Cầu vồng dưới ánh trăng
Nguyễn Tuấn
Khoa
Mưa!
Những hạt mưa lạnh tạt vào mặt làm tôi chợt tỉnh. Hình như tôi đã ngủ thiếp đi
được một lát. Đoàn tàu đang rầm rập lao đi trong mưa. Tôi ngồi lên, nhìn ra
ngoài cửa sổ, chỉ thấy màn mưa trắng xóa. Mới đầu tháng ba mà đã có trận mưa
rào to thế! Tôi quay sang giường đối diện, thấy anh cũng đang ngồi ngắm cơn
mưa. Tôi bảo:
-
Mưa mát quá ! Lúc chúng mình lên tàu ở Hà Nội thì trời nắng chang chang như
giữa mùa hè, còn bây giờ thì mưa rào, thời tiết năm nay lạ thật!
Anh
quay lại hỏi tôi :
-
Mấy giờ rồi cậu?
-
Gần 5 giờ rồi.
Cơn
mưa tạnh dần, phía đàng đông vẫn còn những đám mây tối. Tầm mắt đã nhìn được xa
hơn. Xa xa về phía sau vẫn là một vùng mưa trắng xóa. Con tàu đang lao về phía
ngớt mưa, bầu trời sũng nước, màu xám đục. Lát sau trời sáng dần, nhìn qua cửa
buồng tàu đã thấy một màu vàng rực ở hướng tây.
Chợt
anh gọi to:
-
Cậu nhìn kìa!
Tôi
quay lại, nhìn theo hướng tay anh chỉ, thấy một giải cầu vồng rực rỡ vắt chéo
trên nền trời. Anh bảo:
-
Các cụ ở quê mình ngày xưa bảo ai trông thấy cầu vồng trong tháng hai ta là thế
nào cũng gặp may, có lộc to lắm đấy. Chuyến này anh em mình chắc sẽ được trời
phù hộ rồi.
Tôi
xa quê đã lâu, chưa nghe thấy ai nói tới điềm gặp cầu vồng, mà cũng chẳng tin
vào điềm lành điềm dữ. Nhưng nhìn thấy anh hớn hở, tôi toét miệng cười, hùa
theo:
-
Hôm nay mùng bốn ta, lúc trưa ra khỏi cổng tôi thấy anh bước chân trái, lại gặp
ngay một thằng bé con, bây giờ được thêm cái cầu vồng to tướng, chắc chắn
chuyến này phải thành công, anh em mình sẽ đổi đời.
Chẳng
dè anh trừng mắt nhìn tôi:
-
Cậu đừng có đùa! Rủi may là cái số, nhiều khi có điềm báo, tôi nghiệm thấy đúng
lắm.
Bất
chợt anh lại dịu giọng: Hay là cậu không tin ... tôi?
-
Chết! Tôi tin anh chứ. Nếu không thì sao chúng mình lại ngồi trên con tàu này
để đi tìm một cuộc đổi đời ?
***
Vâng,
chuyến đi tìm cuộc đổi đời này đã được dự định từ hơn một năm trước, cũng tình
cờ dưới một cơn mưa. Dạo ấy là cuối năm kia, nhà tôi có cái bếp cũ nát, mái
thủng, tường xiêu. Gần tết, vợ chồng tôi định sửa lại, nhưng lần chần chưa gọi
thợ. Có bà bác ở quê ra chơi, giới thiệu anh là người cùng quê, đang làm thợ nề
rong các phố Hà Nội, tôi liền nhắn mời anh tới giúp. Anh tới làm ngay, mất gần
một ngày thì xong. Xế chiều, một trận mưa cuối mùa ập xuống, như để
"nghiệm thu" cái công trình nhà bếp của anh. Mưa dai dẳng, vợ tôi đi
làm chưa về, tôi mời anh uống với tôi chén rượu. Nhà chật, mâm để trên giường,
anh xoa chân ngồi ghé vào mép. Nhấm nháp một chén, mặt anh đã đỏ gay. Lúc này
tôi mới để ý thấy trên thái dương anh có một vết sẹo bóng láng chạy dài xuống
tới gò má bên trái. Hỏi ra mới biết anh là thương binh, chiến đấu trong Nam, năm 78 anh
phục viên. Vợ anh làm nông nghiệp, nhà đông con, anh đành đi làm thợ xây ở
ngoài này, kiếm tiền gửi về đỡ vợ nuôi con. Anh đã ngoài năm mươi, hơn tôi gần
chục tuổi. Khi biết tôi làm việc ở một cơ quan nghiên cứu về pháp lý, anh chợt
hỏi:
-
Nếu có người tìm được một tài sản lớn đã bị cất giấu lâu năm, liệu người đó có
quyền sử dụng không? Hay là phải nộp cho nhà nước?
Tôi
hỏi lại :
-
Nhưng tài sản ấy của ai? Nếu nó có chủ nhân hợp pháp thì chỉ người đó có quyền
sử dụng, không phải nộp cho ai cả. Còn nếu ...
Anh
vội ngắt lời tôi :
-
Nhưng đây là tài sản vô chủ, mà thực ra là không thể tìm được chủ của nó.
-
Thế sao anh bảo có người biết chỗ cất giấu?
Anh
không trả lời, lặng lẽ tợp một ngụm rượu, gắp miếng thịt quay bỏ vào bát rồi...
gác đũa, tựa lưng vào tường nhìn tôi một lúc lâu. Tôi rót thêm rượu, có ý chờ
anh. Anh nâng chén lên ngang miệng, ngập ngừng, rồi hạ xuống, chậm rãi :
-
Thế này cậu ạ. Năm 68 bọn mình chiến đấu ở tỉnh B., tổ mình trụ lại trong một
khu phố huyện mấy ngày, đi tìm thuốc kháng sinh cho một cậu bị thương, thuốc
thì chẳng thấy, lại vớ được một kho tiền, toàn đô-la, đóng gói cẩn thận, khoảng
hai chục gói, mỗi gói có mười tập tiền dầy tới một gang tay. Mình không biết
tất cả có bao nhiêu, mà lúc đó không ai dám mang về, cũng không thể tiêu được.
Giá là tiền ngụy thì còn nhặt, có lúc mua được ít đồ, hoặc mang về nộp cho Ban
chỉ huy. Bọn mình bàn nhau: Tiền đô-la tất là của Mỹ hoặc bọn tướng tá ngụy mới
có, ta không tiêu được thì hủy đi, coi như góp phần phá hoại kinh tế địch. Sau
lại nghĩ: Chiến tranh không biết bao giờ mới chấm dứt, nhưng biết đâu, có thể
có đứa chúng mình sẽ sống tới ngày toàn thắng, lúc đó đống tiền này chắc sẽ còn
tiêu được. Hôm sau phải đưa cậu bạn bị thương về một xã ở phía trên. Được vài
ngày thì cậu ấy hy sinh. Thế là bọn mình quyết định đem chôn bọc tiền. Năm 75
mình bị thương ở Xuân Lộc, được đưa ra Bắc, sau rồi phục viên. Ba thằng tổ mình
hồi ấy giờ chỉ còn mỗi mình, hai thằng kia hy sinh cả rồi. Gần ba chục năm qua
mình vẫn nhớ chuyện này, nhưng chưa có lần nào được vào lại miền Nam. Mấy năm
trước thấy mọi người buôn bán, tiêu sài bằng đô-la, mình đã tính vào trong đó
tìm bọc tiền, nhưng lại sợ...
Tôi
ngồi nghe anh nói, một câu chuyện khá hấp dẫn, được kể lại bằng một giọng hơi
gấp gáp nhưng lưu loát và có lý tới mức... nghe như tiểu thuyết. Tôi chợt có
cảm giác anh đã nhiều lần nghĩ về chuyện này, kể cho nhiều người nghe, như một
câu chuyện làm quà khi trà dư tửu hậu. Hay là anh đọc được ở đâu?
-
Liệu anh còn nhớ chỗ chôn tiền không?
-
Nhớ chứ! Nhưng chẳng hiểu liệu nó có còn không, hay đã mục thành đất cả rồi.
Nhưng món tiền này to quá, mình chỉ tiếc ...
-
A! Mẹ về rồi! - Thằng con tôi reo ở ngoài cổng.
Tôi
quay nhìn ra cửa, cơn mưa đã tạnh, trời đã tối hẳn. Vợ tôi xách túi bước vào
chào anh rồi sang bếp xem cái mái mới. Anh đứng ngay dậy, xin phép ra về. Vợ
tôi xin gửi chút tiền công, anh nhất định không nhận. Nhùng nhằng mãi, chúng
tôi đành cảm ơn anh, gói mấy quả táo treo vào xe đạp cho anh, rồi tiễn anh ra
cổng.
* * *
Gần
tết năm ấy tôi về thăm quê, chợt nhớ ghé thăm anh. Tới đầu thôn anh ở, thấy một
đám trẻ con nhốn nháo quanh một cái ao nhỏ. Năm sáu thanh niên đang tát ao bắt
cá. Trời rét căm căm. Anh cởi trần, người đầy bùn, đang đứng dưới ao chỉ huy cả
đám. Thấy tôi gọi tên, anh nhìn lên chào rồi bảo: "Cậu theo thằng bé này
vào nhà mình trước, chờ tý, mình về ngay đây!"
Một
cậu bé dẫn tôi vào nhà anh. Trò chuyện với vợ con anh một lát, biếu chị cuốn
lịch và hộp mứt tết, tôi đã đứng lên định cáo từ thì anh về. Anh ra bể múc nước
rửa chân tay, nói với vào:
-
Phải tới trưa mới tát xong ao cá. Cậu ở lại đây uống rượu, chờ mình chọn mấy con
cá gửi cậu mang về cho cô ấy nhé.
Tôi
từ chối, nhưng anh chị dứt khoát giữ lại. Trong bữa rượu, anh chợt nhắc chuyện
cũ. Thực ra tôi không tin chuyện anh kể, nhưng cũng góp chuyện bừa cho vui. Nào
là nếu tìm được thì nên chia ba phần, anh một phần, nhà nước một phần, góp quỹ
từ thiện hoặc xóa đói giảm nghèo cho địa phương một phần. Nào là biết đâu anh
chị chẳng trở nên giầu có, hơn trúng xổ số, xây nhà cao cửa rộng. Rồi hứng chí,
tôi bảo nếu có dịp đi công tác, tôi sẽ rủ anh đi cùng vào tận nơi, lo chạy giấy
tờ để anh em cùng tìm kiếm. Có lẽ rượu nói chứ chẳng phải tôi đã nói những lời
như thế. Nhưng anh thì anh tin!
Năm
sau anh đến nhà tôi vài lần, có ý nhờ tôi thu xếp cùng anh đi một chuyến. Lần
lữa mãi, cuối cùng tôi đâm lo thất hứa với anh và phải suy nghĩ nghiêm túc hơn.
Tôi hỏi lại thật kỹ địa điểm chôn tiền, hỏi anh đã kể chuyện này với những ai.
Anh bảo có kể cho vài người bạn, nhưng chúng nó chỉ gạt đi. Có đứa bảo nếu còn
thật cũng chẳng có cách gì tìm được. Mấy chục năm mục nát hết rồi. Nhà cửa
đường xá cũng thay đổi cả, làm sao mà tìm. Tiền không phải là vàng, không phải
là kim loại, có máy cũng chịu không dò được. Anh cũng không chắc chắn tìm lại
được chỗ chôn tiền, vì chỉ còn nhớ loáng thoáng. Có điều anh tin tiền không thể
mục vì anh đã để nguyên gói giấy dầu của Mỹ, ngoài lại bọc bằng hai tấm vải mưa
bộ đội, cùng với chiếc ba lô của chính cậu bạn bị thương, trên dưới đều lót bằng
những mảnh ván dầy. Vùng ấy là bán sơn địa, đồi núi nhấp nhô, không bao giờ bị
lụt, chắc rất khô ráo. Vợ tôi góp ý: "Tìm được hay không thì cũng nên giúp
anh ấy. Mà nếu tìm được thì mừng quá, thật là đổi đời!"
Tôi
gọi điện cho cậu Hùng, bạn học cũ, hiện đang phụ trách một phòng ở Công an tỉnh
B., kể qua câu chuyện và nhờ thăm dò giúp. Mấy tuần sau cậu ta viết thư ra báo
tin: Theo hồ sơ của cảnh sát ngụy thì vào cuối những năm 60, có một đường dây
buôn lậu ma túy từ Nam Lào qua Tây Nguyên về tỉnh này. Đường dây này rất có thế
lực, chắc có liên quan đến cả bọn Mỹ và tướng tá ngụy. Cảnh sát ngụy biết cũng
phải làm ngơ. Rất có thể căn nhà có số tiền đô-la ấy là của bọn buôn lậu, không
hiểu vì lý do gì mà chúng không kịp mang đi. Nếu tôi vào tìm, Hùng sẽ báo cáo
với các cơ quan hữu quan để giúp đỡ.
Nhận
được thư này, tôi nhắn anh đến nhà và quyết định sẽ kết hợp chuyến công tác đầu
năm để cùng vào tỉnh B. với anh. Anh mừng lắm, xin tôi một tờ giấy. Tôi tưởng
anh ghi lại địa chỉ hay vẽ sơ đồ gì đó. Hý hoáy viết một lúc lâu, xong anh đưa
tôi đọc. Trời ơi! Anh có bị tâm thần không đấy? Tôi nhìn mặt anh, nhìn cái sẹo
dài bên thái dương anh mà thấy sờ sợ.
Giấy
viết ngày, tháng, năm. Tôi là (tên anh) và tôi là (tên tôi) cam kết sẽ cùng đi
tìm lại số tiền mà anh đã chôn vào năm ấy, tháng ấy, không nhớ ngày nào, ở đấy,
ở đấy! Toàn bộ tiền tàu xe đi về ai nấy chịu, chi phí khác tôi chịu. Anh có
nhiệm vụ tìm chỗ chôn, tôi lo thủ tục pháp lý, bảo vệ. Nếu tìm được tiền, ngoài
hai phần ba nộp lại cho nhà nước (theo pháp luật, nghĩa là theo lời tôi hôm về
quê thăm anh!), còn lại một phần ba, trừ chi phí xong chia làm sáu phần, anh ba
phần, mỗi gia đình hai cậu bạn đã hy sinh của anh một phần, vị chi là năm phần,
còn một phần là của tôi!
Tôi
cười:
-
Việc gì phải cam kết? Chúng tôi chỉ giúp anh thôi, có công sá gì đâu?
Anh
chợt cáu:
-
Nếu cậu không ký thì tôi không đi nữa! Không tìm được cũng chả chết ai. Nhưng
nếu tìm được, đến lúc có tiền dễ mất tình anh em, bè bạn. Tính tôi thích sòng
phẳng, mà chuyện tiền nong lại càng phải sòng phẳng!
Nể
anh, tôi đành ký, thật là chưa bắt được vàng đã lo túi đựng. Nhưng kể từ hôm ấy
tôi cứ có cảm giác sợ anh.
* *
*
Đêm.
Tàu đang qua miền tây Quảng Bình. Bóng rừng, bóng cây vùn vụt lướt qua bên cửa
sổ sáng đèn. Anh ngồi nhìn ra bên ngoài, lặng lẽ hút thuốc. Lúc ở ga Vinh, tôi
xuống mua chai nước, dặn anh ở lại trông đồ. Thế rồi anh mải xuống xem một đám
cãi nhau, quay lên đã có kẻ nào lấy mất cái túi treo đầu giường. Trong túi chỉ
có vài thứ đồ lặt vặt, mấy cái bánh mỳ, nhưng anh tiếc mãi.
Thấy
anh buồn, tôi gợi chuyện:
-
Có thể lúc ra anh em mình đi máy bay cho nhanh, vừa an toàn, vừa không sợ mất
cắp.
-
Nhất định rồi, đi tàu hỏa làm gì, nguy hiểm lắm!
Hình
như sợ mấy người cùng buồng nghe thấy, anh ghé tai tôi nói nhỏ: Mà thôi, tốt
nhất ta sẽ gửi tiền vào ngân hàng, đi chơi một chuyến Sài Gòn cho thỏa thích
rồi bay ra. Về nhà rút tiền từ ngân hàng là an toàn nhất.
-
Anh rút tiền ra làm gì?
-
Mình sẽ xây một cái nhà ở quê, một cái nhà ở Hà Nội để có chỗ đi về và đón mấy
đứa bé ra học. Thằng lớn nhà mình đã bỏ học từ hồi lớp 6, ở nhà giúp mẹ việc
ruộng vườn. Học ở quê vất vả lắm, mà làm sao thi thố với bọn trẻ thành phố
được. Ra Hà Nội chí ít cũng cố cho chúng nó có cái bằng đại học. Còn bao nhiêu
sẽ gửi tiết kiệm lấy lãi để chi dùng, đỡ phải lo ăn lo mặc cho bọn trẻ. Mình
thì cần gì nữa đâu?
-
Anh sẽ có hàng tỷ bạc, muốn tậu gì chả được!
-
Vớ vẩn! Miệng ăn núi lở. Cậu thử có một tỷ mà cứ ngồi ăn, chơi bời thỏa thích
xem. Chả mấy hết bay ngay. Rồi cậu cũng có hàng tỷ chứ ít gì. Cậu sẽ làm gì
nào?
-
Tôi chả bao giờ mơ mình có tới một tỷ!
-
Thế sao cậu lại đi với tôi?
Tôi
không biết trả lời ra sao, đành lảng sang chuyện khác:
-
Có lẽ sắp tới Đồng Hới rồi.
Tàu
đang chạy dọc theo một dãy núi, xa xa phía trước thấy một vùng sáng như ánh
trăng. Đêm nay là đầu tháng ta, làm gì có trăng. Anh châm thuốc rồi lại lặng lẽ
nhìn ra cửa sổ. Chắc anh đang nghĩ về những mơ ước của anh, của tôi, của một
đời người, về cái ăn cái mặc, cái học cái hành cho một đàn con, hay anh còn
tiếc cái túi bánh mì đã mất?
* *
*
Tàu
đến ga B. từ sáng sớm. Cậu Hùng cho xe ra đón chúng tôi về nhà khách của cơ
quan. Sau bữa cơm sáng, ba chúng tôi đi dạo quanh mấy phố gần đấy. Hùng bảo đã
báo cáo ủy ban tỉnh và được cơ quan bố trí giúp đỡ. Để tránh xì xào, sẽ có mấy
anh em cùng phòng giúp việc tìm kiếm, xin phép đào bới tìm di vật của liệt sĩ.
Việc đầu tiên là phải xác định vị trí chôn tiền.
Anh
đề nghị ngay buổi chiều đi lên huyện C. Quá trưa chúng tôi lên đường. Xe đi mất
hơn hai tiếng thì tới huyện lỵ, một thị trấn nhỏ ven núi. Những dãy nhà làm
bằng gỗ tấm màu nâu đen, mái lợp tôn nhựa, san sát nhau nép dưới bóng cây, nhà
nào cũng có một mảnh vườn phía sau. Trước nhà là hàng rào bằng cây lúp xúp. Hoa
giấy, dâm bụt và một loại hoa gì đó màu vàng đang nở rộ. Giữa thị trấn là một
dãy phố buôn bán đủ loại hàng hóa. Có một số nhà ba bốn tầng mới xây, bên cạnh
những quán ăn, giải khát vắng khách. Đâu đó vọng lại một giọng ca vọng cổ não
nề. Trời nắng gắt như giữa hè, lại không có gió. Tôi thấy mệt và buồn ngủ. Xe
qua một ngã tư rồi rẽ vào một bãi đất rộng, có nhiều cây to. Xe đỗ, chúng tôi
lục tục xuống. Hùng dẫn chúng tôi vào Công an huyện. Chào hỏi xong, tôi chợt
nhận ra thiếu anh, vội chạy ra gọi. Anh đang đứng trên hè, ngay chỗ ngã tư,
nhìn theo con đường về phía núi. Phải gọi mấy câu anh mới quay lại, lững thững
đi về phía tôi.
-
Anh sao thế, có mệt lắm không?
-
Không. Mấy chục năm mới trở lại chốn này. Hồi ấy ở đây vắng lắm. Bọn ngụy chạy
hết, dân chúng chưa trở về, chỉ còn một đội du kích với trung đội mình ở lại
đây. Đêm đêm nghe tiếng pháo ì ầm dưới xuôi như tiếng sấm rền xa xa, chỉ thèm
được xuống đồng bằng ngay thôi. Bây giờ khác quá, mình chẳng còn nhận ra được
nữa.
Tối
ấy anh đã kể cho chúng tôi nghe về những ngày lưu lại thị trấn này, về cậu bạn
bị thương, về ngôi nhà các anh đã chôn bọc tiền. Anh nhớ ngay ngã tư có một
chiếc cột đèn vuông bằng sắt, còn các cột khác ở đây đều làm bằng gỗ tròn, sơn
đen. Lúc chiều anh đã nhận ra chiếc cột đèn ấy. Cách đó năm sáu căn nhà là nơi
các anh đã chôn tiền. Anh lấy một mảnh giấy vẽ con đường từ ngã tư lên phía
núi. Vừa vẽ, anh vừa nhớ lại, lúc lúc lại đưa tay trái lên gãi đầu, mấy ngón
tay xoa mãi vào vết sẹo trên gò má. Theo anh nhớ, chiếc cột đèn ở bên phải ngã
tư. Qua độ hai ba chục mét về phía núi có một ngôi nhà đúc một tầng rất rộng,
có nhiều phòng. Sau nhà là khoảng sân hình chữ nhật, trồng một số cây to. Tiền
chôn trước một gốc cây, hướng về phía nhà. Hình như còn có một hàng dừa ở sát vách
một quả đồi đã được bạt phẳng như một mảnh tường nghiêng.
Hôm
sau chúng tôi đi tìm địa điểm theo lời anh kể. Chiếc cột đèn đặc biệt còn đó,
nhưng những ngôi nhà ven đường đều rất giống nhau. Chúng tôi xin phép chủ nhà
vào xem lần lượt từ đầu ngã tư đến nhà thứ mười mấy, nhà nào cũng có sân vườn,
có hàng rào phân cách bằng tường thấp hoặc dây thép. Phía sau đều có cây to và
vài cây dừa. Nhà thì không có cái nào giống như anh tả, tất cả đều đã được xây
lại, nhà xây một hai tầng, mái ngói, gác lửng các kiểu. Không có nhà đúc mái
bằng.
Tối
về, Hùng bảo:
-
Mai ta đi xem lại thật kỹ mấy căn nhà quãng giữa, may ra hỏi thêm được gia chủ
về ngôi nhà cũ, liệu anh có nhớ được gì thêm không?
Chợt
anh khẽ reo lên:
-
Nhớ rồi! Ngày ấy bọn mình không đánh dấu. Nhưng mình đã đếm số nhà. Nó là nhà
thứ tám. Lúc chôn tiền, mình có dặn cậu bạn: Năm nay là năm sáu tám, căn nhà
này thứ tám, nhớ nhé.
Hôm
sau là một ngày làm việc nặng nhọc. Cùng một cậu công an khu vực, chúng tôi đến
nhà thứ tám xin phép chủ nhà, vào sân nhìn ngắm, đo đạc rồi đào bới cả một
khoảng sân rộng tới chục mét vuông ngay trước hai cái cây to. Đất rất cứng, pha
nhiều sỏi và đá. Đào sâu như cái móng nhà vẫn chỉ có đá và sỏi. San lấp phẳng
phiu và cảm ơn gia chủ, chúng tôi lại sang nhà thứ sáu, vì biết đâu là số sáu
trong cái năm sáu tám ấy! Kết cục cũng chỉ có đá và sỏi! Tối về mệt nhoài, ăn
xong anh em lăn ra ngủ ngay.
Sáng
sau nữa, tôi đề nghị đi tìm tiếp các nhà xung quanh. Anh em đã nản, nhưng hình
như chả ai nỡ phản đối. Đã chót đi tìm, thử cố xem sao, may ra ... Hỏi hết nhà
này sang nhà khác, không có thông tin nào làm đầu mối cả, đúng là đáy bể mò
kim. Nhưng lần này chúng tôi không đào bới, liệu có thể xin phép đào cả cái thị
trấn này lên được không?
Anh
cũng nản lắm rồi, chẳng buồn nói gì nữa. Gần trưa thì anh bảo:
-
Về thôi! Chắc sai rồi. Không phải tìm nữa, vô ích!
Cơm
xong anh rủ cậu Hùng sang ủy ban. Chiều hai người quay lại, tay anh cầm một túi
hương. Anh bảo:
-
Ta đi thăm nghĩa trang.
Thì
ra anh đã quyết định đi thăm mộ cậu bạn. Ở ủy ban, các anh đã hỏi được địa chỉ
nơi quy tập hài cốt bạn anh.
Xe
đi ngược về phía núi khoảng chục cây số thì đến. Nghĩa trang nằm trên đồi. Hai
hàng cây cao trồng bên lối đi dẫn lên đài Tổ quốc ghi công. Vài chục ngôi mộ
nằm thẳng hàng với những tấm bia màu trắng. Chúng tôi tìm ngay được mộ bạn anh,
liệt sĩ Trần Văn Đăng. Chúng tôi thắp hương cho mộ anh Đăng, rồi đi thắp hương
cho các ngôi mộ khác, để mình anh ngồi lại với mộ bạn. Anh ngồi đó rất lâu, lầm
bầm khấn như trò chuyện với người đã khuất.
Trời
còn nắng nhạt, bỗng như hơi tối dần. Một cơn gió lạnh thổi qua. Từ phía đông,
một đám mây đen đang bay tới. Bụi cát bắt đầu bay mù mịt. Gió càng ngày càng
mạnh, ào ào như giông bão. Trời tối xầm lại. Bó hương trên mộ anh Đăng chợt
bùng lên ngọn lửa, như một bó đuốc rừng rực giữa cơn giông. Anh nhoài người về
phía ngôi mộ, che gió cho bó hương, từ xa trông như thể anh đang ôm lấy mộ bạn.
Lát
sau trời lại quang. Mây đã bay đi, gió đã ngừng thổi. Bó hương đã cháy hết tự
bao giờ. Anh ngẩng lên và gọi "Đăng ơi".
Tôi
đâu biết rằng cuộc tìm kiếm đã tới hồi kết thúc.
***
Lên
xe ra về, anh nói ngay:
-Tôi
nhầm rồi các ông ơi! Đúng là nhà thứ tám, nhưng ở bên kia đường cơ. Đăng nó vừa
nhắc mình đấy! Hôm đưa nó về quân y, bọn mình đã khiêng nó từ trong nhà ra.
Người nó nóng như một hòn than, thở rất khó nhọc, chẳng còn biết gì nữa. Đặt nó
lên cáng, đầu nó cứ ngoẹo về bên trái, mình thương nó quá, cố xoay cho thẳng
lại mà không được. Hai cậu du kích địa phương sẽ cáng nó đi. Cậu bạn cùng tổ
đứng ở cửa khóc òa lên, rồi níu chặt lấy cáng, nói trong tiếng nấc:
-
Sao mày không quay lại với chúng tao? Mày muốn nhìn về quê chứ gì? Tao biết
thế! Hướng Bắc đấy. Mày có nhìn thấy quê mình không? Cố mà trở về nhé!
Như
có một hạt cát đã bay vào mắt tôi. Cả xe im phắc, không ai nói một lời, chỉ có
tiếng động cơ rì rì và tiếng bánh xe lăn rào rào trên đá sỏi.
Rất
lâu sau lại nghe tiếng anh:
-
Ngôi nhà ấy ở bên trái đường. Cáng khiêng nó về phía núi, hướng Tây. Nó quay về
hướng Bắc, còn sau lưng nó là ngôi nhà.
Tối
mịt, chúng tôi về đến thị trấn. Cơm nước xong, chúng tôi tới ngay căn nhà thứ
tám bên trái đường, một ngôi nhà hai tầng, cũng có một mảnh sân và một gốc cây
to ở chính giữa sân. Lại xác định vị trí dự kiến, lại xin phép gia chủ, lại
đào. Có khác chăng là thêm một ngọn đèn điện chiếu sáng và thêm một lần hy vọng
nhạt nhòa hơn.
Chiếc
hố đã to bằng cái chiếu, xuống sâu được chừng ba mươi phân. Bỗng một cậu hét
toáng lên:
-
Đây rồi!
Chúng
tôi đâm bổ tới. Dưới lớp đá sỏi có một cái gì đó màu đen xẫm. Một nhát cuốc
chim nữa bổ xuống, nghe một tiếng bục, lộ ra một mảnh gỗ thủng. Chúng tôi dùng
tay bới lớp đất phía trên, rồi dùng xẻng cạo dần, cạo dần. Một mảnh gỗ hiện dần
ra trước mắt. Nó có vẻ dày và nặng, rộng chừng bốn chục phân. Anh đứng ngây
trên đống đất đá, lắp bắp nói không thành câu:
-
Đúng ... đúng rồi! Trời ơi!
Trống
ngực tôi đập thình thịch, tay run lên. Một cậu thúc xẻng vào cạnh tấm ván, khẽ bẩy.
Tấm ván gãy vụn thành ba bốn mảnh, bật lên khỏi đáy hố. Bên dưới là một mảnh
vải mưa màu cỏ úa bằng bàn tay, ở giữa hơi gồ lên. Xung quanh đất đá đã lèn
chặt. Tiếp tục đào rộng ra, trước mắt chúng tôi là một gói vải mưa tròn khá to.
Hai cậu công an cẩn thận moi đất cát rồi nhấc gói lên khỏi mặt hố. Anh giơ tay
đón rồi đặt nó lên một chỗ sân rộng, ngay dưới ngọn đèn. Gói vải mưa không buộc
giây, bên trong còn một lớp ni lông nữa. Anh từ từ mở. Một chiếc ba lô con cóc hiện
ra, thật lạ lùng là nó không bị mục. Vải ba lô đã có chỗ mủn, khóa và dây đeo
đã rỉ nát hết. Bên trong có một mảnh vải dù, một chiếc võng dù, bộ quần áo,
chiếc bút máy Trường Sơn màu nâu và một cuốn sổ bìa bọc ni lông. Tôi cầm cuốn
sổ, thử mở nhưng không được. Các trang giấy đã dính bết vào nhau thành một
khối. Cố bóc bìa ra, bên trong có một túi giấy bóng kính gói một bức ảnh nhỏ. Ảnh
người mẹ. Người mẹ liệt sĩ Trần Văn Đăng, ảnh mẹ đã nằm trong đất ba mươi năm.
Giờ mẹ còn sống hay đã mất? Mẹ có biết chăng, hình ảnh mẹ đã nằm trên mảnh đất
này, rất gần nơi con mẹ nằm.
Mấy
cậu công an vẫn tiếp tục đào sâu xuống. Qua một lớp cát sỏi mỏng thì thấy lộ ra
bọc tiền. Bọc vải mưa này to hơn, cạnh vuông vắn, giống như gói một thùng đồ
hình chữ nhật ở trong. Phải khoét rất rộng các cạnh hố mới lôi được nó lên. Tôi
mở lớp vải mưa bọc ngoài. Phía trong là một lớp gói giấy dầu màu xám nâu. Tôi
lôi gói giấy lên, định lật nghiêng đi để bóc.
Trời
ơi! Gói giấy đã thủng! Một thứ gì đó như bùn khô cứng nhắc ở mép đáy gói. Tôi
không tin ở cảm giác tay mình nữa, vội nhìn lại tấm vải mưa. Vải cũng đã rách
một lỗ to, nham nhở. Ai đó chiếu đèn pin xuống hố: Dấu vết rõ rệt của một tổ
mối dưới đáy hố. Tấm ván nằm tít dưới sâu chỉ còn là một lá gỗ mỏng đầy những
khe rãnh chạy dài của mối đào.
Gói
giấy dầu nằm nghêng trên nền sân, trơ ra dưới ánh điện một cái đáy trống rỗng
toang hoác, chỉ còn lại ít bã giấy như những đám vữa màu xám lổn nhổn, đôi chỗ
vón lại thành cục cứng nhắc. Lật lại phía trên, chúng tôi phải dùng dao mới cạy
được lớp giấy dầu. Bên dưới cũng chỉ là dấu vết của tổ mối. Chẳng còn gì hết!
Thế rồi đột nhiên tôi giật được một mảnh giấy dầu ở góc cuối cùng. Một cọc tiền
dầy hiện ra, đúng là đô-la Mỹ chính hiệu. Tờ trên cùng còn in rõ con số 100 và
một dòng chữ số nhỏ màu lá cây. Nhưng liệu nó còn dùng được để làm gì, khi mà
mối đã ăn hết ba phần tư tờ giấy bạc? Hai triệu đô-la đã trở thành một đám vữa
vụn, vài mảng đất sét đã khô cứng và vẻn vẹn một cọc giấy có chiều dày tới cả gang
tay, nhưng chiều rộng chỉ bằng bao diêm với chữ số mệnh giá 100 cay đắng!
* *
*
Con
tàu vẫn rầm rập lao đi trong đêm. Đèo Hải Vân ở phía trên, dưới kia là biển.
Đêm nay trăng sáng quá, chắc đã là rằm. Ánh trăng tãi xuống mặt biển như dát
bạc. Những con sóng lăn tăn càng làm cho mặt biển sáng hơn. Ngoài cửa sổ hình
như có sương lạnh. Sương lạnh hay ánh trăng đã làm cho tôi tỉnh ngủ. Từ trên
giường tầng hai, tôi cúi xuống nhìn mặt biển sáng lấp loáng. Anh đang ngồi đối
diện tôi ở phía dưới, không ngủ, hai tay ôm chặt chiếc ba lô của đồng đội. Hai
mắt tôi như nhòa đi, tôi quay nhìn lên mặt anh. Một nửa khuôn mặt bên trái
hướng về phía ánh trăng, vết sẹo dài càng bóng lên. Một giọt nước mắt đang từ
từ, chầm chậm chảy qua vết sẹo rồi đọng lại dưới gò má. Chính lúc ấy, dưới ánh trăng,
trong giọt nước mắt anh, tôi đã nhìn thấy lung linh bảy sắc màu huyền diệu của
cầu vồng.