Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Ươm mầm tài năng

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xin giới thiệu lại một bài viết hay về nền giáo dục: "Ươm mầm tài năng" của Nhà báo Vũ Công Lập, đã đăng trên Tuổi trẻ số Tết 2011.

Tuổi Trẻ Xuân 2011  
Tài năng là của riêng mỗi người, nhưng cũng là tài sản chung của cả xã hội. Phát hiện và nuôi dưỡng tài năng là một nhiệm vụ của ngành giáo dục, điều mà chúng ta từng làm rất tốt trong nhiều năm trước, ngay cả khi vô cùng khó khăn về cơm áo lẫn bom đạn. Một bài học rất đáng suy nghĩ trong năm 2010, khi giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields.
Vun trồng tài năng là việc của mọi người và mọi thời - Ảnh: Thuận Thắng
Vào năm 1959, tôi học lớp 6 ở Trường cấp II Trưng Vương, cũng là ngôi trường sau này Ngô Bảo Châu theo học, nằm ở góc phố Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Một buổi chiều, lũ trẻ chúng tôi được tập trung để nghe nói chuyện. Diễn giả hôm ấy là thầy Nguyễn Đình Tứ, vừa từ Trung Quốc trở về.
Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói đến phóng xạ, hạt nhân, nguyên tử, hạt cơ bản… Dù không hiểu được nhiều nhưng tất cả chúng tôi đều say sưa, tất cả chúng tôi đều hăm hở. Và hầu như ai cũng có một khao khát, chỉ có điều là không ai dám nói ra mà thôi. Hơn nữa, chúng tôi thấy một nhà khoa học là người Việt Nam, trẻ trung và hấp dẫn vô cùng.
Sang năm 1960, thầy giáo dạy toán Vũ Tế Kỳ nói với cả lớp về một kế hoạch đào tạo đặc biệt. Thầy bảo đang có kế hoạch chọn ra những em học sinh giỏi nhất, để tập trung đào tạo theo yêu cầu cao hơn, để ươm mầm những tài năng sau này phục vụ đất nước. Cái hăm hở năm trước như càng hối hả hơn, cho dù chưa ai biết việc chọn học sinh giỏi hay dạy học sinh giỏi sẽ thực hiện như thế nào. Riêng ở lớp do thầy Kỳ phụ trách, có phong trào giải một bài toán bằng nhiều cách.
Đề toán do học sinh tự chọn. Tôi còn nhớ kỷ lục của lớp tôi năm ấy thuộc về Phan Quốc Khánh, với 28 cách giải khác nhau cho một bài toán hình học. Bây giờ Khánh là Giáo sư - Tiến sĩ khoa học, nguyên Hiệu trưởng Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, đã nghỉ hưu và đang giảng dạy ở Mỹ. Cái hay của lớp tôi ngày ấy là có rất nhiều bạn tham gia cuộc thi toán đơn giản đó, rất vui.
Tới năm chúng tôi học lớp 8, khoảng năm 1962-1963, bắt đầu có phong trào thi học sinh giỏi. Thi nhiều môn lắm, có toán, văn, lý, hóa, sinh học, ngoại ngữ. Và thi cũng thực tế, cũng đơn giản: chỉ khoảng 15-30 phút trước mỗi giờ học thường ngày. Chưa có luyện thi, chưa có bồi dưỡng hay lựa chọn gì rắc rối. Nhưng khí thế rất sôi nổi và rầm rộ.
Về sau có thi trường, thi cấp thành phố, rồi thi học sinh giỏi toàn miền Bắc, chỉ hai môn toán và văn. Năm 1964, lớp 10E Trường Trưng Vương 3A chúng tôi có bạn Nguyễn Tuấn Khoa giành giải ba miền Bắc khi không có giải nhất và giải nhì. Nghĩa là đứng đầu. Nguyễn Tuấn Khoa là con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm, sau này anh còn đoạt giải ba cuộc thi truyện ngắn của Văn Nghệ Quân Đội, dù anh là Viện trưởng Viện Thông tin Y học của Bộ Y tế.
Năm 1967-1968, khi tôi học năm thứ 4 ngành vật lý lý thuyết, khoa lý Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi được chứng kiến một lớp tài năng thật sự. Đó là lớp toán đặc biệt, ký hiệu là lớp A0. Chúng tôi chiêm ngưỡng các bạn học A0 bằng một cái nhìn nể phục, hơi chút ghen tỵ và với rất nhiều hi vọng. Từ lứa này đã sinh ra hàng loạt tên tuổi lớn của toán học Việt Nam.
Riêng tôi chỉ có cơ hội tiếp tục làm việc với một người - anh Vũ Duy Mẫn, là phó giáo sư công tác ở Viện Tin học, Viện Khoa học Việt Nam, sau chuyển sang Mỹ làm việc tại Liên Hiệp Quốc. Anh Mẫn không theo đuổi khoa học nhưng là người dịch hai cuốn sách nổi tiếng rất thành công: Bài giảng cuối cùng (R. Pausch) và Chuyển đổi lớn (N. Carr). Đó là những cuốn sách của Nhà xuất bản Trẻ rất có tiếng vang. Khi tôi trao đổi với Vũ Duy Mẫn, không khí lớp toán A0 ngày xưa lại hiện về với những dấu ấn không bao giờ phai nhạt.
Trường đại học Tổng hợp ngày ấy sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên. Chúng tôi ở nhờ nhà dân, đi rừng chặt nứa, chặt gỗ về tự làm nhà, đóng lấy bàn ghế, rồi đào hầm tránh tàu bay, tăng gia sản xuất. Các thầy cùng sinh viên ì ạch khiêng thiết bị thí nghiệm lên núi cao. Nhưng Trường Tổng hợp ngày ấy có một sự say mê đến lạ lùng.
Chúng tôi say mê các thần tượng của mình (các thầy giáo) như các bạn trẻ bây giờ mê mẩn các ngôi sao ca nhạc (!). Chúng tôi kể các huyền thoại về các thầy (thầy Hoàng Tụy khoa toán, thầy Hoàng Phương khoa lý…) và đứng trông theo cả mỗi bước đi của các thầy. Chúng tôi kể cho nhau nghe về Trường Lomonosov, nơi chưa một ai được đặt chân đến, nhưng ai ai cũng ao ước dù chỉ một lần được nhìn qua ngọn đồi Lênin ở đó…
Với tất cả chúng tôi ngày đó, bác Bộ trưởng Tạ Quang Bửu là một huyền thoại trên mọi huyền thoại. Những ngày nghe tin bác lên trường, cứ có cảm tưởng như thần tiên hạ giới. Rồi thấy bác đi cùng các nhà khoa học hàng đầu thế giới, phăm phăm lội suối, phăm phăm lên rừng, nói chuyện về toán học, về vật lý, về sinh học…
Trong tình cảm ngày ấy có nhiều cái còn nông nổi, còn trẻ con, nhưng thật sự là trong mỗi sinh viên đói ăn luôn cháy một niềm mơ ước, tạo ra sự say mê và quyết tâm ngấm ngầm làm nên một điều gì đó. Sau này đi thi nghiên cứu sinh, chúng tôi đã trải qua những ngày cực kỳ căng thẳng. Bác Tạ Quang Bửu là người vô cùng nghiêm khắc khi quyết tâm đảm bảo chất lượng thật sự cho những kỳ thi, không đầu hàng bất cứ sức ép nào, để chúng tôi hiểu rằng làm khoa học là cực khổ và gian nan lắm, đòi hỏi những người thật sự có khả năng.
Đó là ơn huệ chúng tôi nhận được từ nền giáo dục Việt Nam suốt hơn 50 năm qua. Trong lứa chúng tôi, không ai được như Ngô Bảo Châu, như nhiều nhà khoa học tài danh khác, nhưng đó là khóa 9 của Đại học Tổng hợp, Bách khoa hay Nông nghiệp, lứa chúng tôi có nhà văn Chu Lai, có nhà toán học Phan Quốc Khánh, có dịch giả Phạm Văn Thiều, nhà vật lý lý thuyết Nguyễn Văn Liễn, nhà sử học Dương Trung Quốc… Chúng tôi là những hạt giống đã được phát hiện và được ươm trồng.
Nói tài năng thì hình như là hơi to tát quá. Vì tài năng chỉ một số không nhiều người có. Nhưng chắc chắn rằng mỗi chúng ta đều có một khả năng thật sự nào đó. Phát hiện ra khả năng đó, hun đúc với lòng khát khao, sự say mê để trau dồi khả năng đó, và quyết tâm đem khả năng đó ra để chứng tỏ mình, để làm một cái gì đó cho mình và vì mọi người, có lẽ lại là việc của mọi người và mọi thời.
VŨ CÔNG LẬP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét