Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Một số tài năng trong “got talent” của các nước

Xin giới thiệu một số tài năng xuất sắc trong chương trình “got talent” của các nước:
1. Tài năng Ucraina:
Kseniya Simonova, 24 tuổi, vẽ bằng cát trên mặt kính, mô tả một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc và thân phận con người, với chủ đề “Mãi mãi bên nhau”.
Kseniya Simonova - Mãi mãi bên nhau


Đây là buổi biếu diễn chung kết Superfinal Ukraine's got Talent với chủ đề “Не опоздайте!' (Đừng đến muộn):





2. Tài năng Trung Quốc 2011:
Pan Qin Qin (Phan Thanh Thanh), 24 tuổi, người thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, trình bày ca khúc “Xin trời cao cho vay thêm 500 năm” bằng một giọng nữ trầm, mạnh mẽ và có sức truyền cảm rất mãnh liệt.
Nội dung ca khúc: Đất nước và con người trải bao thăng trầm, sướng khổ, thiện ác, cũng chỉ vì mơ ước của ngày mai. Tôi muốn đứng nơi đầu sóng ngọn gió, bám chặt vòng quay trời đất trăng sao, mong cho khói lửa tan đi, chỉ còn yên bình hạnh phúc. Xin trời cao cho tôi được sống thêm 500 năm nữa. 
 

Đây là phần trình diễn trong “China’s got talent” 2011:
Pan Qin Qin - China got talent 2011 



3. Tài năng Trung Quốc:

Vũ điệu ‘Tay trong tay” do Ma Li (Mã Lệ) 33 tuổi và Zhai Xiao Wei (Trại Hiếu Vĩ) 25 tuổi trình bày, cả hai đến từ tỉnh Hà Nam,  Mã Lệ mất tay phải vì tai nạn giao thông năm 19 tuổi, Trại Hiếu Vĩ mất chân trái từ nhỏ, là vận động viên khuyết tật. Tiết mục này được khán giả bình chọn nhiều nhất và đoạt huy chương bạc trong cuộc thi nhảy múa của CCTV quy tụ hơn 7000 người thi, phần lớn là diễn viên chuyên nghiệp và lành lặn.


Đây là tiết mục biểu diễn của họ trong “China got talent”:


4. Tài năng Vương quốc Anh 2011:
Jai McDowall người chiến thắng “Britain’s got talent” chung kết, với giọng hát rất đẹp, mạnh mẽ và truyền cảm:




5. Tài năng Vương quốc Anh 2009:

Sue Son - chơi violon trong phần bán kết “Britain's got talent” năm 2009






6. Tài năng Hàn Quốc 2011:



Choi Sung Bong với giọng ca tuyệt vời:
Choi Sung Bong




 7. Tài năng Hàn Quốc 2011:

Cô gái mù 김민지 (Lee Min Ji) hát “You raise me up” trong vòng chung kết:


Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Tấm chân tình còn mãi



Tưởng nhớ bạn Bùi Viết Trác
Anh cùng học với tôi từ Trường Trưng Vương cấp 2, nhưng khác lớp. Tới lớp 7, chúng tôi mới học cùng. Anh chỉ hơn tôi 1 tuổi, nhưng đã rất chững chạc. Anh là một chỉ huy Liên chi Đội, còn tôi thì mới được vào đội năm lớp 6.
Bạn Trác (ngoài cùng bên phải hàng sau) cạnh các bạn Biên, Vân Đình, Tạ Dũng, Tuấn Khoa, Thu Hương... lớp 7A, 1961
Tới năm lớp 8, chúng tôi được chọn vào lớp 8 I công nghiệp, một loại lớp chọn thử nghiệm học kết hợp thực hành, thường xuyên phải vào nhà máy, học đúc, hàn, cuốn động cơ điện,… Chính từ đây, chúng tôi dần trưởng thành. Anh vào Đoàn, rồi trở thành một trong những cán bộ Đoàn trường kiểu mẫu. Chúng tôi nhìn anh với con mắt thán phục, lại có chút e dè.
Sáng thứ hai chào cờ. Thày Phước Tương hay đọc thơ Tố Hữu, rồi thày đọc những bức thư “từ tuyến đầu Tổ quốc”. Cả trường lặng đi trong xúc động. Cuối năm học cấp 3, anh về lớp hô hào các bạn viết quyết tâm thư 3 sẵn sàng. Từ cái quyết tâm thư ấy, một số chúng tôi vào bộ đội, đi thanh niên xung phong, lên công trường, đi khai hoang miền núi.
Rời mái trường Trưng Vương, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Bạn Đăng cùng bàn với anh lên đường nhập ngũ, vào chiến trường rồi hy sinh ngay năm 1966. Anh đi học Đại học, ngành cơ khí lâm nghiệp, tôi thì đi học nước ngoài.
Mãi năm 1969, tôi mới gặp lại anh. Anh về công tác tại Đại học Lâm nghiệp và gắn bó với nghề rừng từ đó.
Chúng tôi không thân nhau, có lẽ vì anh chín chắn còn tôi thì hay tếu táo, anh nghiêm nghị, tôi lại có vẻ thích chơi bời. Anh ăn nói nhẹ nhàng, không bao giờ to tiếng, khéo chiều phụ nữ, chắc vì anh là con trai cả trong gia đình toàn em gái, tôi lại là con một, chẳng biết chiều ai, không khéo dịu dàng như anh được.
Nghe nói anh mến một cô bạn học cùng lớp, tết hai bím tóc đen dài, da trắng và đôi mắt bồ câu đen láy, nhưng anh cũng chẳng nói ra. Mấy chục năm sau, có một lần chúng tôi hội lớp, tiện lên thăm nhà cô ấy ở Xuân Mai. Anh không biểu lộ chút xúc động nào với người bạn gái cũ, mà chỉ quan tâm thăm hỏi chuyện chồng con.
Năm 1970, tôi gặp anh vào dịp giáp tết, rủ nhau vào quán cà phê. Tôi kể anh nghe về công việc, bạn bè, và một cô bạn thân đang phục vụ trong quân đội. Vui chuyện, tôi mô tả luôn cô bạn, cả dáng người, khuôn mặt, tính tình và quê quán. Thế mà nửa năm sau gặp lại, anh bảo trên một chuyến tàu hỏa cuối năm, anh đã ngồi bên cạnh một cô bộ đội, đúng là bạn tôi. Không hiểu có thật vậy không hay là anh tưởng tượng ra, nhưng dẫu sao cũng làm cho tôi vui hơn vì đã được chia sẻ.
Rồi em gái anh học đại học, anh giới thiệu đến chỗ tôi nhờ giúp đỡ. Em anh rủ một cô bạn đi cùng, đâu biết rằng em anh lại trở thành bà mối cho vợ chồng tôi.
Gần 20 năm vất vả với công việc, gia đình, con cái, chúng tôi ít gặp lại nhau. Anh làm thực tập sinh ở Tiệp, rồi đi Đức. Về nước, anh trở thành chánh văn phòng một Tổng công ty lớn, rồi phụ trách một doanh nghiệp của ngành. Cho tới lúc về hưu, anh vẫn gắn bó với nghề rừng, vẫn tham gia vào các dự án hợp tác với nước ngoài.

Về lại trường Trưng Vương 3A, Đống Đa sau hơn 40 năm (2006)

Nghe tin tôi nghỉ hưu, anh đến thăm ngay, bàn nhau mua sắm thêm thiết bị nghe nhìn giải trí, đi du lịch,… Từ kinh nghiệm của mình, anh muốn kéo tôi vào những hoạt động hữu ích, để tránh sốc khi nghỉ hưu.
Vợ chồng Trác và Tuấn Khoa trong chuyến du lịch Thâm Quyến 2010
Mấy năm nay, lứa chúng tôi đều đã nghỉ việc, con cháu đều đã trưởng thành, mới có nhiều thời gian gặp nhau, tụ tập vui vẻ. Vợ chồng tôi cùng với vợ chồng anh vừa có được một chuyến du lịch nước ngoài về thì tôi mắc bệnh nặng vào cấp cứu bệnh viện. Vợ chồng anh vào ngay bệnh viện thăm tôi và động viên tinh thần cho vợ tôi. Tôi vừa được ra viện, vợ chồng anh lại vội đến nhà mách thuốc men, cách tập luyện và sinh hoạt để chóng khắc phục di chứng,
Chúng tôi biết hơn chục năm trước, anh bị chảy máu dạ dày, nhưng kiên trì điều trị nên súc khỏe anh rất tốt, vẫn nhanh nhẹn, dẻo dai như xưa. Nghe tin vợ tôi bị bệnh dạ dày, anh đem nghệ đến hòa với mật ong, tự tay trộn thật nhuyễn, nếm thử, rồi nhẹ nhàng động viên vợ tôi uống. Nhìn động tác anh trộn mật ong, nghe những lời anh “dỗ dành”  vợ tôi, tôi nghĩ thầm mình chẳng bao giờ làm được như anh.
Tôi chuyển nhà lên khu Trung Hòa Nhân Chính, anh cũng chẳng ngại xa, vẫn thường xuyên đến thăm. Rồi hội khóa, hội lớp, hội nhóm, hiếu hỷ… anh đều có mặt, tham gia tích cực, như những ngày xưa anh làm cán bộ đoàn. Đôi khi vui chén rượu, bàn chuyện đời, chuyện cũ, chúng tôi lại quay sang đùa trêu anh: “Nói thế có đúng lập trường không hả đồng chí phó bí thư đoàn trường?” Anh cười hồn nhiên và thường không trả lời. Năm mươi năm đã qua, chúng tôi đã đi hết “con đường mà chúng tôi đã chọn”, hoặc “con đường đã chọn chúng tôi”. Có những người thành đạt và không thành đạt, nổi tiếng và không nổi tiếng, nhưng lớp học sinh Trưng Vương ngày ấy đều là những người tử tế, không phản bội, không bỏ cuộc, không tha hóa. Biết bao hy sinh, mất mát, trăn trở, gian nan và cả cay đắng đã trải nghiệm qua, nhưng không ai ân hận, oán thán. Biết thế nào là đúng, là sai, chẳng ai trả lời được. Chỉ biết rằng chúng tôi đã lớn lên, đã bước vào cuộc đời này với một lý tưởng trong sáng và một trái tim chân thành.


Chúng tôi rất thích ngồi lại với nhau hát lại những bài hát cũ, cũng là để nhớ lại một thời trai trẻ đã quá xa. Anh vẫn giữ được giọng hát dịu dàng êm ái ngày xưa. Có một lần anh chọn bài hát “Chân tình”, không phải là ca khúc quen thuộc.
Rồi từ đó lần nào liên hoan, tụ tập vui vẻ, anh cũng chọn hát “Chân tình”.
Mới ngày nào, …
Thế mà giờ đây anh đã đi xa.
“Như chưa từng có những phút rời xa,
Dấu gương mặt trên vai anh khóc òa.
Những con đường anh đi rồi cũng đưa anh về bên em.
Như anh được sống giây phút đầu tiên,
Có em tận đến những giây cuối cùng.
Suốt cuộc đời anh không quên chân tình dành hết cho em.”
Tình yêu … nguyên vẹn sau những bão dông, vẫn còn tấm chân tình dành hết cho em, dành hết cho nhau …
Vâng, mãi vẫn còn đây tấm chân tình mà anh đã dành cho vợ con, gia đình, cho cuộc đời, cho bạn bè và cho chúng tôi.
Nguyễn Tuấn Khoa