Tưởng nhớ bạn Bùi Viết Trác
Anh cùng học với
tôi từ Trường Trưng Vương cấp 2, nhưng khác lớp. Tới lớp 7, chúng tôi mới học
cùng. Anh chỉ hơn tôi 1 tuổi, nhưng đã rất chững chạc. Anh là một chỉ huy Liên
chi Đội, còn tôi thì mới được vào đội năm lớp 6.
Tới năm lớp 8,
chúng tôi được chọn vào lớp 8 I công nghiệp, một loại lớp chọn thử nghiệm học
kết hợp thực hành, thường xuyên phải vào nhà máy, học đúc, hàn, cuốn động cơ
điện,… Chính từ đây, chúng tôi dần trưởng thành. Anh vào Đoàn, rồi trở thành
một trong những cán bộ Đoàn trường kiểu mẫu. Chúng tôi nhìn anh với con mắt thán
phục, lại có chút e dè.
Sáng thứ hai
chào cờ. Thày Phước Tương hay đọc thơ Tố Hữu, rồi thày đọc những bức thư “từ
tuyến đầu Tổ quốc”. Cả trường lặng đi trong xúc động. Cuối năm học cấp 3, anh
về lớp hô hào các bạn viết quyết tâm thư 3 sẵn sàng. Từ cái quyết tâm thư ấy,
một số chúng tôi vào bộ đội, đi thanh niên xung phong, lên công trường, đi khai
hoang miền núi.
Rời mái trường
Trưng Vương, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Bạn Đăng cùng bàn với anh lên đường
nhập ngũ, vào chiến trường rồi hy sinh ngay năm 1966. Anh đi học Đại học, ngành
cơ khí lâm nghiệp, tôi thì đi học nước ngoài.
Mãi năm 1969,
tôi mới gặp lại anh. Anh về công tác tại Đại học Lâm nghiệp và gắn bó với nghề
rừng từ đó.
Chúng tôi không
thân nhau, có lẽ vì anh chín chắn còn tôi thì hay tếu táo, anh nghiêm nghị, tôi
lại có vẻ thích chơi bời. Anh ăn nói nhẹ nhàng, không bao giờ to tiếng, khéo
chiều phụ nữ, chắc vì anh là con trai cả trong gia đình toàn em gái, tôi lại là
con một, chẳng biết chiều ai, không khéo dịu dàng như anh được.
Nghe nói anh mến
một cô bạn học cùng lớp, tết hai bím tóc đen dài, da trắng và đôi mắt bồ câu
đen láy, nhưng anh cũng chẳng nói ra. Mấy chục năm sau, có một lần chúng tôi
hội lớp, tiện lên thăm nhà cô ấy ở Xuân Mai. Anh không biểu lộ chút xúc động
nào với người bạn gái cũ, mà chỉ quan tâm thăm hỏi chuyện chồng con.
Năm 1970, tôi
gặp anh vào dịp giáp tết, rủ nhau vào quán cà phê. Tôi kể anh nghe về công
việc, bạn bè, và một cô bạn thân đang phục vụ trong quân đội. Vui chuyện, tôi
mô tả luôn cô bạn, cả dáng người, khuôn mặt, tính tình và quê quán. Thế mà nửa
năm sau gặp lại, anh bảo trên một chuyến tàu hỏa cuối năm, anh đã ngồi bên cạnh
một cô bộ đội, đúng là bạn tôi. Không hiểu có thật vậy không hay là anh tưởng
tượng ra, nhưng dẫu sao cũng làm cho tôi vui hơn vì đã được chia sẻ.
Rồi em gái anh
học đại học, anh giới thiệu đến chỗ tôi nhờ giúp đỡ. Em anh rủ một cô bạn đi
cùng, đâu biết rằng em anh lại trở thành bà mối cho vợ chồng tôi.
Gần 20 năm vất
vả với công việc, gia đình, con cái, chúng tôi ít gặp lại nhau. Anh làm thực
tập sinh ở Tiệp, rồi đi Đức. Về nước, anh trở thành chánh văn phòng một Tổng
công ty lớn, rồi phụ trách một doanh nghiệp của ngành. Cho tới lúc về hưu, anh
vẫn gắn bó với nghề rừng, vẫn tham gia vào các dự án hợp tác với nước ngoài.
Về lại trường Trưng Vương 3A, Đống Đa sau hơn 40 năm (2006) |
Nghe tin tôi
nghỉ hưu, anh đến thăm ngay, bàn nhau mua sắm thêm thiết bị nghe nhìn giải trí,
đi du lịch,… Từ kinh nghiệm của mình, anh muốn kéo tôi vào những hoạt động hữu
ích, để tránh sốc khi nghỉ hưu.
Vợ chồng Trác và Tuấn Khoa trong chuyến du lịch Thâm Quyến 2010 |
Mấy năm nay, lứa
chúng tôi đều đã nghỉ việc, con cháu đều đã trưởng thành, mới có nhiều thời
gian gặp nhau, tụ tập vui vẻ. Vợ chồng tôi cùng với vợ chồng anh vừa có được
một chuyến du lịch nước ngoài về thì tôi mắc bệnh nặng vào cấp cứu bệnh viện.
Vợ chồng anh vào ngay bệnh viện thăm tôi và động viên tinh thần cho vợ tôi. Tôi
vừa được ra viện, vợ chồng anh lại vội đến nhà mách thuốc men, cách tập luyện
và sinh hoạt để chóng khắc phục di chứng,
Chúng tôi biết
hơn chục năm trước, anh bị chảy máu dạ dày, nhưng kiên trì điều trị nên súc
khỏe anh rất tốt, vẫn nhanh nhẹn, dẻo dai như xưa. Nghe tin vợ tôi bị bệnh dạ
dày, anh đem nghệ đến hòa với mật ong, tự tay trộn thật nhuyễn, nếm thử, rồi
nhẹ nhàng động viên vợ tôi uống. Nhìn động tác anh trộn mật ong, nghe những lời
anh “dỗ dành” vợ tôi, tôi nghĩ thầm mình
chẳng bao giờ làm được như anh.
Tôi chuyển nhà
lên khu Trung Hòa Nhân Chính, anh cũng chẳng ngại xa, vẫn thường xuyên đến
thăm. Rồi hội khóa, hội lớp, hội nhóm, hiếu hỷ… anh đều có mặt, tham gia tích
cực, như những ngày xưa anh làm cán bộ đoàn. Đôi khi vui chén rượu, bàn chuyện
đời, chuyện cũ, chúng tôi lại quay sang đùa trêu anh: “Nói thế có đúng lập
trường không hả đồng chí phó bí thư đoàn trường?” Anh cười hồn nhiên và thường
không trả lời. Năm mươi năm đã qua, chúng tôi đã đi hết “con đường mà chúng tôi
đã chọn”, hoặc “con đường đã chọn chúng tôi”. Có những người thành đạt và không
thành đạt, nổi tiếng và không nổi tiếng, nhưng lớp học sinh Trưng Vương ngày ấy
đều là những người tử tế, không phản bội, không bỏ cuộc, không tha hóa. Biết
bao hy sinh, mất mát, trăn trở, gian nan và cả cay đắng đã trải nghiệm qua,
nhưng không ai ân hận, oán thán. Biết thế nào là đúng, là sai, chẳng ai trả lời
được. Chỉ biết rằng chúng tôi đã lớn lên, đã bước vào cuộc đời này với một lý
tưởng trong sáng và một trái tim chân thành.
Chúng tôi rất
thích ngồi lại với nhau hát lại những bài hát cũ, cũng là để nhớ lại một thời
trai trẻ đã quá xa. Anh vẫn giữ được giọng hát dịu dàng êm ái ngày xưa. Có một
lần anh chọn bài hát “Chân tình”, không phải là ca khúc quen thuộc.
Rồi từ đó lần
nào liên hoan, tụ tập vui vẻ, anh cũng chọn hát “Chân tình”.
Mới ngày nào, …
Thế mà giờ đây
anh đã đi xa.
“Như chưa từng có những phút rời
xa,
Dấu gương mặt trên vai anh khóc òa.
Những con đường anh đi rồi cũng đưa
anh về bên em.
Như anh được sống giây phút đầu
tiên,
Có em tận đến những giây cuối cùng.
Suốt cuộc đời anh không quên chân
tình dành hết cho em.”
Tình yêu …
nguyên vẹn sau những bão dông, vẫn còn tấm chân tình dành hết cho em, dành hết
cho nhau …
Vâng, mãi vẫn
còn đây tấm chân tình mà anh đã dành cho vợ con, gia đình, cho cuộc đời, cho
bạn bè và cho chúng tôi.
Nguyễn Tuấn Khoa
Thán phục bậc đàn anh Đăng Khoa.
Trả lờiXóaPhan mạnh Chính.