Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Hà Nội của tôi

HÀ NỘI CỦA TÔI
Tản văn - Nguyễn Tuấn Khoa
Nghe đọc toàn bài:

Tôi sinh ra ở Hà Nội, vào một ngày đầu đông năm1946, năm Quốc hội chính thức chọn Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam mới. Toàn quốc kháng chiến, mẹ tôi bế tôi cùng cả nhà tản cư về Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, rồi Thanh Hóa. Tôi lớn lên với củ khoai củ sắn, với quà quê là cái kẹo bột, chiếc bánh đa vừng. Trong trí óc non nớt của tôi, Hà Nội là hình bóng mẹ tôi, người con gái phố Hàng Đồng răng trắng, tóc dài đen mượt, là mùi cà phê ông tôi thường pha buổi sáng, là chiếc đèn kéo quân ông làm vào dịp tết trung thu.
Năm 1950, bố tôi hy sinh trên chiến trường biên giới, bộ đội cho người về đón gia đình tôi lên Định Hóa, rồi về Đại Từ, Thái Nguyên. Tôi được ở cùng các chú các bác Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… Tôi được đi học, được xem văn công, và được biết Hà Nội là “năm cửa ô như năm đài hoa”, “trùng trùng quân đi như sóng”, là “Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây”, là “nước Hồ Gươm xanh thắm lồng bóng tháp rùa”, “những cửa đầu ô tíu tít gánh gồng”, để “bồi hồi chàng trai những đôi mắt nào”…

Hà Nội giải phóng, gia đình tôi trở lại quê nhà. Trên chuyến xe chở khách từ Thái Nguyên về Hà Nội, đến Đông Anh thì trời tối. Phía trước là một quầng sáng, mẹ tôi bảo sắp đến rồi. Hà Nội của tôi là ánh đèn neon, là những con đường trải nhựa láng mịn, là một nơi đẹp như xứ sở thần tiên trong mơ. Những ngày tháng mười năm ấy, không thể nói trời không xanh hơn, mắt em xanh khác ngày thường trong nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường, vì cái đêm rút qua gầm cầu, các anh đã hẹn ngày mai trở lại, vì sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi, hát một niềm tin ca khúc khải hoàn.

Hà Nội đã là của tôi từ đấy. Mười năm thanh bình trong tuổi thơ tôi ở đấy. Lớp bạn bè tôi hồn nhiên lớn lên ở đấy.
Hà Nội mọc lên nhiều công trình, chúng tôi cũng góp sức để xây nên Công viên Thống Nhất, đường Thanh niên, và được sống trong một đoạn đời hồn nhiên, được đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa với bao mái nhà đèn hoa sáng ngời, được ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu, được mơ thấy tương lai chỉ một màu hồng rực rỡ.

Hà Nội mùa xuân xanh trên lá hàng cây cơm nguội, những bước chân đi vội, dãy phố xanh xanh, leng keng xe điện băng mình cắt ngang những dải nắng lung linh, nắng nhẹ vương trên lá.

Hà Nội những chiều hè oi ả, bọn trẻ chúng tôi vùng vẫy, như ôm cả dòng nước sông Hồng, nghe trong tiếng nước bập bùng có tiếng còi tàu giục giã cho những chuyến đi xa.
Hà Nội mùa thu, lá vàng rơi trên phố cũ, “cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ”.
Hà Nội mùa đông với tiếng chuông chiều, với noel đến với áo màu Hà Nội, gió heo may về, chim én cũng về theo.

Hà Nội của tôi những đêm trở gió, nhớ về mùa thu tháng mười, áo học trò xanh những hàng me. Hà Nội của tôi là mùa vắng những cơn mưa, cái rét đầu đông, khăn em bay hiu hiu gió lạnh, hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp. Hà Nội của tôi, mưa về trên phố, nhớ chiều Hồ Tây ai đợi chờ ai buông dài tóc mềm.

Hà Nội là mối tình học trò thơ dại của tôi, ngượng ngùng tay nắm bàn tay, bồi hồi với “những đôi mắt nào”, bối rối nói lời vô nghĩa, rồi chếnh choáng ngẩn ngơ mỗi độ hè về, để rồi mấy chục năm sau vẫn nhớ về những bạn bè xưa, những con đường nhỏ, hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào, có lẽ nào Hà Nội ấy quên tôi.

Học hết phổ thông, cũng là lúc chiến tranh nổ ra trên miền Bắc, lứa chúng tôi mỗi người mỗi ngả, đứa lên miền núi, đứa đi công trường, thanh niên xung phong, đứa vào bộ đội, đi chiến trường, đứa vào giảng đường đại học. Trong ba lô hành trang, ai cũng có một cuốn sổ tay, ghi những dòng lưu niệm của bạn bè, chép những bài thơ, bài hát và vài dòng nhật ký. “Đời ta chỉ sống có một lần”, mỗi thanh niên Hà Nội thời ấy đều có thể là một Nguyễn Văn Thạc, một Đặng Thùy Trâm.

Thỉnh thoảng có ai về Hà Nội, lại tìm đến nhà nhau gửi lại lời nhắn. Vài ba bạn cũ may mắn gặp nhau, kéo nhau vào quán mậu dịch ăn bát mì “không người lái” hay uống cốc cà phê đường đỏ, báo tin bạn bè, chia nhau tâm sự. Lứa chúng tôi học hành cẩn thận, đã đi là đến, không có mấy ai đào ngũ, bỏ cuộc. Nhưng chúng tôi cũng ngại gian khổ, không quen kỷ luật gò bó, không thích leo trèo chốn quan trường, nên cũng chẳng mấy ai thành người nổi tiếng. Dẫu sao đất Hà Nội vẫn linh thiêng, người Hà Nội vẫn hào hoa, chúng tôi vẫn sống, vẫn tin và hy vọng, để đón những chiều ba mươi tết, chen giữa đào hoa tươi thắm với những bước chân chờ đón tất niên vào giờ phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người, để mà phấn đấu, để mà hy vọng sẽ có ngày Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Hết chiến tranh, mỗi đứa một phương. Hà Nội của chúng tôi thành nơi gặp gỡ của kỷ niệm, với thày cô, với bạn bè, nơi đốt nén hương tưởng nhớ những người bạn cũ đã ra đi mãi mãi. Và rồi chúng tôi lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, bươn chải để sống, để tồn tại trên mảnh đất quê nhà. Cũng có dăm bảy đứa xa quê, sống nơi đất khách quê người, nhưng lâu lâu vẫn phải tìm về thăm Hà Nội. Vội vã trở về, vội vã ra đi, chỉ kịp tìm lại chút bóng đêm trên đường phố quen, một chiều sương giăng lối cũ, để bồi hồi khi chạm bóng cửa ô như ngày xưa mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ. 

Thời gian ngày càng qua nhanh, ngoảnh lại đã gần 70 năm. Thăng Long Đông Đô Hà Nội đã hơn nghìn năm tuổi. Hà Nội giờ đã khác xưa, rộng hơn, đông hơn, to đẹp hơn, hiện đại hơn. Nhưng Hà Nội của tôi hôm nay cũng ngổn ngang cần cẩu như Băng Cốc 20 năm trước, đền chùa tân trang sơn phết xanh đỏ na ná như Bắc Kinh Thượng Hải, những khu nhà cao tầng ngày một cao hơn, tựa như một khu mới nào đó ở Pari hay Tokyo, những biệt thự giống Tây nhưng chẳng được bằng Tây. Hồ ngày càng bé, cây xanh ngày càng ít, ngày ngày kẹt xe, mùa mưa là lụt. Hà Nội có cả Hà Đông, Sơn Tây, Mê Linh, Sóc Sơn và có cả quê nhà của hàng triệu người Hà Nội mới.
Người Hà Nội giờ đây đã có cả những “cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”, tiếng Hà Nội cũng đã pha tạp đi nhiều, người người hối hả trong cuộc mưu sinh, khó kiếm tìm được những nét thanh lịch. Thôi thì đành trôi theo dòng sông ấy, “chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn”, “mùi hoàng lan” hay “hương ngọc lan” trong nỗi nhớ êm đềm.

Một sớm mùa thu năm 60, đi học qua hồ Thiền Quang, rẽ vào xóm Hạ Hồi, con phố nhỏ ngoằn ngoèo với những “mái ngói xô nghiêng”, vài ba biệt thự hai tầng có giàn hoa ti gôn trên ban công. Bầy chim sẻ nhảy nhót kiếm ăn ngay giữa đường, trong sắc nắng thu vàng. Tôi mơ đến một ngày Hà Nội sẽ có những đại lộ thẳng tắp, nhà cao tầng chọc trời, tàu xe tấp nập, như trong phim Liên Xô, Trung Quốc…
Đêm mùa đông năm 1972, giữa hai đợt bom B52, tôi chợp mắt ngay trong phòng trực ở cơ quan. Trong tiếng còi báo động, tiếng bom rền, tiếng tên lửa gầm rít, tiếng pháo phòng không nện thình thình, tôi chập chờn mơ thấy một Hà Nội bình yên, chỉ có tiếng bày chim ríu rít trong những sớm thu vàng ngày cũ.


Giờ đây, tôi đã chuyển đến ở khu chung cư cao tầng. Từ cửa sổ căn phòng, tôi thấy cả Tam Đảo, Ba Vì, sông Hồng, Hồ Tây, hàng trăm khu nhà cao tầng đã và đang mọc lên khắp bốn phía. Và đâu đó ở phía xa kia, có căn nhà cũ của tôi, nay đã thành đường to nhà lớn, như trong mơ ngày xưa của tôi. Đêm về, Hà Nội lung linh sắc màu. Những dòng ánh sáng xe cộ liên tục chảy. Thế mà tôi vẫn mơ thấy tiếng rao đêm, gánh phở bốc hơi nóng nghi ngút giữa cơn mưa phùn mùa đông, một bông hoa ngọc lan trên bàn tay người bạn gái. Chắc chẳng còn Hà Nội của tôi như thế nữa, nhưng dù cái Hà Nội ấy có ra đi, thì tôi vẫn còn một Hà Nội “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

1 nhận xét:

  1. Tràn ngập cảm xúc theo từng tâm trạng, từng bức ảnh, từng nhạc điệu các bài hát đan xen qua từng năm tháng. Chỉ có thể là người con của Hà Nội mới có được những tình cảm chân thành đến vậy. Thấy thêm yêu Hà Nội rất nhiều anh ạ. Cảm ơn anh.

    Trả lờiXóa