Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Gặp mặt các bạn 7A (1960-1961) Trưng Vương

Bạn Bình Sơn từ miền Nam ra Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt các bạn học Lớp 7A (1960-1961) Trường Trưng Vương. Nhiều bạn gặp lại nhau sau 55 năm.

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Cuộc hạnh ngộ tuyệt vời

Ngày 23 tháng 8 năm 2016, tại Hà Nội, đã có cuộc hội ngộ:
Một khán giả hâm mộ tiếng hát Khánh Ly. Ông chính là con trai của thi sĩ Thâm Tâm - tác giả "Tống biệt hành".
Và chính ca sĩ Khánh Ly là người duy nhất thể hiện ca khúc đặc biệt này!
Một cuộc Hạnh ngộ tuyệt vời!










Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Ngày trở về của Thâm Tâm


Nhân kỷ niệm ngày mất của Nhà thơ Liệt sĩ Thâm Tâm (18-8-1950-18-8-2016) 

Nhà tôi ở Hà Nội. Đầu tháng 12 năm 1946, bố tôi lên đường vào bộ đội. Ông bà tôi có 3 người con trai, cả bố tôi và hai chú tôi đều nhập ngũ, trước ngày toàn quốc kháng chiến. Chiến tranh gần lắm rồi. Lúc ra đi, bố tôi dặn mẹ tôi đưa ông bà tạm tản cư về quê nội Hải Dương, bế theo tôi mới sinh được khoảng một tuần. Từ đó thỉnh thoảng có người nhắn về báo tin bố tôi đã ở trên chiến khu Việt Bắc, một chú vào Thanh Hóa, một chú ở Thượng Lào.
Nhà tôi ở tạm trong một làng nhỏ bên đường 5. Năm 1948, một buổi chiều mưa vào cuối mùa thu, chợt bố tôi tìm về thăm nhà. Tôi mới lên 2, chẳng thể nhớ mặt bố. Nhưng chắc chắn ông đã biết mặt con trai mình. Chuyến bố tôi về thăm nhà duy nhất ấy để lại cho đời một bài thơ: “Chiều mưa đường số năm”
Chiều mưa đồng rạ trắng
Đất tề sông quạnh vắng
Ngồi kín dưới nhà gianh
Nghe lúa lùa ắng lặng
Chiều mưa đường số 5
Đôi mắt sao đăm đăm
Chứa cả trời mây nặng
Miền Việt Bắc xa xăm?
Chuyến trở về này còn để lại cho gia đình tôi 2 bức ảnh bố tôi đã chụp cho ông nội và tôi trong chiều mưa ấy:



Thế rồi biền biệt mấy năm trời gia đình tôi đã chạy từ Hải Dương xuống Nam Định, Ninh Bình rồi vào Thanh Hóa. Nhà tôi ở Đền Hàn, ngã ba Bông, một vùng tự do Pháp không vào được. Tôi đã lên 4 tuổi, tha thẩn chơi với bọn trẻ hàng xóm, đôi lúc chúng hỏi bố mày đâu mà chẳng thấy về. Tôi bảo: Bố tao đi bộ đội, bao giờ hết giặc thì bố tao về. Đấy là nhớ lời mẹ dặn, chứ tôi nào có biết gì. Chiến tranh đối với đứa trẻ như tôi chỉ là tiếng tàu bay Pháp ầm ầm bay ngang đầu, đôi lần ông nội dẫn tôi xuống tăng-xê, mùi đất ẩm ướt và rễ cỏ đuôi gà hăng hắc trong hầm trú ẩn.
Lâu lắm chẳng có tin tức gì của bố và các chú tôi. Kháng chiến gian khổ đã kéo dài, mẹ tôi bị sốt thương hàn mê man cả tháng, tóc rụng hết.
Lại một chiều mưa cuối mùa đông năm 1950, có 2 chú bộ đội hỏi thăm đường tìm đến nhà tôi. Ông bà tôi ngồi nói chuyện rất lâu với các chú. Các chú thăm mẹ con tôi. Một chú bế tôi lên dặn tôi ngoan, hay ăn chóng lớn. Chú kia quay mặt nhìn đi chỗ khác, hình như chú ấy khóc.
Hai chú đi rồi, ông bà tôi cũng khóc. Mẹ tôi vẫn sốt mê man chả biết gì.
Đơn vị gửi về cho gia đình tôi một chiếc ba lô của bố tôi, tấm giấy báo tử báo tin bố tôi đã hy sinh ngày 18 tháng 8 năm 1950, được an táng tại một bản nhỏ ở chân đèo Mã Phục, Cao Bằng, một bức thư của đại diện đơn vị chia buồn với ông bà và mẹ tôi, hai bộ quần áo cũ, một con dao nhíp đa năng của Pháp và 6 bức ảnh đám tang bố tôi.

Đưa quan tài từ trên nhà sàn, có 9 ống bương trên chái nhà
Đồng đội đưa tiễn

Hạ huyệt

Mặc niệm

Đồng đội và nhân dân địa phương chào vĩnh biệt

Nhà sàn gần 60 năm trước vẫn còn 9 ống bương cũ, ảnh chụp năm 2008, với người cháu của chủ nhà
Đấy là tất cả gia tài người lính để lại cho vợ con, đấy là lần trở về nhà cuối cùng của bố tôi.
Nhưng trời thương tôi, còn cho tôi một người mẹ. Sau trận ốm thập tử nhất sinh ấy, mẹ tôi không chết. Gia đình tôi theo hướng dẫn của đơn vị bố tôi, lên Thái Nguyên, ở an toàn khu cho đến ngày hòa bình lập lại mới trở về Hà Nội. Mẹ đã nuôi tôi khôn lớn thành người, đã giữ lại được con dao và 6 bức ành.
Mấy chục năm chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, gia đình tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc đi tìm thăm mộ bố tôi. Mãi tới ngày đất nước thống nhất, nhà nước có chủ trương tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ về các nghĩa trang. Năm 1978, một chú em tôi là sĩ quan trong một đơn vị lên biên giới phía Bắc có dịp qua Cao Bằng đã tìm kiếm thông tin về mộ bố tôi. Chú nhắn tin về cho tôi biết rằng tất cả các mộ liệt sĩ đều đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện, có đánh số hồ sơ chi tiết và có thể sẽ tra cứu để xác định được. Mẹ tôi bảo thế là yên tâm phần nào, bố tôi đã nằm trong nghĩa trang rồi, sau này sẽ có dịp lên thăm viếng.
Chẳng ai ngờ chiến tranh biên giới năm 1979 nổ ra, Tàu đánh Việt Nam, chiếm Cao Bằng. Quân Trung Quốc không động đến mồ mả nghĩa trang, nhưng đã tìm đốt phá sạch hồ sơ giấy tờ hành chính của các cơ quan Việt Nam, hồ sơ về mộ liệt sĩ cũng không còn.
Làm sao tìm được bố tôi? Ông nằm ở đâu trên đất Quảng Uyên Cao Bằng, để cho mẹ con tôi còn được lên tìm và thắp một nén nhang?
Mãi tới những năm 1995-96, những đồng đội cũ của bố tôi như bác Trúc Kỳ, chú Vũ Cao, nhà văn Thanh Châu, … và Hội nhà văn Cao Bằng, nhà văn Hoàng Quảng Uyên mới liên hệ với gia đình tôi để tìm kiếm mộ Thâm Tâm. Bao nhiêu câu chuyện ký ức xưa được nhắc nhớ, bao nhiêu chuyến đi vất vả suốt dọc các bản làng heo hút bên này và bên kia đèo Mã Phục, huyện Quảng Uyên, vẫn chưa thấy manh mối nào. Nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã phải than rằng: “Nhà thơ ơi, giờ này Ông ở đâu?” Dù chưa tìm ra mộ ông, nhưng tình cảm của bạn bè đồng đội, của bà con các địa phương và của những lớp con cháu ngày nay đã được gói gọn trong một câu “thì người Cao Bằng vẫn nhớ”. Có lẽ nào ông không về nữa? Để cho gia đình tôi, cho đồng đội, bạn bè ông phải mãi day dứt:

Hơn bốn mươi năm chưa tìm ra phần mộ
Hài cốt nhà thơ lạc ở nơi nào
Tôi hỏi núi, núi thắt vòng tang trắng
Tôi hỏi gió, gió rối bời lau xám.
Hơn bốn mươi năm, cây mục đá mềm
Xương thịt con người lẫn vào cỏ dại
Tôi mong tìm một vuông đất có tên riêng.

Một vuông đất tôi mong tìm chưa gặp
Nén hương trầm biết cắm vào đâu
Và hoa nữa, bó hoa rừng ngan ngát
Trên tay tôi, hoa khóc hoa sầu
Thôi thì thắp hương nơi đầu gió
Thôi thì đặt hoa bên tảng đá …

Thơ Nguyễn Đức Mậu

Hôm nay
Cả nước đi tìm anh
Thi sĩ tài hoa
"Một đi không trở lại".

Ai như áo bông trần quả chám
Mũ nan lưới dù
Tái tê cơn sốt
Ai như mũ nồi cười
Áo nâu sồng túi dết
Thơ như súng đi lùng giặc Pháp
Đêm đêm qua cửa nhà tôi.

Đi lâu thế nhà thơ, trời sắp đổ cơn mưa
Hơn một ngàn tuần nhang tôi thắp
Trọn một đời đội xanh đi tìm anh
Sao đi lâu thế nhà thơ ơi...
Thơ Y Phương
Cuộc tìm kiếm mộ Thâm Tâm tưởng chừng không còn hy vọng. Báo Cao Bằng đăng một bài viết về việc này, kèm với mấy tấm ảnh đám tang của bố tôi, may còn có ai đọc được hoặc có thêm manh mối nào nữa. Bố tôi đã để lại cho mẹ con tôi những tấm ảnh, thật linh thiêng như một dấu hiệu để người trở về.
Một người lính trẻ, quê xã Phi Hải, Quảng Uyên, Cao Bằng, đóng quân tận Phú Thọ. Anh nhận được chút quà từ gia đình, gói trong số báo Cao Bằng ấy, đã đọc bài báo và xem ảnh. Anh chợt nhận ra cái chái nhà sàn ghép bằng 9 ống bương nơi đưa quan tài bố tôi xuống cầu thang thật giống với một nhà sàn trong bản Pò Noa quê anh. Thế là anh gọi điện ngay về nhà. Người cháu của chủ nhà xem lại tờ báo, so sánh với nhà mình và quyết định thông báo cho chương trình nhắn tìm đồng đội của Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Cao Bằng. Gần 50 năm đã qua, vật đổi sao dời, mà sao cái chái nhà ghép bằng 9 ống bương ấy vẫn còn. Quả là điều kỳ diệu.
Đây chính là nơi bố tôi đã nằm lại khi ra đi, đã được ông chủ nhà làm nghề thợ mộc tháo ván cửa đóng quan tài cho bố tôi ngay trong đêm, để sáng hôm sau đưa bố tôi ra sườn núi rìa bản mai táng.
Đúng 50 năm sau ngày bố tôi hy sinh, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đoàn làm phim tài liệu Nhớ Thâm Tâm, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Biên giới. Vợ chồng tôi và Bác Trúc Kỳ, nhân chứng duy nhất trong tang lễ của bố tôi, được cùng đi với đoàn làm phim lên Cao Bằng. Sáng 18 tháng 8, trên đường về bản Pò Noa, xã Phi Hải, trời mưa tầm tã. Các cảnh quay trên đường và trong bản đều thực hiện trong mưa. Rồi cũng tới lúc chúng tôi ra mộ ông. Mưa như trút, máy quay phim bọc trong vải mưa, liệu thắp hương cho ông bằng cách nào đây. Một đoàn người đi trên con đường nhỏ qua nương, qua con suối nhỏ, leo lên những tảng đá lớn và tới một sườn núi. Một bãi cỏ rộng thoai thoải dốc xuống thung lũng, phía xa hai bên là hai ngọn núi lớn. Đúng lúc tới nơi thì mưa tạnh. Rồi nắng lên.
Cả một vùng núi non Cao Bằng ngập tràn ánh nắng vàng. Không khí trong lành sau cơn mưa, thoảng mùi hoa rừng và mùi hương trầm cắm trên mộ cũ của bố tôi.
Người đi, ừ nhỉ người đi thực…
50 năm người đã không về.
Không, bố tôi đã về thăm nhà trong một “Chiều mưa đường số 5”, trong chiếc ba lô bộ đội với những bức ảnh mách bảo kỳ diệu để cho chúng tôi tới được bên ông.
Vợ chồng tôi xin được mang về một nắm đất Cao Bằng nơi bố tôi nằm xuống. Trời đất lúc này rực sáng lên. Hình như bố đã nhận ra vợ chồng tôi và ông đã mỉm cười. Và lần này ông đã thực sự trở về với mẹ tôi, với vợ chồng tôi và các cháu chắt của ông, khi chúng tôi nâng nắm đất gói bằng tấm vải màu cờ đỏ, màu đỏ ấy cháy lên như lửa trong nắng thu vàng. Ngày về của bố tôi giản dị thế thôi.



Phút mặc niệm tại nơi nhà thơ Thâm Tâm yên nghỉ, trong ảnh có đạo diễn phim Trần Minh Đại, biên kịch Phan Thanh Tú, nhà thơ Vương Hùng, nhà văn Hoàng Quảng Uyên, nhà phê bình văn học Văn Giá, và vợ chồng tôi.


Những nấm mộ liệt sĩ chưa biết tên, trong số 151 ngôi mộ này có mộ Nhà thơ Liệt sĩ Thâm Tâm. Bố tôi nằm trong Nghĩa trang Liệt sĩ Huyện Quảng Uyên, dưới tấm bia “Liệt sĩ chưa biết tên” cùng với 150 đồng đội chưa biết tên hy sinh trong cả 3 cuộc chiến tranh, mà cũng sống mãi tuổi 20-30 như bố tôi vậy.
                                                                                                             Nguyễn Tuấn Khoa

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Một số ca khúc Nhật Bản do Nguyễn Tuấn Khoa đặt lời Việt:

1. Ca khúc Nhật Bản "Trên phố mùa đông" (冬の街から)
Lời Việt: Nguyễn Tuấn Khoa

Trình bày: Nguyễn Tuấn Khoa, trên nền bản ghi nhạc của Đặng Lệ Quân.            

2. Ca khúc Nhật Bản “Chuyến phà đêm chia tay” (夜のフェリーボート)

Ca khúc Chuyến phà đêm chia tay do Teresa Teng (Đặng Lệ Quân trình bày), rất nổi tiếng trong những năm giữa thế kỷ trước. Ca khúc này được Nguyễn Tuấn Khoa dịch lời Việt và trình bày, trên nền nhạc bản thu âm của Teresa Teng.

3. Ca khúc Nhật Bản “Lữ khách mùa đông” (冬の旅)
Ca khúc Nhật Bản từ những năm 70-80 của thế kỷ trước "Lữ khách mùa đông" (冬の旅), đến nay vẫn còn rất phổ biến ở Nhật. Ca khúc này do Nguyễn Tuấn Khoa đặt lời Việt và trình bày:

4. Ca khúc Nhật Bản "Đừng để em một mình" (ひとり上手)
Nguyễn Tuấn Khoa đặt lời Việt và trình bày.

5. Ca khúc Nhật Bản "Chiều mưa phố cũ" (雨の小京都)
Lời Việt: Nguyễn Tuấn Khoa, Trình bày: Tạ Mộng Dương, Nhóm nhạc Khúc ca xưa.

6. Ca khúc Nhật Bản "Bài ca bốn mùa" (四季の歌) 
Nhạc và lời: Araki, Lời Việt: Nguyễn Tuấn Khoa do Nhóm nữ Khúc ca xưa (Nguyễn Ngọc Mỹ, Ngô Bình và Ngọc Mỹ Đại) trình bày.


Một Thâm Tâm mới lạ trong "Thuốc mê"

'Thuốc mê' thấm đẫm không khí quê xưa - Ảnh: Hạ Thảo
'Thuốc mê' thấm đẫm không khí quê xưa - Ảnh: Hạ Thảo
Thuốc mê là một tiểu thuyết đặc biệt của Thâm Tâm, được ông viết năm 26 tuổi, chỉ sau 2 năm bài thơ đầu tiên của ông được đăng báo.
Thuốc mê kể về tập tục kỳ lạ của một ngôi làng miền Bắc xưa. Theo tục lệ thờ Thành hoàng của làng - vốn là người đàn bà vì hận tình đàn ông đem đánh thuốc mê trả thù kẻ bạc lòng - mỗi năm làng phải chọn lấy một cô gái đẹp, giả làm người đi buôn bán chợ xa, mang hai thứ thuốc mê và thuốc độc để bùa bả đàn ông thiên hạ trong thời hạn là 25 ngày. Sau 25 ngày ấy, nếu người con gái hoàn thành được nhiệm vụ trên mà không đánh mất trinh tiết, quay trở về làng, thì cô ta mới được phép lấy chồng là người làng mình; nếu không trở về đúng hạn hoặc làm hỏng việc thì làng sẽ cử một người đàn ông đi tìm để đầu độc cô gái ấy.
Câu chuyện là thế, nhưng Thâm Tâm khéo lồng vào đó không chỉ là những tình tiết bất ngờ, kịch tính mà còn là cái cười ý nhị của một thi nhân ẩn đi đằng sau những con chữ.
Đọc Thuốc mê, người đọc bị lôi cuốn từ đầu đến cuối không chỉ bởi tình tiết kịch tính, hấp dẫn mà còn bởi tính nhân văn sâu sắc của câu chuyện. Đó là một câu chuyện tình, chuyện tình của một cô gái nhiều toan tính, của một chàng trai bị yêu bởi thuốc mê. Đó còn là cụ đồ, người không chỉ giúp Giáp hóa giải thuốc mê mà còn giúp Tý nhận ra bản chất việc làm của mình.
Nhưng có lẽ sức hấp dẫn lớn hơn cả khi đọc lại tác phẩm này sau một thời gian dài bị quên lãng nằm ở chỗ khác. Trước hết, nó đem đến cho người đọc một cảm giác hoài vọng không khí quê xưa, với những phiên chợ rộn rịp, cô hàng lả lơi, mẹ quê đáo để, trai làng yêng hùng, thầy đồ tinh quái... Không gian ấy, những nét tính cách ấy mang chất thuần Việt - một chất thuần Việt được khám phá từ tọa độ đời thường, ít được thi vị hóa, lãng mạn hóa, không được cường điệu như ta thường thấy trong thơ lãng mạn hay trong các diễn ngôn bản sắc văn hóa vốn đang thịnh hành ngay tại thời điểm này.
Và ở Thuốc mê có đủ mọi tình cảm trong đời sống: tình bạn bè đã giúp Giáp khi anh bị bùa mê làm lu mờ lý trí. Là những tính toán đến lạnh lưng của Tý để bùa bả cho được một người đàn ông theo lệ làng. Là tình mẹ yêu con của mẹ Giáp, mẹ Tý dù hai tình yêu ấy thể hiện theo hai cách hoàn toàn khác nhau. Là tình yêu lúc thực, lúc mê của Giáp và Tý, hay của Tý và Cưỡng. Một cái kết bất ngờ và gợi mở để sau khi trang sách khép lại, bạn đọc vẫn còn nhiều nghĩ suy.
Thuốc mê do NXB Văn Học và Tao Đàn phát hành. Được khôi phục theo tiểu thuyết Thuốc mê của Phổ Thông Bán Nguyệt San số 133 - Tân Dân xuất bản và phát hành năm 1943.
Hạ Thảo
 

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Đọc sách mới của Thâm Tâm, Kawabata, Romain Gary và Nguyễn Ngọc Tư

TTO - Khi những náo nhiệt của hội sách TP.HCM đã qua, khi không còn phải mướt mồ hôi, chen chân chọn mua sách... giảm giá, ắt là đã đến lúc ngồi lại, thật sự cầm những cuốn sách lên và đọc. 
Đọc sách mới của Thâm Tâm, Kawabata, Romain Gary và Nguyễn Ngọc Tư
Ảnh: Quân Khuê
Bài viết này giới thiệu một số cuốn sách trong nhiều đầu sách văn học mới được tung ra.
Thuốc mê, tiểu thuyết của Thâm Tâm, Tao Đàn & NXB Văn Học
Có một Thâm Tâm thi sĩ đã quá nổi tiếng với Tống biệt hành và những giai thoại gắn liền với TTKH. Khó hình dung ra chàng thi sĩ u uất và u sầu (trong thơ) ấy từng viết tiểu thuyết. Cũng khó hình dung ra làng quê Việt Nam từng có những tục như được kể trong Thuốc mê, nhất là với người đọc ngày nay.
Đó là câu chuyện về một tập tục ở một ngôi làng Bắc bộ, ở đó hằng năm làng chọn ra một người con gái mang theo thuốc mê và thuốc độc đi sang làng khác quyến rũ đàn ông rồi giết anh ta, và chỉ được trở về làng khi còn trinh tiết. Truyện được viết gọn, sắc. Mạch truyện nhanh, giàu kịch tính.
Đọc Thuốc mê vào đầu thế kỷ 21 là để hiểu hơn một chút về một mảng làng quê đầu thế kỷ 20 và để tìm những kết nối mong manh giữa hiện tại và quá khứ.
Không ai qua sông, 
tập truyện ngắn của 
Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ
Văn chương thế giới không thiếu những nhà văn chuyên chú khai thác một vùng đất. Nguyễn Ngọc Tư cũng thế. Hầu hết tác phẩm của chị xoay quanh cảnh và người miền Tây Nam bộ.
Tuy nhiên, chị luôn sở hữu năng lực làm người đọc ngạc nhiên, cả khi người đọc ngỡ đâu không còn gì mới lạ trong truyện ngắn của chị.
Đọc Không ai qua sông, rất dễ nhói tim vì những chuyện ất ơ của đời sống miệt quê. Đó có thể là chuyện một cậu trai đâm chết thằng bạn thân chẳng vì lý do gì (Giữa mùa Chán Chết), chuyện một cậu trai khác mắc kẹt trong một vùng đất “yên ả” đến tẻ nhạt (Tiều tụy vòng quanh), hay chuyện một cậu trai khác nữa mắc kẹt lưng chừng trời trong một vụ tình ái vụng trộm.
Không ai qua sông còn là tập truyện của những hụt hẫng mà ở đó vợ chồng hay tình nhân chia tay nhau vì những nguyên nhân người ngoài tưởng nhỏ như con kiến mà người trong cuộc thấy to bằng con voi (Vực không đáy, Dây diều).
Truyện dài nhất tập mang cái tên đầy tham vọng là Đất. Ở câu chuyện trải qua bốn thế hệ, dữ dội không kém Cánh đồng bất tận này, không thể không phục tác giả tài gói ghém chi tiết, dàn dựng nút thắt nút mở. Tuy nhiên, vì dụng công nhiều quá nên Đất có thể không gây “ép phê” bằng Cánh đồng bất tận.
Hồ, Kawabata Yasunari, Uyên Thiểm dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học
Ám ảnh về cái đẹp là chủ đề thường gặp trong tác phẩm của Kawabata - nhà văn Nhật, chủ nhân giải Nobel văn chương 1968. Hồ lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt, và là một trong số hiếm hoi tiểu thuyết của ông được dịch trực tiếp từ nguyên ngữ.
Tác phẩm là câu chuyện về Gimpei - người đàn ông kỳ quái bị ảm ánh bởi vẻ đẹp của các cô gái, đồng thời lại mang trong người mặc cảm về cái xấu. Ám ảnh làm cho anh ta trở nên kỳ quái, thậm chí bệnh hoạn, nhưng tận cùng trong anh ta là một tâm hồn cô đơn và dễ bị tổn thương.
Có lẽ phần nào Gimpei cũng là hình ảnh nước Nhật thời hậu chiến.
Văn của Kawabata bảng lảng như mặt hồ đầy sương khói, mang vẻ khó nắm bắt đặc trưng. Không thể không nói thêm rằng ấn bản Việt ngữ này có bìa thật hợp.
Quấn-Quít, Émile 
Ajar (Romain Gary), 
Hồ Thanh Vân dịch, 
Nhã Nam & NXB Văn Học
Một đô thị mười triệu người trong đó bao nhiêu người cô độc? Bao nhiêu người bất lực khi thiết lập mối giao tiếp với người khác?
Bao nhiêu người không thể chia sẻ buồn vui với con người, và thay vào đó, chia sẻ với một con trăn? Và bao nhiêu người sẽ hóa thành trăn theo một cách nào đó?
Quấn-Quít, cũng là tên con trăn mà nhân vật chính nuôi làm bạn tâm giao, là cuốn tiểu thuyết viết về sự cô độc kỳ lạ bậc nhất, với ngôn ngữ kỳ lạ bậc nhất (có thể cảm nhận điều này qua bản dịch tiếng Việt của Hồ Thanh Vân).
Émile Ajar là bút danh khác của Romain Gary, tác giả của những tác phẩm xuất sắc khác đã được dịch ra tiếng Việt như Lời hứa lúc bình minh, Cuộc sống ở trước mặt, Bao người chờ đợi...
Quân Khuê
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20160407/doc-sach-moi-cua-tham-tam-yasunari-emile-ajar-va-nguyen-ngoc-tu/1080343.html

Tiểu thuyết của Nguyễn Bính, Thâm Tâm được tái bản

Tiểu thuyết "Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội" và "Thuốc mê" đưa độc giả trở về làng văn học Việt những năm 1940.
Tác giả Nguyễn Bính và Thâm Tâm là đôi bạn rất thân. Họ cùng làm thơ, sinh hoạt văn nghệ và sống trong giai đoạn đặc biệt của nền văn học Việt Nam vào thập niên 1940. Nhà xuất bản Văn học và công ty sách Tao Đàn vừa chọn in lại hai tác phẩm văn xuôi tiêu biểu của họ.
Bìa sách
Bìa sách "Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội" của Nguyễn Bính và "Thuốc mê" của Thâm Tâm.
Khi hai quyển sách được đặt cạnh nhau, độc giả có thể cảm nhận được sự ngưng đọng của thời gian. Lịch sử như một lát cắt mà ta có thể đặt trên giá sách, để khi trang sách cuối cùng gấp lại, ta không chỉ nhớ đến một Nguyễn Bính, một Thâm Tâm mà còn nhớ đến một thời kỳ văn chương Việt Nam.
Cuốn Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội của thi sĩ Nguyễn Bính xuất bản lần đầu tiên vào năm 1940. Khi ấy, Nguyễn Bính chỉ vừa 22 tuổi. Đến nay, 76 năm sau lần xuất bản lần đầu, tiểu thuyết trở lại làng văn học trong nước giúp bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi được biết đến một Nguyễn Bính khác, ngoài Nguyễn Bính là "thi sĩ chân quê" đã quen thuộc.
Cuốn sách mang nhiều tính chất tự sự, cũng như giải mã phần nào không khí văn chương Việt thời đó qua cuộc sống của đôi bạn thân Điệp và Tuấn. Độc giả ngầm hiểu nhân vật Điệp tương đồng với chính tác giả Nguyễn Bính. Còn nhân vật Tuấn là Nguyễn Tuấn Trình, tức Thâm Tâm. Hai nhân vật này cùng số phận vì yêu mà đau khổ, đều tha thiết yêu nhưng không được đáp lại. Để sau cùng, họ yêu một hồn ma mà mình chưa từng biết mặt.
Qua từng trang sách, một Hà Nội vừa đẹp, vừa buồn thấp thoáng ẩn hiện. Đó là một nhành hoàng lan tỏa hương trong mùa đông giá lạnh. Đó là hai người đàn ông mơ về một chiếc áo len của người đàn bà đan tặng. Họ bất lực, khát khao và chống chọi với ham muốn được yêu. Họ cùng yêu một hồn ma mà cuộc đời không còn khả năng làm vẩn đục. Nhưng liệu hồn ma tên Vương Thị Hoàng Lan ấy có đáng được yêu như họ tưởng tượng? Những ai từng yêu thơ Nguyễn Bính có lẽ sẽ không bất ngờ với với lối văn chương giản dị, sâu sắc trong tiểu thuyết của ông. Sách nhẹ nhàng như hơi thở của thơ và thấm đẫm vào hồn người những nghĩ suy về thân phận và tình yêu.
Khác với tiểu thuyết của Nguyễn Bính, truyện Thuốc mê của Thâm Tâm lại mang bạn đọc đến một câu tác phẩm phản ánh những trần trụi của cuộc sống ở ngôi làng miền Bắc xa xôi có tập tục thờ cúng lạ lùng. Trong  Thuốc mê có đủ các sắc thái tình cảm trong đời sống: tình bạn bè đã giúp Giáp khi anh bị bùa mê làm lu mờ lý trí, những tính toán của Tý để bùa cho được một người đàn ông theo lệ làng. Đó còn là tình mẹ yêu con của mẹ Giáp, mẹ Tý dù hai tình yêu ấy thể hiện theo hai cách hoàn toàn khác nhau, là tình yêu lúc thực, lúc mê của Giáp và Tý hay của Tý và Cưỡng. Tác giả để ra một cái kết bất ngờ, gợi mở khiến sau khi trang sách khép lại, bạn đọc vẫn còn nhiều nghĩ suy.
Đoàn Kim Ngọc

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Nhà thơ Thâm Tâm và “Nỗi ân hận dài” - Lưu Khánh Thơ

“Nỗi ân hận dài” là cuốn tiểu thuyết duy nhất còn lại của nhà thơ Thâm Tâm, tên thật là Nguyễn Tuấn Trình. Tác phẩm được ra đời trong thời gian ông sống cùng gia đình ở Hà Nội, kiếm sống bằng nghề vẽ tranh và bắt đầu làm thơ, viết văn. 


Nhà thơ Thâm Tâm (thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng đội.
Nhà thơ của những cuộc "lên đường"
Trong số 46 gương mặt thi sĩ được đưa vào Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân, Thâm Tâm chỉ được chọn duy nhất bài Tống Biệt hành. Nhưng bài thơ đã trở thành một dấu ấn nghệ thuật chói sáng trong đời thơ ngắn ngủi của thi sĩ. Và hơn thế, nó đã đi vào lịch sử thơ ca hiện đại Việt Nam với một vị thế riêng biệt. Bài thơ đã đem lại cho bạn đọc một tiếng nói mới, phản ánh khá trung thực tâm trạng của cả một lớp thanh niên tiểu tư sản trong cuộc sống có nhiều đau buồn, trăn trở, bi phẫn và đôi khi bế tắc trước hiện trạng của đất nước thuở bấy giờ. Ở tư cách nhà thơ, Thâm Tâm đã để lại cho đời một giọng điệu không dễ lẫn.
Nhà thơ thường xúc cảm day dứt về những cuộc ra đi:
Tôi quyết đi rồi, tôi phải đi
(Lưu biệt)
Trời hỡi, mai này tôi phải đi
Thơ này rồi chẳng đọc ai nghe
Đời nhiều nhưng có dăm người bạn
Thì viễn ly không có đường về

(Ngược gió)
Thâm Tâm đã thể hiện một cách chân thực những biến động, những xáo trộn trong tâm hồn con người trước thời cuộc ấy:
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong

(Tống biệt hành)
Thơ ông mang cốt cách cổ điển, in đậm âm hưởng bi phẫn, giang hồ. Ba bài thơ viết theo thể hành bộc lộ rõ giọng thơ này: Tống biệt hành, Can trường hành, Vọng nhân hành.
Phiếm du mấy chốc đời như mộng
Ném chén cười cho đã mắt ta
Thà với mãng phu ngoài bến nước
Uống dăm chén rượu quăng tay thước
Cái sống ngang tàng quen bốc men…

(Can trường hành)
Thời thế chuyển mình, cái nhìn hiện thực của Thâm Tâm vì thế lại càng sâu sắc hơn. Trong cảm nhận của Thâm Tâm, con người trong hiện thực ấy còn lắm những bất an, còn nhiều những suy tư, trăn trở. Bởi lẽ họ nhận thức được rằng thời cuộc còn chưa dừng lại:
Thơ ngâm giở giọng, thời chưa thuận
Tan tiệc quần anh, người nuốt giận
Chim nhạn, chim hồng rét mướt bay
Vuốt cọp chân voi còn lận đận

(Vọng nhân hành)
“Chí lớn chưa về bàn tay không”,  câu thơ đầy khí phách phản ánh được những cung bậc tình cảm trong lòng con người, trong lòng thời đại, cũng là nét riêng trong cảm quan nghệ thuật của Thâm Tâm. Phải chăng vì tính chất bi phẫn khao khát đổi thay, khao khát “lên đường” ấy mà khi gặp cách mạng Thâm Tâm đã sớm đứng vào hàng ngũ. Thơ ông chuyển từ chân trời lãng mạn sang cách mạng một cách tự nhiên, khá êm thấm. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, khi phần lớn các nhà thơ Mới đang loay hoay “tìm đường” thì bài thơ Chiều mưa đường số 5 của Thâm Tâm đã có độ chín cả về tư tưởng lẫn cảm xúc:
Chiều mưa đồng rạ vắng
Đất tề sông quạnh vắng
Ngồi kín dưới nhà tranh
Nghe gió lùa ắng lặng

Đôi mắt sao đăm đăm
Chứa cả trời mây nặng
Miền Việt Bắc xa xăm
Ôi núi rừng thương nhớ

Hiện nay tại nhà riêng của nhà thơ Trần Huyền Trân, trong căn phòng lưu niệm, trên tường vẫn còn treo bài thơ của Thâm Tâm do chính tay Trần Huyền Trân viết trên tấm giấy khổ lớn:
Hôm nay
thơ lên đường
Hồn chàng ra thiên hạ
Ta vừa nghe lã chã dòng sương
Ngâm thôi
quăng bút cười ha hả
hơn một loài hoa khác hải đường

(Thâm Tâm – 1942)
Có thể coi đó như một tuyên ngôn nghệ thuật, một phương châm sống của những người nghệ sĩ trong đêm trước của cách mạng. Tình bạn, tình thơ và tài năng của ba thi sĩ trong Hội tam anh( Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân) đã để lại trong lịch sử văn học Việt Nam một trường phái thơ ca với những dấu ấn không thể phai mờ! 
Nhà tiểu thuyết với “Nỗi ân hận dài”
Thâm Tâm – nhà thơ đã được bạn đọc nhiều thế hệ quen thuộc. Nhưng còn một Thâm Tâm khác, tác giả của cuốn tiểu thuyết ‘Nỗi ân hận dài” thì vẫn còn là một ẩn số. Cách đây gần 20 năm, khi thực hiện bộ Từ điển Tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945), chúng tôi có nhiệm vụ khảo sát, tìm hiểu các tác phẩm văn xuôi ra đời trong thời gian này. Khi tìm thấy và đọc cuốn tiểu thuyết “Nỗi ân hận dài” của tác giả Nguyễn Tuấn Trình, chúng tôi đã nghĩ đây là tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm. Vì nhân vật chính trong đó mang nhiều chi tiết giống như cuộc đời thực của nhà thơ. Khi hỏi nhà văn Tô Hoài, ông cho biết trước Cách mạng, Thâm Tâm có in một cuốn tiểu thuyết. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không dám khẳng định. Cho đến khi đọc được dòng quảng cáo in ở bìa 4 một cuốn sách khác: Mời Độc giả đón đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay “Nỗi ân hận dài” của Thâm Tâm. Lúc đó chúng tôi mới hoàn toàn yên tâm. “Nỗi ân hận dài” là cuốn tiểu thuyết duy nhất còn lại của nhà thơ Thâm Tâm, tên thật là Nguyễn Tuấn Trình. Tác phẩm được ra đời trong thời gian ông sống cùng gia đình ở Hà Nội, kiếm sống bằng nghề vẽ tranh và bắt đầu làm thơ, viết văn. 
Nội dung cuốn tiểu thuyết có thể tóm tắt như sau: Họa sĩ Lê sống những ngày dài trong nỗi cô đơn buồn bã. Để lấp bớt sự trống vắng chàng lao vào ăn chơi bừa bãi, không thiếu một thứ gì: rượu, cô đầu, nhẩy đầm, thuốc phiện. Tất cả những cái đó làm tiêu mòn sức lực và gây ra cảnh nợ nần chồng chất. Lê chỉ là một chàng họa sĩ nghèo, sống bằng cây bút vẽ. 
Một cô gái xuất hiện đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Lê. Sau này nhớ lại, Lê vẫn coi đó là “một buổi chiều đẹp đẽ làm bằng sự nhân hậu tốt đẹp nhất của loài người”. Người đó là Hoàng. Cô đến nhà Lê qua sự rủ rê tình cờ của một người quen. Hoàng không đẹp nhưng có duyên một cách kín đáo. Cô có đôi mắt buồn thăm thẳm. Con người Hoàng toát lên vẻ giữ gìn và lặng lẽ. Mới thoạt nhìn người ta đã có thể nhận thấy cô mang trong lòng nhiều nỗi đau khổ. Qua câu chuyện, Lê mới biết rằng cô đã gặp anh trong một lần đi vẽ tranh ở Thái Nguyên. Hoàng rất yêu hội họa. Khi xem tranh, cô đưa ra những lời bình phẩm khá sắc sảo. Hơn một tuần sau lần gặp gỡ đó, Lê nhận được thư của Hoàng gửi từ Thái Nguyên. Trong thư cô nhờ anh vẽ lại bức chân dung  người mẹ đã mất của cô. Lê đọc thư, vài ngày sau thì quên mất. 
Lê bị một trận ốm nặng. Anh chìm đắm trong cảm giác yếu đau, tuyệt vọng. Giữa lúc đó, Hoàng đến, an ủi, chuyện trò, chăm sóc và tạo cho Lê nguồn sinh lực mới. Khi chiều muộn, cô mới ra về. Đêm hôm ấy, giấc ngủ của Lê không có những cơn ác mộng. Chiều hôm sau, thấy người đã đỡ hơn, Lê ngồi dậy vẽ chân dung mẹ Hoàng. Hoàng đến thăm và không cho Lê vẽ vì sợ anh vẫn còn đang mệt. Cô tỏ ra hiểu biết kỹ về cuộc đời Lê. Có khuyên anh sống lành mạnh, trong sạch và có ích cho đời, nên tránh xa những cám dỗ có hại. Hoàng cũng kể cho Lê nghe về cuộc đời của mình. Mẹ cô mất sớm, để lại một đàn em nhỏ dại. Cha cô chơi bời, nghiện ngập, mê một cô đầu rồi lấy làm vợ kế. Bà này lại cờ bạc, đối xử tệ bạc với con chồng. Hoàng chịu khổ trăm bề. Cô gặp một người và yêu tha thiết, nhưng đã bị lừa dối. Hoàng căm hờn, uất ức, mất lòng tin vào con người. Nhân dịp bố đổi lên Thái Nguyên, Hoàng cùng gia đình chuyển lên đó. Có một vài đám dạm hỏi nhưng Hoàng đều từ chối. Hoàng đã bị lao xương, cổ mọc đầy tràng nhạc, phải quàng khăn để che giấu mọi người. 
Tình yêu nẩy nở giữa hai người. Cuộc đời họ từ đó thêm ý nghĩa. Khi ở xa, Hoàng viết thư cho Lê đều đặn. Mỗi dịp về Hà Nội cô lại quấn quýt bên anh. Nhưng sức khỏe Hoàng ngày càng giảm sút. Lê thương yêu Hoàng và thấy mình phải có trách nhiệm hơn. Anh về quê, kể chuyện với mẹ và xin được lấy Hoàng làm vợ. Mẹ Lê là một người nhân hậu, thương con, nhưng vốn là một nhà nho thanh bạch lại góa chồng từ sớm, nên không muốn con trai vướng vào gánh nặng gia đình quá vất vả. Lê đau khổ trở về Hà Nội. Một thời gian bặt tin Hoàng, Lê nhớ nhung tê tái, lòng như lửa đốt. Hàng xóm nhà Lê có một cô gái nhảy rất có cảm tình với anh. Thấy Lê buồn, cô rủ anh đi chơi cho khuây khỏa. Nhưng Lê không sao quên được nỗi nhớ Hoàng. Giữa lúc đó, chị họ Hoàng tìm đến, đưa cho Lê cuốn nhật ký của Hoàng. Lê biết được bệnh tình của cô đã trở nặng, thầy thuốc đành bó tay. Dì ghẻ ngày càng tệ bạc. Chán cảnh nhà, bố Hoàng bỏ đi biệt tăm. Hoàng rất thương nhớ Lê và lúc nào cũng mong anh hạnh phúc. Hoàng rất cô đơn. Bên cạnh cô giờ đây chỉ còn bà vú già và những người bạn hàng xóm tốt bụng thường sang giúp đỡ. Lê cùng một người bạn tìm đến thăm Hoàng, nhưng cô đã mất trước đó ít lâu. Anh chỉ còn gặp ngôi mộ của Hoàng phủ đầy hương khói. Một nỗi ân hận to lớn day dứt Lê suốt đời. Cuốn sách như một lời nhắn gửi đau xót và chân thành.
Có thể coi đây là tác phẩm tự truyện, với nhiều sự việc, tình tiết gắn với con người tác giả. Cuốn tiểu thuyết được Nhà xuất bản Á Châu ấn hành tại Hà Nội năm 1942, có độ dầy 175 trang. Hy vọng đến một lúc nào đó cuốn sách sẽ được in lại để chúng ta hiểu biết một cách đầy đủ hơn về nhà thơ Thâm Tâm. 

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Một kỷ niệm Nhật Bản

Tôi đã có nhiều dịp đi công tác tại Nhật Bản và có nhiều kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người nơi đây. Vậy mà gần đây, cho tới lúc dọn dẹp lại tủ sách cũ, tôi mới chợt tìm thấy một kỷ vật tưởng đã quên từ 40 năm trước.
Năm 1969, Bác Hồ qua đời. Năm sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có tác phẩm “Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp”, tổng kết sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác đối với dân tộc và thời đại. Năm 1974, Nhà xuất bản Ngoại văn được giao nhiệm vụ ấn hành cuốn sách này bằng tiếng Nga, Anh, Pháp, Trung, Nhật, … Việc chuyển ngữ đã hoàn thành, in tiếng Nga, latinh, Trung văn đều có bộ chữ hoặc máy chữ. Riêng chữ Nhật thì chưa có. Để làm bản mẫu chữ Nhật, qua giới thiệu của Đoàn Đại diện Đảng Cộng sản Nhật Bản tại Việt Nam, một cán bộ NXB đã tới đề nghị tôi viết tay toàn bộ tác phẩm này (kể cả chữ trên bìa) lên giấy can (trong suốt) bằng bút mực đen. Khoảng 3 tháng tranh thủ ngoài giờ làm việc, tôi mới viết xong. Tác phẩm in ra, không có dòng nào về in ấn cả, nhưng tôi đã được tặng 1 cuốn. Đó chính là kỷ niệm quý nhất của tôi về Nhật Bản.
Ảnh trang bìa, trang ảnh, lời giới thiệu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trang mục lục và trang đầu tiên (trang 9) của cuốn sách này:
Trang bìa
Trang ảnh

Lời giới thiệu của Thủ tướng

Mục lục

Trang đầu tiên