi gối, đái rắt, hen suyễn thuộc hàn.
- Ho phù mặt, tứ chi phù: Tắc kè 1 con đực, 1 can cái (gọi: đôi Cáp giới) có đầu và đuôi theo cách biến chế trên, hòa mật tẩm sao cho chín rồi dùng Nhân sâm thượng hạng giống hình người nửa lượng tán bột, Sáp ong nóng chảy 4 lượng, trộn thuốc trên làm thành 6 cái bánh, mỗi lần nấu cháo nếp lấy 1 chén trộn với cái bánh trên khuấy ra ăn lúa nóng.
- Phế hư, ho lâu ngày không lành, phế tích tụ hư nhiệt lại thành ung, ho ra máu mủ, ho cả ngày không cầm, tắc tiếng hết hơi, đau nhói trong lồng ngực: Dùng Cáp giới, A giao, Lộc giác giao, Tê giác (sống), Linh dương giác, mỗi thứ 2 chỉ rưỡi, dùng 3 thăng nước sống sắc còn nửa thăng trong nồi bằng bạc hay sành uống ngày 1 lần.
- Bổ phế bình suyễn, trị suyễn lâu năm, di tinh, ho suyễn, ho ra máu do phế thận bất túc: Cáp giới tán bột, lần uống 5 phân ngày uống 2-3 lần với nước đường cát trắng khuấy nước cơm.
- Bổ thận tráng dương, trị di tinh, liệt dương do thận dương bất túc: Cáp giới 1 cặp tán bột, mỗi lần 1 chỉ ngày uống hai lần với rượu ngọt.

7. Cáp mô du

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Cáp mô du.
Tên La Tinh: Rana temporaria chensinensis David.
Tên khác: Điền kê du, tuyết cáp du, cáp sĩ mô du.
Nguồn gốc: Là ống dẫn trứng khô của ếch cái trong rừng Trung Quốc, thuộc họ Ếch nhái (Ranidae).
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh (Đông bắc Trung Quốc).
Thu nhặt chế biến: Cuối thu đầu đông bắt ếch cái, nhúng vào nước ấm 1-2 phút, phơi nắng hoặc hong gió cho khô, mổ bụng lấy ống dẫn trứng, bỏ hết trứng, để nơi thoáng gió hong khô.
Tính chất vị thuốc: Chế phẩm là những miếng hình dạng không nhất định, cong, chồng lên nhau, thường một mặt gồ lên, dài 1,5- 2 cm, dày 0,15-0,3 cm, màu trắng vàng hoặc đỏ nâu nhạt, nửa trong suốt, ánh lên như mỡ, đôi khi có mảnh da khô như màng mỏng màu trắng xám. Tay sờ có cảm giác nhờn mỡ, ngâm vào nước ấm thì phồng lên 10-15 lần. Mùi vị hơi tanh, nhấm có cảm giác dính trơn. Loại miếng to, dày, màu trắng vàng, ánh lên như mỡ là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, bình. Vào 2 kinh phế, thận. Bổ thận ích tinh, dưỡng âm nhuận phế. Dùng khi thân thể hư nhược, ốm dậy điều dưỡng kém, tinh thần suy sụp, hồi hộp mất ngủ, mồ hôi trộm không dứt, lao ho ra máu. Liều thường dùng 5-15 gam.

8. Cáp xác

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Cáp xác.
Tên La Tinh: Meretrix meretrix Linnaeus.
Nguồn gốc: Là vỏ sò Văn Cáp, động vật thuộc họ Liêm cáp.
Nơi sản xuất: Các vùng duyên hải Việt Nam và Trung Quốc đều có. Chủ yếu tại Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông.
Thu nhặt chế biến: Bốn mùa đều thu nhặt được, nhiều nhất mùa hạ, thu, sau khi thu nhặt xong khử bỏ thịt, rửa sạch, sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc hình quạt, phía lưng hình hơi tam giác, phía bụng hình cong, nóc của vỏ tròn mà lệch về một phía, vỏ dài 5 - 12 cm, cao 4 - 10 cm, mặt ngoài sáng bóng, có một lớp vỏ ngoài màu tía vàng hoặc màu nâu xám, vết vòng đồng tâm, thông thường ở phần lưng có hoa văn dạng răng cưa sắc nâu, mặt trong vỏ có sắc trắng men sứ, vỏ phải có 5 răng vỏ trái có 4 răng. Thể nặng, chất cứng rắn, chỗ mặt vỡ có vân tầng lớp. Không mùi, vị nhạt. Thứ to con, sạch, không bùn cát là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, hàn. Vào các kinh phế, thận, vị. Thanh nhiệt hóa đàm, nhuyễn kiên tán kết, khử bớt vị chua, giảm đau. Dùng khi ho nhiệt đàm, đau ngực đau sườn, trong đờm lẫn máu, nhọt mụn tràng nhạc, đau dạ dày nuốt chua, dùng ngoài trị eczema, bỏng lửa. Liều thường dùng 6 - 12 gam.
Phụ chú: Vị thuốc này thường được dùng ở dạng bột, nên cho vào túi vải để sắc hoặc dùng dụng cụ lọc để lọc ra khỏi nước sắc. Theo "Dược Điển" thì vỏ sò của Thanh cáp Cychina sinensis Gmelin cũng gọi là Cáp xác, làm thuốc. Công hiệu giống như Văn Cáp.
Bài thuốc tham khảo:
- Ho do đàm nhiệt biểu hiện ho khạc đờm vàng đặc, xuyễn, đau ngực: Hải cáp xác phối hợp với Hải phù thạch, Bạch tiền, Tang bạch bì, Chi tử và Qua lâu.
- Tràng nhạc và bướu cổ: Hải cáp xác phối hợp với Côn bố, Hải tảo và Ngõa lăng tử.
Liều lượng: 10-15g.

9. Cẩu tiên

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Cẩu tiên.
Tên La Tinh: Canis familiaris linnaeus.

Nguồn gốc: Dương vật phơi khô kèm tinh hoàn con chó đực, động vật họ Chó.
Nơi sản xuất: Khắp nơi đều có, tốt là ở Quảng Đông, Quảng Tây có nhiều, đều nuôi trong nhà.
Thu nhặt chế biến: Lúc mổ chó đực thì cắt lấy dương vật liền tinh hoàn, bỏ gân, mỡ và thịt vụn, lau sạch phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này dài hình cái gậy, chiều dài 10-15 cm, đường kính 1,5-2,5 cm. Toàn bộ màu nâu đỏ, sáng bóng, đoạn trên hơi nhọn, dưới liền với da bọc nhăn nhúm, đoạn dưới thân liền 2 bên có tinh hoàn hình bồ dục dẹt. Có các vệt nhăn không đều đặn. Dương vật thì cứng khó bẻ. Mùi hơi tanh. Dược liệu tốt thì to, có kèm cả tinh hoàn, màu tươi sáng.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, ôn. Vào kinh thận. Ôn bổ thận dương, ích tinh tráng dương. Dùng khi thận dương suy nhược, liệt dương, di tinh, lưng gối lỏng yếu vô lực, phụ nữ đới hạ. Liều lượng thường dùng 3-10 gam hoặc cả cái.

10. Cương tàm

 Xếp loại: Động vật.
Tên thuốc: Cương tàm.
Tên La Tinh: Bombyx mori Linnaeus.
Nguồn gốc: Là toàn thân khô ấu trùng tằm nhà, họ Tàm nga (Bombycidae), do bị nhiễm bạch cương khuẩn mà chết.
Nơi sản xuất: Các vùng nuôi tằm ở Trung Quốc đều có sản xuất, chủ yếu là Hoa Đông, Hoa Nam và khu vực Tứ Xuyên Thiểm Tây.
Thu nhặt chế biến: Chọn tằm 4 tuổi, phun bạch cương khuẩn cho nhiễm bệnh, đồng thời thêm nhiệt thêm ẩm để bạch cương khuẩn phát triển nhanh, 3-4 ngày tằm chết cứng, phơi khô hoặc sấy khô. Cũng có thể nhặt tằm chết cứng tự nhiên đem phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Hình trụ tròn, phần lớn cong nhăn nheo, dài 3-5 cm, đường kính 0,5-0,7 cm. Mặt ngoài con tằm màu trắng vàng, , phủ sợi khuẩn và bào tử dạng bột. Chất cứng giòn, dễ bẻ gẫy, mặt cắt khá bằng phẳng, chung quanh màu trắng xám, giữa màu lục đen nâu, sáng óng ánh, có 2 vòng to và 2 vòng nhỏ phát sáng. Mùi hơi tanh, vị hơi mặn. Loại cỡ to, màu trắng vàng, chất cứng giòn, mặt cắt ở giữa đầy đặn, màu nâu đen phát sáng là tốt.
Tính vị công dụng: Cay, mặn, bình. Vào các kinh phế, can, vị. Khư phong hết co quắp, hóa đàm tán kết. Dùng cho người can phong đau đầu chóng mặt, kinh phong cơ thể co rúm, họng sưng đau, trúng phong mất tiếng, đàm nhiệt kết hạch, đau răng, tràng nhạc, phong sang đan độc gây ngứa. Liều thường dùng 5-10 gam.
Bài thuốc tham khảo:
- “Cương Tàm Tán”: Cương tàm (sao) 20g, Cam thảo 20g, Kinh giới 10g, Mộc tặc 20g, Tang diệp 40g, Tế tân 20g, Toàn phúc hoa 20g. Tán bột, ngày uống 8g với nước sắc Kinh giới. Trị ra gió chảy nước mắt.
- Trị kinh phong, co giật do đờm nhiệt: Cương tàm, Ngưu hoàng, Hoàng liên, Đảm nam tinh.
- Trị lao hạch: Cương tàm (tán bột). Ngày uống 3 lần mỗi lần 2g, liên tục 10 ngày.
- Trị rong kinh: Cương tàm, Y trung bạch ngư, 2 loại bằng nhau. Tán bột, uống với nước giếng mới múc vào đầu canh 5, ngày 2 lần.
- Trị họng viêm cấp: Cương tàm 3-7 cái, Nhũ hương 0,4g. Tán bột. Mỗi lần dùng 4,8g, đốt cho cháy lấy khói xông vào họng, hễ nôn ra được thì khỏi.
- Trị trẻ nhỏ bị trúng phong làm cho miệng bị co dúm lại, hoặc cấm khẩu khóc không ra tiếng, thở gấp, mặt đỏ, vàng, do khí của thai hợp với nhiệt độc của tâm tỳ làm cho lưỡi cứng, môi xanh, tụ ở miệng sinh ra cấm khẩu: Cương tàm (dùng loại thẳng) 2 con, bỏ đầu, tán bột, trộn với mật ong bôi vào miệng, lưỡi.
- Trị nhức ở giữa hoặc 1 bên đầu hoặc đau lan đến 2 bên thái dương: Cương tàm, tán bột, uống với nước sắc trà, hành.
- Trị mặt nám đen: Cương tàm tán bột, trộn với nước bôi.
- Trị lở ngứa (gây ra) đau nhức: Cương tàm, sấy khô, tán bột. Mỗi lần uống 4g với rượu.
- Trị các loại phong đàm: Cương tàm 7 con (chọn loại thẳng), tán bột, uống với nước gừng.
- Trị trẻ nhỏ bị động kinh: Tỏi 7 củ. Trước hết lấy đất đốt cho đỏ lên rồi lấy Tỏi mài trên đất đó thành cao. Rồi lấy Cương tàm (bỏ đầu và chân) 40g, để trên đất đó, lấy cái tô úp lại 1 đêm, đừng làm hở hơi. Sau đó lấy Cương tàm tán bột thổi vào mũi hàng ngày.
- Trị trúng phong miệng méo, liệt nửa người: Cương tàm, Bạch phụ tử, Toàn yết. Lượng bằng nhau. Tán bột. Mỗi lần dùng 4g, hòa với rượu nóng bôi.
- Trị da mặt sần sùi vì đánh phấn: Cương tàm, Hắc khiên ngưu, 2 vị bằng nhau. Tán bột. Rửa mặt cho sạch rồi bôi thuốc lên.
- Trị vết thương do kim khí đâm chém: Cương tàm, sao vàng, tán bột, bôi.
- Trị trẻ nhỏ bị kinh phong: Cương tàm, Toàn yết, 2 vị bằng nhau, Thiên hùng, Phụ tử, mỗi vị 4g (bào chế). Tán bột. Mỗi lần uống 2g với nước sắc.
- Trị họng viêm cấp: Cương tàm (sao), Bạch phàn (nửa sống, nửa sao), 2 vị bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 4g với nước Gừng tươi, hễ ói ra được thì khỏi.
- Trị trẻ nhỏ bị chứng cam đã lâu, sinh ra yếu ớt không ăn uống được mấy rồi biến chứng ra nhiều bệnh, vì hậu thiên suy yếu đến nỗi xương sống cũng không vững, đi đứng không được: Cương tàm sao, tán bột, mỗi lần uống 2g với nước sắc Bạc hà hoặc thêm ít rượu.
- Trị họng sưng đau, lở loét: Cương tàm 40g (để trên miếng ngói mới, nướng cho hơi vàng), Thiên nam tinh 40g (bào chế, bỏ vỏ), tán bột. Mỗi lần dùng 1 ít. Dùng nước cốt Sinh khương hòa với thuốc bột, uống với nước nóng, hễ ói ra được đờm nhớt thì khỏi.
- Trị sữa không thông: Cương tàm, tán bột, uống 8g với rượu. Lấy lược vuốt ở vú thì có sữa.
- Trị đầu đau do phong nhiệt, co giật: Cương tàm 6g, Tang diệp 10g, Cúc hoa 10g, Câu đằng 10g, Hoàng cầm 10g. Sắc lấy nước, hòa thêm Chu sa 1g, uống.
- Trị lao hạch không lành miệng: Cương tàm, Bạch cập, lượng bằng nhau. Tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g. 



11. Cửu hương trùng

Xếp loại: Ðộng vật.
Tên vị thuốc: Cửu hương trùng.
Tên La Tinh: Aspongopus Chinensis Dallas.
Tên khác: Xú thí trùng.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là thân con trùng khô của Cửu hương trùng, động vật họ Xuân.
Nơi sản xuất: Nơi sản xuất chính là Tứ xuyên, Hồ Bắc, Vân Nam, Quí Châu, An Huy, Hồ Nam. Ngoài ra cũng có thể ở Chiết Giang, Quảng Ðông, Quảng Tây, Giang Tây.
Thu nhặt chế biến: Mùa đông, mùa xuân hoặc đầu mùa hạ, thu nhặt con trùng đã già, nướng hoặc thêm rượu vào cho chết, nung nhỏ lửa cho đến khô hoặc lửa âm ỉ sao tới khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc có hình 6 cạnh nghiêng về bầu dục, dài 1,5-2 cm, rộng khoảng 1cm, đầu thì nhỏ hình gần như tam giác, có đôi mắt nhỏ lồi ra, một đôi sừng để chạm, năm đốt thường rụng, Lưng mầu tía, nâu hoặc nâu thẫm, có chất màng có 2 đôi cánh trong suốt, ở ngực có 3 đôi chân, chân sau rất dài, lột xác rụng luôn, mặt của bụng có các vết nhăn nhúm mầu nâu đen, có 5 vòng đốt, giữa khoảng cách đốt gần mép có điểm nhỏ lồi lên, chất ròn dễ gẫy, có thể thấy trong bụng chứa chất vật chất dạng bột nhờn như dầu. Có mùi hôi tanh đặc biệt. Lấy toàn bộ thân trùng hoàn chỉnh, mầu nâu, sáng, không độc, là dược liệu tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, ôn, vào các kinh can, tì, thận. Lí khí chỉ thống, ôn trung tráng dương. Dùng trong trường hợp vị hàn mà không trướng đau, can vị khí thống, thận hư liệt dương, lưng gối nhức mỏi. Liều dùng 3-9 g. 


12. Dạ minh sa

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Vespertilio supeans Thomas.
Nguồn gốc: Phân khô của dơi, động vật họ Dơi (Biển Bức).
Nơi sản xuất: Có khắp nơi trong nước Việt Nam, ở kẽ nóc nhà, đền chùa, hốc cây to. Các khu vực, tỉnh ở Hoa Bắc, Đông Bắc, Hoa Đông và Trung Nam Trung Quốc đều có.
Thu nhặt chế biến: Có thể thu nhặt suốt năm, mùa hạ, mùa thu thì tốt. Phân quét được trong cùng năm không trở thành độc, khử bỏ tạp chất, sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này hình bầu dục dài, hình dạng hạt hai đầu hơi nhọn, dài 4 – 7 mm, đường kính 1,5 – 2 mm màu nâu hồng hoặc xám nâu bề mặt thô ráp, dễ vỡ thành hạt hay bột không hình thù gì màu nâu vàng hoặc nâu lục xám. Nhẹ, chất dai, mùi hôi thối, vị hơi cay đắng. Thứ có hạt hoàn chỉnh, thể nhẹ, hơi sáng bóng, không có tạp chất là thứ tốt.
Tính vị công dụng: Hơi đắng, cay, hàn. Vào can kinh. Sáng mắt, sạch màng mỡ, tan huyết, tiêu tích, tiêu chứng mỏi mệt vì hạch cổ (loa bì). Dùng trong trường hợp mắt mù do màng kéo, bụng đau huyết khí, tích tụ, run sợ, cam tích. Liều lượng dùng : 5 – 10 g.
Bài thuốc tham khảo:
- “Quyết Minh Dạ Linh Tán”: Dạ minh sa, Thạch quyết minh, mỗi thứ 5 chỉ, gan heo 2 lượng, sắc với nước vo gạo. Ăn gan heo và uống nước thuốc. Trị chứng dạ manh.
- “Dạ Minh Đơn”: Dạ minh sa 4 chỉ, Hồ hoàng liên, Long đởm thảo, Khổ luyện căn bạch bì, mỗi thứ 2 chỉ, Can thiềm 2 cái (đốt tồn tính), Lô hội, Thanh đại, Xạ hương mỗi thứ 5 ly. Tất cả tán bột trộn đều trộn bột hồ làm viên, lần uống 10 đến 15 hạt, ngày 2 lần. Trị sình bụng ngũ cam, mắt khô sáp ngủ nhiều.
- Trị chướng ế ở mắt, dùng Dạ minh sa tán bột cho vài gan lợn nấu ăn luôn trước đó.
- Sưng tấy chảy mủ, dùng Dạ minh sa 1 lượng, Quế nửa lượng, Nhũ hương 1 phân tán bột, 1/2 lượng đường cát khô trộn với nước giếng xức vào.
- Mủ thối chảy từ lỗ tai ra, dùng Dạ minh sa 2 chỉ, Xạ hương 1/4 muỗng cà phê, đổ vào trong tai.
- Trị thong manh không nhìn rõ, dùng Dạ minh sa sao vàng với gạo nếp một lượng, Bách diệp (sao) 1 lượng tán bột trộn mật làm viên bằng hạt ngô đồng uống với Trúc diệp trước khi ngủ lần 20 viên, đến canh năm gà gáy sáng uống 20 viên, liên tục cho đến khi bớt.
- Trị sốt rét không dứt, dùng Dạ minh sa tán bột uống nước trà nguội lần 1 chỉ. Có phương khác trị sốt rét cơm không định kỳ, lâu ngày không khỏi, dùng Dạ minh sa 50 viên, Châu sa nửa lượng, Xạ hương 1 chỉ tán bột, viên với cơm bằng hạt đậu xanh lớn, uống trước khi lên cơn lần 10 viên với nước sôi.
- Sốt rét trước khi có thai, dùng Dạ minh sa 3 chỉ tán bột uống với rượu nóng lúc đói.
- Ho không dứt, dùng dơi bỏ cánh, chân, tẩm rượu nướng tán bột 1 chỉ, dùng sau khi ăn với nước sôi.
- Các loại cam độc, dùng Dạ minh sa 5 chỉ bỏ vào bình, thịt nạc heo 3 lượng xắt lát bỏ vào trong bình, đổ nước sắc chín lấy thịt nước ra cho ăn. Muốn hết thai độc trong bụng mẹ lấy Sinh khương 4 lượng, để cả vỏ xắt lát sao, với bột Hoàng liên một lượng trộn hồ làm viên bằng hạt đậu xanh với nước cơm, ngày 3 lần.
- Đau nhức răng, dùng Dạ minh sa (sao), Ngô thù du nấu lấy nước tẩm rồi sao, 2 vị bằng nhau tán bột, trộn nhựa cóc làm viên bằng hạt mè, gói trong vải lần ngậm 2 viên, súc ra nước nhớt thì bớt, không nên nuốt vì độc.
- Trẻ con mắt bị tước mục (quáng gà), dùng Dạ minh sa sao tán bột trộn mật heo viên bằng hạt đậu xanh, mỗi lần uống 5 viên với nước cơm. Có bài khác gia thêm Hoàng cầm, lượng bằng nhau, tán bột lấy nước cơm sắc với gan heo, uống nước lần nửa chỉ.
- Hôi nách, dùng bột Dạ minh sa trộn nước đậu xị xức vào.
- Trị chứng thong manh. Dạ minh sa, Trắc bá diệp, các vị bằng nhau tán bột, trộn với mật trâu trước khi ngủ dùng với nước Trúc diệp, uống lần 5 chỉ.

13. Diêm xà can 

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Diêm xà can.
Tên khác: Bích hổ, Thiên Long, Thủ cung.
Nguồn gốc: Toàn thân phơi khô của con Thạch sùng chân mạng, họ động vật Thạch sùng.
Nơi sản xuất: Các tỉnh phía Nam Trung Quốc đều có, thấy nhiều ở Giang Tô, Chiết Giang, Giang Tây.
Thu nhặt chế biến: Suốt năm đều bắt được, mùa hạ, thu nhiều hơn. Sau khi bắt được dúng nước nóng cho chết hoặc nhốt cho đến chết sấy hoặc phơi râm cho khô, có thể mổ bụng bỏ nội tạng, lấy nẹp tre căng ra mà phơi.
Tính chất vị thuốc: Là toàn thân con vật đã khô, căng gấp khúc, hơi bằng dẹt dài chừng 11 - 13 cm, đầu có hình gần như tam giác, miệng to, môi tròn, lưỡi mập dày, hai hàm có răng nhỏ, xương sọ, hốc mắt nổi rõ; lưng có loang lổ màu tro sẫm hoặc màu tro trắng lẫn lộn. Có các vảy hình viên ngọc phân bố dày, không có vấu; bốn chân ngắn có năm ngón. Trừ ngón thứ nhất ra các móng khác đều có móng móc câu, có màng ngón, phía dưới ngón có các vòi giác - Hơi tanh, vị mặn. Dược liệu tốt thì hoàn chỉnh, to con, thân khô, sắc sạch sẽ, không hôi thối.
Tính vị công dụng: Mặn, hàn. Vào các kinh tâm, can. Hơi độc. Khử phong, giải kinh giật, trừ đàm, tán kết. Dùng trong các trường hợp trúng phong co quắp, tay chân không nâng lên được, trẻ nhỏ cam tích, sài uốn ván, sưng nhọt và thương tích do sâu bọ cắn. Thường dùng liều lượng 3 - 5 gam. Những người thể hư, đàn bà có thai phải cẩn thận dùng.

14. Du trùng châu 

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Du trùng châu.
Tên La Tinh: Periplaneta australasia Fabricius.
Tên khác: Chương lang liện, Giáp do thi.
Nguồn gốc: Phân khô của con bọ xít (Phi liêm), họ bọ xít (Phi liêm).
Nơi sản xuất: Các tỉnh phía Nam Trường Giang Trung Quốc.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này là các hạt nhỏ sắc đen, hình trụ tròn dài, hai đầu hơi tròn tù hoặc một đầu hơi nhọn, có nhiều đường cạnh dọc, dài 2 - 3 mm, đường kính chừng 1cm, không láng, dễ vỡ, có mùi bọ xít. Dược liệu tốt thì hạt to, nguyên vẹn, sắc đen, không có tạp chất.
Tính vị công dụng: Mặn, ngọt, hàn. Trừ tích, tiêu viêm. Dùng cho trẻ em cầm tích, họ nhiệt nhiều đờm, giải độc vết thương do rết rắn cắn. Liều lượng thường dùng 0,5 gam. Nên sao chế để làm thuốc.
Phụ chú: Ở Quảng Đông dân gian bắt bọ xít trưởng thành, ngắt bỏ đầu, chân, cánh và nội tạng rồi làm thuốc, chúng có tính hoạt huyết, tán ứ, giải độc tiêu cam, lợi thuỷ tiêu thũng.

15. Đại mạo 

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Đại mạo.
Tên La Tinh: Eretmochlys imbricata (Linnaeus).
Nguồn gốc: Vị thuốc này là mai lưng của Đồi mồi, động vật họ Rùa biển.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở thành phố biển các tỉnh Sơn Đông, Giang Tô, Phúc Kiến, Chiết Giang, Quảng Đông, Hải Nam, Đài Loan.
Thu nhặt chế biến: Có thể bắt suốt năm, bắt xong treo ngược lên, dùng dấm trắng sôi rỏ vào lưng thì có thể bóc mai lưng ra, khử bỏ thịt nát dính trên vảy, rửa sạch, sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này là các phiến hình vuông dài, hình quạt, hình củ ấu hoặc hình khuôn tròn, dài 7-32 cm, bề rộng 9-36 cm, dày 0,1-0,5 cm, mép mỏng, giữa thì dày hơn, mặt ngoài màu nâu vàng hoặc tía vàng, bằng phẳng trơn tru mà sáng bóng, gần như trong suốt, có các điểm loang và đường vân đen, vàng tía hoặc vàng sữa, mặt trong có nhiều đường vân và điểm loang màu trắng. Chất chắc và dai, khó bẻ gẫy, mặt gãy đứt có chất sừng, đốt không có ngọn lửa mà có vị mùi cháy khét. Hơi có mùi tanh hoặc không, vị nhạt. Dược liệu tốt thì to phiến mà dày, có hoa vân trong, gần như trong suốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, hàn. Vào các kinh tâm, can. Thanh nhiệt, giải độc, an thần, bình can. Dùng trong nhiệt bệnh mê man, nói sảng, kinh giật, trẻ em động kinh, ung thư đậu sang độc. Liều lượng thường dùng 3-6 g, thường dùng làm thuốc hoàn thuốc tán.
Phụ chú: Mu lưng đồi mồi là do 13 khối vảy giáp tạo thành cho nên còn có tên khác là 13 vảy.

16. Địa long

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Địa long.
Tên La Tinh: Pheretima aspergillum (Perrier).
Tên khác: Quảng Địa Long.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là toàn thân đã khử bỏ hết các thứ có trong xoang rồi phơi khô của con giun Sâm Hoàn Mao Dẫn, một động vật thuộc họ Cự Dẫn (họ Giun).
Nơi sản xuất: Chủ yếu là Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến.
Thu nhặt chế biến: Từ tiết Thanh minh cho đến tiết Xử thử là mùa thu hoạch rộ. Sau khi thu hoạch thì rửa sạch, lấy dùi đem cố định con giun lên tấm gỗ, bổ dọc khử bỏ các thứ ở trong, căng ra trên chỗ đá phơi nhanh cho khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này là dãy dài có dạng phiến mỏng, ngọn uốn cong, dài 13-25 cm, rộng 0,8-2 cm, phần đầu hơi nhọn, phần đuôi tròn tù, các bên mép cuộn vào trong, mặt lưng thì màu nâu đen hoặc nâu đỏ, mặt trong thì màu hồng xám, toàn cơ thể gồm 100 đốt tròn làm thành, hai đầu cái đốt tròn thưa hơn, một đầu có một vòng đai sinh dục màu xám tro. Mùi tanh, mùi hơi mặn. Dược liệu tốt thì to dây, màu tươi, không hôi thối.
Tính vị công dụng: Mặn, hàn. Vào các kinh can, tì, bàng quang, thanh nhiệt, ổn định kinh sợ, thông lạc giải nhẹ co giật, bình suyễn, lợi niệu. Dùng khi sốt cao, mê man, kinh giật co rút, khớp xương đau. Chân tay tê dại, bán thân bất toại, phế nhiệt ho suyễn, đái ít, phù thũng, chứng cao huyết áp. Liều lượng thường dùng 5-10g. Khi đưa vào làm thuốc thì nên bào chế cách thủy ngọt.
Phụ chú: Cảo khâu dẫn Allolobophora caliginosa (Saviguy) trapesoides (Ant Duges) phơi khô cũng làm thuốc, thị trường cũng gọi giun này là Thổ Địa Long.
Bài thuốc tham khảo:
- Trị thương hàn nhiệt kết 1-7 ngày, nổi cuồng nổi loạn thấy ma qủy muốn bỏ chạy: Khâu dẫn nửa cân bỏ đất bùn, lấy nước Đồng tiện nấu uống, hoặc dùng sống gĩa vắt lấy nước cho uống.
- Trị tinh hoàn sưng hoặc thụt vào trong bụng, đau nhức khó chịu, thân thể nặng nề, đầu không thể dậy được, bụng dưới nóng đau, co thắt muốn chết: Khâu dẫn 24 con, sắc với một đấu nước còn 3 thăng, uống ngay. Hoặc lấy Khâu dẫn thật nhiều, gĩa vắt lấy nước uống.
- Trị tiêu ra huyết do cổ độc: Khâu dẫn 14 con, 3 thăng giấm, ngâm cho tới khi Giun chết, lấy nước đó uống.
- Trị tay chân sưng đau muốn rời ra: Giun đất 3 thăng, 5 thăng nước, gĩa vắt lấy nước 1 thăng rưỡi uống.
- Trị răng đau nhức: Giun đất, tán bột xức vào.
- Trị mắt đỏ đau: dùng Địa long 10 con sao tán bột, uống với nước trà 3 chỉ.
- Trị lợi răng chảy máu không cầm: bột Địa long, Khô phàn mỗi thứ 4g, Xạ hương một ít, nghiền đều, xức vào một ít.
- Trị ngón tay đau nhức: Khâu dẫn gĩa nhỏ, đắp vào.
- Trị lưỡi sưng cứng, không trị có thể chết người: Khâu dẫn 1 con, lấy muối hòa vào ngậm, sẽ giảm từ từ.
- Trị họng, thanh quản sưng đột ngột không ăn được: Địa long 14 con, gĩa nát, đắp ngoài họng, lại lấy 1 con hòa nước muối bỏ vào chút mật ong uống.
- Trị tai chảy mủ: Địa long (còn sống) nghiền nát, trộn với nước Hành và mỡ heo, bọc bông nhét vào tai, hoặc dùng bột Địa long thổi vào.
- Trị trĩ mũi: Địa long sao 0,4g, Nha trạo 1 miếng, tán bột, trộn với ít mật ong, hòa ít nước lạnh, nhỏ vào lỗ mũi.
- Trị ráy tai khô cứng không ra: Khâu dẫn, bỏ vào trong lá Hành, nghiền nát, hòa thành nước, nhỏ vào đầy lỗ tai vài lần thì ra.
- Trị côn trùng vào tai: Địa long tán bột, bỏ vào trong Hành, hòa thành nước, nhỏ vào.
- Trị dương độc kết tụ ở hông, đè vào rất đau, thở như suyễn, táo bón, cuồng loạn: Địa long sống 4 con, rửa sạch, nghiền nát như bùn, thêm một ít gừng tươi, một muỗng mật ong, một ít nước Bạc hà, lấy nước mới lấy ở dòng sông lên, nấu sôi quá thì thêm một ít Phiến não, mồ hôi ra thì đỡ, không đỡ dùng tiếp.
- Trị đau nhức do đầu phong: vào ngày mùng 5 tháng 5, chọn Khâu dẫn, trộn với một ít Long não, Xạ hương, làm thành viên to bằng hạt ngô đồng lớn. Mỗi lần lấy 1 viên trộn với nước gừng, nhét vào trong lỗ mũi. Đau bên phải nhét bên trái và ngược lại.
- Trị điếc do bế khí: Khâu dẫn, Xuyên khung, mỗi thứ 20g, tán bột, mỗi lần uống 8g với nước sắc Mạch môn.
- Trị ứ huyết do thấp đàm, kinh lạc ứ tắc gây đau: Xuyên ô đầu, Thảo ô đầu, Địa long, Thiên nam tinh, mỗi thứ 8g, Nhũ hương, Một dược, mỗi thứ 6g. Tán bột, chưng với rượu hồ làm thành viên. Mỗi lần uống 1 viên với nước sắc Kinh giới hoặc Tứ Vật Thang.
- Trị đầu đau do phong nhiệt: Địa long sao, tán bột, nước Gừng, Bán hạ, Xích phục linh các vị bằng nhau, tán bột, uống 2-4g với nước Sinh khương, Kinh giới, Bạc hà.
- Trị răng sâu đau: Địa long, hòa nước muối, trộn Miến, nhét vào trên răng.
- Trị trẻ nhỏ bị động kinh cấp: Khâu dẫn tươi 1 con, gĩa nát, bỏ vào 1 viên Ngũ Phước Hóa Độc Đơn, tán bột, rồi sắc uống với nước sắc nước Bạc hà.
- Trị kinh phong, phiền loạn, trẻ con kinh phong mạn tính, tâm thần buồn bực, phiền não, gân mạch co quắp, vị hư, ký sinh trùng trong ruột quậy, uốn ngược mình mà la hét: Nhũ hương 2g, Hồ phấn 8g. Nghiền đều, lấy Khâu dẫn khoang cổ, gĩa nát, trộn thuốc bột làm thành viên to bằng hạt mè lớn. Mỗi lần uống 7-15 viên với nước Hành sắc.
- Trị họng sưng nghẹt: lấy Giun đất nghiền với dấm ăn, cho nuốt dần, mửa ra đàm máu thì tốt.
- Trị da đầu nổi vẩy trắng: bột Địa long, cho vào một ít Khinh phấn, trộn với dầu mè, xức vào.
- Trị viêm quầng (đơn độc): Khâu dẫn 1 con, để nguyên đất, gĩa nhuyễn, đắp vào.
- Trị sốt rét bứt rứt, bón nhiều: Địa long sống 4 con, rửa sạch, nghiền nát như bùn, thêm một ít gừng tươi, một muỗng mật ong, một ít nước Bạc hà, lấy nước mới lấy ở dòng sông lên, nấu sôi quá thì thêm một ít Phiến não, mồ hôi ra thì đỡ, không đỡ dùng tiếp, rất có hiệu quả.
- Trị tiểu không thông: Khâu dẫn, gĩa nát, ngâm nước lọc lấy nước cốt nửa chén, uống ngay.
- Trị người lớn tuổi bị bí tiểu: Giun đất khoang cổ trắng, Hồi hương, 2 vị bằng nhau, gĩa ép lấy nước uống.
- Trị trẻ nhỏ bí tiểu do nhiệt kết: Địa long loại lớn, quết như bùn, bỏ vào một ít mật ong, đắp ở ngọc hành và dịch hoàn. Đốt Tàm thoái 4g, Chu sa, Long não, Xạ hương, mỗi thứ một ít, lấy Mạch môn, Đăng tâm sắc nước uống với thuốc.
- Trị kinh phong mạn tính suy nhược quá: Phụ tử bỏ vỏ, rốn, nghiền sống, lấy Khâu dẫn khoang trắng bỏ trong đó mà lăn, cạo bột Phụ tử dính phía trên Khâu dẫn, làm viên to bằng hạt gạo, mỗi lần uống 10 viên với nước cơm.
- Trị kinh phong cấp, mạn tính: ngày mồng 5 tháng 5, chọn Khâu dẫn, lấy dao tre cắt làm hai đoạn, đoạn nhảy nhanh để ra một bên, đoạn nhảy chậm để ra một nơi, nghiền nát riêng, bỏ vào một ít bột Chu sa, làm thành viên. Cần nhớ là nếu cấp kinh phong thì dùng bột của đoạn nhảy chậm, mỗi lần uống 5-7 viên với nước sắc Bạc hà.
- Trị trẻ nhỏ tinh hoàn bị sưng: Địa long còn nguyên đất, quết nhuyễn, trộn nước đắp vào.
- Trị đau một bên hay chính giữa đầu không chịu đựng được, dùng Địa long bỏ đất, sấy khô, Nhũ hương các vị bằng nhau, tán bột. Mỗi lần dùng 2g, vấn lại như vấn thuốc hút, để lên lửa đèn, lấy mũi hít hơi khói ấy.
- Trị răng đau, răng lung lay: Địa long khô, sao, Ngũ bội tử sao, hai vị bằng nhau, tán bột , trước hết lấy Gừng tươi xát vào răng, sau đó xức thuốc bột vào.
- Trị điếc đột ngột: Khâu dẫn bỏ vào muối, hành, trộn chung thành nước, lấy nước đó, nhỏ vào tai.
- Trị hạch lao ở cổ lở chảy nước: dùng đoạn dưới của rễ Kinh giới sắc nóng rửa. Dùng lá Hẹ trên đất có Khâu dẫn 1 nắm, hái lúc canh năm, để trên lửa hồng, cho khô. Tán bột. Mỗi một muỗng bỏ vào Nhũ hương, Một dược, Khinh phấn mỗi thứ 2g, Xuyên sơn giáp 9 miếng vẩy, sao, tán bột, trộn với dầu xức vào.
- Trị nhện cắn bị thương: lấy 1 lá Hành, bỏ đầu nhọn, đem Khâu dẫn bỏ vào trong ống lá, ép 2 đầu đừng để cho mất hơi, lắc cho ra nước, bôi vào nơi chỗ cắn.
- Trị sa trực trường dương chứng: lấy Kinh giới, Sinh khương sắc rửa, lấy Địa long (bỏ đất) 40g, Phác tiêu 8g, tán bột, trộn với dầu bôi vào.
- Trị phong cùi đau, ngứa: Khâu dẫn khoang trắng (bỏ đất), lấy Táo nhục nghiền nát, trộn làm thành viên to bằng hạt ngô đồng lớn, mỗi lần uống 60 viên với rượu. Kiêng ăn gừng, tỏi.
- Trị nhọt độc đã vỡ mủ: Lá Hẹ trên đất có giun đất, gĩa nát lấy nước đắp vào, ngày thay 3-4 lần.
- Trị nhọt độc đã vỡ miệng: Địa long, Ngô thù du, tán bột, trộn dấm, hòa với Miến sống đắp dưới lòng bàn chân.
- Trị sốt cao co giật : Địa long 10g, Toàn yết 3g, Câu đằng, Kim ngân hoa đều 12g, Liên kiều 10g, sắc uống. Hoặc dùng Địa long 100g, Chu sa 30g, tán nhuyễn, làm viên. Mỗi lần uống 3g.
-Trị hen suyễn : Địa long 12g, sắc uống hoặc dùng bột Địa long khô, mỗi lần 3-4g, ngày uống 2 lần. Hoặc dùng Địa long, Cam thảo tươi, lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, mỗi lần uống 4—5g. Ngày hai lần.
-Trị sỏi đường tiểu : Địa long đỏ, Củ tỏi, Lá khoai lang đỏ, lượng vừa đủ, gĩa nát, đắp vùng bụng dưới, kết hợp uống thêm thuốc lợi tiểu.
- Trị huyết áp cao : uống cao lỏng Địa long 40%, mỗi lần 10ml, ngày 3 lần, đạt kết quả tốt.

17. Hải để bá 

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Hải để bá.
Tên La Tinh: Meliodes squamata Nutting.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là bộ xương có chất tro của san hô Lân Hải Để Bá, động vật họ san hô.
Nơi sản xuất: Ở vùng biển cạn Quảng Đông, Hải Nam. Cũng có ở Indonesia.
Thu nhặt chế biến: Suốt năm có thể dùng lưới hoặc lặn xuống biển bắt lấy, rửa bằng nước ngọt, sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Dược liệu trông giống cây bách, màu đỏ gạch, thô ráp, hình viên trụ dài 25-27 cm, đường kính 1-4 cm, nhiều hình cầu kết thành đốt, nhiều nhánh, phần nhiều rẽ đôi, to nhỏ không bằng nhau, xa đầu mút thì nhỏ, hệ thống nhánh hoàn chỉnh thì trông như hình quạt, cứng dễ gãy, chỗ gãy không phẳng, hai chỗ gãy một mặt lõm một mặt lồi đều có thể thấy các lỗ không đều, hơi mặn. Thứ tốt thì nhánh đều đặn, màu đỏ gạch.
Tính vị công dụng: Mặn, ngọt, bình. Vào kinh phế, chữa bệnh phổi, cầm máu, định kinh. Dùng trong bệnh lao, thổ huyết, trẻ nhỏ kinh phong. Liều thường dùng 10 gam.
Phụ chú: Bộ xương có chất tro của Hải để bá đỏ (san hô đỏ) Metitofes ochracea (Linnaeus) cũng gọi là Hải để bá dùng làm thuốc.

18. Hải loa yểm 

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Hải loa yểm.
Nguồn gốc: Yếm phơi khô của loài ốc biển Vinh Loa, động vật họ Vinh Loa.
Nơi sản xuất: Ở biển Đông Hải và Nam Hải (biển Đông), chủ yếu là Chiết Giang, Đài Loan, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Quảng Tây.
Thu nhặt chế biến: Suốt năm, bắt được con ốc này thì bóc lấy yếm, rửa sạch sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Gần như hình tròn, ở giữa có đường kính 1 - 3 cm. cao chứng 0,2 - 3 cm, một bên dày, bên kia nghiêng xuống phía dưới, gần giữa đỉnh có một vòng lõm xuống của vân ốc. Thể nặng, chất cứng rắn phá vỡ không dễ, mặt cắt không bằng phẳng, sắc trắng xám. Hơi có mùi, vị mặn. Dược liệu tốt thì to con, sắc tươi, chắc dày.
Tính vị công dụng: Mặn, mát. Vào các kinh vị, đại tràng, Thanh thấp nhiệt, giải sang độc. Cầm tả lị. Dùng khi đau bụng dạ, trĩ do phong ở ruột (tràng phong trĩ), ngứa ghẻ, nhọt trên đầu, tiểu tiện nhỏ giọt đau và sít. Liều lượng thường dùng 5 - 15 gam.

19. Hải long 

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Hải long.
Tên La Tinh: Solenognathus hardwickii (Gray)
Nguồn gốc: Toàn thân phơi khô của Điêu hải long, động vật họ Hải Long.
Nơi sản xuất: Biển Đông Việt Nam. Tại Trung Quốc: Chủ yếu ven biển Quảng Đông, Hải Nam, Quảng Tây, Phúc Kiến, Đài Loan. Malaysia, Philippin, Thái Lan, Indonesia, Australia cũng có.
Thu nhặt chế biến: Có thể bắt suốt năm, bắt được thì khử bỏ màng da và nội tạng, rửa sạch, sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc hình sợi dài, hơi dẹt, dài 30-50 cm, mặt trước vàng trắng hoặc xám trắng, trước của đầu có môi dài hình ống, miệng nhỏ, trên dưới hai bên có răng nhỏ, mắt tròn mà sâu má nhô lên, đầu và đường trục có thể thẳng góc, thân hình 5 cạnh, đoạn trước của đuôi thì 6 cạnh, đoạn sau nhỏ lại dần hình 4 cạnh, doạn đuôi cuộn cong lại, toàn thân hơi nổi lên các vân hoa hình trơn, xếp đặt thẳng thắn, hơi có hình phóng xạ, lưng cạnh hai bên đều có một hàng sắc đen xám, vây lưng nằm ở phần trước lưng đuôi, dài hơn, không có vây đuôi, chất xương chắc cứng, mùi hơi tanh, vị hơi mặn. Dược liệu tốt thì to con, sắc trắng, đầu đuôi tề chỉnh.
Tính vị công dụng: Ngọt, măn, ôn. Vào các kinh can, thận. có sức bổ thận tráng dương, tán kết tiêu thũng. Dùng khi liệt dương, di tinh, khối hòn tích tụ, tràng nhạc đàm kết, tổn thương do đòn do ngã. Dùng ngoài trị ung thũng đinh sang. Liều thường dùng 3-9 gam. Dùng ngoài lượng thích hợp tán nhỏ bôi chỗ đau.
Phụ chú: “Dược điển” dùng Nghĩ Hải long syngnathoidesbeacukeatus (Bloch) và Tiềm Hải long Syngnathus aas Linnaeus toàn thân khô làm thuốc gọi là Hải long.

20. Hải ma tước 

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Hải ma tước.
Tên La Tinh: Pegasus laternarius Cuvier.
Nguồn gốc: Toàn thân phơi khô của con Hải Nga, động vật thuộc họ cá Hải nga.
Nơi sản xuất: Các vùng duyên hải Quảng Đông đều có. Ở một dải Triều Dương Huệ Lai sản lượng khá nhiều.
Thu nhặt chế biến: Mùa hạ, mùa thu vụ đánh cá rộ thường hoạt động trong đàn cá lẫn lộn. Đánh lưới rồi thì chọn tìm trong đống cá, rửa sạch, sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này trông hình dạng giống con chim sẻ, màu nâu hoặc vàng tro, toàn thân dài 5-8 cm, mỏ nhọn, xương mắt nhô lên, thân hình rộng dẹp, bụng dẹt phẳng, lưng có 4 đường cạnh dọc, ngoài ra 4-5 sợi hình cung có vân ngang và cạnh dọc liên kết thành hình ngói lợp, đuôi có 4 đường cạnh dọc, giống các đốt, hình trụ vuông càng gần mút đuôi càng nhỏ lại. Dược liệu tốt thì nguyên vẹn, to con.
Tính vị công dụng: Mặn, ôn. Tán kết, tiêu thũng, giải độc. Dùng khi sưng to tuyến bạch huyết, yết hầu sưng đau, mụn nhọt thũng độc. Liều thường dùng 10-15 g.
Phụ chú: Toàn thân phơi khô của Phi Hải Nga Pegasus volitans Cuvier cũng tương tự Hải ma tước, nhưng thân thể nhỏ dài, đầu ngắn, môi dài đặc biệt, cũng được gọi là Hải ma tước, dùng làm thuốc, công hiệu cũng tương đương.
  


21. Hải mã
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Hải mã.
Tên La Tinh: Hippocampus kelloggi jordan et snyder.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là thân phơi khô của con cá ngựa (Khắc thị, Hải mã) động vật thuộc họ Hải long.
Nơi sản xuất: Đông Hải và Nam Hải, Trung Quốc, Biển Đông, Việt Nam và các nước Đông Nam Á cũng có. Ven biển Việt Nam có nhiều Hải mã. Loại có gai (Thích hải mã - Hippocmpus histrix Kaup), loại có 3 khoang (Tam ban hải mã - Hippocmpus trimaculatus Leach), loại to (Đại hải mã - Hippocmpus kuda Bleeker). Thứ to là thứ tốt hơn cả.
Thu nhặt chế biến: Suốt năm có thể bắt, mùa thu vụ rộ nhiều hơn, sau khi bắt bỏ màng da và nội tạng, cuộn đuôi lại một ít, phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này dài dẹt mà uốn cong, dài 15-30 cm, sắc vàng trắng hoặc xám nâu, đầu giống đầu ngựa, có bờm nhô lên, hai mắt hõm sâu, phía trước có môi dài như ống, mồm nhỏ không răng, thân có 7 cạnh dọc. Các cạnh dọc và cạnh ngang đan nhau như lợp với các gai ngắn, đuôi hình 4 cạnh gập cong về phía bụng. Đuôi có hình trụ vuông có đốt, càng gần mút đuôi càng nhỏ, nhẹ, cứng chắc. Mùi hơi tanh, vị hơi mặn. dược liệu tốt thì to con, màu vàng trắng. Cả con to, sắc trắng, khô, chắc, hơi mặn, nguyên con, không sâu mọt, còn đuôi là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, ôn. Về các kinh can, thận. Ấm thận, tráng dương, tán kết tiêu thũng. Dùng khi liệt dương, đái són, thận hư sinh nhuyễn, bị đòn bị ngã mà tổn thương. Dùng ngoài trị ung thũng đinh sang. Liều thường dùng 3-12 gam.
Phụ chú: “Dược Điển” nêu 5 loại Hải mã, trừ loại này ra còn có Hải mã gai H.histrix Kanp. Đại hải mã H.kuda Bleeker, Hải mã 3 loang H.trinaculatus Leach và Hải mã Nhật Bản H.faponicus Kaup.
Bài thuốc tham khảo:
Vặt bỏ lông trên đầu. Tẩm rượu sao qua (hay hơ) tán nhỏ để dùng, thường dùng vào hoàn tán, không mấy khi sắc.
Ngâm rượu với các thuốc khác (Dâm dương hoắc, Câu kỷ..) để uống cho cường dương.
Bảo quản ở chỗ khô ráo, mát, kín trong lọ hay hộp để lẫn ít Hoa tiêu, hay bột Long não đề phòng sâu mọt. Phụ nữ có thai kiêng dùng.

22. Hải phiêu tiêu

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Hải phiêu tiêu.
Tên La Tinh: Sepiella maindroni de Rochebrune.
Nguồn gốc: Vỏ trong dạng xương phơi khô của loại cá mực không Kim (Man thị vô châm ô tặc) họ Mực. Phiêu tiêu là tổ con bọ ngựa, vị thuốc giống tổ bọ ngựa nhưng ở ngoài biển, nên gọi là Hải phiêu tiêu.
Nơi sản xuất: Các vùng biển Trung Quốc đều có. Ở Việt Nam có nhiều loại Mực, nhưng hai loài phổ biến có giá trị dinh dưỡng là Mực ống (Logigo Formasana), nhưng thường dùng nang thì chỉ lấy ở các con Mực Nang như mực Ván Sepia Subaculeate, mực Cơm Sepia Andreana Tte. Strup, phân bố rất nhiều ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình.
Thu nhặt chế biến: Thu nhặt suốt năm, mùa hạ thu nhiều hơn. Thu nhặt mai mực (ô tặc cốt) trôi nổi ở mép biển hoặc bãi biển. Rửa bằng nước trong, sau khi sạch thì phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc có hình bầu dục, dẹt phẳng, ở giữa thì dày càng gần mép thì càng mỏng, dài 8-16 cm, rộng 3-4 cm, mặt lưng trắng như sứ, có những điểm nổi, ở giữa có một đường dọc nổi lên, chung quanh có bờ bằng chất sừng trong mô, bụng sắc xám trắng có lằn ngang vân giống làn sóng. Chất ròn mềm, mặt bẻ gãy có vân nhỏ song song uốn gập. Mùi hơi tanh, vị hơi mặn mà chát. Thứ tốt thì khô, to con, sắc trắng, nguyên vẹn.
Tính vị công dụng: Mặn, sáp, ôn. Vào các kinh tì, thận. Thu liễm cầm máu, sáp tinh chỉ đới, chống chua, kín nhọt lở. Dùng khi có bệnh nhọt vỡ, nhiều acid dạ dày, thổ huyết nựu huyết, băng huyết rong huyết tiện huyết, di tinh hoạt tinh, xích bạch đới hạ. Dùng ngoài trị tổn thương xuất huyết, nhọt vỡ lâu ngày không hàn miệng. Liều lượng thường dùng 5-10 gam, dùng ngoài với lượng thích hợp, tán mịn bôi lên chỗ bệnh.
Phụ chú: “Dược điển” nói Hải phiêu tiêu nguồn gốc động vật có hai loại, ngoài thứ đã miêu tả ở trên thì vỏ trong dạng xương phơi khô của Kim ô tặc Sepia esculenta esculenta Hòle cũng lấy làm Hải phiêu tiêu, chế thuốc.
Bài thuốc tham khảo:
- “Ô Bối Tán”: Ô tặc cốt 85%, Bối mẫu 15%. Tán bột, mỗi lần uống 1 chỉ trước khi ăn. Trị loét dạ dày tá tràng do nhiều dịch toan.
- Trị mờ mắt đỏ hoặc trắng (xích bạch mục ế), nhiệt độc do thương hàn công vào mắt mà sinh ra xích bạch ế: Ô tặc cốt 1 lượng, bỏ vỏ tán bột, bỏ vào một ít Long não điểm ngày 3 lần. Lại trị được các loại mục ế, dùng Ô tặc cốt, Ngũ linh chi, các vị bằng nhau tán bột ăn với gan lợn xắt lát chấm với thuốc ăn ngày 2 lần.
- Trị mộng thịt dùng “Chiếu thủy đơn” trị nhãn ế gồm Hải phiêu tiêu 1 chỉ, Thần sa nửa chỉ, đâm nhỏ thủy phi đợi lắng cạn, lấy một chút Hoàng lạp trộn làm thành viên cất dùng, khi cần dùng để trên lửa cho tan ra bằng hạt thóc lớn vò nát bỏ trong khóe trước khi ngủ đến sáng rồi lấy nước nóng rửa, chưa đỡ thì làm tiếp.
- Quáng gà dùng Ô tặc cốt nửa cân tán bột trộn với Hoàng lạp 3 lượng, vắt thành bánh như đồng tiền lớn, mỗi lần uống một bánh với 2 lượng gan heo. Lấy dao tre cắt bỏ thuốc vào, lấy nước cơm nửa chén nấu chín ăn còn nước đem uống.
- Đỏ mắt do huyết nhiệt, đàn bà hay mắc phải, dùng bột Ô tặc cốt 2 chỉ, Đồng lục 1 chỉ tán bột, mỗi lần dùng 1 chỉ bỏ vào nước nóng rồi ngâm nửa mắt.
- Cam nhãn chảy nước mắt sống, dùng Ô tặc cốt, Mẫu lệ, các vị bằng nhau tán bột hồ làm viên với 1 cái gan heo nấu với nước vo gạo ăn.
- Tai chảy mủ dùng Hải phiêu tiêu nửa chỉ, Xạ hương 2 ly tán bột thổi vào tai.
- Lở mũi, cam mũi, dùng Ô tặc cốt, Bạch cập, mỗi thứ 1 chỉ, Khinh phấn nửa chỉ tán bột xức vào.
- Trẻ con lở rốn ra máu mủ, dùng Hải phiêu tiêu, Yến nhi, tán bột trộn dầu xức vào.
- Lở trên đầu, dùng Hải phiêu tiêu, Bạch giao hương, mỗi thứ 2 chỉ, Khinh phấn 5 phân, tán bột tẩm dầu xức.
- Đinh nhọt độc dữ, lở loét: Trước tiên chích cho ra máu lấy bột Hải phiêu tiêu bôi vào thì cùi nhọt tự nhiên ra.
- Trẻ con đàm nghẹt, lấy bột Hải phiêu tiêu lâu năm uống với nước cơm, mỗi lần 1 chỉ.
- Tiểu ra máu, dùng 1 chỉ bột Hải phiêu tiêu, nước cốt Sinh địa hoàng. Lại có bài dùng Hải phiêu tiêu, Sinh địa hoàng, Xích phục linh, các vị bằng nhau tán bột, lần uống 1 chỉ với nước Bách diệp và Xa tiền.
- Mửa ra máu đột ngột, dùng Ô tặc cốt uống 2 chỉ với nước cơm.
- Ngoại thương ra máu, dùng Ô tặc cốt bôi vào.
- Ngứa lở bìu đái, dùng bột Ô tặc cốt, Bồ hoàng bôi vào.
- Trị băng huyết lâu ngày không bớt: Ô tặc cốt 4 chỉ, Thuyên thảo 2 chỉ, Tông thán 1 chỉ 5 phân, Ngũ bội tử 1 chỉ 5 phân, Long cốt, Mẫu lệ, Sơn thù, Bạch truật, Hoàng kỳ, Bạch thược, mỗi vị 3 chỉ. Cam thảo 1 chỉ. Sắc uống (Cố Xung Thang).
- Trị xuất huyết do ngoại thương: Ô tặc cốt, Tùng hoa phấn, 2 vị bằng nhau tán bột gia một chút Băng phiến, đắp vào miệng vết thương băng lại.
- Trị bạch đới: Ô tặc cốt 4 chỉ, Lộc giác sương 3 chỉ, Phục linh, Bạch truật, Bạch chỉ, Bạch thược, Bạch vi, Mẫu lệ, mỗi thứ 3 chỉ, Sơn dược 4 chỉ, làm viên với mật, mỗi lần 2 chỉ, ngày 2-3 lần với nước.
- Trị loét dạ dày tá tràng do nhiều dịch toan: Ô tặc cốt 8 phân. Diên hồ sách 1 phân, Khô phàn 4 phần. Tán bột, thêm 6 phần mật ong làm thành viên, mỗi lần uống 3 chỉ, ngày 3 lần sau khi ăn.
- Trị mụn nhọt lở loét lâu ngày không lành miệng: bột Ô tặc cốt xức vào (nếu nhọt hỏa độc nhiều thì kết hợp với Hoàng bá, Hoàng liên).
- Ngoài ra, có thể kết hợp với Ô tặc cốt với Băng phiến tất cả nghiền rất mịn điểm vào mắt trị mục ế (mắt kéo màng).

23. Hải sâm
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Hải sâm.
Tên La Tinh: Strichobus japonicus Selenka.
Tên khác: Hải thử, Sa tốn, Thích sâm, Quang sâm, Hải nam tử.
Nguồn gốc: Nguyên cả con Hải sâm.
Nơi sản xuất: Đại bộ phận các nơi đều có hoặc nuôi.
Thu nhặt chế biến: Ngư dân đánh bắt được thường đem phơi hay sấy khô dùng làm thuốc hay thực phẩm. Loại to mà dài, da không có gai là loại kém. Loại có màu đen thịt dính, da có nhiều gai là loại tốt và quý.
Bào chế: Rửa sạch phơi khô, sấy giòn. Khi dùng ngâm nước cho mềm, xắt lát, phơi dòn, tán bột. Thu bắt về cạo rửa cho sạch bằng nước muối, lộn trong ra ngoài, rửa sạch, phơi khô, sấy giòn. Khi dùng ngâm vào nước cho mềm xong xắt mỏng 3-5 ly, sao với gạo nếp cho phồng vàng lên. Tán bột rồi kết hợp với các thuốc khác hoặc làm hoàn, hoặc nấu cháo ăn.
Tính chất vị thuốc: Hải sâm Hai bên bao trùm cả hình dạng ngoài và cấu tạo của nhiều cơ quan bên trong. Cơ thể Hải sâm giống như quả dưa chuột, trung bình dài 20cm, da sần sùi, hơi nhám và mềm nhũn. Hải sâm di chuyển trên một mặt bên nên trục cơ thể nằm ngang khi vận chuyển. Theo chiều dọc trên cơ thể có thể phân biệt. Đầu trước có lỗ miệng, vành xúc tu, và đầu sau có hậu môn. Mặt bụng thường ứng với ba vùng chân ống (hay ba vùng tỏa tia), mặt lưng ứng với 2 vùng tỏa tia. Chân ống ở mặt bụng phát triển, có giác, giữa nhiệm vụ chuyển vận, còn chân ống ở mặt lưng tiêu giảm, không có giác. Có 5-10 xúc tu để bắt mồi, xúc tu giữa nhiệm vụ xúc giác, chúng không có mắt. Chỉ có một tuyến sinh dục là một chùm ống dài nằm cạnh màng treo ruột, phần lớn phân tính, trứng và tinh trùng cùng ở một tuyến sinh dục, nhưng hình thành ở những thời gian khác nhau. Nó thường thải tinh trùng và trứng vào buổi tối, giống như một dải khói trắng phụt ra. Trứng thụ tinh và phát triển ở ngoài cơ thể, từ trứng phát triển qua giai đoạn ấu trùng hình tai có vành tiêm mao bơi trong nước, rồi qua dạng ấu trùng có 5 xúc tu (Có một số Hải sâm, nhất là các loài sống ở vùng cực, không qua giai đoạn ấu trùng sống tự do, trứng phát triển ngay trên cơ thể mẹ tới dạng con non. Có một số loài có khả năng sinh sản vô tính theo kiểu chia cắt cơ thể, rồi tái sinh lại phần thiếu hụt. Hải sâm thích sống trên nền đáy hoặc chui rúc trong bùn, ở các bờ đá, đảo san hô, đá ngầm, cát bùn. Ở vùng có thức ăn phong phú, Hải sâm ít đi động, nó rất nhạy cảm với nước bẩn. Khi bị kích thích mạnh trùng nôn toàn bộ ruột gan ra ngoài và cơ thể có thể tái sinh lại sau khoảng 9 ngày. Thức ăn chính là vụn hữu cơ, sinh vật tảo nhờ, trùng có lỗ, trùng phóng xạ, và các loài ốc. Phân nhiều và có từng đoạn dài là dấu hiệu thăm dò vùng tập trung Hải sâm. Bờ biển Việt Nam đã biết có khoảng 50 loài Hải sâm. Trên thế giới có khoảng 40 loài để dùng làm thuốc và thức ăn.
Ở Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nước khác, Hải sâm từ lâu đã là món ăn quí. Vì thế mà nó được liệt vào ngang hàng với Sâm, thuộc (sơn hào hải vị) bổ, dùng cho giai cấp quí tộc thời phong kiến. Trên thị trường Hải sâm được bán dưới dạng khô và đã bỏ hết ruột. Ngày nay là loài xuất khẩu đắt tiền.
Có nhiều loài Hải sâm, ở vịnh Bắc bộ Việt Nam phổ biến có các loại Leptopentacta typica Stichopus, Chloronotus holothuria Martensii, Protankyra Pseudodigitata.
Tính vị công dụng: Vị ngọt, mặn. Tính ấm, Không độc. Bổ thận, ích tinh, tráng dương, tư âm, giáng hỏa. Trị suy nhược thần kinh, bổ thận, ích tinh tủy, mạnh sinh lý, bổ âm giáng hỏa, tiêu đàm dãi, cầm giảm tiểu tiện, nhuận trường, trừ khiếp sợ yếu đuối.
Phụ chú: Bảo quản: Giữ kỹ, để nơi khô ráo, thỉnh thoảng phơi lại. Tránh ẩm mốc, sâu bọ.
Bài thuốc tham khảo:
- Trị táo kết, bón do hư hỏa: dùng Hải sâm, Mộc nhĩ, xắt nấu chín, bỏ vào trong ruột heo nấu chín ăn.
- Trị hưu tức lỵ (lỵ mãn tính), mỗi ngày sắc Hải sâm uống.
- Trị các loại lở loét, sấy khô, tán bột, bôi.


24. Hải tinh
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Hải tinh.
Nguồn gốc: Toàn thân khô của con Sao biển Stellaster equestris (Retjius) động vật họ Giác hải tinh.
Nơi sản xuất: Các vùng duyên hải Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông.
Thu nhặt chế biến: Suốt năm đều bắt được, phần nhiều là sản phẩm phụ nghề cá, sau khi mò được thì rửa sạch bằng nước ngọt rồi sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Dược liệu có hình sao 5 cánh, sắc trắng vàng, tấm khá to cánh rộng, đoạn đuôi cánh sao vểnh lên hoặc không vểnh lên, hơi nhọn, một phía bằng phẳng, một phía hơi lõm xuống ở giữa, có 5 đường xẻ từ trung tâm hướng ra đầu ngọn cánh sao, vươn thẳng thành 5 không đều hai cạnh bên, có gai nhỏ nổi lên dày đặc, bên mép có nhiều vân ngang. Mùi hơi tanh, vị hơi mặn. Thứ có 5 cánh hoàn chỉnh, sắc trắng vàng không có màu lam nhẹ là thứ tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, bình. Có thể nhuyễn chỗ cứng, tiêu nhọt. Dùng khi sưng to tuyến giáp. Liều thường dùng 9-12 gam. 

25. Hầu cốt 

Xếp loại: Động vật.
Tên thuốc: Hầu cốt (Xương khỉ).
Tên La Tinh: Macaca mulatta Zimmermann hoặc M. speciosa F. Cuvier.
Tên khác: Hầu tử cốt, mã lưu cốt.
Nguồn gốc: Xương khô của khỉ ma các hoặc khỉ mặt đỏ, thuộc họ Khỉ (Macacaceae).
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Vân Nam, Quí Châu, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Hải Nam.
Thu nhặt chế biến: Bắt quanh năm, giết khỉ, bỏ da thịt, lấy xương phơi khô hoặc sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Toàn bộ xương đầu, xương sống, xương sườn, xương đuôi và xương tứ chi, màu từ trắng vàng đến nâu nhạt. Xương đầu tương tự như xương đầu của người. Xương sống khá to, cộng 28 đốt. Xương sườn nhỏ, cong, có 13 đôi. Xương đuôi vè cuối nhỏ dần, gồm 15 đốt. Móng bàn tay của tứ chi đều có da lông. Xương chi trước hơi ngắn, xương đốt trên (xương cánh tay) dài 10-13 cm, xương đốt dưới (xương trụ và xương quay) dài 11-14 cm. Xương chi sau hơi dài, xương đốt trên dài 15-17 cm, hơi cong. Xương chi dưới (xương chày và xương mác) dài 13-15 cm. Chất cứng, mặt cắt màu trắng, rỗng giữa. Hơi có mùi tanh, vị hơi chua. Loại sạch sẽ, không còn thịt, óng ánh là tốt.
Tính vị công dụng: Chua, bình. Vào 2 kinh tâm, can. Khư phong trừ thấp, trấn kinh. Dùng cho phong hàn thấp tý, tứ chi tê dại, kinh phong. Liều thường dùng 3-10 gam. Khi dùng cần sao chế.
Phụ chú: Thịt khỉ khô gọi là Hầu tử nhục cũng làm thuốc. Vị chua, tính bình. Bổ thận tráng dương, thu liễm cố tinh, khư phong trừ thấp. Liều thường dùng 15-20 gam. Dân gian dùng cho trẻ em cam tích, trướng bụng không tiêu.

26. Hầu táo 
Xếp loại: Động vật.
Tên thuốc: Hầu táo.
Tên La Tinh:
Macaca mulatta Zimmermann.

Tên khác: Thân táo, hầu tử táo.
Nguồn gốc: Là sỏi ở dạ dày, ruột, túi má của khỉ ma các, hoặc loài khỉ khác thuộc họ Khỉ (Macacaceae).
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia.
Thu nhặt chế biến: Giết khỉ, nếu trong dạ dày ruột có sỏi thì lấy ra, bỏ màng mỏng bám ngoài, hong khô.
Tính chất vị thuốc: Hình tròn bầu dục hoặc hình tròn dẹt không đều, một số ít dạng khúc ngắn, to nhỏ khác nhau, bề mặt mầu thanh đồng hoặc lục xám, nhẵn, óng ánh. Chất cứng giòn, tay cầm lắc thường có tiếng vang, đập dễ vỡ, mặt cắt màu lục xám, hoặc vàng xám thấy rõ nhiều lớp vân tròn đồng tâm, ở giữa thường có hạt nhỏ. Hơi có mùi, vị hơi chát, nhấm có cảm giác silic. Loại to, nhẵn, óng ánh, không vỡ, có lớp vân là tốt.
Tính vị công dụng: Đắng, mặn, hàn. Vào các kinh tâm, phế can, đởm. Thanh nhiệt trấn kinh, khoát đàm dịch suyễn, giải độc tiêu thũng. Dùng khi nhiệt đàm ho suyễn, trẻ em kinh phong, mụn nhọt tràng nhạc. Liều thường dùng 0,3-0,6 gam. Nghiền bột mịn uống với nước hoặc cho vào hoàn tán.

27. Hậu giáp 
Xếp loại: Động vật.
Tên thuốc: Hậu giáp (mai con sam).
Tên La Tinh:
Tachypleus tridentatus Leach.

Nguồn gốc: Mai lưng bụng khô con sam Trung Quốc.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở vùng Duyên hải Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam.
Thu nhặt chế biến: Xuân hạ là thời kỳ sinh sản nhiều, thường bắt ở bãi cát, bóc lấy thịt rồi lấy mai bụng và lưng, rửa sạch, phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Mai màu nâu xanh, óng ánh. Mai ngực (giáp xác phía trước) hình móng ngựa, mép trước tròn, lưng có 3 xương sống dọc. mai lưng phần bụng (giáp xác phía sau) thành hình nếp gấp cái quạt, thấy rõ 6 cạnh, 2 bên mép mỗi bên có 7 gai cứng nhọn, giữa mai bụng thành hình xương sống, có 2 gai to, hai bên xương sống hơi lóm xuống, có chỗ lõm hình môi cứ 6 cái một xếp thành hàng dọc, có 3 đường lõm, 2 bên lưng có gai cứng dạng xương nhô lên. Loại to nguyên vẹn, màu sắc tươi là tốt.
Tính vị công dụng: Cay, mặn, bình. Hoạt huyết tán ứ, giải độc. Dùng khi tổn thương do bị đánh, ngã, vết thương chảy máu, bỏng lửa, zona. Uống 10 – 15g. Chế biến tồn tính dùng làm thuốc, dùng ngoài đốt lấy tro trộn với dầu đắp chỗ đau.

28. Hổ cốt

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Hổ cốt.
Tên La Tinh: Tigris L. Họ mèo (Felidae).
Tên khác: Ô duyệt cốt, Đại trùng cốt, Ư thỏ cốt, Ô trạch.
Nguồn gốc: Toàn bộ xương Cọp đều có thể dùng làm thuốc được, xương chân gọi là ‘Hổ hỉnh cốt’, xương đùi gọi là ‘Hổ thối’, xương sọ gọi là ‘Hổ đầu’, xương cột sống được gọi là ‘Hổ tích’, xương sườn gọi là ‘Hổ lặc’...nhưng tốt nhất là xương 2 ống chân trước (humerus), vì khí lực toàn thân con Cọp là chú trọng bởi hai chân trước của nó.
Xương Cọp nấu thành cao gọi là Cao hổ cốt.
Nơi sản xuất: Các vùng ở Việt Nam, duyên hải Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông, Trung Quốc.
Thu nhặt chế biến: Bào chế: Nạo sạch gân thịt còn sót lại trên xương, cưa thành từng khúc dài khoảng 3,5cm. Rán thơm bằng dầu mè hoặc chích bằng cách sao với cát rồi thừa lúc đang còn nóng bỏ vào dấm tôi qua để dùng. Cũng có thể nấu cao chế thành Cao Hổ cốt, hoặc ngâm rượu dùng.
Tính chất vị thuốc: Xương Hổ có phân biệt xương đầu, xương cổ, xương mình (gồm xương sống, xương sườn, xương cùng cụt) và xương tứ chi, lấy xương tứ chi và xương đầu là tốt nhất, mà trong xương tứ chi thì xương chi trước là tốt nhất, xương lòng bàn chân và kế đó là xương chi sau, xương đầu gối của Hổ thường bán từng cặp, rất quí, thường người ta cho rằng xương hổ lớn (trên 5kg) và Hổ đực tốt hơn xương Hổ con và Hổ cái. Ví dụ như trong một bộ xương hổ nặng 6kg thì xương đầu nặng 1kg chiếm hết 15% toàn bột trọng lượng cả bộ xương. Xương 4 chân nặng, 3,390kg chiếm 52%. Xương sống kể cả xương cổ nặng 0,900kg chiếm 14%. Xương sườn 13 đôi nặng 0,335kg chiếm 5,5% (không kể xương ức). Xương chậu nặng 0,355kg (cả hai mảnh) chiếm 55%. Xương bả vai nặng 0,260kg chiếm 4% xương cùng cụt nặng 0,146kg chiếm 2,2% hai xương bánh chè nặng 0,030kg chiếm 0,45%. Sắc xương khô cả hổ đã chết màu vàng trắng, ít dầu chất lượng kém nhất, không dùng vào thuốc. Xương Hổ lấy màu vàng ngà, to, tươi, chất nặng, ít da thịt là loại tốt. Xương Hổ do trúng tên độc mà chết có màu xanh trong tủy xương có thể chứa chất độc, không dùng vào thuốc. Xương tứ chi của Hổ thô khỏe, các khớp phình lớn, rất phát triển, mặt ngoài màu ngà, phẳng trơn láng nhuận, chất mịn, cứng nặng, mặt cắt ngang của xương thấp tủy chứa chất béo, loại tươi chứa chất béo rất nhiều, loại cất dấu tương đối lâu thì (dầu chất béo) tương đối khô, thể hiện chất tủy dạng xơ mướp, có ít chất mỡ, rất thơm mãnh liệt, không có mùi tanh hôi.
Tính vị công dụng: Vị cay, Tính hơi ấm. Vào 2 kinh can, thận. Khu phong, thông lạc, cường cân, kiện cốt. Chủ trị phong thấp, nhức mỏi xương lâu ngày, gân cốt yếu.
Phụ chú: Liều lượng: 3 -8 chỉ. Sắc uống hoặc ngâm rượu, nấu cao hoặc tán bột dùng trong thuốc hoàn tán. Kiêng kỵ: Người huyết hư hỏa thịnh cấm dùng.

29. Hồng nương tử


Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Hồng nương tử.
Tên La Tinh: Huechys Sanguinea De Geer
Tên khác: Hồng nương trùng, Hồng nữ, Hồng cô nương, Hồng thuyền.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là thân sấy khô của Hông nương tử đuôi đen (Hắc sí hồng nương tử), động vật thuộc họ Ve sầu (Thuyền khoa).
Nơi sản xuất: Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam và các nơi ở Hoa Đông, Tây Nam.
Thu nhặt chế biến: Mùa hạ, mùa thu bắt lấy khi còn sương sớm chưa tan, bắt rồi nướng hay chưng lên cho chết, lấy ra rồi sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc trông giống con ve sầu nhưng bé, hình tròn dài, đầu đuôi hơi nhỏ, dài 1,6-2,5 cm, chiều ngang khoảng giữa 0,4 - 0,7 cm; Đầu, cổ, ngực đều có màu nâu đen, mắt kép to, lồi, vùng 2 vai và bụng có màu hồng son, vùng bụng có 8 đốt vòng, vây trước vùng lưng màu xám đen, vây sau màu nâu nhạt, vây dài quá bụng, vùng ngực có 3 đôi chân đen, phần nhiều đã rụng xác. Chất nhẹ dễ vỡ. Con to nguyên vẹn, vây đen, bụng đỏ, tươi màu là tốt.
Tính vị công dụng: Đắng, bình, đại độc. Hoạt huyết hành ứ, thông kinh mạch giải độc. Dùng khi ứ huyết, kinh bế, kết hòn cục, chó dại cắn thành thương. Dùng ngoài trị ghe ngứa, ác sang tràng nhạc. Liều lượng thường dùng 0,15- 0,3 gam; dùng ngoài lượng thích hợp.
Phụ chú: Vị thuốc rất độc, người thể hư hoặc có thai kiêng dùng. Nội nhãn nên sao nhẹ, như thế là bỏ đầu, bỏ chân, bỏ vây, hồng nương tử sao cùng gạo cho đến vàng sạm bỏ ra, sàng bỏ gạo, để nguội.

30. Huyết dư thán
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Huyết dư thán.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là vật đốt cháy thành than của tóc trên đầu người chế thành.
Nơi sản xuất: Các nơi trên khắp đất nước.
Thu nhặt chế biến: Thu nhặt tóc trên đầu của người mạnh khoẻ, loại bỏ tạp chất, dùng nước kiềm rửa lại nhiều lần để loại bỏ chất bẩn dầu, rửa sạch bằng nước trong, sấy khô sau đó nung tồn tính.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này là những khối không đều đặn, to nhỏ bất nhất, tất cả có màu đen tóc mặt ngoài có nhiều lỗ nhỏ không đều. Nhẹ, giòn dễ vỡ, chỗ gẫy có dạng bọt biển không bằng phẳng. Đốt lên có mùi tóc cháy, vị đắng. Dược liệu tốt thì thể nhẹ, màu đen nhánh, thành khối.
Tính vị công dụng: Đắng, hơi ôn. Vào các kinh tâm, can, thận. Chỉ huyết hóa ứ. Dùng khi thổ huyết khạc máu, máu cam, đái ra máu, băng huyết rong huyết, ngoại thương xuất huyết. Liều lượng thường dùng 4,5 - 5 gam. 


31. Kê nội kim 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Kê nội kim.
Tên La Tinh: Gallus gallus domesticus Brisson.
Nguồn gốc: Màng trong mề phơi khô của con gà nhà, động vật họ Trĩ.
Nơi sản xuất: Các nơi đều có.
Thu nhặt chế biến: Có thể thu nhặt quanh năm, mổ dạ dày, bóc lấy thành trong khi còn nóng, rửa sạch sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc là phiến không đều đặn, hoặc phiến cuộn lại, dài 3,5-5 cm, rộng 3-5 cm, dày chừng 2-3 mm, màu vàng kim, vàng nâu hoặc vàng lục, có nhiều đường dọc gợn sóng nhăn vằn. Chất giòn nhẹ dễ vỡ mặt vỡ có chất sừng gọn trơn sáng. Mùi hơi tanh, vị hơi đắng. Phiến to, hoàn chỉnh, sạch sẽ, màu tươi là dược liệu tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, bình. Vào các kinh tì, vị, tiểu tràng, bàng quang. Kiện vị tiêu thực, sáp tinh chống di tinh. Dùng khi tích trệ thức ăn, bụng chướng, trẻ em cam tich, tả lị nôn mửa, đái són, đái rắt. Liều thường dùng 6-15 gam. Thuốc sao lên tán bột uống tốt hơn là cho vào thuốc thang.
Phụ chú: Trên thương trường có lúc lấy màng mề vịt bỏ lộn vào kê nội kim. Màng trong mề vịt dày hơn, ít các đường nhăn vặn, mặt trước màu tím lục hoặc tím đen, hay vỡ vụn. Mùi tanh, không phải là kê nội kim.
Bài thuốc tham khảo:
- “Kê Nội Kim Tán”: Kê nội kim, liều lượng tùy dùng, tán nhỏ, uống với rượu ấm. Trị sau khi sinh xong bị đái dầm.
- Trị cam tích, bụng đầy, ăn ít: Kê nội kim (sao) 60g. Tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 - 6g với nước cơm hoặc nước sôi ấm.
- Trị cam tích, bụng to: Kê nội kim 12g, Miết giáp (nướng) 30g, Xuyên sơn giáp 8g. Tán bột. Mỗi ngày uống 1 lần, mỗi lần 1,5 - 3g.
- Trị đại tràng viêm mạn tính: Kê nội kim (sao) 10g, Bạch truật 10g. Tán bột, trộn đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 - 6g.
- Trị tiêu chảy kéo dài do tỳ hư: Kê nội kim, Bạch truật, Can khương đều 60g, Đại táo nhục 240g (chưng chín). Tất cả sao chín, tán bột, trộn với Táo nhục giã nát, trộn đều làm thành bánh, sấy khô. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g.
- Trị sỏi mật, sỏi đường tiểu: Kê nội kim 12g, Kim tiền thảo 15g, Uất kim 10g, Hồ đào 15g, Hải kim sa 15g. Sắc uống.
- Trị sỏi tiết niệu: Lục Nhất Tán (Cam Thảo, Hoạt thạch) 30g, Hỏa tiêu 10g, Kê nội kim 10g. Tán bột. Ngày 2 lần, mỗi lần 2 - 6g.

32. Kim biên thổ miết 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Kim biên thổ miết.
Tên La Tinh: Opisthoplatia orientalis Burm.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là thân con cái khô của con bọ xít ở bếp (xích biên thuỷ) động vật họ Cơ liêm.
Nơi sản xuất: Sản xuất tại Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam. Có nhiều ở duyên hải phía đông Quảng Đông.
Thu nhặt chế biến: Mùa hạ mùa thu khi con cái béo tốt thì bắt lấy. Sau đó dúng vào nước nóng cho chết, sấy hoặc rang khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này hình bồ dục, hơi cong vào trong, trông giống con ba ba, dài 3-4 cm, lưng màu nâu đen trơn sáng, kiểu vỏ cứng, trên đầu chỗ trước ngực lưới lưng, không rõ mắt, có một đôi xúc giác hình dây hay rụng, cả thân do 10 cái vảy lật xếp thành đốt ngang, đốt thứ nhất rộng, đường mép màu vàng lục, 9 đốt phía dưới có đường mép màu hồng nâu, mỗi đốt đều có răng cưa, hai bên các đốt thứ hai thứ ba đều có vật kiểu vảy đặc biệt, có 3 đôi chân mọc ở phần ngực, mép dưới đốt bụng có gai. Trong bụng thường có bao trứng hình vỏ đậu. Thể nhẹ, vị tanh. Thứ này to con, nguyên vẹn có màu hồng sáng bóng, thể nhẹ không hôi thối là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, hàn. Vào kinh can. Có hơi độc. Phá ứ huyết, nối gân cốt. Dùng khi huyết ứ kinh bế, gân cốt gãy thương. Liều thường dùng 3-10 g. Phụ nữ có thai và người không ứ thì kiêng dùng.
Phụ chú: Vị thuốc này là thuốc được dùng theo tập quán địa phương một bộ phận Quảng Đông, không phải là thổ miết trùng thuộc động vật gốc nên trong “Dược Điển”. Các con này là con cái con phơi khô của Địa miết Eupolyphaga sinensis Walker hoặc Ký địa miết Steleophaga Plancyi (Boleni) họ Miết Liêm, Kim Biên thổ miết và Thổ miết trùng có tính vị và công dụng như nhau.

33. Kim sa ngưu 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Kim sa ngưu.
Tên La Tinh: Myrmeleon formicarius Linnaeus.
Tên khác: Nghị sư.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là ấu trùng phơi khô của Kiến động vật họ kiến (Nghị linh).
Nơi sản xuất: Chủ yếu là Quảng Đông, Quảng Tây, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Chiết Giang, Hồ Nam, Vân Nam, Quí Châu, Hải Nam.
Thu nhặt chế biến: Có thể bắt suốt năm, mùa hạ nhiều, mùa thu giống kiến này bắt bằng cách lấy tổ sàng ra, sau đó sao nhỏ lửa cho thân kiến phồng lên là được.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này giống hạt thóc, dài từ 7-15 mm, toàn thân sắc vàng nâu, có những điểm nâu đen loang lổ, đầu hơi dẹt to, miệng phát triển, răng trên một đôi, dài dẹt cong vào như cái kìm, ngực nở, bụng có 10 đốt vòng, bụng và ngực phồng to hoặc hơi to, hai bên có lông ngắn, đoạn chót có gai, chân 3 đôi, chân giữa rất dài, lúc thu nhặt chế biến thưòng rung mất. Thể nhẹ, giòn xốp. Mùi hơi tanh, vị hơi mặn. Thứ to con, nguyên vẹn vàng nâu, nhẹ mà phồng to, không có bùn cát là dược liệu tốt.
Tính vị công dụng: Cay, mặn, ôn. Vào các kinh thận, bàng quang. Giải nhiệt, trấn kinh, tán kết, lợi niệu thông lâm làm tan đinh độc. Dùng cho trẻ em sốt cao, có sỏi thận hoặc niệu đạo, tiểu tiện bất lợi, tràng nhạc, đinh sang. Liều lượng thường dùng 3-9 g. Sắc nước hoặc nghiền bột, hãm uống ngay.

34. Kim tiền bạch hoa xà 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Kim tiền bạch hoa xà.
Tên La Tinh: Bungarus multicinctus multicinctus Blyth.
Tên khác: Quảng Đông bạch hoa xà.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là thân đã khử bỏ nội tạng phơi khô của con Rắn vòng bạc, động vật thuộc họ rắn mắt kính.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hồ Nam, Quí Châu, Hải Nam, Vân Nam, nhiều nhất ở Xán Đầu, Mai huyện tỉnh Quảng Đông, hoang dã hoặc nhà nuôi.
Thu nhặt chế biến: Mùa hạ, mùa thu sau khi bắt được bẻ vứt răng độc, mổ bụng rắn vứt bỏ nội tạng lau sạch máu bẩn, ngâm tẩm xử lý bằng cồn etylic 75 độ. Cuộn thành hình tấm bánh đầu vào trong, đuôi rắn cắm vào miệng rắn, cố định bằng nẹp tre non, rang nhẹ hoặc sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này cuộn thành tấm, đường kính ước 3 cm, đầu ở trong, đuôi cắm vào mồm rắn, đầu có hình bồ dục, lưng màu đen hoặc màu xám đen, có nhiều vòng xoắn trắng, sống lưng gồ rõ, vảy nhỏ dày có ánh bóng, bụng màu trắng vàng, vảy hơi to, rải rác có các điểm loang nhỏ sắc đen. Mùi hơi tanh, vị hơi mặn. Dược liệu đầu đuôi đủ cả, sắc bóng sáng đẹp, hình tầm như cuộn dây đồng là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, ôn. Vào kinh can. Phần trên đầu có độc. Khư phong, thông lạc. Dùng trong trường hợp phong thấp, tê tí dai dẳng, chân tay co quắp tê dại, trúng phong miệng méo mắt lệch, bán thân bất toại, rút quắp kinh giật, uốn ván, ghẻ lở, nhọt ác hạch cổ vỡ. Liều lượng thường dùng 6 gam. Lúc dùng thì bỏ đầu bỏ vẩy.

35. Kỳ xà 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Kỳ xà (rắn hổ mang).
Tên La Tinh: Agkistrodon acutus (Cuenther).
Tên khác: Bạch hoa xà.
Nguồn gốc: Là toàn thân khô con ngũ bộ xà, thuộc họ Khuê (Crotalinae), đã loại bỏ nội tạng.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Hồ Bắc, An Huy, Giang Tây, Chiết Giang, Hồ Nam, Quí Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Đài Loan. Miền bắc Việt Nam cũng có.
Thu nhặt chế biến: Đánh bắt vào mùa hè, thu. Mổ bụng, bỏ nội tạng, lấy nẹp tre căng bụng rắn thành dạng khay tròn. Khi khô thì bỏ nẹp tre đi.
Tính chất vị thuốc: Chế phẩm có dạng khay tròn, đường kính 17-34 cm. Đầu hình tam giác dẹt, đặt ngóc lên ở giữa khay. ở 2 bên lưng, mỗi bên có 17-25 điểm hoa văn màu nâu và đen xếp thành hình chữ V, hai đầu trên của chữ V liền với đường kẻ ở giữa lưng, có chỗ không liền mà xếp chéo nhau. Vảy bụng khá to, có đốm đen gần tròn, mặt trong thành bụng màu trắng vàng. Xương sống lồi rõ, trông thấy rõ xương sườn hai bên. Đuôi đột ngột nhỏ lại, đoạn cuối có một cái vảy chất sừng hình tam giác màu xám sẫm. Mùi tanh, vị hơi mặn. Loại con to, đàu thân và đuôi nguyên vẹn, đốm hoa rõ rệt, màu thịt trắng vàng, không mùi hôi, không bị sâu ăn là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, ôn. Vào kinh can. Có độc. Khư phong, thông lạc, giải kinh. Dùng cho người phong thấp tê dại lâu ngày, trúng phong tê liệt co quắp, mắt miệng méo xệch, bán thân bất toại, co giật, uốn ván, hủi, hắc lào. Liều thường dùng 3-12 gam. Khi dùng làm thuốc phải bỏ đầu và vảy.

36. Linh dương giác

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Linh dương giác.
Tên La Tinh: Saiga tatarica L.
Nguồn gốc: Hai sùng của con thú đực Linh dương. Động vật thuộc họ trâu bò.
Nơi sản xuất: Các vùng biên giới Tây Bắc Tân Cương, ở Nga, các vùng núi đá ở Việt Nam cũng có.
Thu nhặt chế biến: Có thể săn bắt quanh năm, con vật bắt được mùa thu có hình sắc trắng bóng tốt nhất, chất lượng đẹp nhất.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc hình viên chuỳ dài, hơi cong, dài 15 - 30 cm, toàn bộ sáng nhuận như ngọc, đầu mút nhọn sáng bóng, phần dưới ở giữa có vòng sống dạng sóng 10 - 18 đường, mặt cắt ngang phần gốc có hình tròn, trong có trụ sừng chất chắc mà nặng hay gọi là cốt tái, chiếm ước 1/2 đến 1/3 chiều dài toàn bộ, cắt ngang cốt tái quanh bốn bề đều hình răng, khử bỏ cốt tái thì đoạn dưới của sừng hóa thành ống rỗng, nửa đoạn trên ở giữa có một dải kín có những lỗ nhỏ, thông thẳng với đầu nhọn chắc của nhánh sừng già thì có nhiều đường xoắn rách, chất cứng. Không mùi. Vị nhạt. Thứ tốt thì chất nặng, sắc trắng bóng nhuận, có tơ máu, không xoắn rách.
Tính vị công dụng: Mặn, hàn. Vào các kinh can, tâm. Có thể bình can tức phong, thanh can sáng mắt, tán huyết giải độc. Dùng khi sốt mê man, kinh giật co quắp, phát điên nói sảng, động kinh co giật, mắt đỏ đầu nhức choáng váng, phát ban do ôn độc, sang độc sưng đau. Thường dùng liều 1 - 3 gam. Nước sắc độc vị nên sắc trước 2 giờ, mài hoặc nghiền bột mà uống, mỗi lần 0,3 - 0,6 gam.
Bài thuốc tham khảo:
- “Linh Dương Giác Thang”: Linh dương giác, Hoàng cầm (bỏ lõi đen), Sài hồ, Thiên ma đều 1,2g, Cam thảo sống 40g. Tán bột. Mỗi lần dùng 20g, sắc với 1,5 chén nước còn 1 chén, uống sau bữa ăn. Trị tâm phế có phong nhiệt bốc lên mắt gây nên mộng mắt.
- “Linh Dương Giác Ẩm”: Chi tử nhân 40g, Đại hoàng (sao) 20g, Đại thanh 20g, Đông quỳ tử (sao) 40g, Hồng lam hoa (sao) 20g, Linh dương giác 40g, Lý tử 20g, Thanh tương tử 20g. Trộn đều. Mỗi lần dùng 12g, sắc uống ấm. Trị huyết lâm, tiểu ra máu, nhiệt kết gây nên tiểu buốt.
- Trị mắt có màng, mắt mờ, mắt nhìn thấy vật như ruồi bay: Địa cốt bì 40g, Huyền sâm 40g, Khương hoạt 40g, Linh dương giác 40g, Nhân sâm 40g, Xa tiền tử 40g. Tán bột. Mỗi lần dùng 12g, sắc uống ấm (Linh Dương Giác Ẩm).
- “Linh Dương Giác Hoàn”: Linh dương giác 45g, Hoàng liên 60g, Hoàng bá (bỏ vỏ đen) 45g. Tán nhuyễn, trộn với mật làm thành viên, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 50-60 viên với nước trà pha dấm. Tri đi tiêu phân đen như gan gà, khát.
- “Linh Dương Ẩm”: Cát cánh 4g, Chi tử (sao) 4g, Hắc sâm 4g, Hoàng cầm 4g, Linh dương giác 6g, Sài hồ 4g, Sung úy tử 8g, Tri mẫu 4g, Sắc uống. Trị mắt sưng đỏ, mắt đau:
- “Linh Dương Thang”: Bạc hà, Liên kiều, Linh dương giác, Mẫu đơn bì, Ngưu bàng tử, Tang diệp. Sắc uống. Trị chứng đầu đau do phong.
- Trị sản hậu ác huyết xông lên gây ra phiền muộn hoặc đau bụng lâu ngày: dùng Linh dương giác, đốt tồn tính, hòa rượu uống.
- Trị ngăn nghẹn không thông: Linh dương giác, tán nhuyễn, uống.
- Trị sản hậu phiền muộn, mồ hôi chảy ra: Linh dương giác, đốt, uống với nước.
- Trị trúng phong, tâm phiền, hoảng hốt, trong bụng đau quặn: Linh dương giác tiêm, sao sơ, tán nhuyễn. Mỗi lần uống 4g với rượu ấm.
- Trị co giật, uốn cong người kèm can phong trong ôn bệnh: Linh dương giác, Câu đằng, sắc uống.
- Trị kinh giật do can âm hư: Linh dương giác, Tang ký sinh, Long cốt, Mẫu lệ, sắc uống.
- Trị động kinh: Linh dương giác, Cương tàm, Câu đằng, Đảng sâm đều 1,5g, Thiên ma, Cam thảo đều 1g, Toàn yết 0,7g, Ngô công 0,3g. Tán bột, mỗi lần uống 1g, ngày 2-3 lần.

37. Lộc nhung (1) 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Lộc nhung.
Tên La Tinh: Cervus nippon Temminck.
Nguồn gốc: Sừng của hươu đực chưa cốt hóa có dày đặc nhung mao (Mai Hoa Lộc Nhung), động vật thuộc họ Hươu.
Nơi sản xuất: Ở Việt Nam, Trung Quốc các nơi đều nuôi nhiều.
Thu nhặt chế biến: Mỗi năm có thể thu hai lần. Lần thứ nhất lấy sau thanh minh 40 - 50 ngày, gọi là Đầu Tra. Lần thứ hai trước sau lập thu cưa lấy gọi là Nhị Tra. Cách chế biến phức tạp, sách này lược.
Tính chất vị thuốc: Hoa Lộc Nhung chia ra là Nhung cưa (cứ nhung) và Nhung bổ (khảm nhung) 1. Nhung cưa thương phẩm chia ra hai cán (nhị dang) và ba chạc (tam xoá). Nhị dang: một cành chính, một cành bên, cành chính thô mà dài, thường gọi là Đại Đĩnh, cành bên ngắn hơi nhỏ, thường gọi Môn Trang đều là hình viên trụ, nhỏ, to, dài, ngắn bất nhất, đường kính miệng cưa ước 3 cm, sắc trắng vàng, có những lỗ nhỏ tổ ong, bốn chung quanh không có chất xương, biểu bì màu hồng nâu hoặc tía nâu, có các nhung mao hoặc xám nhạt, chóp trên dày đặc, phía dưới thì thưa thớt, giữa chỗ phân chạc có một dải mạch gân xám đen, lông da dày. Chạc 3 so với hai cán thì thưa hơn. Thể chất hơi nặng, cả hai đều có mùi hơi tanh, vị hơi mặn. Dược liệu tốt thì to, tròn trĩnh, dày dặn, chất nặng, lông nhỏ dày, sắc hồng tía, bóng nhãy sáng đẹp. 2.Nhung bổ là loại lộc nhung dính cả xương đầu, tính trạng cũng tương đồng với nhung cưa, nhưng ngoài có da đầu, trên da có nhiều lông ngắn sắc trắng của xương sọ. Mùi hơi tanh, vị hơi mặn.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, ôn. Vào các inh thận, can. Ôn thận tráng dương, sinh tân dưỡng huyết, bổ tuỷ, kiện cốt. Dùng trong trường hợp eo thân hư lạnh, liệt dương hoạt tinh, huyết hư, hoa mắt chóng mặt, hư hàn huyết băng, nghi lạnh không thai nghén được, âm thư không liễm, lưng gối yếu mềm. Liều lượng thường dùng là 3 - 6 gam.
Phụ chú: Ngoài lộc nhung ra thì lộc vĩ (đuôi hươu), lộc giác giao (cao sừng hươu), lộc giác sương (bã sừng hươu sau khi nấu cao), lộc tiên (dương vật hươu), lộc thai (phôi hươu) và lộc cân (gân hươu) đều làm thuốc, tính vị công dụng của chúng so với lộc nhung thì giống nhiều mà khác ít.
Bài thuốc tham khảo:
- “Hắc Hoàn”: Lộc nhung, Đương quy (đều tẩy rượu). Lượng bằng nhau, tán bột. Dùng thịt Ô mai nấu thành cao, trộn thuốc bột làm hoàn. Ngày uống 8-12g lúc đói với nước cơm. Trị tinh huyết suy kiệt, sắc mặt đen sạm, tai ù, mắt hoa, miệng khô, khát, lưng đau, gối mỏi, tiểu đục, trên táo dưới hàn.
- “Nhung Phụ Thang”: Lộc nhung (chưng rượu), Phụ tử (bào) đều 40g. Tán bột. Chia làm 4 phần. Thêm Sinh khương 10 lát, sắc uống ấm. Trị tinh huyết đều khô, doanh vệ hao tổn, sốt về chiều, tự ra mồ hôi, hồi hộp, lo sợ, chân tay mỏi, các loại hư yếu.
- “Lộc Nhung Tửu”: Lộc nhung 20-40g. Ngâm rượu 7 ngày, uống dần. Trị hư yếu, liệt dương, da mặt không tươi, tiểu nhiều, không muốn ăn uống.
- “Lộc Nhung Tán”: Lộc nhung 40g, Thục địa 80g, Nhục thung dung 40g, Ô tặc cốt 40g. Tán bột. Ngày uống 8-12g. Trị phụ nữ bị băng lậu, vô sinh do dương hỏa suy.
- Trị thận dương bất túc, tinh khí hao tổn gây nên liệt dương, di tinh, hoạt tinh, tiết tinh, lưng đau, gối mỏi, đầu váng, tai ù: Lộc nhung, Nhân sâm, Thục địa, Câu kỷ tử, Phụ tử. Làm thành hoàn, uống (Sâm Nhung Vệ Sinh Hoàn).
- Trị phụ nữ bị băng lậu: Lộc nhung 1g, A giao, Đương quy đều 12g, Ô tặc cốt 20g, Bồ hoàng 6g. tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g với rượu ấm.
- Trị liệt dương, tiểu nhiều: Lộc nhung, sao rượu, tán bột. Mỗi lần uống 0,8g-1,2g với nước sắc Dâm dương hoắc 20g.

38. Lộc nhung (2) 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Lộc nhung.
Tên La Tinh: Cervus elaphus Linnaeus.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là sừng chưa cốt hóa có nhiều nhung mao sống dầy đặc của hươu đực (mã lộc hùng lộc) còn gọi là mã lộc nhung, động vật Hươu Nai.
Nơi sản xuất: Ở Trung Quốc chủ yếu tại vùng núi Đông Bắc, ngày nay khắp nơi đều nuôi.
Thu nhặt chế biến: Mỗi năm có thể thu hoạch hai lần. Lần thứ nhất 40 - 50 ngày sau thanh minh cưa lấy, gọi là đầu tra, lần thứ hai trước sau lập thu gọi là nhị tra. Lộc nhung chế biến phức tạp, sách này không nói nhiều.
Tính chất vị thuốc: Mã lộc nhung so với Hoa lộc nhung thì thô đại hơn nhiều phần nhánh, một nhánh bên thì gọi là liên hoa, ba nhánh gọi là chạc ba, bốn nhánh gọi là chạc tư. dài 30 - 50 cm, ngoài bì màu hồng tía hoặc nâu xám, lông thô mà thưa thớt, sắc xám hoặc xám vàng, có chất xương ở ngoại vị miệng cưa, nhiều chạc thì già hơn, phần dưới có cạnh dọc. Mùi tanh, vị hơi mặn.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, ôn. Vào thận kinh can kinh. Ôn thận tráng dương, sinh tân dưỡng huyết, bổ tuỷ kiện cốt. Dùng khi eo, thận hư lạnh, liẹt dương hoạt tinh, huyết hư hoa mắt choáng váng, hư tàn huyết băng, nghi lãnh không chửa đẻ, âm thư không liễm thu, eo gối lỏng nhũn. Liều lượng thường dùng 3 - 6 gam.
Phụ chú: Trừ lộc nhung ra, lộc vĩ,..., lộc giác giao (cao sừng hươu) lộc giác sương (bã sau khi nấu cao sừng hươu), lộc tiên (dương vật hươu), lộc thai (phôi hươu) cũng đều làm thuốc, tính vị công dụng so với lộc nhung thì giống nhiều khác ít. Lộc nhung không cho vào thuốc sắc, chỉ tán nhỏ, hòa uống riêng từ 1,2 - 4g.
Kiêng kỵ: không dùng khi bỗng nhiên bị tê dại, thận hư có hỏa, thượng tiêu có đờm nhiệt, vị (dạ dầy) có hỏa, thổ huyết, hạ huyết, âm hư hỏa tích, âm hư hỏa vượng.

39. Long tiên hương 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Long tiên hương.
Tên La Tinh: Physeter catodan Linnaeus.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là phẩm vật phơi khô của chất tiết do bệnh ở trong ruột của mạt hương kình một động vật thuộc họ Mạt hương kình (cá voi).
Nơi sản xuất: Phân bố trên các đại dương, ở biển Đông Việt Nam, Đông Hải và Nam Hải, Trung Quốc đều có.
Thu nhặt chế biến: Khi bắt giết cá voi thì lấy các chất tiết ra trong ruột nó. Có lúc lấy chất phân tiết bài tiết trên biển của con vật hoặc giả con vật chết để lại trên biển nên có thể thu lượm trên biển.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này là khối sáp không trong suốt, to nhỏ không đều, lớn thì có thể nặng tới 60kg. Mặt ngoài có mầu xám đen, sần sùi hoặc có dạng hạt. Chất nhẹ mà ròn, chỗ mặt bẻ nhìn mặt ngoài có lớp ngoài mầu tro đen, xám trắng và xám vàng lẫn lộn, nhấm thấy như sáp, thấy dính răng, mùi hơi tanh. Dược liệu tốt thì màu xám đen, chất nhẹ đốt có mùi thơm.
Tính vị công dụng: Ngọt, chua, ấm. Hành khí hoạt huyết, khai khiếu chỉ thống. Dùng cho chứng ho xuyễn khí nghịch, khí kết tích chứng, mê man, vùng tim, vùng bụng đau nhức. Liều lượng: Thường dùng 0,3- 1g.

40. Mang cá đuối 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Mang cá đuối.
Tên La Tinh: Mabula japonica (Muller et Henle) hoặc M. birostris (Walbaum).
Nguồn gốc: Là mang đã khô của con cá đuối Nhật Bản hoặc cá đuối hai mõm.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở vùng duyên hải Sơn Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông và Hải Nam.
Thu nhặt chế biến: Đánh bắt quanh năm, phần lớn vào mùa hè, thu. Lấy mang, rửa sạch, phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Hình dải dạng bầu dục dài, dẹt mỏng, một đầu to tròn, một đầu hơi nhỏ, dài 25-40 cm, rộng 4-10 cm, mặt ngoài màu đen nâu, mặt trong nâu vàng nhạt. Toàn bộ mang do nhiều mảng mang hình dải xếp ngang, mảnh mang có dạng dải dài, do mấy chục răng mang hình chữ nhân không dính nhau xếp đều đặn thành hình ô vuông, mép trên của răng mang có răng nhỏ như lông mi,dẻo. Hơi có mùi tanh. Loại phiến to, khô sáng, trong suốt là tốt.
Tính vị công dụng: Hơi măn, bình. Vào 2 kinh tỳ phế. Giải độc, thanh nhiệt, lợi sữa. Dùng chữa sởi, đậu độc, ít sữa. Liều thường dùng 5-10 gam.
Phụ chú: kinh nghiệm dân gian vùng châu thổ Châu Giang tỉnh Quảng Đông quen lấy mang cá đuối nấu canh hoặc nấu cháo cho trẻ ăn sau khi lên sởi, vừa làm sạch virus sởi, vừa có tác dụng bổ.

41. Mang trùng 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Mang trùng.
Tên La Tinh: Tabanus signatipennis Portsch.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là toàn thân khô của con cái trưởng thành của Ruồi tàu, động vật họ Ruồi.
Nơi sản xuất: Chủ yếu là Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Tây, Vân Nam, Quí Châu, Sơn Đông.
Thu nhặt chế biến: Mùa hạ thu bắt chúng. Bắt được rồi dùng nước sôi dúng chết sấy khô hoặc hong khô trong chỗ râm. Chú ý tránh cho máu trâu bò chảy hít phải vào bụng.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này giống con nhặng xanh to, dài 15-18 mm, đầu rộng ra, mắt kép lớn, râu xúc giác to ngắn, hai vây cánh trong suốt, vây cánh dài hơn đuôi, ngực và lưng màu xám đen, có lông trắng dài, có 5 dây dọc xám đen thẳng tới cực sau của phiến đỡ, bụng hình viên chuỳ, có 6 đốt, đốt thứ nhất đén đốt thứ 5 của phần giữa lưng có loang trắng tam giác to mà rõ, hai bên có ban trắng vuông nghiêng, mặt bụng màu xám nhạt có một đường vân sẫm, mép sau của mỗi đốt có dải ngang hẹp màu vàng nhạt. Thể chất nhẹ dễ vỡ. Mùi hơi tanh, vị hơi mặn. Dược liệu tốt thì khô, to con, nguyên vẹn.
Tính vị công dụng: Đắng, mát. Vào kinh can. Có độc. Trục ứ, phá tích, thông kinh. Dùng khi bị đòn bị ngã ứ tích, huyết trệ kinh bế, bụng dưới tích huyết, hòn cục tích tụ. Liều thường dùng 1 đến 1,5 g. Lúc làm thuốc thì phải bỏ đầu, bỏ chân cánh vây. Phụ nữ có thai cấm dùng.
Phụ chú: Ruồi cái của các loài Arylotus bivittateinus takahasi, Tabanusyao Macquart và Tabanus trigeminus Coquillett (Hoàng lục nguyên mang, chỉ giác nguyên mang và tam trọng nguyên mang) đều dùng làm thuốc gọi là Mang trùng.

42. Mật gấu 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Mật gấu.
Tên La Tinh: Selenactos thibetanus Cuvier hoặc Ursus arctos Linnaeus.
Nguồn gốc: Là dịch mật khô của gấu đen và gấu nâu, họ Gấu (Ursidae).
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở vùng Đông bắc, Hoa Bắc, Tây Nam. Ngoài ra Hồ Bắc, Quảng Tây cũng có một ít.
Thu nhặt chế biến: Có thể đánh bắt gấu quanh năm, vào mùa đông nhiều hơn. Bắt xong mổ lấy ngay túi mật, loại sạch mỡ bám, treo nơi thoáng gió hong cho khô, hoặc hong khoảng 10 ngày nơi thoáng gió rồi dùng nẹp tre gỗ tấm kẹp, vừa hong, vừa buộc chặt tấm gỗ làm dẹt túi mật.
Tính chất vị thuốc: Mật gấu còn nguyên có dạng túi dài mà dẹt, dài 12-23 cm, dày 0,4-2 cm, trên nhỏ dưới rộng, bề mặt màu nâu xám hoặc vàng nâu, hơi gấp nếp, da túi mật mỏng, chất xơ. Dịch mật trong túi đã khô thành cục, hạt không đều, hoặc thành bột, cao đặc, óng ánh, quen gọi là hùng đảm nhân (nhân mật gấu). Do mùa thu hái và do cách gia công khác nhau nên chất lượng khác nhau, màu sắc cũng khác. Thứ màu vàng kim trong suốt là kim đảm, tốt nhất. Thứ màu lục vàng hơi trong là thái đảm, khá tốt. Thứ màu lục đen là mặc đảm, chất lượng không bằng 2 thứ trên. Thoang thoảng có chút mùi thơm, hơi tanh. Cho vào miệng, đầu tiên đắng rồi sau ngọt, có cảm giác mát lạnh, không dính răng. Loại to, nhiều đảm nhân, nửa trong suốt, vị lúc đầu đắng rồi trở lại ngọt là tốt.
Tính vị công dụng: Đắng, hàn. Vào các kinh can, đảm, tâm. Thanh nhiệt giải độc, sáng mắt, trấn kinh. Dùng cho người can nhiệt, nhiệt quá mạnh sinh phong gây ra kinh phong, động kinh, co quắp, mắt đỏ sưng đau, mắt kéo màng, viêm gan dạng hoàng đản, ngã hoặc bị đánh chấn thương. Liều thường dùng 0,3-1 gam. Thường dùng làm thuốc hoàn, tán, cũng dùng dạng thang. Dùng ngoài thì hòa tan để bôi chữa vết thương, ung nhọt sưng đau.
Phụ chú:
Khi dùng có thể pha với nước, rượu, mật ong, liều dùng từ 2 đến 11 cc một tháng. Tuỳ theo bệnh và thể trạng của từng người mà liều dùng và cách pha chế khác nhau, có khi phải phối hợp với vị thuốc khác để tăng hiệu quả chữa bệnh và hạn chế tính hàn của nó.
Mật gấu tuy là một linh dược có thể chữa được nhiều bệnh nhưng không phải là một vị thuốc bổ, khi dùng nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để sử dụng cho đúng cách và phù hợp với cơ thể, không nên dùng một cách bừa bãi có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

43. Mật ong 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Phong mật, mật ong.
Nguồn gốc: Các loại mật lấy từ ong.
Nơi sản xuất: Mọi nơi.
Tính vị công dụng: Tính vị cam bình, Bổ trung, nhuận táo, chỉ thống, giải độc.
Chủ trị phổi khô, ho nhiều, táo bón, đau dạ dày, viêm miệng, vết bỏng, giải độc do ô đầu gây ra. Dùng đường uống, có thể trộn làm viên hoàn, cao. Dùng ngoài: bôi đắp cục bộ.
Phụ chú: Không dùng cho người đàm thấp, hoặc người bụng đầy trướng, ỉa chảy.

44. Mẫu lệ 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Mẫu lệ.
Tên La Tinh: Ostrea rivularis Gould.
Nguồn gốc: Là vỏ sò mẫu lệ ven sông, động vật thuộc họ Mẫu lệ.
Nơi sản xuất: Phân phối khắp đều các vùng duyên hải cả nước, chủ yếu các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam.
Thu nhặt chế biến: Có thể có suốt năm, mùa đông và mùa xuân thì nhiều hơn, vỏ sò sau khi bóc lấy thịt thì rửa sạch sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này hình tròn dài, tam giác hoặc hình dạng không nhất định, to nhỏ dày mỏng không đều, thông thường 10-20 cm, mặt ngoài có lớp có tấm rõ ràng, lớp lớp liền liền, màu xám nâu hoặc màu xám trắng cho đến xám tối, mặt trong thì sắc trắng, sáng bóng, cỏ vỏ thì dẹt bằng mà mỏng, một mặt cắt thành lớp. Chất cứng rắn, không mùi, vị hơi mặn. Dược liệu tốt thì rắn, sạch sẽ không có mủn vụn, thường người ta cho là nắp vỏ bên trái tốt hơn bên phải.
Tính vị công dụng: Măn, chát, hơi hàn. Vào các kinh can, đởm, thận. Nặng trấn an thần, tiềm dương bổ âm, thu liễm, cố sáp, nhuyễn chỗ cứng tan chỗ kết. Dùng khi run sợ mất ngủ, choáng váng ù tai, tràng nhạc, đàm hoả kết hạch, tự ra mồ hôi và mồ hôi trộm, di tinh băng đới, đau dạ dày ợ chua. Liều thường dùng 9-30 gam. Dùng sống hoặc nung, nung thì tăng tác dụng cố sáp.
Phụ chú: Theo “Dược Điển” thì Trường Mẫu lệ Ostrea gigas Thimberg và Đại Liên loan Mẫu lệ Ostrea talienwhanensis Crosse đều có thể lấy vỏ sò làm thuốc.

45. Miết giáp 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Miết giáp.
Tên La Tinh: Trionyx sinensis Wiegmann.
Nguồn gốc: Là mai khô con ba ba Trung Hoa, họ Ba ba (Trionycchidae).
Nơi sản xuất: Trừ Tân Cương, còn các nơi khác đều có sản xuất, chủ yếu ở Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Chiết Giang, Giang Tây.
Thu nhặt chế biến: Có thể đánh bắt quanh năm, phần lớn vào mùa hè, thu. Bóc lấy mai ở lưng, cạo sạch thịt còn bám, rửa sạch, phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Mai ba ba có dạng bầu dục hoặc tròn trứng, dài 10-13 cm, rộng 8-25 cm hoặc hơn, gồm một miếng mai cổ, 8 đôi mai sườn, 8 miếng xương sống. Phần lưng hơi gồ lên, mặt ngoài màu lục sẫm hoặc lục vàng, hơi óng ánh, có mạng nhăn hoặc đốm màu vàng,mép bên trái và mép bên phải có 8 chiếc xương sườn như chiếc răng dẹt nhô ra. Mặt trong gần như màu trắng, xương cổ hình bướm, miếng xương sống giữa hình chữ nhật trồi lên, miếng xương sườn ở 2 bên dạng răng, trông thấy rõ kẽ tiếp nối nhau. Chất cứng, dẽ tách ra. Mùi hơi tanh, vị nhạt. Loại mai to, dày, không còn dính thịt, không có vị tanh là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, hơi hàn. Vào 2 kinh can, thận. Tư âm tiềm dương, nhuyễn kiên tán nhiệt, thoái nhiệt trừ chưng (nóng từ trong ra). Dùng cho người âm hư sốt, suy nhược sốt nhẹ, cốt chưng (người nóng từ sâu bên trong ra), hư phong nội động, bế kinh. Liều thường dùng 9-24 gam.

46. Nga quản thạch 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Nga quản thạch.
Tên La Tinh: Balanophyllia sp.
Nguồn gốc: Xương chất vôi của Lịch san hô, thuộc họ Thụ san hô.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở đảo Hải Nam, miền duyên hải Quảng Đông và Quảng Tây.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm. Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Hình trụ tròn hoặc hình nón, hơi cong, dài 3-6 cm, đường kính 0,4-0,7 cm, bề mặt ráp, màu trắng sữa hoặc trắng xám, có vân tròn dạng đốt nổi lên. Nhiều gờ chỉ dọc và gờ chỉ chỉ ngang đan xen vào nhau thành hình vuông nhỏ. Chất cứng ròn, dễ bẻ gãy, mặt cắt nhiều kẽ trống, thành hoa văn như hoa cúc. Không mùi, vị hơi mặn. Loại to nhỏ đều nhau, màu trắng là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, ôn. Vào các kinh phế, vị, thận. Bổ phế khí, tráng dương, thông sữa. Dùng cho người phế lao ho xuyễn, liệt dương, lưng gối mỏi, sữa không thông. Liều thường dùng 10-15 gam.

47. Ngoã lăng tử 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Ngoã lăng tử.
Tên La Tinh: Arca Granosa Linnaeus.
Tên khác: Ham xác, Ngoã lũng tử.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là vỏ sò nê ham thuộc họ động vật họ Sò.
Nơi sản xuất: Sản xuất tại Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Bắc, ở các vùng duyên hải.
Thu nhặt chế biến: Có thể nhặt suốt năm, hai mùa xuân thu có nhiều. Thường thu nhặt lúc thuỷ triều xuống. Sau khi nấu chín thịt thì lấy vỏ rửa sạch phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Thuốc có dạng tam giác gần như hình quạt dài từ 2,5-4 cm, cao 2-3 cm. Mặt sau có chỗ lồi lên, chóp có chỗ cuộn vào trong, mặt trước có các sườn sò chẽ ra 18-21 nhánh sườn rõ rệt, trên các sườn nổi lên các hạt. Mặt trong trơn tru, mầu trắng, vỏ mầu xanh và mặt vỏ có các tia sườn đối xứng nhau qua lồi lõm, chỗ vỏ khép nhau có răng nhỏ một hàng. Chất cứng rắn, chỗ bẻ gẫy sắc trắng, không có mùi hôi, vị nhạt. Dược liệu tốt là từng cái hoàn chỉnh, sạch sẽ tươi màu.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, bình. Vào các kinh phế, vị, can, thận, Tiêu đàm hóa ứ, nhuyễn kiên tán kết, chế ngự đau nhức. Dùng trong các chứng đờm dai dẳng, tích kết, dính đặc khó khạc ra, nhọt ung, tràng nhạc, hòn cục kết khối, đau dạ dày ợ chua.
Liều dùng: Thường 9-15g. Nung vừa đủ đưa vào thuốc.
Phụ chú: Theo “Dược Điển”, đã đem Mao Ham Arca subcrenata Lischke và Khôi Ham Arca inflata Reeve dùng làm thuốc đều là vỏ sò gọi là Ngoã lăng tử.

48. Ngô công 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Ngô công (Rết).
Tên La Tinh: Scolopendra subspinipes mutilans L. Koch.
Nguồn gốc: Toàn con rết khô thuộc họ Rết (Scolopenđriae).
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Chiết Giang, Hồ Bắc, Giang Tô, Hà Nam, Tứ Xuyên, Hồ Nam, bắc Quảng Đông, núi Đại Sơn ở Chiết Giang có tiếng là sản sinh rết số lượng nhiều chất lượng tốt.
Thu nhặt chế biến: Bắt vào cuối xuân đầu hạ, trước tết thanh minh là tốt nhất. Căng con rết cho thẳng, lấy nẹp tre nhỏ xuyên từ đầu tới đuôi, phơi khô. Nếu gặp trời mưa thì sấy than.
Tính chất vị thuốc: Hình dải dài dẹt, dài 9-12 cm, rộng 0,6- 1 cm, gồm 22 đốt, đốt cuối cùng hơi nhỏ. Đầu và đốt lưng thứ nhất màu nâu đỏ, có một đôi móc độc và một đôi xúc tu, nhưng phần lớn đã rơi. Mặt lưng màu lục đen hoặc lục nâu, óng ánh, có 2 cạnh. Mặt bụng màu nâu vàng, nhăn nheo. Mỗi đốt thân có một đôi chân, màu đỏ vàng, mỗi chân có 5 đốt, cuối có móng móc màu đen, đôi chân cuối cùng dài nhất như cái đuôi. Chất giòn, mặt cắt có kẻ nút. Mùi hơi tanh, vị cay hơi mặn, có mùi hôi đặc biệt kích thích mũi. Loại con to, nguyên vẹn, sắc tươi, đầu đỏ chân đỏ nhạt là tốt.
Tính vị công dụng: Cay, ôn. Vào kinh can. Độc. Tức phong giải kinh, giải độc tán kết, thông lạc giảm đau. Dùng cho trẻ nhỏ kinh phong, co quắp, trúng phong méo mồm, bán thân bất toại, uốn ván, phong thấp tê dại, mụn nhọt lở loét, tràng nhạc, bị rắn độc cắn. Liều thường dùng 2-5 gam. Phụ nữ có thai không được dùng.
Phụ chú: Theo kinh nghiệm dân gian, nếu bị rết cắn thì lấy hoàng bì hạch giã nát hoặc giun đất sống, thêm đường đỏ giã nát đắp chỗ đau để giải độc giảm đau.

49. Ngũ cốc trùng 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Ngũ cốc trùng.
Tên La Tinh: Chrysomyis megacephala (Fab).
Tên khác: La tiên tử.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là thân khô của ấu trùng Đại Đầu Kim Đinh thuộc họ động vật Lệ Đinh.
Nơi sản xuất: Sinh ra ở Quảng Đông, An Huy, Chiết Giang, Hồ Bắc, các huyện Bác La và Long Môn ở Quảng Đông có thứ tốt nhất.
Thu nhặt chế biến: Mùa hạ thu nhặt các ấu trùng, dội rửa cho sạch, để bài xuất hết các các thứ bẩn bên trong, sấy nóng cho chết khô rồi dùng cát cho vào nồi rang to lửa, cho sâu đã sấy khô vào đảo, rang cho đến lúc phồng to, sàng bỏ cát sông, tán nhỏ.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này có hình chuỳ tròn, giữa rỗng, hai đầu hơi nhọn, dài chừng 1cm, mầu vàng trắng, trong suốt, toàn thân do 14 vòng đốt hợp thành, trong đó có 1 đốt ở phần đầu, 3 đốt ở phần ngực, phần bụng 10 đốt. Phần đầu hơi nhỏ, từ giữa phần bụng trở xuống nhỏ dần, phần đuôi nhỏ nhọn, không có chân, thân nhẹ, chất ròn, hơi bốc hôi. Dược liệu tốt thì thân hoàn chỉnh, chát nhẹ mà phồng to, mầu vàng kim, không có vị hôi và tạp chất.
Tính vị công dụng: Mặn, lạnh. Vào các kinh tì, vị, thanh nhiệt giải độc, tiêu tích trệ. Dùng khi mê man, nói sảng, trẻ em cam tích. Liều lượng: thường dùng 3 - 6g.

50. Ngũ linh chỉ 
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Ngũ linh chỉ.
Tên La Tinh: Trogopterus Xanthipes Milne- Edivasds.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là phân khô của chuột Phúc xỉ Ngô thử thuộc họ động vật Ngô thử.
Nơi sản xuất: Tại Hoa Bắc và các tỉnh Tây Nam.
Thu nhặt chế biến: Có thể thu nhặt suốt năm, mùa xuân, mùa thu có nhiều, thường ở các hang núi hoặc đất mặt bằng đá, chọn bỏ tạp chất sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này là các cục gồm các hạt phân và ngưng kết nước tiểu mà thành lộn xộn không ra hình thù, to nhỏ không đều, lồi lõm không nhất định, mặt ngoài mầu nâu đen hoặc nâu đỏ, có ánh quang, chất khá cứng, mặt bẻ không bằng phẳng, các hạt phân khô hình bầu dục dài.. chiều dài 0,5-1,5 cm, đường kính 3-6 mm, mặt ngoài thô ráp, mầu nâu đen hoặc nâu xám, có thể thấy các điểm loang lổ vàng nhạt, thể nhẹ chất xốp, dễ gẫy, chỗ mặt gẫy có xơ gỗ mầu vàng nâu. Hơi có mùi, vị hơi đắng. Ngoài có mầu nâu đen, có dầu trơn bóng là tốt.
Tính vị công dụng: Đắng, mặn, ôn. Vào các kinh can. Hoạt huyết tán ứ, chỉ thống. Dùng khi đau ngực sườn, bụng dạ đau nhói, các chứng đau tim, khí huyết, hành kinh đau, kinh bế, sản hậu huyết ứ đau đớn, bị đòn ngã sưng đau, rắn rết cắn bị thương.
Liều lượng dùng 5-10g. Phụ nữ có thai phải cẩn thận.  

51. Ngư não thạch
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Ngư não thạch.

Tên La Tinh: Pseudosciaena Crocea (Richardson).
Nguồn gốc: Đây là vấu đá của xương đầu cá đại hoàng (Đại hoàng ngư) động vật họ cá Thạch thủ (Thạch thủ ngư khoa).
Nơi sản xuất: Phân bố tại vùng biển nam Hoàng Hải cho đến vùng đường ven Nam Hải (Biển Đông). Chủ yếu tại quần đảo Châu Sơn, tỉnh Chiết Giang và vùng duyên hải Sơn Đông, Quảng Đông, Hải Nam.
Thu nhặt chế biến: Đánh bắt cá vào mùa cá rộ hạ, thu, bổ đầu cá lấy vấu đá, rửa sạch, sấy khô. Đó là sản phẩm phụ lúc phơi cá.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này có hình gần như bồ dục, ba cạnh toàn bộ có màu trắng nhờ, dài 1,5-2 cm, rộng 0,8-1,8 cm, cực trước tròn rộng, cực sau hẹp nhọn, mép trong và mép ngoài thành hình cung, mặt lưng nổi lên, lại có đường dọc dạng cung có ngấn, mặt bụng bằng phẳng hơn có một vết in nòng nọc đầu nhọn hơi hướng lên cao thẳng tới mép trước, khoảng giữa bề ngang tròn có một hình tròn, nổi lên, bề ngang rãnh mép ngắn, rõ nằm ở dưới mép mặt bụng. Chất rắn. Ít mùi, vị hơi chát. Dược liệu tốt thì hạt to, màu trắng, sạch sẽ.
Tính vị công dụng: Mặn, bình. Vào kinh thận. Tiêu sỏi thông lâm, tiêu thũng. Dùng khi sỏi niệu, tiểu tiện bất lợi, đau tai chảy mủ, xịt mũi, chảy mũi. liều thường dùng 5-12 gam, dùng sống hoặc nung lên mà dùng.
Phụ chú: Vấu tai của tiểu hoàng ngư Pseudos ciaena polyactis Bluker cũng làm thuốc, công hiệu cũng thế.


52. Ngưu hoàng



Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Ngưu hoàng.

Tên La Tinh: Bostaurus domesticus Gmelin.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là sỏi mật sấy khô của bò thuộc động vật họ trâu bò.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Hoa Bắc, Tây Bắc, Hoa Đông (Trung Quốc).
Thu nhặt chế biến: Khi làm thịt bò nếu phát hiện có các khối cứng trong túi mật, ống mật và buồng gan thì lập tức lọc bỏ dịch mật lấy sỏi ra, rửa hết máu bẩn, bỏ hết những chỗ màng thịt còn dính. Lấy bấc đèn thông thảo hoặc chất hút ẩm bọc lại rồi hong khô trong chỗ mát tránh sấy lửa hoặc sấy ánh mặt trời gió nhiều để phòng biến chất vỏ vụn.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này hình cầu, hình trứng, hình 4 cạnh không đều đặn hoặc hình tam giác, có một ít dạng hột hoặc thành phiến vỡ vụn, đưòng kính 0,8-2,5 cm, mặt ngoài mầu hoàng thổ hoặc vàng nâu, sẫm nhạt không đều, mặt ngoài còn có một lớp màng mỏng mầu đen có ánh trơn bóng, thường gọi là ô kim y có các vết rạn thô rõ rệt, hơi trơn sáng. Chất thì hơi nhờn, thể thì nhẹ mà lỏng, chỗ mặt đứt thì mầu hơi nhạt, giữa có các điểm hạt mầu trắng xám. Có thể thấy các tầng vặn hình vòng đồng tâm lộn xộn. Nhấm thấy không dính răng, có thể thấy tan dần. Mùi không rõ, vị lúc đầu đắng sau ngọt mát. Thỏi vàng là các hình thỏi thô ráp hoặc các mảnh vỡ to nhỏ không đều có chút mầu vàng nâu hoặc đen nâu, mùi không mạnh mà hơi tanh. Làm thuốc thì thấy các mảnh hoàn chỉnh là chất lượng tốt, hình phiến hoặc hình thỏi là chất lượng hạng dưới, có máu thì không dùng làm thuốc.
Tính vị công dụng: Ngọt, mát. Vào các kinh tâm, can. Thanh tâm, khoát đàm, khai khiếu, mát gan, tắt phong, giải độc. Dùng trong các bệnh sốt mê man, trúng phong đàm mê, kinh giản co quắp, điên giản phát cuồng, yết hầu sưng đau, miệng lưỡi lở loét, mụn nhọt đau sưng. Liều lượng: thường dùng 0,15-0,35g.
Phụ chú: Khi dùng lấy ra tán bột. Dùng đến đâu tán nhỏ đến đó và nên dùng ngay. Ngày dùng 0,3 - 0,6g. Phụ nữ có thai không nên dùng vì có thể gây trụy thai.
Bài thuốc tham khảo:
- Hôn mê và co giật do sốt cao: Dùng Ngưu hoàng với Hoàng liên, Tê giác và Xạ hương.
- Ðau họng hoặc loét và nhọt do tính nhiệt độc: Dùng Ngưu hoàng với Thanh đại và Kim ngân hoa.


53. Ngưu thảo kết



Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Ngưu thảo kết.

Tên La Tinh: Bostaurus domesticus Gmelin.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là búi cỏ kết thành khối trong dạ dày bò, động vật họ trâu bò.
Nơi sản xuất: Chủ yếu các nơi ở Hoa Bắc, Tây Bắc, Hoa Nam và Tây Nam (Trung Quốc) đều có, thấy nhiều ở trong cơ thể những con bò già tại các khu chăn nuôi đại gia súc.
Thu nhặt chế biến: Lúc mổ bò nếu phát hiện trong dạ dày có búi cỏ kết lại thì lấy ra, lau sạch, hong nơi thoáng gió cho khô là được.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này nguyên vẹn thì có hình cầu, hình bầu dục hình thành to nhỏ không đều hình cầu dẹt, đường kính 3-16 cm, mặt ngoài trơn hơi sáng, vàng nâu hoặc xanh nâu, hơi có nhẵn sáng, vỏ ngoài mỏng mà cứng. Chất nhẹ, mặt bẻ có thể thấy mầu đen nâu hoặc đen, dài ngắn không đều, có lông nhung thô mịn như xơ không đều, mùi tanh tưởi, vị nhạt. Dược liệu tốt thì to, nguyên vẹn, lông xơ ở trong nhỏ và mềm nhuyễn.
Tính vị công dụng: Nhạt, hơi ôn. Vào các kinh tâm, can. Trừ đàm giáng nghịch, trấn tĩnh, chống mửa. Dùng trong các chứng trào ngược dạ dày cơ hoành, say xe say thuyền, nôn mửa, ợ chua, loét dạ dày, tâm vị khí thống. Liều thường dùng 5-20g.


54. Nhân trung bạch


Xếp loại: Ðộng vật.
Tên vị thuốc: Nhân trung bạch.

Tên khác: Can niên băng.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là chất trầm tích tự nhiên trong nước tiểu người kết thành vật rắn chắc.
Nơi sản xuất: Chỗ nào cũng có, ở Giang Tô tương đối nhiều hơn.
Thu nhặt chế biến: Lấy chỗ kết rắn trầm tích tương đối dày ở bô nước tiểu bỏ vào nước trong ngâm 7 ngày, mỗi ngày thay nước 1-2 lần, xong lấy ra đặt vào chỗ thoáng ngày phơi nắng, đêm phơi sương bảy ngày cho đến lúc nhạt mùi khai thì đem sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc gồm các phiến khối không hình thù, dày mỏng không đều, mặt lồi lõm không bằng phẳng, thành hạt to nhỏ không đều, một mặt sáng nhẵn. Chất nhẹ dễ vỡ, mặt cắt có lớp xoắn, tro trắng hoặc vàng nhạt, hơi có mùi khai nước tiểu. Vị mặn - Lấy một mảng to dày bẻ ra có vết vân, tro có sắc trắng hoặc vàng nhạt, thể nhẹ hơi có mùi khai nước tiểu là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, lạnh, đi về gan, phế, bàng quang. Thanh nhiệt giáng hoả, trừ đờm, giải độc, khư ứ, cầm máu. Dùng khi thổ huyết, máu cam, yết hầu sưng đau, dùng ngoài trị cam răng...
Liều lượng: dùng 3-5 g. Sau khi qua bào chế rồi thì có thể phối hợp thành thuốc.
Phụ chú: Nhân trung bạch giả thường làm bằng xi măng, nhưng mặt trên không có dạng hạt, thể chất nặng, mặt bẻ ra không có lớp vân, chất rất chắc, cho nên dễ kiểm tra.


55. Ô tiêu xà

Xếp loại: Động vật. 
Tên vị thuốc: Ô tiêu xà.
Tên La Tinh: Zaocys dummades (Cantor).
Nguồn gốc: Vị thuốc này là thân phơi khô bỏ hết phủ tạng của con rắn ô tiêu xà là động vật họ Du xà.
Nơi sản xuất: Chủ yếu có ở các tỉnh và khu vực Hồ Nam, Hồ Bắc, Chiết Giang, Quí Châu, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Giang Tô, An Huy, Phúc Kiến Đài Loan.
Thu nhặt chế biến: Cuối xuân đầu thu tìm bắt bỏ hết nội tạng cuốn thành cuộn tròn, phần đầu vào trong dùng củi rơm hun lửa cho đến khi cháy đen thì lấy ra phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc có dạng cái bánh, phần đầu ở giữa, đường kính 10-20 cm, đầu dẹt, mắt to mà không vùi vào trong, thân thể nhỏ dài, duỗi ra có thể tới 100-200 cm, đuôi nhỏ dần lại, mặt ngoài bao đen nâu hoặc đen lục, sống lưng nhô cao, phần giữa lưng có 2 hàng vảy bên ngoài hình thành 2 đường dây đen, mép bên vùng bụng cuộn vào, cơ lưng nhiều thịt, mầu vàng trắng hoặc nâu nhạt, có thể thấy các xương sườn xếp đặt chỉnh tề. Chất cứng dai, mùi hơi tanh, vị hơi mặn. Dược liệu tốt thì thân hình đầy đủ, to con, có da, mặt ngoài sắc nâu đen, thịt mầu trắng vàng, rắn chắc không độc thối.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, bình. Vào các kinh can, khư phong thông lạc, chống co giật. Dùng trong trong các bệnh phong thấp, tê buốt dai dẳng, trúng phong có di chứng, uốn ván và ma phong mẩn ngứa, tràng nhạc, ác sang.
Liều lượng: Thường dùng 9-12g. Làm thuốc thì nên bỏ đầu và vẩy.


56. Phong phòng

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Phong phòng (tầng ong, đõ ong).
Tên La Tinh: Polistes olivaceous (ke Geer).
Tên khác: Lộ phong phòng.
Nguồn gốc: Là tổ của con ong quả mã phong hoặc con cùng chi polistes thuộc họ Hồ phong (Vespidae).
Nơi sản xuất: Có ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Nhiều nơi trong toàn Trung Quốc có sản xuất, nhất là miền nam, chủ yếu ở Quí Châu, Hồ Bắc, Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Tây, Phúc Kiến, Hải Nam và Quảng Đông.
Thu nhặt chế biến: Quanh năm, nhất là mùa đông có thể lấy tầng ong. Đem đồ cho ong và nhộng chết, loại bỏ ong và nhộng rồi phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Hình mâm tròn hoặc hình khối dẹt hình dạng không nhất định, có cái như gương sen, màu trắng xám hoặc nâu xám nhạt, phía trên màu sẫm hơn. Mặt bụng có nhiều lỗ hình 6 cạnh sắp xếp có thứ tự, lỗ có đường kinh 3-5 mm, có lỗ phủ màng trắng, mặt lưng có một hoặc nhiều cuống ngắn màu đen. Thể nhẹ, chất dẻo, đàn hồi. Hơi có mùi, vị cay nhạt. Loại to, nguyên vẹn, màu trắng xám, thể nhẹ, đàn hồi không có ong, nhộng, trứng chết, không mốc là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, bình. Vào kinh vị. Khư phong giải độc, sát trùng, giảm đau. Dùng khi đầu phong (đau đầu do phong hỏa), hỏa nha thống (đau răng do hỏa uất), mụn nhọt, sưng độc nhọt ở vú, tràng nhạc, lở sần sùi lâu không khỏi, lở lòng bàn tay. Liều thường dùng 6-9 gam. Dùng ngoài lượng vừa đủ, nghiền bột trộn dầu đắp hoặc sắc nước rửa chỗ đau, ngâm vào nước cam thảo làm thuốc.
Phụ chú: Theo “Dược Điển” thì tổ ong hồ phong chân dài (Polistes Japonicus Saussure) và ong dị hồ phong (Parapolybia varia Fabricius) cũng làm thuốc.


57. Quảng Tây Bạch hoa xà

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Quảng Tây Bạch hoa xà.
Tên La Tinh: Elaphe moellendorffii (Boettger).
Nguồn gốc: Vị thuốc này là thân thể khô của rắn Bạch Hoa Cẩm Xà thuộc họ Du Xà khử bỏ nội tạng.
Nơi sản xuất: Sinh sản tại Quảng Tây, Quảng Đông, Quí Châu, Hồ Nam, Vân Nam, Việt Nam cũng có.
Thu nhặt chế biến: Cuối màu xuân sang mùa hạ, mùa thu là thời kỳ thu lượm, sau khi bắt được thì mổ bụng bỏ hết phủ tạng, lau sạch máu bẩn, cuộn tròn lại đầu quấn vào giữa, cố định bằng nẹp tre, để lên giá dây thép, sấy khô bằng lửa than.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này có hình tròn như cái bánh, đầu ở giữa bánh, đuôi nhỏ xoay ra, đầu hình dài như quả lê, mồm có răng nhỏ, vùng sau ót có mầu đỏ, phần phía sau nhạt dần, thân mình có mầu tro lục, phía lưng sẫm hơn, hai bên hơi nhạt, lại có 3 hàng giống hình 6 cạnh có mầu tro đậm, loang lổ, hàng loang lổ ở giữa khá to, có chừng 29- 30 mảng, các mảng loang lổ 2 bên mép mầu lam đen hoặc mầu xanh cỏ, phần lưng của đuôi thì màu đỏ nhạt có 11-13 mảng mầu nâu loang lổ, bụng mầu xám trắng. Khí hơi tanh, vị ngọt, mặn. Dược liệu to, toàn vẹn hình thù, mầu tươi, không độc xú sâu mọt là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, ôn vào các kinh can thổ sưu phong thắng thấp, thông kinh lạc, chứa sự co rút mạnh lưng gối. Dùng khi có các di chứng sau khi trúng phong, phong thấp tê mỏi, khớp xương nhức nhối, uốn ván, ma phong ngứa ngáy.
Liều lượng dùng 3-15 g. Khi dùng làm thuốc thì nên bỏ đầu và đánh vẩy.


58. Quy bản

Xếp loại: Động vật.  
Tên vị thuốc: Quy bản.
Tên La Tinh: Chinemys reevesii (Gray).
Tên khác: Huyền vũ giáp.
Nguồn gốc: Mai bụng sấy khô của con rùa thuộc động vật họ Rùa (Quy).
Nơi sản xuất: Việt Nam, Trung Quốc, chủ yếu tại Hồ Bắc, An Huy, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, Chiết Giang. Tứ Xuyên, Sơn Đông, Hà Nam, Quảng Tây, Quảng Đông cũng có.
Thu nhặt chế biến: Có thể lấy suốt năm, nhưng hạ, thu là lúc có nhiều, bắt được rồi thì giết chết hoặc dùng nước sôi dội chết, bóc lấy mai bỏ hết gân, thịt, sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Đây là các tấm hình bầu dục dài vuông vắn, thông thường dài 7-20 cm vùng giữa rộng ước bằng nửa chiều dài, dày 3-6 mm, đoạn đầu ở trước hơi nở rộng, đoạn đỉnh là 2 nửa tròn hoặc gần bằng vẹt, đoạn đầu sau lõm vào thành hình chữ O; mặt ngoài của bụng vàng nâu hồng nhạt cho đến nâu hồng, có lúc xoắn màu tía, bên trong màu vàng trắng cho đến xám trắng; mai bụng do 12 mảng vảy đối xứng liền nhau mà thành; giữa vảy có dạng gắn răng cưa, hai bên đèu có hình cánh vây nghiêng hướng lên uốn khúc cầu mai. Chất cứng rắn, chỗ mặt cắt lục, lát cắt màu ngà voi trắng, trong màu sữa trắng hoặc đỏ thịt, có lỗ. Mùi hơi tanh,vị hơi mãn. Dược liệu tốt thì mảng to không vỡ sạch sẽ không có thịt thừa.
Tính vị công dụng: Mặn, ngọt hơi hàn. Vào các kinh can, thận, tâm. Tư âm tiềm dương, ích thận kiện cốt. Dùng khi âm hư sốt hẹn giờ, nung nấu trong xương cốt, mồ hôi trộm, đầu vảng mắt mờ, hư phong nội động gân cốt mềm yếu, tâm hư hay quên. Lượng thường dùng 9-30 gam. (Thường sắc trước khoảng 30 phút rồi mới cho các vị thuốc khác vào sau). Thận trọng dùng khi có thai.
Phụ chú: Theo “Dược Điển” thì mai bụng rùa làm thuốc cùng với mai lưng cũng làm thuốc.
Bài thuốc tham khảo:
- Can dương vượng do can thận âm hư biểu hiện mệt mỏi, cảm giác căng đau ở đầu và nhìn mờ: Quy bản với Bạch thược, Ngưu tất, Thạch quyết minh và Câu đằng.
- Gân cốt kém được nuôi dưỡng do âm bị hao tổn bởi bệnh có sốt biểu hiện chuột rút và co giật bàn tay bàn chân: Quy bản với A giao, Thục địa hoàng và Mẫu lệ.
- Can thận âm hư biểu hiện đau lưng mỏi gối và yếu gân cốt: Quy bản với Ngưu tất, Long cốt và Thục địa hoàng.
- Âm hư hỏa vượng biểu hiện sốt về chiều, ho ra máu, ra mồ hôi trộm và di mộng tinh: Quy bản với Thục địa hoàng (Ðại Bổ Âm Hoàn).
- Rối loạn thần trí do âm huyết hư biểu hiện mất ngủ, hay quên, hồi hộp và hoảng hốt: Quy bản với Long cốt, Thạch xương bồ, Viễn chí.
- Âm hư huyết nhiệt biểu hiện kinh nguyệt ra nhiều và đái máu: Quy bản với Thục địa hoàng và Hạn liên thảo.


59. Sáp ong

Xếp loại: Động vật. 
Tên vị thuốc: Phong lạp.
Nguồn gốc: Lấy từ sáp trong tổ ong.
Nơi sản xuất: Khắp nơi.
Thu nhặt chế biến: Có thể khai thác quanh năm.
Tính vị công dụng: Hơi ngọt, bình, không độc. Vào kinh tì, vị, đại tràng. Vào kinh thủ túc dương minh, vào kinh can tì và phế thận. Giải độc, sinh cơ, định thống.
Trị cơn đau thắt tim, đi lỏng lâu ngày, động thai ra huyết, bỏng lửa, bỏng nước, …
Dùng đường uống, có thể làm chảy loãng ra để dùng.


60. Tang phiêu tiêu

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Tang phiêu tiêu.
Tên La Tinh: Tenodera sinensis Saussure.
Tên khác: Nhuyễn tang phiêu tiêu, Đoàn phiêu tiêu.
Nguồn gốc: Bao trứng khô của bọ ngựa càng to, động vật họ Bọ ngựa.
Nơi sản xuất: Các địa phương Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Bắc, Quí Châu, Vân Nam, Giang Tô.
Thu nhặt chế biến: Từ mùa thu đến mùa xuân năm sau thì bắt. Sau khi tập trung lại thì đun cách thuỷ nhiệt độ cao trong 30 giờ, giết chết trứng, lấy ra sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này hình viên trụ hoặc bán viên trụ, dài 2,5 - 4,5 cm, rộng 2 - 3 cm, vàng nâu nhạt do nhiều lớp dạng màng mỏng xếp chồng lên nhau tổ thành; mặt trên có dạng hơi nổi lên, đáy bằng phẳng hoặc khô lõm. Nhẹ, mềm dễ gãy, tính đàn hồi khá mạnh, mặt đứt ngang có nhiều hàng hình tia nhỏ, trong có màu vàng nâu, có các trứng bọ hình bầu dục nhỏ sáng bóng. Mùi hơi tanh, vị nhạt hoặc hơi mặn. Dược liệu tốt thì to con, thể nhẹ thân mềm, sắc vàng.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, bình. Vào các kinh can, thận, ích thận cố tinh, súc niệu chống đái đục. Dùng khi di tinh, hoạt tinh, đái xón, đái dắt, tiểu tiện trắng đục. Liều lượng thường dùng 5 - 10 gam.
Phụ chú: Bọ ngựa càng nhỏ Statilia maculate (Thumberg) và bọ ngựa rìu to Hierodula atellifera (Serville) dùng bao trứng sấy khô cũng được gọi là Tang phiêu tiêu làm thuốc trên thương trường, tương ứng gọi là Trường phiêu tiêu và Hắc phiêu tiêu.
Bài thuốc tham khảo:
Thận dương hư biểu hiện như xuất tinh, mộng tinh, đái dầm ban đêm hoặc khí hư: Dùng Tang phiêu tiêu với Long cốt, Mẫu lệ, Thỏ ti tử và Bổ cốt chỉ.
Người hỏa thịnh nên dùng ít. Nóng ở bàng quang kèm đi tiểu nhiều lần: không dùng.


61. Tê giác 


Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Tê giác.
Tên khác: Tê ngưu giác.
Nguồn gốc: Châu Phi và một số nước Đông Nam Á.
Tính chất vị thuốc: Người dùng thường gặp 2 loại sừng tê trên thị trường:
1. Quảng giác, còn gọi trụ giác, thiên mã giác, là sừng tê đen hoặc trắng nhập từ châu Phi. Sừng to, dài khoảng 60 cm, gốc hơi méo, phần giữa tròn, đỉnh cong nhọn. Phần đỉnh màu xám đen, gốc màu vàng xám. Các loại bán trên thị trường thường được đánh cho đen bóng. Gốc hình trụ tròn, lõi nông. Cũng có loại đã cưa ra thành miếng nhỏ. Gọi là “quảng giác tiện” (mẩu sừng tê giác). 
2. Tiểu tê giác, còn gọi là “sừng nấm”, vì là chiêc sừng nhỏ trên đỉnh đầu con tê ngưu. Dài khoảng 3-13cm, màu đen bóng, phần dưới màu nhạt hơn, có nhiều vết rạn nứt. Phần đỉnh hình cầu trông như chiếc bánh bao nhỏ. Phần gốc hình trụ tròn, đường kính 3-9 cm, lõi nông, vết hạt nhỏ. Vân dọc thô, theo chiều thuận, không thấy sợi, màu xám đen, mùi nồng.
Tính vị công dụng: Hơi chua, hàn, không độc. Vào tâm kinh, can kinh, dương minh, thủ thái dương, thiếu âm kinh. Thanh nhiệt, lương huyết, định kinh, giải độc. Trị thương hàn, ôn dịch, sốt cao, nhức đầu, giải độc, trúng phong cấm khẩu, động kinh trẻ em, độc nhập tâm hoảng loạn,… Dùng cho ôn bệnh mà sốt, mê man nói sảng, phát ban phát sởi, thổ huyết, máu cam, kinh phong, điên cuồng.
Cách dùng và liều dùng: Dùng trong. Mài hoặc nghiền nhỏ mịn, 1,5-3 g;Nấu nước uống, 2,5-4 g;hoặc cho vào viên hoàn, bột tán.
Phụ chú: Không dùng cho phụ nữ có thai. Tránh dùng cho người thương hàn âm chứng, khô khát, táo bón.


62. Thạch quyết minh

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Thạch quyết minh.
Tên La Tinh: Haliotis diversicolor Reeve.
Tên khác: Bào ngư xác.
Nguồn gốc: Vỏ sò của tạp sắc bào, động vật họ bào ngư.
Nơi sản xuất: Phân bố tại biển Đông Việt Nam, Đông Hải Trung Quốc, chủ yếu ở Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, tại các vùng duyên hải.
Thu nhặt chế biến: Mùa hạ,thu nhặt nhạnh hay cào bắt ở chỗ nước ngập hoặc dải mỏm đá ngầm, ở đường mức thuỷ triều rút, hấp hoặc móc thịt, rửa sạch sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này có hình trứng, to nhỏ bất nhất, thông thường dài 5-7 cm, rộng 3-5 cm, cao 1,5-2 cm, bên ngoài mầu nâu xám mà có bột hồng nâu loang vân, có đường xoắn ốc sang tả và các đường sinh trưởng dày xoắn sang hữu đan nhau, đỉnh vỏ thì đụt, lồi lên, từ đỉnh hướng phải có 20 vấu nổi lên, đầu chót có 8-9 lỗ nhỏ, miệng lỗ và mặt vỏ bằng phẳng, phía trong thì sáng bóng có ánh ngọc trai. Chất cứng khó phá vỡ, không mùi vị hơi mặn. Dược liệu tốt thì to con, hoàn chỉnh, sạch sẽ, trong vỏ sáng bóng có ánh dạng ngọc trai trơn mịn.
Tính vị công dụng: Mặn, bình. Vào kinh can, bình can tiềm dương, thanh gan sáng mắt. Dùng khi nhức đầu choáng váng, mặt đỏ mắt vàng nhìn hoa, thanh manh mắt chim sẻ, trị can phế phong nhiệt, giảm nóng sốt. Liều thường dùng 3-15g.
Phụ chú: Theo “Dược Điển” thì các vỏ phơi khô của các giống Haliotis discus hânnai ...nếp xoắn “bàn bào”; Haliotis ovina Gmelin dương bào, Haliotí ruber (Leach), úc chân bào, Haliotis asinina Linnaeus “Nhỉ bào”, Haliotis laevigât (Dônvar) “bạch bào” đều dùng làm thuốc.
Bài thuốc tham khảo:
- “Thạch Quyết Minh Hoàn”: Thạch quyết minh hợp với Thục địa hoàng, ngày dùng 8 - 40g. Trị can huyết hư, biểu hiện nhìn mờ, khô mắt.
- Can thận âm hư và can dương vượng, biểu hiện hoa mắt chóng mặt và nhìn mờ: Thạch quyết minh hợp với Mẫu lệ, Bạch thược và Qui bản để dưỡng âm tiềm dương.
- Can thận âm hư, biểu hiện cảm giác căng nặng ở đầu và mắt, đau đầu, đau mắt, mặt đỏ: Thạch quyết minh hợp với Câu đằng, Cúc hoa và Hạ khô thảo để bình can và thanh nhiệt.
- Can hỏa vượng, biểu hiện mắt sưng, đỏ, đau và nhìn lóa: Thạch quyết minh hợp với Cúc hoa và Quyết minh tử.
Tỳ vị hư hàn và không có thực nhiệt thì không nên dùng.


63. Thích vị bì

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Thích vị bì.
Tên La Tinh: Erinaceus europaeus Linnaeus.
Nguồn gốc: Da khô có kèm gai của con nhím (dím), động vật họ nhím.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Hoa Bắc, Đông Bắc, Hoa Trung. Ở bắc bộ tỉnh Quảng Đông cũng có.
Thu nhặt chế biến: Mùa thu và đầu mùa đông trước khi con vật ngủ đông thì bắt lấy, lột da, lộn lại, trên mặt trong của da rắc bột đá xám (khôi phấn) rồi hong gió chỗ mát.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này kiểu bàn chải đa giác không hình thù nhất định, kiểu dây, kiểu ống hoặc kiểu cục, dài 10-30 cm, mặt ngoài dầy đặc gai cứng màu vàng nâu hoặc trắng xám, chân gai nổi lên, mặt trong màu xám nâu còn dính thịt vụn gân vụn sót lại. Có mùi hôi tanh đặc biệt. Thứ tốt thì da to căng, sạch thịt mỡ, gai sạch không có mùi hôi thối.
Tính vị công dụng: Đắng, bình. Vào các kinh vị, đại tràng, thận. Thu liễm, cầm máu, giải độc, giảm đau. Dùng khi trào ngược dạ dày, đau bụng, trĩ sang đại tiện xuất huyết, tiểu tiện vặt. Liều thường dùng 10-15 gam. Chế, sao làm thuốc.
Phụ chú: Da của con nhím gai ngắn Hemiechnus dauricus Sundevall và nhím tai to Hemiechnus Gmelin đều được dùng làm thuốc.


64. Thiềm tô

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Thiềm tô (nhựa cóc).
Tên La Tinh: Bufo melanostictus Schneider hoặc Bufo gargarizans Cantor).
Nguồn gốc: Là dịch tiết đã khô của con Hắc khuông thiềm thừ hoặc Đại thiềm thừ Trung Hoa, họ Thiềm thừ (Bufonidae).
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông.
Thu nhặt chế biến: Thường đánh bắt thiềm thừ vào mùa hè, thu. Rửa sạch, rạch tuyến sau tai và tuyến ở da, nặn cho dịch mủ trắng chảy ra, phơi dịch mủ trắng cho khô 70%, ép thành hình bánh tròn hoặc hình quân cờ, gọi là đoàn tô và kỳ tử tô, phơi khô hoặc sấy khô. Không được dùng đồ bằng sắt để đựng, tránh bị đen.
Tính chất vị thuốc: Hình khối tròn dẹt hoặc hình phiến, hình khối có đường kính 5-9 cm, dày khoảng 1 cm, màu tía nâu sẫm hoặc đen nâu, bề mặt khá nhẵn. Chất cứng, không dễ bẻ gãy, mặt bẻ dạng keo, óng ánh. Mùi hơi tanh, vị tê cay, ngửi bị hắt hơi, dùng lưỡi nếm có cảm giác nóng tê. Loại màu đỏ nâu, mặt cắt dạng chất sừng, nửa trong suốt, óng ánh là tốt.
Tính vị công dụng: Cay, ôn. Vào kinh tâm. Có độc mạnh. Giải độc, giảm đau, khai khiếu tỉnh thần. Dùng khi bị ung nhọt, họng sưng đau, trúng thử thổ tả, đau bụng kém tỉnh táo. Liều thường dùng 0,015-0,03 gam. Thường cho vào hoàn, tán. Dùng ngoài lượng vừa đủ.


65. Thiền thoái

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Thiền thoái, thuyền thoái hoặc thiền thuế (Xác ve).
Tên La Tinh: Cryptotympana pustulata Fabricius.
Nguồn gốc: Là xác lột thời kỳ vũ hóa của con hắc trách thiền (ve sầu) đã khô, thuộc họ Ve sầu (Cicadidae).
Nơi sản xuất: Việt Nam, Trung Quốc (Sơn Đông, Hà Nam, Hà Bắc, Giang Tô, An Huy, Quảng Đông, Phúc Kiến, Đài Loan).
Thu nhặt chế biến: Nhặt ở trên cây hoặc dưới đất vào hè thu, bỏ hết đất cát và tạp chất, phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Dạng tựa ve sầu, trong rỗng, dài khoảng 3 cm, rộng khoảng 2 cm. Bề mặt màu nâu vàng, nủa trong suốt, óng ánh. Đầu có một đôi xúc tu, phần lớn đã rơi, mắt kép lồi lên, trán trước lồi, mõm to, môi trên rộng ngắn, môi dưới thò dài thành ống. Mặt lưng của ngực nứt thành hình chữ thập, miệng nứt cuộn vào trong. Cánh nhỏ, chân phủ lông màu nâu vàng. Bụng trồn tù, có 9 đốt. Thân nhẹ, rộng giữa, dễ nát. Không mùi, vị nhạt. Loại nguyên vẹn, màu nâu vàng, nửa trong suốt, không dính đất cát là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, hàn. Vào 2 kinh phế, can. Thanh nhiệt tán phong, tuyên phế mọc sởi, hết mờ giác mạc, trấn kinh. Dùng khi phong nhiệt cảm mạo, đau họng, khản tiếng, sởi không mọc, mắt mờ, kinh phong co quắp, uốn ván. Liều thường dùng 3-9 gam.
Phụ chú: Quảng Đông quen dùng xác con sơn thiền (Cicada flammata Distt) đẻ làm thiền thoái, thị trường gọi là kim thiền thoái khác ở chỗ thân hơi dài, màu từ hoàng kim đến nâu đỏ, đuôi có gai nhọn phân nhánh.
Bài thuốc tham khảo:
- “Thiền Hoa Tán”: Dùng Thiền thoái với Cúc hoa. Trị can phong nhiệt biểu hiện như mắt đỏ, chảy nước mắt và mờ mắt.
- Hội chứng phong nhiệt biểu biểu hiện như sốt, đau đầu, đau họng và khàn giọng: Dùng Thiền thoái với Bàng đại hải, Ngưu bàng tử và Cát cánh.
- Sởi giai đoạn sớm chưa có ban: Dùng Thiền thoái với Cát căn và Ngưu bàng tử.
- Ngứa do bề mặt bị nhiễm phong ngoại sinh: Dù Thiền thoái với Bạch tật lệ và Kinh giới.
- Co giật, co thắt do uốn ván hoặc sốt cao: Dùng Thiền thoái và Toàn yết, Bạch cương tàm, Câu đằng và Cúc hoa.
Không có phong nhiệt thì không nên dùng.


66. Thuỷ điệt

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Thuỷ điệt.
Tên La Tinh: Whitmania pigra whitman.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là toàn thân phơi khô của con đỉa (khoan thể kim tuyến điệt) thuộc họ động vật Thuỷ điệt.
Nơi sản xuất: Chủ yếu tại Hoa Đông, Hoa Nam và các tỉnh.
Thu nhặt chế biến: Bắt vào mùa xuân, mùa hạ, dùng nước sôi giết chết rồi phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này hình chuỳ dài hoặc dây hình bầu dục, dài 5-13cm, rộng 1,2-3cm do nhiều đốt tròn hợp thành, phần lưng hơi cao, mầu nâu đen, có thẻ thấy 5 hàng điểm đen hoặc hơi loang vàng, hai bên đều có một dải xoắn dọc thô mầu vàng nâu trên bụng mầu hơi nhạt, phẳng phiu, sau khi ăn no thì to hơn trước khi ăn. Chất ròn dễ gẫy, chỗ mặt gẫy có dạng keo sáng, mùi tanh đất.
Dược liệu tốt thì to con, khô sạch, đen nâu, vị không hôi thối.
Tính vị công dụng: Mặn, đắng, bình. Vào kinh can, có độc, phá huyết, trục ứ, thông kinh. Dùng khi có các hòn cục, huyết đàm kinh bế, đòn ngã tổn thương.
Liều thường dùng 1,5 - 3g. Không dùng thuỷ điệt cho thai phụ.
Phụ chú: Nhật Bản Y điệt Hirudo nipponica whitman (đỉa Nhật) và đỉa lá liễu Whitmania acranulata whitman toàn con phơi khô và chủng này đều làm thuốc.
Bài thuốc tham khảo:
- Vô kinh hoặc đầy bụng và thượng vị do ứ huyết: Dùng Thuỷ điệt với Đào nhân, Tam lăng và Đương qui.
- Ðau ngực, đau bụng và táo bón do ứ huyết do chấn thương ngoài: Dùng Thuỷ điệt với Khiên ngưu tử và Đại hoàng.


67. Thuỷ ngưu giác

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Thuỷ ngưu giác (sừng trâu).
Tên La Tinh: Bubalus bubalis Linnaeus.
Tên khác: Sửu giác.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là sừng khô đã bỏ gốc của con trâu thuộc động vật họ Trâu.
Nơi sản xuất: Chủ yếu sản xuất ở Hoa Nam, Hoa Đông và Tây Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Thu nhặt chế biến: Lúc mổ trâu giữ lấy 2 sừng, bỏ gốc sừng, bóc hết thịt, làm sạch phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này hơi có hình cánh cung cong hình chùy, chỗ nhọn thì hơi tròn, sừng già thì rõ rệt các chỗ rách dọc, phần gốc hình tam giác, giữa rỗng, dài ngắn, to nhỏ không nhất định, mặt ngoài sắc nâu đen hoặc xám đen, một bên có nhiều đường chạy ngang lõm, bên kia có nhiều đường vặn ngang sâu, mặt trong của sừng mầu đen, mặt cắt ngang chỗ nhọn của sừng thì thấy hình thoi với các vân xếp bình hành, lại có nhiều vòng xoắn đồng tâm hình bầu dục mầu nâu nhạt. Chất sừng chắc cứng, hơi có mùi tanh. Dược liệu tốt thì không rách và không lão hóa.
Tính vị công dụng: Đắng, mặn, hàn. Vào các kinh tâm, can. Thanh nhiệt giải độc, lương huyết, định kinh.
Dùng cho ôn bệnh mà sốt, mê man nói sảng, phát ban phát sởi, thổ huyết, máu cam, kinh phong, điên cuồng.
Liều lượng: Dùng 15-30g cắt lát hoặc bột đậm đặc làm thuốc.
Phụ chú: Vị thuốc này tính vị công dụng đều giống tê giác nhưng công hiệu kém nhiều so với tê giác cho nên liều lượng dùng so với tê giác phải gấp 8-10 lần hoặc nhiều hơn.


68. Thuỷ thát can

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Thuỷ thát can.
Tên La Tinh: Lutra lutra Linnaeus.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là gan phơi khô của con rái cá (Thuỷ thát) động vật thuộc họ chồn sóc.
Nơi sản xuất: Rải rác khắp nơi trong nước, các tỉnh phía Nam sông Trường Giang nhiều hơn.
Thu nhặt chế biến: Có thể tìm bắt suốt năm, mùa hạ, mùa thu nhiều hơn. Sau khi bắt giết thì mổ lấy gan, rửa sạch dùng nước sôi nhúng qua, sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này là các phiến lát hoặc khối cục to nhỏ không đều, có lúc còn dính cả phổi, lại còn cả mạch máu dính vào. Dược liệu hoàn chỉnh chia làm 6 phiến, mỗi phiến đều có hình tròn như quả trứng lệch, dài 4-6 cm, rộng 3-5 cm, mép hơi mỏng, phía trên dầy , bề mặt có màu nâu tía hoặc nâu đen, có các vết nhăn nhúm không đều dặn, hai lá phải trái hơi to, gần như đối xứng, hai lá kia nhỏ hơn, mạch máu tim nằm vào giữa, phần trên mạch máu có vật hình u như quả quít, do 10 điểm sưng nhỏ tụ lại mà thành. Chất nặng mà cứng, khó bẻ gẫy, mặt gẫy có mầu nâu đen, dính như kẹo, có mùi tanh cá.
Dược liệu tốt thì to con hoàn chỉnh, mầu tía nâu không mốc meo.
Tính vị công dụng: ngọt, mặn, ôn. Vào các kinh can, thận. Dưỡng âm bổ can, trừ nhiệt dưỡng phế, chống ho chỉ huyết. Dùng chữa can vị khí thống, hư lao, sốt hẹn giờ âm ỉ trong xương, mồ hôi trộm, ho khí xuyễn, lạc huyết. Liều dùng: 3-6g.


69. Toàn yết

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Toàn yết.
Tên La Tinh: Buthus martensii Karsch.
Nguồn gốc: Vị thuốc này là cả con phơi khô của Bọ cạp (Đông á Kiềm hạt) thuộc họ Bọ cạp (Kiềm hạt).
Nơi sản xuất: Chủ yếu tại Hà Nam, An Huy, Sơn Đông, Hà Bắc, Hồ Bắc, Hồ Nam và Bắc Bộ Quảng Đông, Trung Quốc. Có ở Việt Nam.
Thu nhặt chế biến: Khoảng từ mùa xuân đến mùa thu dùng đèn soi bắt, bỏ vào nước trong. Để con bọ nôn hết đất, nhặt ra, cho vào nồi nước sôi, cho thêm một ít muối ăn đun cho đến khi đuôi bọ dựng lên, đến lúc lưng co quắp lại thì lấy ra, rửa sạch hết muối, sấy khô hoặc hong khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc nay có bộ phận đầu ngực và bộ phận trước bụng dẹt dài hình bầu dục, bộ phận bụng sau dài hẹp dạng đuôi, cả con dài ước 5-6 cm, đầu ngực có màu nâu lục, phía trước có một đôi chân cua nhỏ ngắn và một đôi càng cắp tương đối to dài giống như càng cua, mặt sau có vẩy lưng trông như hình cái thang. Phần bụng có 4 đôi chân đều có 7 đốt, ở ngọn mỗi chân có 2 móng quặp. Bụng trước có 7 đốt hợp thành, mai ở lưng đốt 7 có 5 sợi dây sống, lưng màu lục nây, phía bụng sau màu nâu vàng 6 đốt, trên đốt đều có rãnh dọc, đốt ngọn có kim châm nọc độc. Chất ròn dễ gãy, gãy rồi có thể thấy màu đen hoặc chỗ còn lại màu nâu vàng. Mùi hơi tanh vị mặn. Dược liệu tốt thì to con, nguyên vẹn, màu nâu lục, hơi có chút muối, thể nhẹ, trong bụng ít có tạp vật.
Tính vị công dụng: Mặn, cay, bình. Vào can kinh. Có độc tắt phong, trấn kinh, công độc bại kết, thông lạc chỉ thống. Dùng cho trẻ nhỏ kinh phong, chân tay co quắp, trúng phong miệng khát, bán thân bất toại, uốn ván, nhức đầu một bên, tràng nhạc, nhọt ngứa sưng độc. Liều lượng thường dùng 3-5 g.
Phụ chú: Thuốc có độc, tránh dùng quá liều. Chứng phong do huyết hư thì không nên dùng. Cẩn thận dùng khi có thai.
Bài thuốc tham khảo:
- Co giật do sốt cao hoặc động kinh: Toàn yết hợp với Ngô công.
- Liệt mặt biểu hiện méo mắt và miệng, mắt nhắm không kín: Toàn yết phối hợp với Bạch phụ tử và Bạch cương tàm (Khiên Chính Tán).
. Uốn ván biểu hiện co cứng chân tay và gáy: Toàn yết hợp với Thiên nam tinh và Thuyền thoái trong bài Ngũ Hổ Truy Phong Tán.
- Co giật mạn tính do tiêu chảy lâu ngày do tỳ hư biểu hiện co cứng bàn tay bàn chân: Toàn yết hợp với Ðảng sâm, Bạch thược và Thiên ma.
- Ðau đầu dai dẳng và đau do bệnh thấp: Toàn yết hợp với Ngô công và Bạch cương tàm.
 

70. Trân châu
Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Trân châu.
Tên La Tinh: Pteria martensii (Dunker).
Nguồn gốc: Vị thuốc này là ngọc trai được tạo thành do sự kích thích các động vật hai vỏ là con trai buồm tam giác hoặc con trai mũ vằn kép, động vật họ Trai ngọc.
Nơi sản xuất: Nhiều nơi ở ven biển Việt Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, duyên hải Hải Nam cũng như ở Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Trung Quốc.
Thu nhặt chế biến: Có thể bắt lấy ngọc trai thiên nhiên suốt năm, mùa thu mùa đông là vụ chính, trai nuôi thì thường mò bắt vào mùa đông, đem thả nuôi 2 năm trở lên thì lấy được ngọc.
Tính chất vị thuốc: Ngọc trai có 2 loại: thiên nhiên và nuôi dưỡng mà có. Ngọc trai thiên nhiên thì hình viên trụ, hình bồ dục, gần hình cầu hoặc hình thù bất định, đường kính 0,1-0,5 cm, mặt ngoài ngọc sắc trắng,sáng bóng, gần như trong suốt, có ánh quang bóng đẹp. Chất ngọc cứng rắn khó vỡ, mặt vỡ có vân. Không mùi, vị nhạt. Thứ đẹp là hạt to mà tròn, sáng bóng, sắc trắng ngọc, có sắc sáng của trân châu. Ngọc do trai người nuôi thì gần như hình cầu, tròn dài ngắn như hạt gạo, thường hơi dẹt, mặt ngoài sáng trơn hoặc có vân nhẵn, ánh ngọc rõ ràng, sắc đẹp đẽ, có sắc trắng của bạc, trắng vàng, phấn hồng, xanh nhạt hoặc vàng nhạt, rải rác điểm đen nhỏ, dễ vỡ, chỗ vỡ có thể thấy vân thành lớp. không mùi, vị nhạt. Ngọc đẹp tốt thì hình cầu tròn, mặt ngoài có màu trắng ngọc, ít tạp sắc, sáng trơn, có ánh ngọc bóng bảy.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, hàn. Vào các kinh tâm, can. An thần định kinh, sáng mắt tiêu màng mờ, giải độc sinh cơ, thanh nhiệt tiêu đàm. Dùng khi rung động mất ngủ, kinh phong điên giản. Khử màng mờ làm sáng mắt, giải độc sinh cơ, nhọt loét không khép miệng. Liều thường dùng 0,3-0,6 g. Hay làm hoàn tán. Dùng ngoài với liều thích hợp, tán bôi chỗ bệnh. Thuỷ phân bột mà làm thuốc.
Phụ chú: Vỏ trai của trai ngọc Mã thị cũng làm thuốc, qua chế biến thành bột mịn gọi là bột ngọc trai (Trân châu tăng phấn).


71. Trúc phong 

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Trúc phong.
Tên La Tinh: Xylocopa dissimilis (Lep).
Nguồn gốc: Vị thuốc này là cả con phơi khô của Ong tre, Ong đen, thuộc họ động vật Ong mật.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Quảng Đông, Quảng Tây.
Thu nhặt chế biến: Thường thì mùa hạ, mùa thu lúc sáng sớm và buổi trưa, lúc con ong tre bay ra ngoài thì bắt lấy bằng cách dụ hoặc tóm. Hoặc mùa đông ong tre tập trung trong ống nứa thì bổ, đốt rồi thu lấy.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này hình tròn tù, béo mập, dài 2-3 cm, toàn thân có lông đen mềm, đầu hình tam giác, phần đuôi màu tía lam, chất màng, bóng, 3 đôi chân hơi ngắn màu đen có lông. Dược liệu tốt thì to con, nguyên vẹn, màu đen.
Tính vị công dụng: Ngọt, chua, hàn. Vào các kinh vị, đại tràng. Thanh nhiệt hóa đàm, lợi yết chỉ thống, khử phong, định kinh dùng khi phong đàm bịt hết các khiếu, đau yết hầu, loét mồm, trẻ em kinh phong. Liều lượng thường dùng 2-4 con hoặc 2-3 gam. Thêm một ít muối rồi đảo cháy, uống với nước chín, ngậm hoặc rang khô nghiền bột rồi pha uống ngay.


72. Tử bối xỉ

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Tử bối xỉ.
Tên La Tinh: Mauritia arabica Linnaeus.
Nguồn gốc: Là vỏ con tuy bối Ả rập, họ Bảo bối (Cypracidae).
Nơi sản xuất: Phân bố ở miền biển nam Trung Quốc, biển Đông của Việt Nam, chủ yếu ở duyên hải Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Đài Loan.
Thu nhặt chế biến: Bắt hoặc nhặt vào hè, thu, bỏ thịt lấy vỏ, rửa sạch, phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Hình trứng tròn, dài 3-6 cm, rộng 1,5-3 cm, cao khoảng 2 cm, phía lưng lồi lên, tròn trịa, phủ vân hoa màu nâu và đốm trắng ngang dọc đan xen không liền nhau. Mép 2 bên có đốm nâu, bụng dẹt, miệng vỏ mở to, có 22-26 đôi răng, màu nâu, 2 đầu có miệng nhỏ tròn, trong vỏ màu tím lam. Không mùi, không vị. Loại vỏ dày, óng ánh là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, bình. Vào kinh can. Thanh tâm an thần, bình can sáng mắt. Dùng khi tim hồi hộp, phiền muộn mất ngủ, mắt đỏ chóng mặt, phát ban. Liều thường dùng 6-12 gam.


73. Tử hà xa

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Tử hà xa.
Nguồn gốc: Nhau thai khô của sản phụ khoẻ mạnh.
Nơi sản xuất: Các nơi đều có sản xuất.
Thu nhặt chế biến: Nhau thai tươi rửa sạch, bỏ gân màng, chọc vỡ mạch máu chung quanh cuống rốn, rửa nhiều lần cho sạch máu, nước trong, bó lại, cho vào nước sôi đun cho đến khi nhau nổi lên thì lấy ra, đặt lên lưới sắt, sấy lửa nhỏ cho phồng lên, xốp giòn là được.
Tính chất vị thuốc: Dạng bánh tròn không đều, đường kính khoảng 6 cm, dày hoặc mỏng, màu nâu vàng hoặc trắng vàng. Một mặt lồi lõm, có rãnh và nếp nhăn, mặt kia tương đối phẳng, thường còn cuống rốn tồn tại, chung quanh có thể thấy mạch máu nhỏ. Chất cứng, giòn, xốp. Mùi tanh, vị ngọt. Loại nguyên vẹn, màu vàng, sạch se là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, ôn. Vào các kinh tâm, phế, thận. Bổ khí dưỡng huyết, ôn thận bổ tinh. Dùng cho người hư lao gầy còm, nóng sâu bên trong (cốt chưng), mồ hôi trộm, ho suyễn, liệt dương di tinh. Liều thường dùng 3-6 gam.


74. Vọng nguyệt sa

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Vọng nguyệt sa.
Tên La Tinh: Lepus sinensis Gray.
Tên khác: Sơn thỏ thi.
Nguồn gốc: Phân khô của thỏ Hoa Nam, động vật họ thỏ rừng.
Nơi sản xuất: An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Đài Loan, Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây, Hồ Nam, Quí Châu đều có.
Thu nhặt chế biến: Suốt năm đều có thể thu góp, nhưng mùa thu, đông thì nhiều, sau khi thu góp, bỏ hết cỏ tạp, bùn, cát, sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc hình viên tròn, hơi dẹt, dài 0,6-1,5cm, cao 0,5-1cm mặt ngoài thô ráp, có cellulose, trong và ngoài đều có màu xám. Thể nhẹ, chất mềm, dễ vỡ vụn thành bã cỏ. Không mùi, vị hơi đắng mà cay. Dược liệu tốt thì nguyên vẹn, không vỡ, sắc vàng.
Tính vị công dụng: Cay, bình, vào các kinh phế, can. Sáng mắt, sát trùng, giải độc. Dùng khi mắt mờ kéo màng, cam sang, trĩ. Liều thường dùng 3 - 6 gam.
Phụ chú: 1. Thỏ Mông Cổ Lepus tolia pallas và Thỏ Đông Bắc L.mandschuricus Radde đều là các loài thỏ hoang dã, phân của chúng đều có thể làm thuốc gọi là Vọng nguyệt sa.
2. Phân thỏ nhà không gọi là "Vọng nguyệt sa", không dùng làm thuốc.


75. Xà thoái

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Xà thoái.
Tên La Tinh: Lepus sinensis Gray.
Tên khác: Long y.
Nguồn gốc: Lớp màng da lột ra một cách tự nhiên phơi khô của nhiều chủng rắn như rắn gấm mi đen Elaphe taeniura, Rắn gấm Elaphe carinata (Guenther) hoặc Rắn Ô tiêu xà, động vật họ Du xà.
Nơi sản xuất: Sản lượng nhiều ở Chiết Giang, Quảng Tây, Giang Tô, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Phúc Kiến cũng có.
Thu nhặt chế biến: Suốt năm đều có thể thu nhặt, mùa xuân mùa hạ thì nhiều hơn, sau khi thu lượm thì trừ khử bùn, cát, phơi sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này hình ống tròn, màng mỏng gần như trong suốt, thường bị dẹt mỏng nhăn nheo, dài ngắn bất nhất, thứ nguyên vẹn thì dài 50 - 100 cm, mặt ngoài có vảy phiến hoa văn, lưng có sắc xám bạc hoắc hơi tía nhạt, có ánh bóng, bụng màu trắng sữa hoặc màu vàng nhạt, dấu vảy gần như vuông dài, xếp như ngói lợp, thể nhẹ, chất hơi dai, sờ tay thấy nhuận hạt hoặc thấy đàn hồi. Mùi hơi tanh, vị nhạt hoặc hơi mặn. Dược liệu tốt thì màng da nguyên vẹn, màu trắng như bạc, sáng bóng, không vỡ nát.
Tính vị công dụng: Mặn, ngọt, bình. Vào kinh can. Khư phong định kinh, giải độc, chống màng mắt. Dùng khi trẻ nhỏ kinh phong, kinh giật co quắp, giác mạc xuất màng, yết hầu đau rát, đinh thũng, da dẻ ngứa gãi. Liều lượng thường dùng 3 - 6 gam. Phụ nữ có thai kiêng dùng.


76. Xạ hương

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Xạ hương.
Tên La Tinh: Moschus moschiferus Linnaeus (nguyên xạ).
Nguồn gốc: Là chất tiết trong túi thơm ở bụng các loài nguyên xạ lâm xạ (M. berezovskii Flerov), mã xạ (M. sifanicus Przewalskii) đực trưởng thành, họ Hươu (Moschidae).
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Thanh Hải, Tây Tạng và vùng Đông Bắc. Ngoài ra, Tân Cương, Thiềm Tây, Cam Túc, Nội Mông Cổ, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Tây, bắc Quảng Đông cũng sản xuất.
Thu nhặt chế biến: Phần lớn săn bắt vào đông, xuân. Cắt lấy túi thơm liền cả da ở bụng con xạ đực, loại bỏ hết thịt bám theo, hong khô trong râm. Khi dùng thì lấy nhân. Xạ nuôi thì lấy hương vào mùa hè, đông, làm khô ngay rồi đậy kín bảo quản.
Tính chất vị thuốc: Túi thơm nguyên vẹn gọi là mao xác xạ hương, có dạng túi hình tròn dẹt, bầu dục, hoặc hình cầu tròn, đường kính 3-7 cm. Một mặt chỗ cắt ra là da cứng, hơi phẳng, giữa có một lỗ nhỏ, đây là miệng túi thơm, quanhmiệng túi có lông ngắn mọc dày, xếp thành hình vòng xoáy, màu trắng xám hoặc màu nâu. Mặt kia là màng da màu nâu hoặc pha màu tía, có khi trông thấy sợi cơ, hơi đàn hồi, rạch ra trông thấy xạ hương nhân. Xạ hương nhân là hỗn hợp hạt nhỏ và bột. Hạt nhỏ quen gọi là đương môn tử, hình cầu không đều, màu đen hoặc nâu đen bóng, óng ánh, mặt nhẵn hoặc hơi nhẵn, đường kính 2-5 mm. Bột màu nâu hoặc nâu vàng, có lẫn ít màng da và lông nhỏ rơi ra. Mùi thơm đậm, vị trước đắng hơi tê cay, sau hơi ngọt có pha chút mặn. Mao xác xạ hương loại to, dày dặn, có tính đàn hồi, ít lông là tốt. Xạ hương nhân thì loại hạt nhiều, bóng, mùi thơm đậm là tốt.
Tính vị công dụng: Cay, ôn. Vào 2 kinh tâm, tỳ. Khai khiếu thông thần, hoạt huyết thông kinh, tán kết giảm đau. Dùng cho người nhiệt bệnh kém tỉnh táo, trúng phong đàm quyết, hàn tà đau bụng, bế kinh, khó đẻ thai chết lưu, bụng đau dữ dội, ung thũng tràng nhạc, họng sưng đau, ngã hoặc bị đánh chấn thương, chứng tý đau tê dại. Liều thường dùng 0,03-0,1 gam (dạng viên hoàn). Phần nhiều cho vào hoàn tán. Dùng ngoài lượng vừa đủ. Không được nấu vị thuốc này, không dùng Xạ hương cho thai phụ.
Bài thuốc tham khảo:
- “Xạ Hương Thang”: Dùng phối hợp Xạ hương với Mộc hương, Táo nhân và các dược liệu hoạt huyết. Trị đau nặng đột ngột ở ngực và vùng bụng.
- “Hương Quế Tán”: Dùng phối hợp Xạ hương với Nhục quế. Trị thai chết lưu hoặc sót nhau.
- “Tô Hạp Hương Hoàn”: Dùng phối hợp Xạ hương với Tô hạp hương và Đinh hương. Trị bất tỉnh do trúng phong.
- Bất tỉnh do sốt cao: Dùng phối hợp Xạ hương với Ngưu bàng và Tê giác (Chí Bảo Đan).
- Nhọt, nhọt độc và sương tấy: Dùng phối hợp Xạ hương với Nhũ hương, Một dược và Hùng hoàng.
- Sưng và đau do chấn thương ngoài: Dùng phối hợp Xạ hương với Tô mộc, Một dược và Hồng hoa.


77. Xuyên sơn giáp

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Xuyên sơn giáp.
Tên La Tinh: Manis Pentadactyla Linnaeus.
Nguồn gốc: Đây là vảy giáp con tê tê (Lăng lí) động vật họ Tê tê (Lăng lí).
Nơi sản xuất: Chủ yếu là Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Đông Nam Á và Châu Phi cũng có.
Thu nhặt chế biến: Có thể bắt suốt năm, mùa xuân, toàn mùa thu là nhiều. Sau khi bắt thì dội nước sôi, bóc tách lớp vỏ giáp, sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Sản phẩm này có hình cái quạt, hình tam giác hình thuỗn, hình củ ấu hoặc lá dẹt bằng hoặc nửa gãy liền nhau, ở giữa thì dày, bờ mép thì mỏng hơn, to nhỏ khác nhau, bên ngoài thì nâu đen hoặc vàng nâu, sáng bóng, khúc rộng có chừng mười đường văn sắp xếp đều đặn, và một số đường xoắn ngang không rõ, đoạn hẹp sáng bóng, mặt trong hơi nâu, phần giữa có một dây hình cung rõ rệt hướng ngang, dưới đó có nhiều đường vặn nhỏ song song. Chất sừng, hơi trong suốt, dai cứng khó bẻ gãy. Mùi hơi tanh, vị nhạt. Dược liệu tốt thì vảy giáp to nhỏ đều nhau, nâu, không tanh, không dính da thịt.
Tính vị công dụng: Mặn, mát. Vào các kinh can, thận. Thông kinh, xuống sữa, thanh thũng trừ mủ, sưu phong thông lạc. Dùng khi bế kinh, sữa không thông, ung thư sang độc, khớp xương đau tê, co quắp tê dại. Liều thường dùng 5-12 g; dùng ngoài với lượng thích hợp nghiền mịn bôi vào chỗ đau. Sao với cát chế xong làm thuốc.


78. Yến oa

Xếp loại: Động vật.
Tên vị thuốc: Yến oa (tổ yến, yến sào).
Tên La Tinh: Collocalia esculenta Linnaeus.
Nguồn gốc: Đây là tổ yến khô, do con kim ty yến hoặc chim yến cùng chi dùng nước dãi và một ít lông làm tổ. Chim yến thuộc họ Vũ Yến (Apodidae).
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Thái Lan, Việt Nam, Indonesia. Tỉnh Hải Nam Trung Quốc cũng có sản xuất.
Thu nhặt chế biến: Thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 7, đợt đầu thu hoạch là bạch yến, đợt 2 là mao yến, đợt 3 là huyết yến, thu hoạch xong thì làm khô.
Tính chất vị thuốc: Theo quy đinh của thị trường thì tổ yến là hình bán nguyệt, trên rộng dưới hẹp, lõm xuống thành túi 6-9 cm, giữa rộng 2,8-4 cm, sâu 3,5-6 cm. Mặt bám vào vách đá khá bằng phẳng, mặt hướng ra ngoài thì chắc, hơi cao. Bên ngoài nhô lên, dịch bám dính có dạng sóng, xếp thành lớp khá đều đặn, bề mặt nhẵn đều. Bên trong tổ khá rời rạc, ráp, như xơ mướp, có dính ít lông tơ yến. Chất cứng giòn, bề mặt như chất sừng, nửa trong suốt. Cho vào nước thì nở ra, mềm, ấn nhẹ thì thấy đàn hồi. Loại nguyên vẹn, như cái chén con, trong suốt màu trắng, ít lông tơ là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, hơi mặn, bình. Vào 2 kinh phế, vị. Dưỡng âm, nhuận táo, ích khí bổ trung, giảm ho. Dùng cho người ho hư tổn, đàm suyễn khạc nôn ra máu, sốt hẹn giờ, khó nuốt trào ngược. Liều thường dùng 5-10 gram.




KHOÁNG VẬT

79. Bạch giáng đan 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Bạch giáng đan.
Tên khác: Bạch phấn sương, bạch linh sa, giáng đan.
Nguồn gốc: Là hỗn hợp tinh thể thuỷ ngân (II) oxid và thuỷ ngân (I) chlorur.
Nơi sản xuất: Các nơi đều có sản xuất, chủ yếu ở Hồ Nam, Hồ Bắc, Vân Nam, Giang Tây, Thiên Tân.
Thu nhặt chế biến: Dùng 7 loại thuốc là thuỷ ngân, tiêu thạch (kali nitrat), tạo thành (sắt II sulfat), bằng sa, muối ăn, hùng hoàng, chu sa, chế biến qua nhiều công đoạn, thu được bạch giáng đan.
Tính chất vị thuốc: Tinh thể hình kim, thường vón vào thành cục, bột vỡ ra, bề mặt trắng hoặc hơi vàng. Dạng cục thì mặt tiếp xúc thành bát đựnglà mặt nhẵn, sáng bóng, có khi hơi pha màu đỏ tía nhạt, còn mặt kia và mặt bẻ đều là tinh thể hình kim, hơi óng ánh, không trong suốt. Thể nặng, chất giòn dễ vụn nát. Không mùi, vị cay, lưu lại lâu mùi vị kim loại. Loại dạng cục màu trắng, thấy rõ tinh thể hình kim là tốt.
Tính vị công dụng: Cay, ôn. Độc tính mạnh. Sát trùng tiêu độc, khử thối rữa sinh cơ. Dùng trị mụn nhọt độc, đinh độc, ung nhọt ở lưng. Thuốc có độc, không được uống.

80. Bạch phàn 


Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Bạch phàn.
Tên khác: Minh phàn.
Nguồn gốc: Bạch phàn là do minh phàn sulfat thiên nhiên qua gia công chế biến thành thể kết tinh. Chủ yếu chứa nhôm kali sulfat.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Chiết Giang, An Huy, Phúc Kiến. Ngoài ra, Hồ Bắc, Sơn Tây, Hà Bắc, Cam Túc cũng có sản xuất.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm. Đập vụn đá minh phàn, hòa tan trong nước, lọc, cô bớt nước, để lạnh cho kết tinh, thu được tinh thể bạch phàn.
Tính chất vị thuốc: Tinh thể không có hình dáng đặc biệt, to nhỏ không đều, bề mặt hơi nhẵn hoặc lồi lõm không phẳng, có nhiều cạnh dọc nhỏ, trong suốt hoặc màu trắng nửa trong suốt, thường phủ bột mịn trắng. Chất cứng giòn, dễ đập vỡ, mặt bẻ óng ánh như thuỷ tinh. Hơi có mùi chua, vị chát pha ngọt, chua. Loại to, không màu, trong suốt, không có tạp chất là tốt.
Tính vị công dụng: Chua, chát, hàn. Vào các kinh phế, can, tỳ, vị, đại tràng. Cầm máu chỉ tả, khu phong đờm. Dùng khi tiêu chảy lâu ngày, đại tiện ra máu, rong kinh, động kinh, phát cuồng. Liều thường dùng 0,6-1,5 gam. Dùng ngoài giải độc sát trùng, táo thấp, hết ngứa. Chữa eczema, mụn, nấm da.
Phụ chú: Bạch phàn đem nung thành khô phàn. Có tác dụng thu thấp, trị mụn nhọt, cầm máu.
Bài thuốc tham khảo:
- “Hoàng Lạp Hoàn” gồm Bạch phàn 1 lượng sống, luyện với sáp ong nóng chảy viên to bằng hạt đậu đen, lần uống 10 viên đến 20 viên với nước nóng, nếu nhọt chưa thành thì tan đi, nếu có mủ thì vỡ mủ, mau lành miệng bài này trị đinh nhọt, phát bối (nhọt độc ở lưng), nhọt độc đầy người.
- “Hóa Đờm Hoàn”: Dùng Bạch phàn 1 lượng, Tế trà (chè tàu) nhỏ cánh, lâu năm càng tốt 5 chỉ, Tán bột luyện với mật ong bằng hạt đậu đen, trẻ con lần uống 5-6 viên, người lớn lần 15 viên với nước nóng, uống đại tiện ra nhiều đờm trị động kinh bởi phong đờm.
- “Cô Phượng Tán”: Dùng Bạch phàn sống 1 chỉ tán bột trộn nước lạnh cho uống 2-3 lần trị sản hậu bị cấm khẩu.- Trúng phong cấm khẩu: Dùng Bạch phàn 1 lượng, Tạo giáp 5 chỉ tất cả tán bột (từng vị 1) uống một lần 1 chỉ với nước sôi để nguội, dần dần đờm sẽ ra thì bớt.
- Nhức đầu không muốn ăn do đờm kết: Dùng Bạch phàn 1 lượng sắc với 2 chén nước còn 1 chén trộn với 2 muỗng mật ong, uống sẽ nôn ra đờm, nếu chưa uống thêm nước để dễ mửa.
- Trẻ con mới sinh khóc mãi vì hàn khí ở bụng mẹ: Dùng Bạch phàn nung lửa 1 ngày tán bột viên bằng hạt ngô đồng, mài với sữa cho uống lần 2 viên cho đến khi hết.
- Đại tiểu tiện không thông: Dùng Bạch phàn 5 chỉ tán bột, nằm ngửa bỏ vào rốn làm khí lạnh vào bụng một lát thì đi được.
- Thổ tả: Dùng phèn phi 1 chỉ uống với nước đun sôi trị đau bụng thổ tả.
- Rắn độc cắn: Để 1 cục Bạch phàn lên lưỡi dao đốt cho chảy ra, rồi dùng nó nhỏ một giọt vào chỗ vết thương.
- Hôi nách: Dùng phèn phi tán bột bọc vào khăn lụa hoặc khăn tay xát vào nách hàng ngày.
- Ngứa âm hộ, đới hạ, ngứa lở: Tán bột bôi hoặc sắc rửa.
- Cổ họng sưng đau, đờm dãi nhiều, động kinh: Dùng từ 2-1 chỉ uống, ngoài dùng tùy thích.
- Tai chảy nước chảy mủ, miệng lưỡi lở: Dùng phèn phi rắc tại chỗ hoặc trộn nước lạnh để rửa.

81. Bạch thạch anh 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Bạch thạch anh.
Tên khác:
Thạch anh.
Nguồn gốc: Là quặng oxid thuộc nhóm Thạch anh. Chủ yếu chứa silic dioxid.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Giang Tô, Sơn Đông, Quảng đông, Quí Châu, Phúc Kiến, Chiết Giang.
Thu nhặt chế biến: Có thể khai thác quanh năm, đào lên loại bỏ đất cát và đá tạp, chọn lấy thạch anh toàn trắng.
Tính chất vị thuốc: Khối tập hợp hình trụ 6 mặt hoặc hạt to, toàn khối hình dạng không nhất định, có nhiều góc cạnh sắc, mặt không phẳng, màu trắng sữa đến trắng xám, hơi trong suốt hoặc không trong suốt, óng ánh như thuỷ tinh hoặc như mỡ. Thể nặng, chất cứng, Đập gãy mặt không phẳng, cạnh khá sắc, có thể vạch thuỷ tinh. Không mùi, vị nhạt. Loại trắng, hơi trong suốt, óng ánh, thể nặng chất rắn là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, hơi ôn. Vào 2 kinh tâm, phế. Ích khí, an thần lợi tiểu, giảm ho. Dùng khi hồi hộp không yên, hư hàn ho suyễn, khó tiểu tiện. Liều thường dùng 10-20 gam. Người ốm lâu ngày không được dùng.

82. Chu sa

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Chu sa.
Tên khác: Thần sa, Đan sa.
Nguồn gốc: Là đá khoáng thiên nhiên thần sa. Chủ yếu chứa thuỷ ngân sulfur.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Quý Châu, Tứ Xuyên, Hồ Nam. Ngoài ra, Vân Nam, Quảng Tây cũng có sản xuất.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm. Đào lên, dùng nước rửa sạch tạp chất, dùng nam châm hút hết chất sắt.
Tính chất vị thuốc: Thứ chu sa dạng phiến mỏng hình thù không nhất định gọi là kính diện sa, thứ hình khối to nhỏ không đều gọi là đậu biện sa, thứ hạt nhỏ gọi là chu bảo sa, cũng có dạng bột. Bề mặt đều đỏ tối hoặc đỏ tươi, óng ánh như thuỷ tinh. Thể nặng chất giòn, dễ vụn, không mùi vị nhạt. Loại hạt to, màu đỏ tươi, óng ánh, chất giòn, dễ vụn, không có tạp chất đá, cát là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, hơi hàn. Vào kinh tâm, có độc. Thanh tâm chấn kinh, an thần giải độc. Dùng vào chứng tim rung dễ giật, mất ngủ mộng mị, điện giảm phát cuồng. Trẻ nhỏ kinh phong, nhìn mờ hoa mắt, miệng lở, họng đau, sang thương, thũng độc. Liều thường dùng 0,3-1,5g, dùng ngoài vừa đủ. Thường phối hợp với các thuốc khác nghiền bột bôi chỗ đau. Không nên dùng lâu thuốc này. Dùng nhiều đề phòng ngộ độc mạn tính thủy ngân tác hại đến chức năng gan thận, nên dùng cẩn thận.
Phụ chú: Dùng Chu sa hay Thần sa để uống nhất thiết phải thuỷ phi, bỏ hết chất đen lẫn lộn trong thuốc. Chất đen này không uống được và chỉ dùng ngoài trị ghẻ lở. Chu sa và Thần sa kỵ sức nóng nên phải mài, tán với nước, nếu không thuỷ ngân sẽ bị giải phóng gây độc và làm mất tác dụng của thuốc.

83. Chung nhũ thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Chung nhũ thạch.
Tên khác: Thạch chung nhũ, Thạch duẩn (măng đá)
Nguồn gốc: Là quặng carbonat phương giải thạch (calcite), nhóm Phương giải thạch. Chủ yếu chứa calci carbonat.
Nơi sản xuất: Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Quí Châu, Vân Nam, Thiểm Tây, Cam Túc, Sơn Tây. Thường ở trong nham động nham thạch.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm, vào hang gõ xuống, rửa sạch.
Tính chất vị thuốc: Hình nón hoặc hình trụ tròn, trên hơi nhỏ, đướ hơi to, phía ngọn tròn tù, đế có vết vỡ, dài 5-20 cm, đường kính 2-7 cm. Bề mặt lồi lõm không phẳng, gồ lên từng cục, màu xám đất, trắng xám hoặc vàng nâu. Thể nặng, chất cứng, mặt đập vỡ hơi phẳng, màu vàng cam nhạt, tinh thể hình rẻ quạt xếp thành nhiều tầng vòng tròn. Tinh thể thường sáng bóng, giữa có một lỗ tròn. Không mùi, vị hơi mặn. Loại chất cứng nặng, mặt cắt trong suốt, sáng bóng là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, ôn. Vào các kinh phế, vị, thận. Ôn phế tráng dương, thông sữa, chế ngự acid. Dùng khi hàn đàm ho suyễn, âm hư, lạnh, lưng lạnh đau, sau đẻ sữa không thông, đau dạ dày ợ chua. Liều thường dùng 10-15 gam.

84. Dương khởi thạch

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Dương khởi thạch.
Nguồn gốc:
Là đá khoáng silicat thấu thiểm thạch hoặc thấu thiểm thạch thạch miên thuộc nhóm Giác thiểm thạch. Chủ yếu chứa calci silicat ngậm nước.
Nơi sản xuất: Hồ Bắc, Hồ Nam, Sơn Tây, Hà Bắc, Tứ Xuyên, Quảng Đông. Thường lẫn với hoạt thạch.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm. Đào lên, loại sạch đất cát đá tạp.
Tính chất vị thuốc: Hình khối hoặc hình dải không có dạng đặc biệt, to nhỏ không đều, màu trắng xám, trắng xanh hoặc xám xanh, thường xen lẫn với màu xanh, xám, trắng, hoặc vàng nhạt thành hoa văn dọc, óng ánh như sơi tơ. Thể khá nặng, chất hơi xốp mềm, dễ bóc rời, mặt bẻ không đều, dọc bề mặt có dạng sợi hoặc hình trụ nhỏ, hơi óng ánh như tơ. Bột vỡ ra dính da gây ngứa, khó phủi sạch. Không mùi, vị nhạt. Loại chất xốp mềm. Lấy tay miết dễ vụn thành dạng sợi nhỏ như lông, màu trắng xám, óng ánh là tốt.
Tính vị công dụng: M
n, hơi ôn. Vào kinh thận. Ôn thận tráng dương, cường tráng lưng gối. Dùng khi thận hư liệt dương, phụ nữ tử cung hàn lạnh, lưng gối nhức mỏi, lạnh tê, rong kinh.
Liều thường dùng 5-10 gam. Thường cho vào hoàn tán. Người âm hư hoả vượng không được dùng. Không nên uống lâu ngày.

85. Đảm phàn 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Đảm phàn.
Tên khác: Lam phàn.
Nguồn gốc: Là quặng đồng sulfat, chứa đồng sulfid qua quá trình oxy hóa mà thành, chủ yếu chứa đồng sulfat ngậm nước.
Nơi sản xuất: Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, Sơn Tây, Thiểm Tây, Cam Túc, Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm, chọn thứ màu lam, óng ánh như thuỷ tinh. Cũng có chế phẩm tổng hợp.
Tính chất vị thuốc: Là những mảng phiến tinh thể hình thù không nhất định hoặc hình lăng trụ vuông nghiêng, màu vàng nhạt hoặc lam sẫm, nửa trong suốt, óng ánh như thuỷ tinh. Để ra ngoài không khí dần dần phong hoá, bề mặt chuyển màu lục vàng, đun mất nước kết tinh thì chuyển màu trắng, ngậm nước lại chuyển màu lam. Chất cứng giòn, dễ vỡ, mặt vỡ có màu như ở bề mặt. Không mùi, vị chát. Loại khối phiến to, màu lam sẫm, trong suốt, óng ánh như thuỷ tinh là tốt.
Tính vị công dụng: Chua, cay, chát, hàn. Vào 2 kinh can, đởm. Hơi độc. Làm nôn ra phong đờm, giải độc trừ thấp, trị mụn nhọt, hết thối rữa. Dùng khi phong đờm tắc nghẽn, động kinh, mắt đau đỏ loét do chứng phong, cam răng, miệng lở, eczema, mụn nhọt nấm da, sưng độc không vỡ, thịt thối rữa đau đớn. Liều thường dùng 0,3-0,6 gam, sắc uống khi còn ấm. Dùng ngoài lượng vừa đủ, nghiền mịn rắc hoặc trộn đắp chỗ đau, hoặc thổi vào cổ họng hoặc hòa tan trong nước rửa chỗ đau.

86. Giả thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Giả thạch.
Tên khác: Đại giả thạch, Đinh giả thạch, Đồng cổ giả thạch.
Nguồn gốc: Khoáng vật loại oxyd hóa, Xích thiết khoáng Cương ngọc tộc, thể hỗn hợp, chủ yếu chứa trioxyd sắt II.
Nơi sản xuất: Chủ yếu tại Sơn Tây, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Quảng Đông cũng có.
Thu nhặt chế biến: Có thể khai thác quanh năm. Sau khi lấy được thì chọn lấy loại trông giống đầu đinh mà làm thuốc. Khử đá tạp.
Tính chất vị thuốc: Đó là các khối không đều đặn, thường là hình vuông, rất dẹt, to nhỏ khác nhau, màu đỏ nâu xám hoặc đen xám tro, có các vệt hồng hoặc đỏ nâu; một mặt thường có chỗ nhú lên quen gọi là đầu đinh, mặt nữa chỗ đối ứng có vết lõm to nhỏ đồng dạng. Thể chất nặng, chất cứng rắn, chỗ mặt đập cắt có nhiều tầng lớp. Hơi có mùi, vị nhạt. Thứ tốt thì màu hồng nâu, mặt cắt có dạng tầng lớp, mỗi mặt đều có đầu đinh.
Tính vị công dụng: Đắng, hàn. Vào kinh can, tâm. Bình can, giáng nghịch, chỉ huyết. Dùng khi hoa mắt váng đầu, nấc, suyễn tức, thổ huyết, máu cam, băng huyết rong huyết. Liều thường dùng 10-30g.
Phụ chú: Giả thạch mà nhiều vùng ở Quảng Đông dùng là một loại đá khoáng chứa khá nhiều sắt gọi là mã vĩ giả thạch. Đặc điểm dược liệu có dạng kim tập trung dày đặc như đuôi ngựa.
Bài thuốc tham khảo:
- “Trấn Can Tức Phong Thang”: Giả thạch phối hợp với Long cốt, Mẫu lệ, Bạch thược, Quy bản và Ngưu tất. Trị can thận âm hư và can dương vượng biểu hiện đầu và mắt sưng đau, hoa mắt chóng mặt.
- “Tuyên Phục Ðại Giả Thang”: Giả thạch phối hợp với Tuyên phục hoa, Sinh khương và Bán hạ. Trị vị khí nghịch biểu hiện nôn và ợ.
- “Toàn Phục Đại Giả Thang”: Giả thạch phối hợp với Bạch thược, Trúc nhự và Ngưu bàng tử. Trị thoát mạch do huyết nhiệt (nhiệt bức huyết vong hành) biểu hiện nôn máu và chảy máu cam.
- Rong kinh rong huyết biểu hiện hoa mắt chóng mặt do thiếu máu: Giả thạch phối hợp với Vũ dư lương, Xích thạch chỉ, Nhũ hương và Một dược.
- Hen do phế thận hư: Giả thạch phối hợp với Nhân sâm và Sơn thù du.
Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai.

87. Hoa nhụy thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Hoa nhụy thạch.
Nguồn gốc: Đó là các cục đá Xà Vân Thạch Đại Lý Nham, loại nham thạch biến đổi.
Nơi sản xuất: Chủ yếu tại Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, Giang Tô, Chiết Giang, Tứ Xuyên.
Thu nhặt chế biến: Thu hoạch quanh năm, sau khi đào được khử đá tạp và bùn đất, chọn lấy các cục đá nhỏ có màu vàng nhạt hoặc vàng lục có vân.
Tính chất vị thuốc: Đây là các cục không đều đặn, có góc cạnh song không có mũi chóp, mặt ngoài trắng hoặc trắng xám, ở trong có lẫn tạp, có các điểm nhỏ hoặc sợi vân nhỏ màu vàng nhạt hoặc lục nhạt. Dưới ánh nắng thì có các ánh quang như sao. Thể chất cứng rắn, bẻ ra thì mặt bẻ không ngay ngắn. Thứ tốt thì có các đám vằn vàng lục.
Tính vị công dụng: Chua, sáp, bình. Vào can kinh, hóa ứ chỉ huyết. Dùng khi thổ huyết, khạc ra máu, đòn ngã thương tích đau đớn, sản hậu ra huyết hôi, huyết vựng. Liều thường dùng 5-15g.
Bài thuốc tham khảo:
- Nôn ra máu và ho ra máu do ứ huyết: Dùng Hoa nhụy thạch với Tam thất và Huyết dư tán.
- Xuất huyết do chấn thương ngoài: Bột Hoa nhụy thạch rắc vào vết thương.

88. Hoạt thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Hoạt thạch.
Nguồn gốc: Là quặng silicat hoạt thạch (bột talc), nhóm Hoạt thạch. Chủ yếu chứa magiê silicat ngậm nước.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Sơn Đông, Giang Tây. Ngoài ra, Giang Tô, Chiết Giang, Thiểm Tây, Liêu Ninh cũng có sản xuất.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm. Đào lên, loại bỏ hết đất cát đá tạp.
Tính chất vị thuốc: Gồm tập hợp những khối hình thù không nhất định, phẳng dẹt, hình thang, màu trắng, trắng vàng hoặc trắng xanh, óng ánh như sáp, sờ tay có cảm giác trơn nhờn. Thể khá nặng, có thể dùng móng tay cạo rơi phấn trắng, cho vào nước không vỡ ra. Không có mùi hôi, không vị. Loại trắng, trơn, không có đá tạp là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, nhạt, hàn. Vào các kinh bàng quang, phế, vị. Lợi tiểu, hết đái buốt đái rắt, giải thử hoạt nhiệt, khư thấp trị mụn nhọt. Dùng khi đái khó nóng đau (nhiệt lâm), nước tiểu có khi như có cát (sa lâm), thử thấp buồn bực khát nước, eczema, ghẻ lở, rôm sảy. Liều thường dùng 10-30 gam. Dùng ngoài lường vừa đủ.
Phụ chú: Hoạt thạch thường chia ra làm hoạt thạch cứng và hoạt thạch mềm, trên đây là nói về hoạt thạch cứng. Hoạt thạch mềm là quặng đất sét silicat cao lãnh thạch, dạng khối hình thù không nhất định, màu trắng hoặc trắng xám, tay sờ có cảm giác trơn nhờn. Chất xốp mềm, lấy tay miết là vỡ vụn, cho vào nước thì tả ra, hơi có mùi đất bùn, không vị, dính lưỡi. Tính vị công dụng như hoạt thạch cứng.

89. Hổ phách 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Hổ phách.
Nguồn gốc: Là nhựa cây thông thực vật họ tùng thời cổ, vùi lâu trong đất nhiều năm chuyển hóa thành hóa thạch.
Nơi sản xuất: Vân Nam, Quảng Tây, Hà Nam, Liêu Ninh.
Thu nhặt chế biến: Suốt năm. Sau khi đào lên lấy được hổ phách khử đá cát bùn đất.
Tính chất vị thuốc: Có hình khối hoặc dạng hạt, to nhỏ không đều, mặt ngoài vàng nhạt, vàng sẫm, lục sẫm, hồng nâu hoặc đen nâu, sáng bóng, hơi trong suốt. Chất cứng mà ròn, mặt cắt bằng phẳng, xoa tay thành bột. Không tan trong nước, đốt nóng thì phồng lên tỏa mùi nhựa thông, vị nhạt. Thứ tốt thì màu vàng đỏ, trong suốt, sáng đẹp, ròn. Hổ phách cứng và giòn, nghiền ra bột ngay, rất nhẹ, đốt ra khói trắng thơm, nếu khói đen là nhựa thông.
Tính vị công dụng: Ngọt, bình. Vào các kinh tâm, can, bàng quang. An thần định kinh, lợi thủy thông lâm, hoạt huyết tán ứ. Dùng trong bệnh tâm thần không yên, run sợ, mộng mị nhiều, đái rỉ ra máu... Liều thường dùng: 1-2g. Âm hư, nhiệt trong nội tạng mà không có ứ thì kiêng dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung Y: Dùng hổ phách làm thuốc thì lấy nước hoà với bột nhân hột Trắc bá, cho vào trong nồi đất, bỏ Hổ phách vào, nấu độ 2 giờ thì có ánh sáng lạ thường rồi nghiền thành bột dùng (Lôi Công Bào Chích Luận). Nay chỉ chế với sữa người rồi tán bột dùng (Bản Thảo Cương Mục).
Theo kinh nghiệm Việt Nam: Nghiền thành bột mịn dùng.
Chủ trị: Trị ngủ không yên.
- Cơn co giật và động kinh trẻ em: Hổ phách - Toan táo nhân và Dạ giao đằng.
- Ít kinh nguyệt hoặc vô kinh do ứ huyết: Hổ phách - Đương qui, Nga truật và Ô dược trong bài Hổ Phách Tán.
- Rối loạn đường tiết niệu biểu hiện như hay đi tiểu, đi tiểu đau, đi tiểu ra máu hoặc có sỏi canxi niệu quản: Hổ phách - Kim tiền thảo, Mộc thông và Bạch mao căn.
Phụ chú: Bảo quản: dễ bảo quản, để nơi khô ráo, tránh làm nát vụn.
Chất này được dùng dưới dạng bột và viên, không dùng dưới dạng thuốc sắc. Không dùng trong trường hợp âm hư, nóng trong người, thuỷ suy hỏa vượng.

90. Hùng hoàng 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Hùng hoàng.
Nguồn gốc: Đây là khoáng vật loại lưu hóa Hùng hoàng thuộc họ Hùng hoàng, chủ yếu chứa disulfid diasen.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Hồ Nam, Quí Châu, Thiểm Tây. Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Cam Túc cũng có.
Thu nhặt chế biến: Có thể khai thác quanh năm. Sau khi đào lên thì dùng dao tre cắt lấy những chỗ đã nóng đến (không lấy sinh khối chưa nóng đến). Khử bỏ tạp chất.
Tính chất vị thuốc: Đây là những khối không đều đặn, to nhỏ bất đồng màu đỏ sẫm hoặc đỏ cam, mặt ngoài thường có bột mịn màu vàng chanh; thể chất nặng, ròn dễ vỡ, mặt vỡ cắt thô ráp, sắc đỏ vàng hoặc đỏ tươi. Sáng bóng kiểu nhựa cây thường thấy kết tinh hình kim hay hình trụ, hơi trong suốt có ánh sáng kiểu kim cương. Mùi khó chịu đặc biệt, vị nhạt. Thứ tốt thì cục to, sắc đỏ có ánh sáng bóng, chất ròn không lẫn tạp.
Tính vị công dụng: Cay, ôn. Vào các kinh can, đại tràng. Độc giải độc sát trùng, tháo thấp khư đàm, tán ngược. Dùng khi đau bụng trùng tích, kinh giật, sốt rét, ung thũng, đinh nhọt, ngứa ghẻ, rắn rết đốt cắn. Liều thường dùng 0,15-0,3g, làm hoàn tán, dùng ngoài bôi bột mịn hoặc đắp chỗ bệnh.
Phụ chú: Một vị thuốc khác có tên Thư hoàng, chủ yếu chứa trisulfid Asen II màu vành chanh, mảnh hoặc hạt, công dụng hơi giống Hùng hoàng.

91. Huyền minh phấn 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Huyền minh phấn.
Nguồn gốc: Là mang tiêu qua phong hóa khô đi mà thành, chủ yếu chứa natri sulfat.
Nơi sản xuất: Phần lớn các nơi trong cả nước đều có sản xuất. Các tỉnh có sản lượng tương đối lớn là Hà Nam, Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc, Nội Mông Cổ.
Thu nhặt chế biến: Vào thu, đông, lấy mang tiêu đã tinh chế tinh khiết khử nước kết tinh thành natri sulfat khan là được.
Tính chất vị thuốc: Là một trắng, óng ánh, lấy tay miết thấy như cát mịn. Không mùi, vị mặn, đắng. Loại mịn trắng sạch là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, đẳng, hàn. Vào 2 kinh vị, đại tràng. Tả nhiệt thông tiện, nhuận táo nhuyễn kiên, thanh hoả tiêu thũng. Dùng cho người thực nhiệt táo bón, tích trệ đau bụng, trường ung (tựa như viêm ruột thừa cấp hoặc apxe quanh ruột thừa) sưng khối u, họng sưng đau, miệng lưỡi lở loét, lợi sưng đau, mắt đỏ, nhọt sưng. Liều thường dùng 5-10 gam. Dùng ngoài lượng vừa đủ. Hòa nước bôi rửa hoặc nghiền bột đắp chỗ đau. Phụ nữ có thai không được dùng.
Phụ chú: Huyền minh phấn mà người Quảng Đông dùng làm thuốc không phải là vị này (xem chú thích của vị mang tiêu).

92. Huyền tinh thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Huyền tinh thạch.
Tên khác: Thái ất huyền tinh thạch.
Nguồn gốc: Là loại muối sulfat, do nước chát của bể nước muối qua nhiều năm kết lại thành những mảnh cục đá khoáng thạch cao, chủ yếu chứa calci sulfat ngậm nước.
Nơi sản xuất: Thanh Hải, Cam Túc, Thiểm Tây, Nội Mông Cổ.
Thu nhặt chế biến: Quanh năm có thể đào lấy huyền tinh thạch, loại bỏ đất cát, đá tạp.
Tính chất vị thuốc: Là những phiến mỏng hình bầu dục hoặc hình có cạnh không đều, giữa hơi dày, như mai rùa, dài 0,3-1,5 cm, rộng 0,2-0,8 cm, dày 0,1-0,3 cm, màu trắng xám hoặc pha chút màu xám nâu nhạt, có phiến ở giữa màu đen, nửa trong suốt. Chất cứng giòn, dễ đập vỡ thành từng mảnh nhỏ dài có cạnh, mặt bẻ óng ánh như thuỷ tinh. Hơi có mùi, vị hơi mặn. Loại trắng xám, phiến mỏng đều đặn là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, hàn. Vào kinh thận. Tư âm, giáng hoả, nhuyễn kiên, tiêu đờm. Dùng cho người dương thịnh âm suy, sốt cao khát nước, đau đầu do phong hoả, mắt đỏ kéo màng. Liều thường dùng 10-15 gam.

93. Khinh phấn 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Khinh phấn.
Tên khác: Lục phấn, thuỷ ngân phấn.
Nguồn gốc: Là hợp chất thuỷ ngân, do dùng các nguyên liệu gồm thuỷ ngân, đảm phàn (chalcanthite) và muối ăn qua thăng hoa mà thành, chủ yếu chứa thuỷ ngân (I) chlorid.
Nơi sản xuất: Hồ Bắc, Hồ Nam, Hà Bắc, Thiên Tâm, Vân Nam.
Thu nhặt chế biến: Lấy đảm phàn (chalcanthite) muối ăn, thêm nước hòa tan, thêm thuỷ ngân, nguấy thành dạng hồ, nhào với đất bùn đỏ, nặn thành khối tròn. Dùng nồi đáy phẳng, phủ cát khô nên đáy nồi, đặt các khối tròn nguyên liệu lên lớp cát, đậy nồi bằng vung sứ cho thật kín, dùng than củi nung khoảng 10 giờ, sẽ thấy tinh thể như bông tuyết bám lên mặt trong vung sứ, đó là khinh phấn.
Tính chất vị thuốc: Là tinh thể như bông tuyết hoặc dạng bột mịn trắng tinh, hơi óng ánh, nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thì chuyển thành màu vàng xám đến vàng sẫm, gặp dịch amoniac thành màu đen. Chất hơi nhẹ, dùng tay miết dễ vụn thành bột. Không mùi, vị nhạt. Rất độc không được nếm. Loại phiến to, dạng vẩy hoặc hoa tuyết, trắng tinh, óng ánh, chất nhẹ là tốt.
Tính vị công dụng: Cay, hàn. Vào kinh đại tràng, tiểu tràng. Rất độc. Khư đờm tiêu tích, trục thuỷ thông tiện. Dùng khi đờm dãi tích trệ, thuỷ thũng cổ trướng, đại tiểu tiện không thông, mụn ghẻ lở, bệnh nấm da dai dẳng, bệnh giang mai, hạ cam, eczema, da loét lở. Liều thường dùng 0,1-0,28 gam. Dùng ngoài lượng vừa đủ, nghiền mịn, rắc, đắp, hoặc trộn bôi chỗ đau.
Phụ chú: Bảo quản cần đậy kín, tránh ánh sáng.

94. Kim mông thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Kim mông thạch.
Tên khác: Minh thạch.
Nguồn gốc: Đây là nham thạch biến chất của Điệt thạch phiến nham hoặc Thủy hắc vân mẫu phiến nham. Chủ yếu có chứa silicat magiê, kali và nhôm.
Nơi sản xuất: Hồ Bắc, Hà Nam, Sơn Tây.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm. Sau khi khai thác được thì bỏ đá tạp và bùn đất.
Tính chất vị thuốc: Dược liệu này là các khối không đều đặn, to nhỏ bất nhất màu nâu vàng có ánh quang vàng kim óng ánh đẹp mắt. Chất ròn, dễ vỡ có lớp rõ rệt. Loại đẹp nhất vê tay thành các phiến vảy mỏng vỡ. Chất loại kém thì cứng, sau khi vỡ thường thấy có bùn đất tạp lẫn ở trong. Nung lửa có thể phồng lên, phân ra nhiều lớp có màu vàng óng ánh, ròn rất dễ vỡ. Không mùi, vị nhạt. Thứ tốt thì màu vàng kim, ròn dễ vỡ không có đất tạp.
Tính vị công dụng: Ngọt, mặn, bình. Vào các kinh phế, tâm, can. Long đờm hạ khí, bình can trấn kinh. Dùng khi đờm tích úng dai dẳng, ho hen cấp nghịch, điên giản phát cuồng, phiền nhiệt bứt rứt trong ngực. Kinh phong co rút. Liều thường dùng 3-6g, hay dùng hoàn tán.

95. Lô cam thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Lô cam thạch.
Nguồn gốc: Là muối carbonat, Lăng tân khoáng phương giải thạch. Chủ yếu chứa carbonat kẽm.
Nơi sản xuất: Quảng Tây, Hồ Nam, Tứ Xuyên.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm. Sau khi khai thác được thì tinh chế loại bỏ đá tạp, khử bùn đất, rửa sạch, sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Đây là những khối không đều đặn, thường có chiều hướng bằng phẳng, cũng có hình đa giác hoặc gần như tròn, to nhỏ bất nhất, thường có các chỗ lõm khá to và các lỗ khoét to nhỏ không đều, mặt ngoài trắng hoặc đỏ nâu nhạt rải rác có những chỗ hoa văn thấy được ở ngoài dính các bụi phấn trắng vàng. Thể nhẹ, chất dễ gãy ròn, chỗ cắt như có hạt, trắng xám hoặc nâu nhạt, có lúc là trộn những hoa văn trắng và nâu lẫn lộn. Ít mùi, vị chát. Thứ tốt là cục to trắng nhẹ và xốp rất hút ẩm.
Tính vị công dụng: Ngọt, bình. Vào các kinh can, tì, phế. Sáng mắt, rút màng, phòng thối loét, sinh cơ bắp, tháo thấp, chữa ngứa. Dùng khi mắt đỏ kéo màng, vành mắt toét đỏ quanh màng thịt loét, chảy mủ, thấp sang, da dẻ ngứa ngáy. Dược liệu này chỉ dùng ngoài, lúc dùng thì nghiền mịn bôi vừa phải vào chỗ bệnh hoặc tra mắt.

96. Long cốt 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Long cốt.
Nguồn gốc: Xương động vật có vú thời cổ đại như ngựa 3 ngón chân, voi, tê giác, bò, hươu gọi là long cốt, hóa thạch răng cửa của voi gọi là ngũ hoa long cốt.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Sơn Tây, Hà Nam. Ngoài ra, Nội Mông Cổ, Thiểm Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên cũng có sản xuất.
Thu nhặt chế biến: Có thể đào lấy quanh năm, chọn xương hóa thạch, loại bỏ đất cát tạp chất. Ngũ hoa long cốt rất dễ vở vụn, thường bọc trong giấy bản.
Tính chất vị thuốc: Long cốt là những khúc xương hoặc khối, miếng vỡ vụn hình thì không nhất định, to nhỏ không đều, màu trắng vàng hoặc xám trắng nhạt. Có cái có đường vân màu nâu nhạt hoặc kẽ nứt, sờ có cảm giác nhẵn. Mặt bẻ ráp, giữa có lưới tuỷ nâu nhạt. Chất rắn, khó đập vỡ. Có tính hút ẩm khá mạnh, hơi có mùi, vị nhạt. Loại trắng, khả năng hút ẩm mạnh là tốt> Ngũ hoa long cốt dạng khối trụ tròn hình thù không nhất định, bề mặt amù trắng vàng, thường có hoa văn màu nâu đỏ hoặc xám lam, hơi óng ánh. Chất cứng giòn, dễ bóc rời thành phiến. Khả năng hút ẩm khá mạnh, không mùi vị nhạt. Loại thể nhẹ, chất xốp giòn, phân lớp, có hoa văn, khả năng hút ẩm mạn là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, chát, bình. Vào 2 kinh tâm, can. An thần, cố sáp, sinh cơ, hết lở loét. Dùng khi tim hồi hộp dễ sợ hãi, mất ngủ mê nhiều, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm, di tinh, rong kinh đới hạ. Liều thường dùng 15-30 gam. Dùng ngoài nghiền bột chữa loét lâu không khỏi. Sắc trước.

97. Long xỉ 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Long xỉ.
Nguồn gốc: Là răng hóa thạch của động vật có vú cổ đại như ngựa ba ngón chân, voi, tê giác, bò, hươu.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Sơn Tây, Hà Nam. Ngoài ra, Nội Mông Cổ, Thiểm Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên cũng có sản xuất.
Thu nhặt chế biến: Có thể khai thác quanh năm, nhặt lấy răng hoặc gõ cho rơi ổ răng của động vật hóa thạch.
Tính chất vị thuốc: Gồm răng nanh và răng hàm, to nhỏ không đều. Răng nanh hình nón, phần trên cong nhọn. Răng hàm hình trụ tròn hoặc trụ vuông cũng hơi cong, một đầu nhỏ hơn, có cạnh hoặc rãnh sâu hoặc nông. Răng thanh long màu lục nâu tối, có dải vân nâu vàng. Răng bạch long màu trắng, không có hoa văn, có đốm nâu, có cái còn chất men tồn tại. Chất cứng, khó đập vỡ, mặt vỡ lồi lõm không bằng phẳng, hơi có tính hút ẩm. không có mùi hôi, không vị. Loại không còn ở răng, có dải vân xanh tối, tính hút ẩm mạnh là tốt.
Tính vị công dụng: Vị ngọt, chát, bình. Vào 2 kinh tâm, can. Trừ nhiệt trấn tâm an thần. Dùng khi nhiệt phát cuồng, sốt bứt rứt không yên, tâm thần bất an, khí kết ở vùng thượng vị, mất ngủ hay mê. Liều thường dùng 10-15 gam, sắc trước.

98. Lưu hoàng 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Lưu hoàng.
Nguồn gốc: Là khoáng vật họ Lưu hoàng, sulfur tự nhiên qua gia công mà thành.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Nội Mông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hà Nam, Giang Tây, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Đài Loan...
Thu nhặt chế biến: Khai thác suốt năm. Quặng đá khoáng lưu huỳnh lấy được rồi cho vào hũ đất, gia nhiệt cho đến khi chảy, khử tạp chất để nguội là được.
Tính chất vị thuốc: Vị thuốc này là các khối không đều đặn, mặt ngoài bằng phẳng màu vàng hoặc lục vàng nhạt. Ròn dễ vỡ. Chỗ cắt vỡ thường có nhiều lỗ nhỏ lại có các kết tinh hình kim sáng bóng. Khí vị đặc thù. Lúc nung trên lửa thì có ngọn lửa xanh, đồng thời phát ra mùi hôi rất kích ứng của dioxyd lưu huỳnh. Thứ tốt thì có sắc vàng sáng đẹp, ròn dễ vỡ.
Tính vị công dụng: Chua, ôn, vào các kinh thận, đại tràng, có độc. Bổ hỏa trợ dương, thông tiện - uống trong bệnh dương yếu chân lạnh, hư suyễn lãnh háo, hư khái bí đại tiện, ghẻ ngứa, mụn nhọt. Liều thường dùng 1,5-3g, phần nhiều sau khi bào chế thì làm hoàn tán để uống. Dùng ngoài với liều thích hợp, nghiền thành bột bôi chỗ bệnh.
Phụ chú: Có thai kiêng dùng, không dùng chung với mang tiêu.

99. Mã não 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Mã não.
Tên khác: Văn thạch.
Nguồn gốc: Là 1 biến chủng của tinh chất khoáng Thạch anh. Từ các dung dịch thể keo của dioxyd silicim các màu hình thành các khối cục có trong các hang động hoặc các vết rách nham thạch mà ra. Chủ yếu chứa dioxyd silicim.
Nơi sản xuất: Nơi chính là Liên Ninh, Tân Cương, Cam Túc, Thiểm Tây, Hà Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Vân Nam, Chiết Giang, Đài Loan.
Thu nhặt chế biến: Có thể khai thác quanh năm. Sau khi khai thác thì khử tạp. Thứ dược dụng phần nhiều thu tập từ các khối vỡ hoặc vụn lấy được khi gọt đẽo.
Tính chất vị thuốc: Là các cục không đều đặn hoặc các hình trụ to nhỏ khác nhau màu nâu đỏ, đỏ cam, trắng xám hay thấy hơn, màu khác cũng có, thường có dạng vân hoặc các dải màu trơn tru hoặc lồi lõm, trong hoặc trong suốt, sáng bóng như nến. Chất cứng, thể trơn tru, không mùi, vị nhạt, sắc đỏ đậm, trong suốt là thứ tốt.
Tính vị công dụng: Cay, hàn. Thanh nhiệt sáng mắt, dùng khi mắt lên màng. Phần nhiều dùng ngoài tán thành bột mịn hoặc thủy phi vỏ ngoài.

100. Mang tiêu 


Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Mang tiêu.
Tên khác: Phác tiêu.
Nguồn gốc: Là chất khoáng sulfat mang tiêu qua gia công tinh chế thành tinh thể. Chủ yếu chứa natri sulfat ngậm nước.
Nơi sản xuất: Các xí nghiệp muối khoáng trong cả nước đều có sản xuất. Sản lượng của Hà Nam, Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc, Nội Mông Cổ tương đối lớn.
Thu nhặt chế biến: Chế biến quanh năm, vào thu, đông thì tốt. Trước khi gia công, mang tiêu có dạng hạt, ngoài phủ bột sương trắng, chứa khá nhiều tạp chất. Thêm nước đun cho tan, tạp chất lắng xuống, lọc rồi đem cô bớt nước, để lạnh cho kết tinh tức là mang tiêu dược dụng.
Tính chất vị thuốc: Mang tiêu là tinh thể hình trụ có cạnh hoặc hình chữ nhật, to nhỏ không đều, không màu, trong suốt, bề mặt có cạnh thẳng. Chất giòn dễ bẻ gãy, mặt bẻ hơi nghiêng hoặc hình vuông. Để trong không khí, dần dần phong hoá, lớp ngoài dần chuyển thành bột trắng. Không mùi, vị đắng hoặc mặn. Loai trắng, trong suốt, sạch sẽ là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, đắng, hàn. Vào 2 kinh vị, đại tràng. Tả nhiệt thông tiện, nhuận táo nhuyễn kiên, thanh hoả tiêu thũng. Dùng khi thực nhiệt táo bón, đại tràng táo kết, tích trệ đau bụng, nhọt ở ruột sưng đau, ung nhọt độc. Liều thường dùng 3-10 gam. Dùng ngoài lượng vừa đủ. Phụ nữ có thai cấm dùng.
Phụ chú: Mang tiêu thêm củ cải đem bào chế, được thành phẩm người Quảng Đông hay dùng, gọi là huyền minh phấn, vì vậy cũng có tên là huyền minh phấn Quảng Đông, khác với huyền minh phấn ghi trong Dược điển.

101. Mật đà tăng 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Mật đà tăng (litharge).
Tên khác: Ngân hữu, Ngân lư để.
Nguồn gốc: Là sản phẩm lắng ở đáy nồi khi dùng quặng phương diện khoáng (galena) luyện bạc, chì. Chủ yếu chứa chì oxid hoặc lẫn lượng nhỏ chì chưa oxy hoá.
Nơi sản xuất: Hồ Nam, Hồ Bắc, Phúc Kiến.
Thu nhặt chế biến: Khi dùng quặng phương diên khoáng (galena) luyện bạc, chì, lấy dư phẩm lắng ở đáy nồi là được.
Tính chất vị thuốc: Dạng khối, khối dẹt hoặc mảnh vụn hình thù không nhất định, to nhỏ không đều, thường một mặt nhẵn, óng ánh, mặt kia thô ráp, màu vàng hoặc nâu vàng. Thể nặng, chất cứng, dễ đập vỡ, mặt cắt dạng hạt, lớp vân rõ, màu xanh xám đến lục xám, có ánh kim loại bạc, nghiền bột thì màu vàng. Không mùi, vị nhạt. Loại màu vàng, óng ánh, thể nặng, tinh khiết là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, cay, bình. Vào 2 kinh can, tỳ. Có độc> Sát trùng trị mụn nhọt, táo thấp, khư đàm trấn kinh. Dùng khi đờm tích, động kinh, eczema, loét trĩ, lở miệng, sưng độc, dao đâm, hôi nách. Liều thường dùng 1,5-3 gam. Nghiền bột hoặc vào hoàn tán. Dùng ngoài lượng vừa đủ, nghiền bột đắp hoặc trộn với dấm bôi chỗ đau.

102. Nam hàn thuỷ thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Nam hàn thuỷ thạch.
Tên khác: Phương giải thạch (đá calcit), Hàn thuỷ thạch.
Nguồn gốc: Là khoáng carbonat phương giải thạch (đá calcit) nhóm phương giải thạch. Chủ yếu chứa calci carbonat.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Hà Nam, Quảng Đông, Hồ Bắc.
Thu nhặt chế biến:
Khai thác quanh năm. Đào lên, loại bỏ đất cát, đá tạp.
Tính chất vị thuốc: Là những khối vuông lệch hoặc khối chữ nhật, 4 góc có cạnh sắc, màu trắng hoặc trắng vàng, nửa trong suốt, nhẵn, óng ánh. Chất cứng giòn, vỡ ra thì thường thành khối vuông hoặc khối chữ nhật nhỏ, mặt vỡ nhẵn. Không có mùi hôi, không vị. Loại trắng, trong suốt, óng ánh là tốt.
Tính vị công dụng: Nhạt, rất hàn. Vào các kinh tâm, vị, thận. Thanh nhiệt giáng hoá, lương huyết, giảm phiền hết khát. Dùng khi sốt cao khát nước, miệng lưỡi khô khan, đau răng, tiểu tiện đỏ. Liều thường dùng 10-30 gam. Khi làm thang thì sắc trước.
Phụ chú: Khoáng sulfat hồng thạch cao thuộc Ngạnh thạch cao cũng được dùng làm thuốc thay hàn thuỷ thạch, tên thương phẩm là bắc hàn thuỷ thạch, dạng khối dẹt, trắng như phấn, lồi lõm không phẳng, có mùi tanh của đất, không vị. Tính vị công dụng đại khái giống Nam hàn thuỷ thạch.

103. Phê thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Phê thạch.
Tên khác: Tín thạch, Nhân ngôn, Phê sương.
Nguồn gốc: Là đá khoáng thân hoa (arsenolite) thuộc loại oxid hệ đẳng trục tinh, nhưng phần lớn là do dùng độc sa (thân hoàng thiết khoáng - arrseno pyrite) hoặc hùng hoàng làm nguyên liệu để chế biến sản xuất, có nguồn gốc từ thân hoa (arsenolite) thiên nhiên không nhiều. Chủ yếu chứa asen trioxid.
Nơi sản xuất: Hồ Nam, Giang Tây, Quí Châu, Quảng Đông.
Thu nhặt chế biến: Số ít là đào đá khoáng thiên nhiên thân hoa (arseno lite) rồi loạii bỏ tạp chất, phần lớn lấy quặng thân (asen) gia công chế biến.
Tính chất vị thuốc: Phê thạch chia ra hồng phê và bạch phê:
1. Hồng phê còn gọi là hồng tín thạch, có dạng khối hoặc hạt hình thù không nhất định, to nhỏ không đều, thứ to thì dài, rộng khoảng 5-10 cm, dày 3-5 cm, bề mặt màu trắng xám hơi đỏ, mặt vỡ dọc là màu đỏ, vàng, trắng hoặc pha nâu, có hoa văn màu xen kẽ theo chiều ngang, nửa trong suốt, óng ánh như thuỷ tinh hay sợi tơ. Thể nặng, chất cứng giòn, dễ đập vỡ, mặt cắt hơi bằng phẳng. Không mùi. Rất độc, không được nếm. Loại dạng khối hoàn chỉnh, sáng bóng, màu trắng óng ánh, không có tạp chất là tốt.
2. Bạch phê còn gọi là Bạch tín thạch, đặc điểm cơ bản giống hồng phê, trắng mà không có vân. Thứ tốt thì lành lặn. Kết tinh sáng bóng, trắng mịn, không có tạp chất.
Tính vị công dụng: Cay, rất nhiệt. Vào 2 kinh phế, can. Rất độc. Khư đàm bình suyễn, chữa mụn lở khử thối rữa, trị sốt rét. Dùng khi hàn đàm hen suyễn, sốt rét lâu ngày, cam tẩu mã, mụn nhọt độc thịt rữa kéo dài, trĩ, nấm ung nhọt định độc. Rất độc, phải bào chế rồi mới được dùng. Liều thường dùng 0,015-0,031 gam. Cho vào hoàn tán để uống. Dùng ngoài lượng vừa đủ, nghiền mịn rắc hoặc trộn đắp chỗ đau, cũng cho vào thuốc cao dán chỗ đau.
Phụ chú: Phê sương là sản phẩm tinh chế của Phê thạch, dạng bột trắng, hơi tan trong nước, công dụng như Phê thạch nhưng độc hơn nhiều.

104. Phù thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Phù thạch (pumice).
Tên khác: Phù hải thạch.
Nguồn gốc: Là tảng đá nhiều lỗ, do nham thạch nóng chảy từ núi lửa phun ra, đóng cứng lại mà thành. Chủ yếu chứa silic dioxid.
Nơi sản xuất: Vùng duyên hải các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Sơn Đông, Liêu Ninh.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm thường sau cơn bão, phù hải thạch nỏi trên mặt biển, hoặc bị gió thổi dạt vào bờ. Vớt lên, rửa sạch, phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Dạng cầu gần tròn, hoặc khối có hình thù không nhất định, kết cấu dạng bọt biển nhiều lỗ, đường kính 2-5 cm hoặc hơn, bề mặt thô ráp, màu trắng xám, vàng xám hoặc nâu nhạt. Thể nhẹ, chất cứng giòn, ném xuống nước nổi lên mà không chìm, đập vỡ thì mặt vỡ màu hơi nhạt, xốp, có rất nhiều lỗ nhỏ. Thường óng ánh như tơ hoặc như thuỷ tinh. Không mùi, vị nhạt. Loại hình khối đều đặn, nhẹ, nổi lên trên mặt nước, màu trắng xám là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, hàn. Vào 2 kinh phế, thận. Thanh phế hóa đờm, nhuyễn kiên tán kết, trị đái dắt, đái buốt. Dùng khi ho đàm nhiệt, đờm đặc quánh lâu ngày, trong đờm lẫn máu, tràng nhạc, nhọt giữa xương sống, đái buốt nước tiểu như có cát, đái rặn đau. Liều thường dùng 10-15 gam.
Phụ chú: Vùng Hoa Nam gọi vị thuốc này là Phù hải thạch, nhưng theo tài liệu thì Phù hải thạch phải là xương khô động vật tích đột thai trùng (Costazia aculeât Canuet Bassler), họ Bào khổng. Tính vị công dụng của vị thuốc này giống Phù hải thạch.

105. Thạch cao 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Thạch cao.
Nguồn gốc: Là quặng muối sulfat, thạch cao thuộc nhóm Ngạnh thạch cao, chủ yếu chứa calci sulfat ngậm nước.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Ứng Thành (Hồ Bắc), Phong Dương (An Huy), sản lượng lớn, chất lượng tốt. Ngoài ra, ở Hà Nam, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Tây Tạng, Cam Túc, Ninh Hạ, Sơn Tây, Quảng Đông, Quảng Tây cũng có sản xuất.
Thu nhặt chế biến: Quanh năm có thể đào lấy thạch cao từ quặng, loại bỏ hết đất cát, đá tạp.
Tính chất vị thuốc: Là khối dài hoặc khối phẳng, màu trắng hoặc trắng xám, có cái nửa trong suốt. Dễ đứt gãy theo chiều dọc, mặt bẻ có vân như sợi, óng ánh như tơ tằm. Thể nặng, chất mềm. Có thể dùng móng tay khía thành bột. Không mùi, vị nhạt. Loại khối màu trắng, nửa trong suốt là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, cay, đại hàn. Vào 2 kinh phế, vị. Dùng sống để thanh nhiệt giáng hoả, trừ phiến khỏi khát. Dùng cho người có bệnh nhiệt ngoại cảm, miệng khô khát bứt rứt, phế nhiệt ho suyễn, vị hoả quá mạnh, đau đầu, đau răng. Thạch cao nung có tác dụng thu thấp sinh cơ, chữa lở loét, cầm máu. Liều thạch cao sống thường dùng để uống 15-60 gam, sắc trước. Thạch cao nung dùng ngoài, nghiền bột rắc đắp chỗ đau.

106. Thạch giải 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Thạch giải (cua đá).
Tên La Tinh: Telphusa.
Nguồn gốc: Là hóa thạch cổ sinh của nhiều động vật thuộc chi Thạch giải, họ Cung giải, loại Tiết chi. Chủ yếu chứa calci carbonat.
Nơi sản xuất: Chủ yếu là vùng duyên hải Quảng Đông, Quảng Tây, Đài Loan> Nơi sản xuất chủ yếu của Quảng Đông là Dương Giang. Indonesia cũng có sản xuất>
Thu nhặt chế biến: Quanh năm có thể mò lấy, rửa sạch đất cát, phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Hình con cua, có con còn đủ chân móng rõ ràng, nhưng phần lớn là thân cua, hoặc một bên hiện rõ hình con cua, một bên nhẵn như màu đất. Màu từ nâu đất đến nâu sẫm. Còn vết mai cua rõ ràng, bị gặm thành 4 cạnh tù, góc cạnh tròn không có răng cưa hoặc hơi có răng cưa. Thể nặng, chất rắn như đá, đập vào nhau kêu thành tiếng, đập vỡ thì mặt vỡ hơi có dạng hạt, màu xanh xám. Không mùi, vị hơi mặn, hơi có cảm giác dính lưỡi. Loại có hình như con cua, chất cứng màu xanh là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, hàn. Vào 2 kinh can, đởm. Thanh can can sáng mắt. tiểu sưng giải độc. Dùng khi mắt đỏ kéo màng, tiểu tiện khó, xích bạch đới hạ, ung nhọt sưng độc. Liều thường dùng 5-15 gam. Mài nước uống hoặc cho vào hoàn, tán. Dùng ngoài lượng vừa đủ, thuỷ phi thành bột mịn nhỏ mắt hoặc trộn bôi vào chỗ đau.

107. Thạch yến 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Thạch yến.
Tên La Tinh: Cyrtiospirifer sinensis Grabau hoặc Cytiopsis davidsoni Grabau.
Nguồn gốc: Là hóa thạch của các con cung thạch yến Trung Hoa, đới duy tốn khung thạch yến hoặc động vật lân cận, thuộc họ Thạch yến tử, loại Uyển túc cổ đại, chủ yếu chứa calci carbonat, ngoài ra còn có lượng nhỏ phospho và dioxyd silic.
Nơi sản xuất: Chủ yếu tại Hồ Nam, ngoài ra ở Hồ Bắc, Vân Nam, Quảng Đông, Giang Tây, Chiết Giang, Giang Tô, Quảng Tây, Sơn Tây... đều có.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm. Sau khi thu được thì rửa sạch bùn đất, sấy khô.
Tính chất vị thuốc: Hình trạng tương tự con chim én, dài 2,5-3,5cm, ngang 3-4cm, dày 1-1,5cm màu xanh xám hoặc màu nâu thổ hoàng, hai mặt đều có dạng như lợp ngói ngang dọc có vân dạng phóng xạ, hai bên mở ra, mép hơi mỏng, giữa 2 mặt có lồi lên, chỗ giữa một mặt có rãnh dọc, tại một đầu chỗ nhỏ hơn dưới cong như hình mỏ quạ, một mặt khác có 1 dải rãnh ngang hướng sang 2 bên. Một phía rắn như đá khó vỡ, chỗ mặt cắt màu xanh xám xen giữa các vùng trắng có những phần tạp. Không mùi, vị nhạt. Dược liệu tốt thì hoàn chỉnh, hình én có vân sắc xanh xám, chất cứng, nặng.
Tính vị công dụng: Mặn, mát. Vào kinh thận, bàng quang. Hoạt nhiệt, lợi niệu, sáng mắt, dùng trong bệnh đái rỉ, tiểu tiện bất lợi, thấp nhiệt đới hạ, niệu huyết và bí đại tiện, trĩ lậu, mắt màng. Liều thường dùng 1,5-5g. Dùng ngoài 1 lượng thích hợp, nghiền nhỏ hoặc mài với nước để tra mắt.

108. Thần sa 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Thần sa.
Tên khác: Mã nha sa, Bình nhẫn sa, Linh sa.
Nguồn gốc: Là khoáng vật Thủy ngân và Lưu hoàng qua chế biến.
Nơi sản xuất: Chủ yếu là Quảng Đông, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam
Thu nhặt chế biến: Đều sản xuất trong nhà máy hóa chất.
Tính chất vị thuốc: Đây là các cục hoặc mảng to nhỏ không đều, 2 mặt đặc phẳng hoặc chỉ 1 mặt bằng phẳng còn mặt kia thô ráp, có các lỗ nhỏ, bề dày 1-4cm, màu đỏ có ánh pha lê. Nặng, chất ròn dễ vỡ dọc, chỗ vỡ có hình kim, thường gọi là Mã Nha Trụ. Không mùi, vị nhạt. Thứ tốt thì khối to, màu đỏ, mặt cắt dọc có kết tinh hình kim.
Tính vị công dụng: Ngọt, hơi hàn. Đi vào tâm kinh. Độc, thanh tâm trấn kinh, an thần giải độc. Dùng trong trường hợp tim rung dễ kinh sợ, mất ngủ như nhiều muỗi, điên giả phát cuồng, trẻ em kinh phong, nhìn vật mờ ảo, loét mồm, đau họng, đau loét sưng thũng. Uống 0,3-1,5g phần nhiều là hoàn tán.
Phụ chú: Thuốc này rất độc. Lượng thuốc uống phải hết sức khống chế nghiêm cách, không nên dùng lâu.

109. Thăng đan 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Thăng đan. Thenardite.
Tên khác: Thăng dược, hồng thăng đan, hoàng thăng đan, tam tiên đan.
Nguồn gốc: Là oxid thuỷ ngân sơ chế do dùng nguyên liệu thuỷ ngân, quặng kali nitrat, phèn chua luyện thành.
Nơi sản xuất: Đem thuỷ ngân, kali, phèn chua nghiền bột mịn, trải trong nồi sắt, đậy vung sứ, dùng xích thạch chi trét vung cho kín nồi đun. Chất thăng hoa thu được ở mép vung có màu đỏ gọi là hồng thăng đan, ở giữa vung màu vàng gọi là hoàng thăng đan, còn những cục ở đáy nồi gọi là đan để.
Tính chất vị thuốc: Hồng thăng đan là những cục hoặc bột màu đỏ da cam. Dạng cục thì dài, rộng đều 0,2-0,6 cm, dày 0,1-0,2 cm, một mặt nhẵn, mặt kia dạng tổ ong. Chất nặng, cứng giòn dễ vỡ vụn. Không có mùi. Loại màu đỏ, hình phiến óng ánh là tốt. Hoàng thăng đan có dạng giống như hồng thăng đan, nhưng màu vàng hoặc vàng da cam. Loại màu vàng, hình phiến, óng ánh là tốt. Đan để gồm những cục phẳng hình dạng không nhất định, to nhỏ không đều, dày 1 mm, màu trắng sữa hoặc vàng nhạt. Chất cứng giòn. Mùi hơi khó chịu. Loại cục màu vàng, trong là tốt.
Tính vị công dụng: Cay, chát, ôn. Độ độc mạnh. Làm thoát mủ, hút độc, loại bỏ thối rữa, sinh cơ. Dùng ngoài chữa ung nhọt độc vỡ rồi mà ít mủ, thịt rữa không rơi ra, thịt mới khó mọc, mủ đen tía đặc quánh khó thoát. Dùng ngoài lượng vừa đủ. Không được uống.
Phụ chú: Nên cùng với thạch cao nghền bột dùng ngoài. Không nên chỉ dùng riêng thăng đan. Nếu thịt rữa đã hết, đã sạch mủ thì không được dùng.

110. Thanh phàn 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Thanh phàn.
Tên khác: Tạo phàn, Lục phàn.
Nguồn gốc: Khoáng vật tinh thể đơn là muối sulphat ở mỏ đá lục phàn hoặc điều chế hóa học chủ yếu chứa Sulphat Sắt II.
Nơi sản xuất: Sơn Đông, An Huy, Chiết Giang, Tân Cương, Cam Túc.
Thu nhặt chế biến: Khai thác thiên nhiên suốt năm. Sau khi khai thác được thì khử tạp. Cũng có thể sản xuất nhân tạo.
Tính chất vị thuốc: Có hình lăng trụ hoặc hạt, hoặc bột. Thể lăng trụ thì dài 1,5-3cm, đường kính 0,5-0,8cm, màu xanh lục hoặc vàng lục, hơi trong suốt. Trong không khí khô thì mau rã ra, mặt ngoài thành ra một lớp bột trắng, trong không khí ẩm ướt thì có thể nhanh chóng ôxy hóa, bề mặt ngoài có màu vàng nâu của sulphat sắt kiềm. Cứng và ròn, chỗ gẫy có óng ánh pha lê. Hơi có mùi, vị chát mà hơi ngọt. Thuốc tốt thì to hạt, xanh lục, hơi trong suốt.
Tính vị công dụng: Chua, chát, mát. Vào các kinh phế, đại tràng, tháo thấp, hóa đàm, tiên tích, sát trùng, giải độc, co vết thương, bổ huyết cầm máu. Dùng khi bụng đầy, hoàng thũng, cam tích, bệnh giun móc, trường phong tiện huyết, xuất huyết tiêu hóa, ngứa do thấp sang, bỏng nước, bỏng lửa. Liều dùng 2-5g, thường dùng hoàn tán. Dùng bôi bột hoặc dung dịch rửa vết thương.
Phụ chú: Người nôn mửa mạnh, dạ dày yếu nên dùng cẩn thận..

111. Thu thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Thu thạch.
Tên khác: Hàm thu thạch, Đại diêm.
Nguồn gốc: Là khối tinh thể muối ăn đã qua gia công chế biến. Chủ yếu chứa natri chlorid.
Nơi sản xuất: Đồng Thành thuộc tỉnh An Huy là nơi sản xuất nổi tiếng. Ngoài ra, Giang Tô, Chiết Giang cũng có sản xuất.
Thu nhặt chế biến: Lấy muối ăn đun với nước trong, lọc bỏ cặn. Cô đặc khô thành bột sương, cho bột sương vào 2 bát sứ kích cỡ nhỉnh hơn nhau một chút, úp 2 bát lên nhau cho thật kín, đặt vào lò nung trong 2 giờ cho thật đỏ, phấn sương tan thành một khối, để nguội cứng là được.
Tính chất vị thuốc: Là khối tinh thể nửa hình cầu dạng cái bát, đáy tròn nhẵn, đường kính phía trên 5-6 cm, trắng tinh, hơi óng ánh, chất cứng nặng. Thời tiết khô thì bề mặt bị phong hóa thành bột sương, thời tiết ẩm lại tan đi. Không mùi, vị mặn. Loại nguyên vẹn dạng bát, trắng tinh không bị ẩm là tốt.
Tính vị công dụng: Măn, hàn. Vào 2 kinh phế, thận. Tư âm, thanh nhiệt, giáng hoá, sáp tinh. Dùng khi thân thể tâm thần suy nhược, nóng từ bên trong, sốt định giờ, ho, di tinh, đới hạ, miệng họng lở loét. Liều thường dùng 3-5 gam. Dùng ngoài lượng vừa đủ, nghiền mịn rắc, đắp chỗ đau.

112. Thuỷ ngân 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Thuỷ ngân.
Nguồn gốc: Là thuỷ ngân tự nhiên trong đá khoáng. Phần lớn là do luyện khoáng lấy thuỷ ngân. Chủ yếu là thuỷ ngân, nhưng thường có vi lượng bạc.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Tây.
Thu nhặt chế biến: Có thể khai thác quanh năm. Ít khi gặp thuỷ ngân khoáng thiên nhiên, mà thường lấy đá khoáng chứa chu sa, đập nhỏ, cho vào lò đặc biệt, đun cho thăng hoa lấy thuỷ ngân.
Tính chất vị thuốc: Ở nhiệt độ bình thường, thì thuỷ ngân là dạng dịch lỏng nặng không trong suốt, màu trắng bạc, óng ánh, rất dễ chảy, cũng dễ chia thành những cầu nhỏ, chỗ thuỷ ngân chảy qua không để lại vết bẩn, không dính tay, gặp nhiệt dễ bốc hơi. Loại màu trắng bạc, óng ánh, dễ chảy, chảy trên giấy không để lại vết là tốt.
Tính vị công dụng: Cay, hàn. Vào các kinh tâm, can, thận. Độc rất mạnh, không được dùng lưỡi nếm. Sát trùng chống độc. Dùng chữa bệnh nấm da, nhọt độc sưng đau. Không được uống, chỉ dùng ngoài. Không nên dùng với phê sương.

113. Từ thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Từ thạch.
Tên khác: Linh từ thạch.
Nguồn gốc: Là khoáng thạch Từ thiết khoáng thuộc họ khoáng vật tiên tinh thạch thuộc loại ôxy hóa.
Nơi sản xuất: Liêu Ninh, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Giang Tô, An Huy, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây.
Thu nhặt chế biến: Quanh năm đều khai thác được. Sau khi khai thác lên thì khử sạch đá tạp và bùn đất.
Tính chất vị thuốc: Là các khối cục không đều đặn phần nhiều có góc cạnh, mặt ngoài có màu sắt đen hoặc nâu, có bóng sáng kim loại có dính các bột nâu mạt sắt. Thể chất nặng, cứng rắn, mặt vỡ không đều đặn sắc bóng giống như mặt ngoài. Có từ tính. Có mùi tanh đất, vô vị. Thứ tốt thì có màu đen sắt, bóng sáng, có sức hút sắt mạnh.
Tính vị công dụng: Mặn, hàn. Vào kinh can, tâm, thận. Bình can tiềm dương, thính tai sáng mắt, trấn kinh an thần, nạp khí bình suyễn. Dùng khi đầu váng mắt hoa, nhìn vật mờ ảo, tai ù điếc, run sợ mất ngủ, thận hư khí suyễn. Liều thường dùng 10-30g.

114. Tử thạch anh 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Tử thạch anh.
Nguồn gốc: Đá huỳnh thạch họ Huỳnh thạch là khoáng vật chứa FeO, chủ yếu là Florid calci
Nơi sản xuất: Chiết Giang, Giang Tô, Quảng Đông, Liêu Ninh, Hắc Long Giang, Cam Túc, Hồ Bắc, Hồ Nam.
Thu nhặt chế biến: Quanh năm đều có thể khai thác. Sau khi lấy được thì loại bỏ đá tạp chọn lấy đá màu tía làm thuốc.
Tính chất vị thuốc: Là các khối đa giác không đều đặn, mặt ngoài thường có vết nứt, toàn thể đều màu tím, tím nhạt hoặc lục mờ. Màu bóng nông sâu không đều, sáng bóng như pha lê, gần như trong suốt. Thể chất cứng rắn mà ròn, dễ dập vỡ, hay bị vỡ theo các cạnh góc, mặt cắt cạnh góc nhiều. Không mùi, vị nhạt, không tan trong nước, tan được trong acid sulfuric đặc. Thứ tốt thì màu tím thuần nhất, trong suốt, không có đá tạp.
Tính vị công dụng: Cam, ôn. Vào các kinh tâm, phế, thận. Trấn an tâm thần, ấm tử cung, ấm can thận. Dùng trong các chứng lúc lao rung giật, tử cung hàm lạnh, khái nghịch khí suyễn. Liều thường dùng 10-15g.

115. Tự nhiên đồng 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Tự nhiên đồng.
Nguồn gốc: Là đá khoáng sulfur gọi là pyrit (Hoàng thiết khoáng).
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Vân Nam, Liêu Ninh, Hà Bắc, Hồ Nam, Quảng Đông.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm, đào lên chọn lấy những khối vuông, màu vàng sáng, loại bỏ đá tạp và đất cát.
Tính chất vị thuốc: Phần lớn là hình khối lập phương, to nhỏ không đều, thường mỗi cạnh 0,5-2,5 cm. Mặt nhẵn hoặc có vân nhỏ màu nâu hoặc màu đòng vàng nhạt. Chất nặng rắn, dễ đạp vỡ, mặt vỡ óng ánh kim loại đồng vàng nhạt. Không mùi, không vị. Loại khối vuông, màu vàng sáng, không có tạp chất là tốt.
Tính vị công dụng: Cay, bình. Vào kinh can. Tán ứ giảm đau, liền gân cốt. Dùng khi bị đánh, ngã sưng đau, gãy xương, ứ huyết. Liều thường dùng 3-10 gam.

116. Vân mẫu thạch 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Vân mẫu thạch.
Tên khác: Vân mẫu, Bạch vân mẫu.
Nguồn gốc: Là đá khoáng silicat bach vân mẫu dạng phiến, lấy từ đá nham hoa cương và đá nham vĩ tinh, chủ yếu chứa nhôm kali silicat ngậm nước.
Nơi sản xuất: Nội Mông Cổ, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hà Bắc, Sơn Đông, Vân Nam, Chiết Giang, Giang Tô, An Huy, Giang Tây.
Thu nhặt chế biến: Có thể đào lấy quanh năm. Loại bỏ hết đất cát và đá tạp.
Tính chất vị thuốc: Vân mẫu thạch là những phiến hình dạng không nhất đình gồm mấy lớp hoặc mấy chục lớp chồng lên nhau, to nhỏ lẫn lộn, trong suốt không màu, hoặc màu trắng, óng ánh như trân châu hoặc thuỷ tinh. Chất dẻo, có thể bóc tách từng lớp thành phiến mỏng trong suốt, nhẵn, đàn hồi. Hơi có mùi, không vị, loại phiến to, trong suốt, sạch sẽ, không màu, dễ bóc rời là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, bình. Vào các kinh phế, can, tỳ. Bổ thận, thu liễm cầm máu. Dùng khi mệt nhọc hư tổn, chóng mặt hồi hộp, động kinh, chứng hàn sốt rét lâu ngày, ung nhọt sưng đau, chảy máu do vết thương dao. Liều thường dùng 9-12 gam. Dùng ngoài nghiền bột đắp chỗ đau.

117. Vô danh dị 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Vô danh dị.
Nguồn gốc: Là oxid đá khoáng magiê mềm thuộc nhóm Kim hồng thạch, chủ yếu chứa magiê oxid.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Quảng Đông , Quảng Tây, Tứ Xuyên, Thanh Hải> Là khoáng vật thứ sinh, thường thấy ở trầm tích hầm mỏ.
Thu nhặt chế biến: Có thể đào quanh năm, loại hết đất cát và tạp chất, phơi khô.
Tính chất vị thuốc: Vô danh dị có dạng hình cầu tròn không đều, đường kính 0,6-1,8 cm, phần lớn là khoảng 1 cm, bề mặt lồi lõm không phẳng hoặc nổi cục, màu nâu vàng hoặc màu nâu, thường phủ bột mịn nâu vàng, xoa bột bụi đi thì hiện ra óng ánh, tay dễ bắt màu, chất cứng, khó đập vỡ, mặt be màu nâu cho đến nâu tía. Hơi có mùi đất, vị nhạt. Loại hạt đồng đều, màu nâu, óng ánh, không tạp chất là tốt.
Tính vị công dụng: Mặn, ngọt, bình. Vào 2 kinh can, thận. Hoạt huyết khư ứ, giảm đau sinh cơ. Dùng khi chấn thương do ngã hoặc bị đánh, dao đâm, ung nhọt sưng. Liều thường dùng 3-5 gam. Dùng ngoài lượng vừa đủ, nghiền bột trộn đắp chỗ đau.

118. Vũ dư lương 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Vũ dư lương.
Tên khác: Dư lương thạch, Vũ lương thạch.
Nguồn gốc: Là quặng hạt thiết khoáng (limonite) loại hydroxid, chủ yếu chứa sắt (III) oxid kiềm.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Hà Nam, Giang Tô. Ngoài ra, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Quảng Đông cũng có sản xuất.
Thu nhặt chế biến: Khai thác quanh năm. Đào lên, loại bỏ hết đất cát tạp chất.
Tính chất vị thuốc: Là tập hợp các khối tà phương (vuông nghiêng) hình dạng không nhất định, bề mặt màu nâu đỏ, nâu xám hoặc nâu nhạt, phần lớn lồi lõm không phẳng hoặc có phủ bột vàng. Mặt cắt có lớp vân nâu sẫm xen kẽ nâu nhạt, chỗ sẫm thì cứng, chỗ nhạt thì xốp mềm. Có mùi đất, vị nhạt, nhấm không thấy cảm giác hạt cát. Loại màu nâu vàng, nguyên vẹn không vụn, chất xốp, mặt cắt có lớp vân, không có đá vụn là tốt.
Tính vị công dụng: Ngọt, chát, hơi hàn. Vào 2 kinh vị, đại tràng. Sáp tràng chỉ tả, thu liễm cầm máu. Dùng khi tiêu chảy lâu ngày, lỵ lâu ngày, rong kinh, bạch đới. Liều thường dùng 10-15 gam. Dùng ngoài thì nghiền bột rắc hoặc trộn đắp lên chỗ đau.

119. Xích thạch chỉ 

Xếp loại: Khoáng vật và hóa thạch.
Tên vị thuốc: Xích thạch chỉ.
Nguồn gốc: Đây là đá cao lanh (Cao lĩnh thạch), là khoáng vật họ Cao lanh ngậm nhiều nước thuộc loại muối của acid silicic, chứa silicat nhôm ngậm nước.
Nơi sản xuất: Chủ yếu ở Sơn Tây, Thiểm Tây, Sơn Đông, Hà Nam, Giang Tô, Hồ Bắc, Phúc Kiến, Quảng Đông.
Thu nhặt chế biến: Có thể khai thác quanh năm. Sau khi đào lên thì chọn lấy các cục đất màu đỏ trơn mềm như mỡ, trừ khử tạp chất đất đá.
Tính chất vị thuốc: Đó là các cục không đều đặn, to nhỏ khác nhau sắc đỏ hoặc đỏ nâu hình thành các hoa văn dạng đá, sáng trơn hơi nhờn. Dễ vỡ, hút nước mạnh, dính lưỡi. Không mùi có vị bùn đất. Thứ tốt thì bóng sáng hơi nhờn màu đỏ dễ vỡ không có tạp chất, đất tạp.
Tính vị công dụng: Ngọt, sáp, ấm. Vào các kinh vị, đại tràng. Làm ẩm ruột, cầm tả, chỉ huyết co chỗ loét. Dùng khi đi tả lâu ngày, lị lâu ngày, đại tiện ra máu, băng huyết rong huyết, vết thương vỡ lâu ngày không co miệng. Lượng thường dùng 10-15g. Dùng ngoài tùy nghi.