Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Một số truyện ngắn hay

1. Truyện ngắn "Tuyết" của Pau-xtốp-ski, Nga:

Tuyết
Paustovsky

Mùa đông nước Nga - Tranh của Nguyễn Tuấn Khoa
Tachiana Pêtơrốpna dọn đến nhà cụ Pôtapốp được một tháng thì cụ mất. Nàng tiếp tục ở lại với đứa con gái nhỏ là Varia và người vú già.

Ngôi nhà nhỏ, chỉ có ba gian, ở trên một ngọn đồi trông xuống con sông phía Bắc ngay đầu tỉnh lỵ. Sau nhà, bên kia khu vườn đã trụi lá là một rừng bạch dương phơi màu trắng bạc. Ở đó, từ sáng sớm đến lặn mặt trời, lũ quạ kêu quàng quạc,bay thành từng đám mây đen trên những ngọn cây trần trụi, báo hiệu trời xấu.

Từ khi rời Maxcơva, Tachiana mãi vẫn không sao quen được cái tỉnh lỵ đìu hiu với những ngôi nhà nhỏ bé, những cánh cửa hàng rào kêu ken két, những buổi tối vắng lặng, nghe rõ cả tiếng ngọn đèn dầu hỏa nổ lép bép.

Mình ngốc quá! Nàng nghĩ, không dưng lại bỏ Maxcơva, nhà hát và bạn bè! Đáng lẽ phải đưa Varia đến với bà vú ở Puskinô, ở đó chưa bị máy bay bắn phá lần nào,còn mình thì cứ việc ở lại Maxcơva. Trời, mình thật ngốc.

Nhưng không thể trở lại Maxcơva được nữa rồi. Tachiana quyết định biểu diễn trong các trạm quân y lưu động – trong thị trấn cũng đã có vài trạm – và thấy trong lòng cũng khuây khỏa đôi chút. Nàng còn thấy thích cái tỉnh lỵ ấy nữa là khác, nhất là khi đông về và tuyết rơi phủ đầy. Ngày lại ngày, êm dịu và xám ngắt. Sông mãi chưa đóng băng, mặt nước màu xanh lá cây bốc khói.

Tachiana quen dần với tỉnh lỵ và cả với ngôi nhà không phải của mình. Nàng đã quen chiếc dương cầm lạc giọng, những tấm ảnh úa vàng treo trên tường, những tấm ảnh chụp những thiết giáp hạm bảo vệ bờ biển cổ lỗ. Trước kia, cụ Pôtapốp làm thợ máy tàu biển. Trên cái bàn giấy phủ dạ xanh của cụ có đặt mô hình tuần dương hạm “Grômôbôi”, mà cụ đã làm việc. Varia bị cấm không được sờ vào mô hình ấy. Và nói chung, con bé bị cấm không được sờ vào bất cứ vật gì.

Tachiana biết cụ Pôtapốp có con trai đang phục vụ trong hạm đội Hắc Hải. Trên bàn, bên cạnh mô hình tuần dương hạm, có bức ảnh của anh. Đôi lúc, Tachiana cầm bức ảnh lên xem, mê mải ngắm nghía rồi nhíu đôi lông mày thanh thanh lại, nghĩ ngợi. Nàng cứ có cảm giác là đã gặp anh ở một nơi nào đó, nhưng đã lâu lắm rồi, trước cả cuộc hôn nhân không toại nguyện của nàng. Nhưng ở đâu? Và khi nào nhỉ?

Anh lính thủy nhìn nàng bằng đôi mắt bình thản, hơi có vẻ chế nhạo, như muốn hỏi: “Thế nào chị? Chẳng lẽ chị vẫn chưa nhớ ra được là chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi hay sao?”

- Không, tôi không nhớ.

Nàng trả lời khe khẽ.

- Mẹ ơi, mẹ nói chuyện với ai thế?

Varia từ phòng bên hỏi to.

- Mẹ nói với cái dương cầm con ạ!

Tachiana cười, trả lời con.

Vào giữa mùa đông bắt đầu có những lá thư gửi cho cụ Pôtapốp, những lá thư do cùng một bàn tay viết. Tachiana xếp những lá thư ấy lại trên bàn.

Một lần, đang đêm nàng chợt thức giấc. Ánh tuyết mờ mờ chiếu qua cửa kính. Con mèo xám Ackhip của cụ Pôtapốp để lại đang ngáy khò khò trên đi văng.

Tachiana khoác áo choàng mỏng vào phòng làm việc của cụ Pôtapốp và đứng một lát bên cửa sổ. Một con chim lặng lẽ bay vụt ra khỏi cây làm tuyết đổ ào xuống.Tuyết bay như một thứ bụi trắng, phủ một lớp mỏng lên mặt kính.

Tachiana thắp ngọn nến trên bàn, ngồi xuống ghế bành và đăm đắm nhìn ngọn nến.Ngọn nến cũng chả buồn động đậy. Sau đó nàng thận trọng lấy từ trong chồng thư ra một bức, bóc phong bì, nhìn chung quanh và bắt đầu đọc:

“Cha yêu quý, thế là con đã nằm bệnh viện được một tháng. Vết thương của con không nặng lắm. Nó đang lên da non. Xin cha đừng lo lắng và chớ hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Con van cha đấy!

“Con luôn nhớ đến cha, đến ngôi nhà của cha con ta, đến tỉnh lỵ của chúngta. Tất cả những cái đó xa xăm quá, tưởng như ở đâu mãi chân trời. Con nhắm mắt lại và thấy con mở cửa hàng rào, bước vào vườn. Mùa đông, tuyết xuống, nhưng con đường nhỏ dẫn tới phong đình bên dốc đã được sửa sang sạch sẽ và băng bụi phủ đầy những khóm tử đinh hương. Lò sưởi trong phòng kêu tí tách. Khói bạch dương thoang thoảng. Cây dương cầm, cuối cùng cũng đã được lên dây lại và cha đã cắm những cây nến vàng hình xoắn ốc con mua từ Lêningrát vào những chân đèn.Và vẫn những bản nhạc ấy trên chiếc đàn: bản tự khúc của vở nhạc kịch Con ĐầmPích và tình ca Trên Những Bờ Tổ Quốc Xa Xôi. Không biết quả chuông treo ở cửa có kêu không? Thế là con vẫn chưa kịp chữa. Chả lẽ rồi con lại được gặp tất cả những cái đó? Chả lẽ rồi con lại được đổ nước giếng trong bình ra mà tắm sạch bụi đường xa? Cha còn nhớ không? Ôi nếu cha biết được rằng ở đây, ở một nơi xa xôi, con yêu mến tất cả những cái đó biết chừng nào! Cha đừng ngạc nhiên, nhưng con nói với cha một cách thật đứng đắn rằng con nhớ đến những cái đó trong những phút ác liệt nhất của trận đánh. Con biết rằng con đang bảo vệ không riêng gì tất cả đất nước mà cả cái góc nhỏ bé và thân yêu ấy trong lòng con: tức là cả cha, cả khu vườn nhà ta, cả những em bé đầu bù tóc rối trong làng ta, cả những cánh rừng bạch dương bên kia sông và cả con mèo Ackhip nữa. Xin cha đừngg cười và đừng lắc đầu cha nhé!

“Có thể là khi ở bệnh viện ra, người ta sẽ cho con về nhà trong một thời gian ngắn. Điều đó chưa chắc lắm. Tốt hơn hết là cha đừng đợi”.

Tachiana ngồi rất lâu bên cạnh bàn, mắt mở to nhìn qua cửa sổ, nơi bình minh bắt đầu hé lên trong một màu xanh dày đặc, và nghĩ rằng sắp tới đây thôi, ngày một ngày hai, có thể sẽ có một người mà nàng không quen biết từ mặt trận trở về ngôi nhà này và người đó sẽ đau khổ khi phải gặp những người xa lạ ở đây và phải trông thấy mọi vật hoàn toàn không giống như ý người đó muốn.

Sáng hôm sau, Tachiana sai Varia lấy xẻng ra dọn con đường dẫn tới phong đình trên bờ dốc. Cái lầu đã hoàn toàn đổ nát. Những cột gỗ mốc meo, rêu phủ đầy,Tachiana tự tay chữa quả chuông con treo trên cửa. Trên quả chuông có một hàng chữ đúc đến buồn cười Ta treo trên cửa - Hãy giật cho vui. Tachiana đụng vào quả chuông. Con mèo Ackhip khó chịu, ve vẩy đôi tai, rồi bực dọc, đi ra khỏi nhà: có lẽ nó cho tiếng chuông vui vẻ kia là càn rỡ.

Trưa hôm đó, Tachiana, má ửng hồng, cười nói ầm ĩ, mắt quầng thâm vì xúc động, từ ngoài phố về, dắt theo một ông lão lên dây đàn, một người Tiệp đã Nga hóa hoàn toàn. Ông lão làm nghề chữa đèn cồn, đèn dầu hỏa, búp bê, ắccoócđêông và lên dây đàn dương cầm. Lão thợ sửa đàn có một cái họ rất buồn cười: “Nêviđan”(Của hiếm). Sau khi lên dây đàn, ông già Tiệp nói rằng chiếc đàn cũ nhưng rất tốt. Không cần ông nói Tachiana cũng biết rõ điều đó.

Khi ông lão về rồi, Tachiana cẩn thận lục khắp các ngăn kéo bàn và tìm thấy một gói to những cây nến hình xoắn ốc. Nàng cắm vào các chân nến đặt trên chiếc dương cầm. Buổi tối hôm ấy, nàng thắp nến lên, ngồi trước dương cầm và tiếng nhạc tràn ngập cả ngôi nhà.

Khi Tachiana ngừng chơi và tắt nến đi thì một làn khói thơm tỏa ra khắp các phòng y như trên cây thông ngày lễ đầu năm.

Varia không im lặng được nữa.

- Sao mẹ lại đụng vào đồ vật của người khác? – Nó nói với Tachiana. - Mẹ cấm con, còn mẹ thì lại đụng vào đủ mọi thứ: nào chuông, nào nến, nào đàn. Mẹ lại đặt những bản nhạc của người ta lên trên dương cầm nữa.

- Bởi vì mẹ là người lớn.

Tachiana trả lời.

Varia chau mày, ngờ vực nhìn mẹ. Lúc này Tachiana không giống người lớn một chút nào. Mặt nàng tươi hẳn lên vì nom nàng giống cái cô thiếu nữ tóc vàng đã đánh rơi chiếc hài pha lê trong cung vua nhiều hơn. Chính Tachiana kể cho Varianghe chuyện cô gái ấy.
*
* *
Ngay từ lúc còn ngồi trên tàu hỏa, trung úy Nikôlai Pôtapốp đã tính rằng anh chỉ có thể ở nhà với cha anh nhiều lắm là hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Hạn nghỉ phép thì ngắn mà cuộc hành trình đã chiếm mất gần hết thời gian.

Tàu hỏa tới thành phố vào ban ngày. Vừa bước chân xuống ga, trung úy được ông lão trưởng ga là người quen cho biết cha anh mất đã được một tháng và hiện giờ một nữ ca sĩ trẻ tuổi cùng đứa con gái của nàng đang ở nhà anh.

- Chị ta người tản cư.

Ông trưởng ga nói.

Nikôlai im lặng và nhìn ra ngoài cửa kính, nơi những hành khách mặc áo bông, đi ủng dạ, tay cầm ấm nước, đang chạy. Anh thấy chóng mặt.

- Vâng, - Ông trưởng ga nói. - Cụ nhà ta người thật tốt bụng. Thế mà cụ chết đi không kịp gặp con trai.

- Bao giờ lại có tàu ra, thưa bác?

Nikôlai hỏi.

- Năm giờ sáng mai. – Ông lão nói, rồi im lặng một lát và tiếp. – Anh lại đàng tôi chơi. Bà lão nhà tôi sẽ pha trà, dọn bữa tối cho anh. Anh về nhà bây giờ cũng vô ích.

- Cảm ơn bác.

Nikôlai trả lời và đi về phía bờ sông. Trên cao là một bầu trời xanh xám. Tuyết lơ thơ, bay chênh chếch giữa trời và đất. Mấy con quạ bước đi bước lại trên con đường có những đống phân ủ. Trời sẩm tối. Gió thổi từ bên kia bờ sông, từ những cánh rừng, làm anh chảy nước mắt.

- Làm thế nào được! – Nikôlai nói. – Ta về chậm quá! Và tất cả: cả tỉnh lỵ này, cả con sông, cả ngôi nhà, giờ đây đối với ta gần như hoàn toàn xa lạ!

Anh ngoảnh nhìn về phía sườn dốc bên kia thành phố. Ở đó, khu vườn nằm trong băng bụi và ngôi nhà ánh lên một màu đen. Khói bay ra từ ống khói của ngôi nhà. Gió đưa khói bay về cánh rừng bạch dương.

Nikôlai thong thả bước về phía nhà mình. Anh định không vào nhà mà chỉ đi ngang thôi, hoặc có thể, anh sẽ ngó qua mảnh vườn xưa, đứng một lát trong cái lầu nghỉ chân cũ kỹ. Anh không sao chịu nổi, khi nghĩ rằng trong ngôi nhà của cha anh giờ đây đã có những người hoàn toàn xa lạ, vô tình đến ở. Tốt hơn hết là chẳng nhìn thấy gì hết để khỏi phải đau lòng, cứ đi đi và lãng quên dĩ vãng.

- Ờ, - Nikôlai nghĩ bụng, - con người mỗi ngày một trưởng thành, mỗi ngày nhìn sự vật chung quanh một cách khắc khổ hơn.

Nikôlai về đến nhà khi trời tối. Anh nhẹ nhàng mở cửa vào vườn, nhưng cánh cửa vẫn kêu ken két. Mảnh vườn như giật mình. Tuyết đọng trên cành rơi xào xạc. Anh nhìn quanh. Trên con đường nhỏ dẫn tới phong đình, tuyết đã được dọn sạch sẽ. Nikôlai vào trong lầu, đặt hai bàn tay lên trên cái lan can cũ kỹ. Đằng xa, bên kia rừng, bầu trời hồng lên, mờ nhạt: có lẽ trăng đã nhô ra sau những đám mây. Nikôlai cất mũ, lấy tay vuốt tóc. Chung quanh anh yên lặng, chỉ ở dưới kia, dưới chân đồi, mấy người đàn bà xách những chiếc xô rỗng kêu loảng xoảng đi lấy nước ở các lỗ băng.

Anh chống cùi tay trên lan can, nói khẽ:

- Có thể nào lại như thế?

Có ai đó nhè nhẹ đặt tay lên vai anh. Nikôlai ngoảnh lại. Đàng sau anh là một thiếu phụ trẻ, có khuôn mặt xanh xao và nghiêm trang, đầu quàng khăn len. Thiếu phụ nhìn anh bằng đôi mắt sâu thẳm và chăm chú. Trên mi mắt và trên má thiếu phụ những bông tuyết tan dần. Có lẽ đó là tuyết từ trên cành rơi xuống.

- Anh đội mũ vào kẻo cảm lạnh đấy! - Thiếu phụ nói khẽ. - Mời anh vào nhà. Không nên đứng ở đây.

Nikôlai yên lặng. Thiếu phụ nắm lấy tay áo của anh và dẫn anh theo con đường nhỏ đã được dọn sạch. Nikôlai dừng lại ở bên thềm. Xúc động làm anh nghẹn ở cổ họng, không sao thở được. Thiếu phụ vẫn nói khe khẽ:

- Không sao, xin anh đừng ngại vì ở đây có tôi. Cảm giác đó sẽ qua ngay thôi.

Nàng dậm chân để rũ tuyết bám vào giày. Tức khắc quả chuông trong phòng mắc áo reo lên lanh lảnh trả lời. Nikôlai thở dài thực mạnh, lấy hơi.

Anh bước vào nhà, vừa đi vừa bối rối, lẩm bẩm điều gì. Ở phòng ngoài, mới cởi áo choàng anh đã ngửi ngay thấy mùi khói bạch dương thoang thoảng và nhìn thấy con mèo Ackhip. Nó đang ngồi trên đi văng, ngáp dài. Một cô bé tóc bím đứng bên đi văng và nhìn anh bằng cặp mắt sung sướng. Nhưng nó không nhìn mặt anh mà nhìn mấy viền vàng trên tay áo anh.

- Vào đây, anh!

Tachiana nói và dẫn anh vào bếp.

Trong bếp, anh thấy có bình nước giếng lạnh và chiếc khăn tay gai quen thuộc thêu hình những chiếc lá sồi đã được treo sẵn ở đấy.

Tachiana trở ra. Đứa bé gái mang xà phòng cho Nikôlai và nhìn anh cởi áo, rửa mặt. Nỗi bối rối trong lòng anh vẫn chưa tan.

- Mẹ cháu là ai vậy?

Anh hỏi con bé và đỏ ửng mặt. Câu hỏi đó anh hỏi chỉ để mà hỏi.

- Mẹ cháu cứ tưởng mẹ cháu là người lớn. – Con bé thì thầm với một vẻ bí mật. -Thế nhưng mà mẹ cháu chẳng phải là người lớn tí nào. Mẹ cháu chỉ là một cô bé nhóc còn xoàng hơn cả cháu nữa kia.

- Tại sao? – Anh hỏi.

Nhưng con bé không trả lời, nó nhoẻn miệng cười và chạy ra ngoài.

Suốt buổi tối hôm ấy, anh không sao xua đuổi được cái cảm giác kỳ lạ là mình đang ở trong một giấc mộng nhẹ nhàng nhưng rất vững chắc. Mọi vật ở trong nhà xếp đặt đúng theo ý anh muốn. Vẫn những bản nhạc ấy trên đàn dương cầm, vẫn những cây nến hình xoắn ốc đang cháy, nổ tí tách và chiếu sáng căn phòng làm việc của cha anh. Cả những bức thư anh gửi từ bệnh viện về cũng thấy nằm trên bàn, dưới chiếc địa bàn cũ kỹ ngày xưa mà ông cụ vẫn thường dùng chặn lên trên những bức thư. Sau khi uống trà. Tachiana dẫn Nikôlai ra thăm mộ cha anh ở bên kia rừng. Mặt trăng mờ mờ đã lên cao. Những cây bạch dương lấp loáng một cách yếu ớt trong ánh trăng, ném những bóng nhẹ xuống tuyết.

Đêm đã khuya, Tachiana ngồi trước dương cầm, nhẹ nhàng lựa phím đàn, rồi ngoảnh lại nhìn Nikôlai và nói:

- Lúc nào tôi cũng có cảm giác là tôi đã gặp anh ở đâu rồi.

- Vâng, cũng có lẽ, - anh đáp.

Nikôlai nhìn thiếu phụ. Ánh nến ở bên cạnh soi sáng nửa khuôn mặt nàng. Anh đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng rồi dừng lại, anh nói bằng một giọng trầm trầm.

- Không, tôi không nhớ ra được!

Tachiana ngoảnh lại, sợ sệt nhìn Nikôlai nhưng không nói gì hết.

Nàng đã sửa soạn chỗ ngủ cho Nikôlai trên chiếc đi văng trong phòng làm việc, nhưng anh không sao nhắm mắt được. Mỗi phút trong ngôi nhà này đối với anh thựcquý báu và anh không muốn bỏ mất phút nào. Anh nằm, chăm chú nghe tiếng bước chân rón rén của con mèo Ackhip, tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng thì thào của Tachiana với người vú già sau cánh cửa đóng. Rồi những giọng nói im bặt, người vú đã đi, nhưng vệt sáng ở dưới cánh cửa vẫn không tắt. Anh nghe thấy tiếng lật giở các trang giấy loạt soạt: chắc Tachiana còn đọc sách. Anh đoán nàng thức cốt để gọi anh dậy cho kịp tàu. Anh muốn nói với nàng rằng anh cũng không ngủ, nhưng anh không dám gọi.

Bốn giờ sáng Tachiana khe khẽ mở cửa và gọi Nikôlai. Anh cựa mình.

- Anh dậy đi thôi, đến giờ rồi. – Nàng nói – Tôi rất tiếc phải đánh thức anh.

Tachiana tiễn anh ra ga. Hai người đi qua tỉnh lỵ còn đang ngủ im lìm. Sau hồi chuông thứ hai họ từ giã nhau. Tachiana đưa cả hai tay cho Nikôlai và nói:

- Anh nhớ viết thư nhé! Giờ đây chúng ta đã là những người thân. Phải không?

Nikôlai không trả lời, anh chỉ gật đầu.

Mấy hôm sau, Tachiana nhận được một bức thư của Nikôlai viết ở dọc đường.

“Tôi nhớ ra chúng ta đã gặp nhau ở đâu, - anh viết, - nhưng tôi không muốn nói với em khi còn ở nhà. Em còn nhớ Krưm năm một ngàn chín trăm hai mươi bảy không? Mùa thu. Những cây tiêu huyền cổ thụ. Công viên Livađia. Trời u ám. Biển nhợt nhạt. Tôi đi theo con đường nhỏ tới Orêanđa. Trên chiếc ghế dài bên cạnh đường có một thiếu nữ ngồi. Cô ta chừng mười sáu tuổi. Trông thấy tôi, cô ấy đứng dậy và đi về phía tôi. Khi chúng tôi gặp nhau, tôi liếc nhìn cô ấy. Cô ta đi qua tôi rất nhanh, nhẹ nhàng, tay cầm một cuốn sách mở rộng. Tôi dừng lại, nhìn theo cô rất lâu. Thiếu nữ đó chính là em. Tôi không thể nhầm được. Tôi nhìn em và cảm thấy rằng có một người con gái vừa đi qua ngay bên cạnh tôi, người đó có thể làm tan vỡ cả đời tôi mà cũng có thể đem lại cho tôi hạnh phúc. Tôi hiểu rằng mình có thể yêu người con gái ấy đến hy sinh cả bản thân mình. Lúc đó tôi đã biết rằng tôi phải tìm em cho bằng được, dù cho có phải trả bất cứ giá nào. Tôi nghĩ như vậy, nhưng lại vẫn cứ đứng lặng. Vì sao? Tôi cũng chẳng hiểu. Từ ngày ấy tôi yêu Krưm và con đường nhỏ, ở đó tôi đã gặp em trong giây lát và mất em vĩnh viễn. Nhưng cuộc đời đã thương tôi và tôi lại được gặp em. Nếu mọi việc đều ổn thỏa và em cần đến cuộc đời tôi, thì tất nhiên nó sẽ là của em. À, tôi đã thấy bức thư của tôi bị bóc ra để ở trên bàn cha. Tôi đã hiểu tất cả và tôi chỉ biết từ nơi xa xôi này gửi lời cảm ơn em”.

Tachiana đặt lá thư xuống, đôi mắt mơ màng nhìn qua cửa sổ ra mảnh vườn tuyết phủ:

- Trời, mình có ở Krưm bao giờ đâu? Chưa bao giờ! Nhưng lúc này cái đó có gì là quan trọng? Và để cho anh ấy tuyệt vọng làm gì? Và cả mình nữa…

Nàng cười, đưa tay lên che mắt. Bên ngoài cửa sổ, hoàng hôn mờ mờ vẫn còn cháy đỏ, mãi không sao tắt được.
Kim Ân dịch


2. Truyện ngắn "Hai người đàn bà Xóm Trại" của Nguyễn Quang Thiều:

Hai người đàn bà Xóm Trại
Nguyễn Quang Thiều

Có một mùa hoa cải nở vàng bên bến sông
Vào lúc lên đèn thì trời có mưa. Có lẽ đây là cơn mưa cuối đông, vì chỉ còn mươi ngày nữa là Tết. Gió từ bãi sông rộng thổi hắt từng làn mưa bụi về phía chân đê. Tiếng mưa mỏng và nhẹ, như tiếng người thì thào đâu đó. Cả triền bãi rộng chạy ven đê làng Chùa chỉ còn lại một ngôi nhà nhỏ. Trong ngôi nhà ấy có hai người đàn bà đã sống với nhau mấy chục năm nay. Bây giờ tóc họ đã bạc trắng. Và lúc này họ đang ngồi trong chái bếp nhỏ ấm áp bởi hơi rơm, lá chuối khô và lửa bếp. Chiếc mâm gỗ có một vết nẻ to được đặt trên nền bếp bằng đất lâu ngày cứng lại như đá. Trên mâm chỉ độc một bát canh dưa nấu tép bốc hơi nghi ngút. Hai bà lão ngồi ở hai phía mâm đối diện nhau. Hai cặp đầu gối xương xẩu nhô cao đỡ lấy hai gương mặt nhăn nheo và sạm đen.
- Bà mua mớ tép này của ai? Bà lão Ân hỏi và lấy đũa đảo bát canh.
- Mấy đứa trẻ trâu - Bà lão Mật trả lời - Chúng nó mang vào tận đây.
- Mớ tép này mấy đồng?
- Hai ngàn.
- Bà cứ có tật mua nhiều. Không bảo chúng nó sẻ lấy một nửa.
- Có dúm tép bằng dúm muối, sẻ một nửa còn lại chúng nó bán cho ai.
Hai bà lão lặng lẽ bưng hai bát cơm xới vơi như cơm cúng và nhón nhén ăn.
- Nấu tép dưa phải nấu cho dừ - Bà lão Ân càu nhàu - Xương cứng ê cả răng.
- Tép bằng lỗ mũi xương ở đâu ra.
- Bà còn khỏe răng, chứ tôi sờ mãi chẳng được một cái.
Hai bà lão vừa ăn vừa lầm rầm những chuyện như thế. Bên ngoài ngôi nhà mưa vẫn thì thào. Trong tiếng mưa vẳng lên tiếng chó từ mấy gia đình ở chân đê bên kia.
- Đấy, tôi nói rồi - Bà lão Ân khẽ kêu lên và ho - Hóc xương cá rồi đấy. Khổ.
- Bà cứ khạc mấy cái là nó ra - Bà lão Mật lo lắng. Bà lão Ân đặt bát cơm ăn dở xuống mâm và quay sang phía khác khạc mấy cái.
- Có khỏi không?
- Có được đâu. Không khéo lại chết vì hóc xương tép.
- Bà cứ hay dở mồm - Bà lão Mật nói. Và chợt reo lên - A, để tôi chữa mẹo cho.
Bà lão Mật vội vàng cầm lấy hai chiếc đũa cả dính cơm và lom khom đến bên bà lão Ân.
- Bà ngồi im nhé. Cứ nhắm mắt lại.
Bà lão Mật vừa nói vừa đưa hai chiếc đũa cả cách đỉnh đầu bà lão Ân chừng gang tay. Rồi vừa gõ hai cái đũa cả vào nhau và vừa lầm rầm như người niệm chú: "Gần ra, xa vào". Đọc đúng bảy lần thì bà dừng lại và hỏi:
- Được chưa bà?
Bà lão Ân không trả lời. Bà vất vả nuốt nuốt nước miếng. Một lát sau bà nói:
- Được rồi. Chả ăn nữa. Sáng mai đun lại cho kỹ. Ăn xong bữa cơm tối, hai bà lão bỏ thêm cái gốc tre vào bếp và lấy trầu ra ăn. Bà lão Ân lấy một miếng cau tươi đưa cho bà lão Mật.
- Ở đâu mà cau tươi thế này? Bà lão Mật hỏi.
- Cau từ hôm cưới con nhà Phấn. Chúng nó nhét đầy cả túi.
- Con nhà Phấn à?
- Con nhà nó chẳng ra đón bà vào ăn cỗ là gì. Bà ốm bà không đi mà lại còn không nhớ?
Sau đó hai bà lão im lặng nhai trầu. Ngọn lửa ăn dần vào gốc tre khô. Ánh lửa gần gũi và xa xôi chập chờn trong hai đôi mắt đục mờ.
- Thế Tết năm nay định gói bao nhiêu bánh? - Bà lão Ân quay lại phía bà lão Mật hỏi.
- Gói bao nhiêu thì gói. Nhưng vừa vừa thôi. Năm nào cũng bỏ mốc meo cả.
- Cứ nấu ba chục cái.
- Gớm, bà làm như nấu cho cả làng.
- Cứ nấu thế. Trẻ con trong làng ra chơi thì cho chúng nó. Rồi... nhỡ có ai về...
Nghe bà lão Ân nói vậy, bà Mật từ từ ngước đôi mắt đục mờ lên nhìn một lúc lâu rồi hỏi khẽ:
- Ai về?...
*
* *
Mấy chục năm về trước. Cũng những đêm mùa đông giáp Tết ở trong chái bếp như thế này. Hai bà lão ngồi trước bếp lửa và hồ hởi nói với nhau về chuyện gói bánh chưng. Ngày ấy họ còn trẻ lắm. Cả hai người mới ngoài hai mươi tuổi.
"Năm nay thế nào hai anh ấy cũng về - Mật thì thầm - chị Ân nhỉ"
"Tao cũng mong quá - Ân nói như bằng hơi thở - đêm qua tao mơ thấy con gà trống mổ vào ngón tay út. Mấy năm rồi chẳng có ai về ăn Tết".
"Em phát ốm vì chờ thôi".
"Giá như có đứa con... thì họ bao giờ về cũng được". "Chị Ân ơi- Mật chợt kêu lên và ôm lấy Ân - Mấy đêm trước em cũng mơ. Em thấy anh ấy về và ... ngay đêm đó...".
Nói đến đó mặt Mật ửng đỏ và đôi mắt Mật vừa lấp lánh vui, vừa bối rối.
"Đêm đó thì sao" Ân lườm mắt, mắng yêu Mật - "Con khỉ".
"Ngay đêm đó em mơ em có mang. Lúc tỉnh dậy sờ bụng em thấy khang khác. Em sợ lắm".
"Con này nói chuyện vớ vẩn"
"Thật đấy mà, đến hôm nay em vẫn thấy bụng mình khang khác như thế - Mật nói và cầm tay Ân kéo đặt lên bụng mình- Chị sờ mà xem. Đấy, chị thấy khác không?"
Vì tò mò, Ân đưa tay ấn vào bụng Mật. Và một lúc sau Ân cũng hoảng hốt vì cảm thấy hình như trong bụng Mật cũng không bình thường.
"Này... Ân thì thào - Chồng đi vắng, hay mày trót dại..."
"Chị bảo dại cái gì?..."
"Có thằng nào nó rủ rê mày không?"
"Không, làm gì có chuyện ấy. Có mà trôi sông"?
"Tôi phải trông nom cô - Ân nói - Có chuyện gì thì tôi và cô cứ là bỏ xóm bãi này mà lên rừng đấy nhé"
Ân và Mật đều mồ côi bố mẹ. Và lớn lên lấy chồng, họ đưa nhau ra xóm bãi lập nghiệp. Rồi một đêm hai người đàn ông của họ khăn gói theo một đơn vị bộ đội vượt sông Đáy về phía núi Miếu Môn. Trước khi qua sông hai người đàn ông dặn: "Hai chị em dọn về mà ở với nhau. Đến Tết, kháng chiến thành công chúng tôi về". Từ ngày đó Mật dọn sang ở với Ân. Họ sống như hai chị em ruột với nhau.
Và khi Tết đến, cả hai lại xuống bến rửa lá dong và vo gạo. Má họ rực đỏ trong gió lạnh cuối đông. Tiếng cười họ trong trẻo và rạo rực vang trên mặt sông mùa nước cạn yên tĩnh. Nhất là vào đêm luộc bánh, cả hai đều thấy hồi hộp lạ lùng.
Họ cảm thấy da thịt họ thấm đầy hơi lửa bếp. Khi bánh chín, họ chọn những chiếc bánh đẹp nhất, chắc nhất để phần hai người đàn ông của họ. Nhưng những ngày Tết thường vụt đi như tên bắn. Cánh bãi không còn tiếng pháo tép của trẻ con nữa. Và những bầy sáo tháng Giêng đã loáng thoáng bay về, Ân và Mật mang những chiếc bánh đã khô lá luộc lại. Cho đến khi ở đầu góc bánh đã lấm tấm mốc xanh thì họ không còn bình tĩnh chờ đợi nữa. Cả hai cùng khóc.
Đêm xuống, hai người đàn bà trẻ nằm xoay lưng vào nhau trên giường lót rơm và giấu tiếng thở dài. "Chị ngủ à, chị Ân" - Mật thường bắt đầu câu hỏi như thế trong đêm.
"Chưa". Ân trả lời trong chăn.
"Sao Tết năm nay các anh ấy lại không về nhỉ?"
"Có giời mà biết - Ân giận dỗi - Chắc chiến dịch bận"
"Mai mình cứ luộc lại bánh chị Ân ạ"
"Luộc bánh thành cháo à. Bỏ ra mà ăn hết đi"
"Ăn làm sao hết những hai chục cái"
Sau những câu chuyện như vậy cả hai chị lại chìm vào giấc ngủ lơ mơ. Thường sang Giêng gió sông ấm hơn và đất bãi phả hương phù sa dễ chịu làm giấc ngủ của họ thường có những cơn mơ. Trong mơ, Ân lại thấy con gà trống tía với chiếc mào đỏ rực, cái ức rộng, và đôi cựa bóng như gà mổ mổ vào ngón tay út của mình. Còn Mật vẫn cơn mơ vừa hạnh phúc vừa lo sợ. Mật thấy người lính trở về và ngay đêm đó Mật có mang. Và cứ tỉnh giấc, Mật lại dè dặt đặt tay lên bụng. Rồi Mật mơ hồ lo lắng khi cảm thấy bụng mình khang khác.
Rồi vào một ngày giáp Tết, chồng Ân đột ngột ghé qua nhà. Tiếng gõ cửa gấp gáp trong đêm làm Mật choàng tỉnh. "Ai đấy? Ai đấy?" Mật quýnh lên hỏi.
"Tôi đây. Bấc đây"
"Giời ơi! Mật lập cập kêu lên - Anh Bấc..."
Khi cánh cửa vửa mở thì người lính ùa vào ôm lấy Mật.
"Anh Bấc - Mật hoảng hốt - Mật đây. Em đây mà"
Vòng tay người lính vội rời ra và buông thõng xuống.
"Ân đâu?"
"Chị Ân đi Kim Bôi sáng nay cùng mấy chị trong xóm, xem có lá dong rẻ hay quýt cam gì đấy mua về bán chợ Tết. Em ở nhà trông nhà".
"Bao giờ Ân về?"
"Có lẽ mai chị Ân về, thế bao giờ anh đi?"
Bấc đứng lặng không trả lời. Gió sông lạnh thổi xốc vào ngôi nhà tranh bé nhỏ.
"Vào nhà đi anh, để em đốt đống lửa cho ấm"
Một lát sau ngọn lửa đã chui qua những cành củi khô và vươn lên.
"Em nấu cho anh bát cơm nhé?"
"Anh ăn rồi. Liệu ngày mai Ân có về kịp không?"
"Chị ấy sẽ nóng ruột mà về. Sao các anh biệt tin lâu ngày thế? Nhà em ra sao rồi anh?"
Mật rụt rè hỏi và đợi câu trả lời.
"Sau ngày sang sông, chúng tôi cùng nhau ở một đơn vị được một tháng. Sau đó mỗi người đi một đơn vị. Nghe đâu Ngữ đang ở Bắc Cạn. Ở nhà không nhận được tin gì của nó à?"
"Không - Mật nói như khóc - Em và chị Ân Tết nào cũng mong các anh về. Năm nào hai chị em cũng gói nhiều bánh..."
"Mình sắp đánh lớn. Đơn vị tôi đang chuyển quân lên mặt trận Hòa Bình. Hai chị em ở nhà có khỏe không?"
"Chúng em thế nào cũng chịu được. Chỉ lo cho các anh hòn đạn mũi tên. Sao anh về chẳng tin cho chị Ân biết trước?"
"Đang kháng chiến mà cô cứ làm như... - Người lính cười. Gió thổi mạnh hơn qua những tàu chuối ngoài vườn. Sương như xuống dầm dề trên mái rạ. Ngọn lửa như ngái ngủ cháy lờ đờ trên củi.
"Anh nghỉ một tí đi, kẻo mệt - Mật nói - Hết canh ba rồi".
"Cô đi nằm đi. Tôi ngồi đây. Cũng sắp sáng rồi".
Mật không trả lời. Chị ngồi im lặng nhìn những mẩu than nhấp nháy như những ngôi sao mùa đông. Giá như đêm nay Ân ở nhà thì Ân hạnh phúc biết bao nhiêu. Và giá như người lính kia là chồng chị. Nghĩ đến đó máu trong người chị dào lên chảy xiết. Chị thấy mặt mình nóng rát. Chị nhớ đến cơn mơ thường gặp và chị muốn khóc.
"Chúng em ở nhà khổ lắm - Mật thổn thức - Giá như có mụn con thì đỡ khổ"
"Sắp hòa bình rồi. Chúng tôi sẽ về cả thôi. Rồi không có sức mà đẻ".
Người lính nói và cười vang. Mật cũng bật cười theo. Nước mắt chị giàn giụa.
Ngọn lửa cuối cùng đã chui vào đống than đỏ và ngủ vùi trong đó. Mật ngồi trong bóng tối, miệng lầm rầm: "Chị Ân ơi về mau lên. Anh Bấc đang đợi, chị Ân ơi, mau lên".
*
* *
Cái gốc tre đã cháy hết, hai bà lão vẫn ngồi im lặng. Hai gương mặt sạm đen và nhăn nheo như nằm bất động trên hai đầu gối xương xẩu. Một con chuột nhắt bé như hạt mít từ góc bếp bò ra. Nó rón rén leo trên chiếc mâm gỗ. Rồi bất chợt nó nhảy phóc lên miệng bát làm chiếc bát ăn cơm đổ kềnh:
- Bà ngủ rồi đấy à? Bà lão Ân quay sang phía bà lão Mật hỏi.
- Ngủ đâu mà ngủ - Bà lão Mật mở mắt nói và lại nhai tiếp miếng trầu còn ngậm trong miệng - Ăn miếng trầu thế mà say say.
- Chiều bà có che kỹ cái chuồng gà không?
- Che rồi. Tôi cho uống cả nước vôi trong. Sương thế này sợ rù mất mấy con gà.
- Mẹ Phấn nó bảo Tết năm nay đón hai cụ vào nhà nó ăn Tết. Nó bảo hai cụ sống ngoài bãi như ma ấy.
- Ăn uống được gì đâu mà vào. Nó còn con cháu, khách khứa, thì giờ đâu mà hầu mình. Thôi chết, tôi bỏ quên cái rổ có cái áo giặt dở lúc chiều.
- Bà lú lẫn hơn cả tôi - Bà lão Ân nói.
- Chiều đang giặt dở thì bà Mên tưới trên bãi gọi chuyện. Thế rồi cứ quên mà về. Tôi phải xuống bến tôi lấy.
- Thôi mưa gió tối tăm thế này, đi rồi ngã ra đấy. Có cái rổ rách với cái áo nát, ma nó lấy.
Nhưng thấy bà lão Mật cứ khăng khăng đòi đi, bà lão Ân với lấy cái nón đưa cho bà lão Mật và dặn: "Đi chầm chậm thôi, bà ạ". Trời đêm mênh mang. Bà lão Mật lom khom xuống bến. Bà đã đi không biết bao nhiêu lần trên con đường này. Và con đường đã ăn sâu vào trí nhớ bà.
Khi cắp rổ định quay về thì có tiếng cá quẫy mạnh sát bờ. Một vật gì đó vô hình rơi vào ký ức bà tựa như cái quẫy của đuôi cá. Và rồi những vòng sóng kỷ niệm cứ loang ra, loang mãi. Bà từ từ ngồi xuống nhìn dòng sông trong đêm. Nơi đây, mấy chục năm về trước bà đã tiễn chồng theo bộ đội sang sông. Và chính nơi đây, bà đã tiễn Bấc đi trong lần người lính ghé qua nhà không gặp vợ mình.
*
* *
Suốt cả ngày hôm ấy vẫn không thấy Ân về - Bao nhiêu kỷ niệm đều mờ đi theo tuổi tác, nhưng những đêm như thế vẫn bám dai dẳng trong bà lão Mật - Hôm ấy, cứ thỉnh thoảng Mật lại chạy lên mặt đê ngóng về phía xa. Buổi tối ăn cơm xong, Bấc nói:
"Khuya tôi phải đi. Mai Ân về bảo tôi vẫn khỏe".
"Chỉ sáng mai là chị ấy về thôi - Mật nói như van - Tối mai anh hãy đi".
"Không được đâu. Tối nay tôi phải có mặt nơi đóng quân".
Khoảng chín giờ tối thì Bấc lên đường. Mật tiễn Bấc xuống bến sông. Khi sát mép nước Bấc quay lại. Anh đặt tay lên vai Mật. Những ngón tay người lính như bấu chặt vào vai chị. Mật thấy rét run lên, hai hàm răng chị va vào nhau lập cập.
"Anh đi nhé - Người lính thì thào - hai chị em ở nhà thương nhau. Anh và Ngữ sẽ về sớm".
Bấc đi được một tiếng đồng hồ thì Ân về. Nghe tiếng Ân gọi cửa. Mật run bắn và òa khóc. "Chị Ân ơi, anh Bấc về, Bấc về".
"Đâu, đâu? Anh ấy đâu?... Đâu?"
"Anh ấy đi rồi. Anh Bấc chờ chị suốt cả đêm qua. Anh vừa sang sông".
Bó lá dong lớn và sọt quít đồi đổ xuống như người ngã. "Anh ấy đi lâu chưa? - Ân hổn hển - Anh ấy đi lối nào".
"Anh Bấc lội qua bến nhà mình". Vừa nói Mật vừa nắm tay Ân đi như chạy xuống bến. Đến bờ sông, Ân giật tay chị ra khỏi bàn tay Mật và lội ào ào xuống nước.
"Chị ơi! Anh ấy đi xa rồi - Mật đứng trên bờ ôm ngực khóc gọi - Đừng sang sông nữa, chị ơi".
Mật ngồi thụp xuống bờ cát ướt lạnh và bưng mặt nức nở cho đến tận khi chị nghe tiếng khỏa nước mệt mỏi vào bờ. Ân rét ướt nghiêng ngả bước lên bờ. Hai người đàn bà trẻ đứng im lặng trước nhau. Rồi cả hai lao vào ôm lấy nhau nức nở. Gió sông như ấm hơn thổi dạt dào qua bãi về phía chân đê. Và đâu đó thoảng mùi cỏ lên mầm hăng hăng.
Tết năm ấy, Ân và Mật vẫn lặng lẽ gói nhiều bánh. Nhưng Tết năm ấy, cả hai người lính của họ vẫn không về. Sang giêng, hai người đàn bà mấy lần mang bánh luộc lại và mấy lần nhìn nhau khóc.
Mấy năm sau, ngày hòa bình lập lại. Mật nhận được báo tử chồng. Nhưng Tết đến họ vẫn gói nhiều bánh. Trong mơ chị vẫn thấy người lính trở về. Và tỉnh giấc vẫn rụt rè đặt tay lên bụng mình và thấy khang khác. Nhiều lần Ân khuyên Mật nhận lời lấy một người đàn ông nào đó. Những lần như thế, Mật chỉ nở một nụ cười xa xăm và ngơ ngác như một nụ cười của một người vừa thức giấc trong giấc ngủ trưa. Và sau đó thì Mật nói với Ân: "Bao giờ anh Bấc về với chị thì em đi lấy chồng".
*
* *
Đợi lâu không thấy bà lão Mật về, bà lão Ân sốt ruột ra đầu ngõ hướng xuống sông gọi:
- Bà Mật ơi! Bà Mật.
- Tôi về đây.
- Đã bảo đêm hôm rồi còn mò xuống - bà lão Ân cằn nhằn - Già rồi còn thích làm tội thân, tội mình.
Nói vậy nhưng bà lão Ân vẫn đứng lại đợi cho đến khi bà lão Mật lên đến đầu ngõ.
- Vào đi ngủ thôi bà ạ - Bà lão Ân nói - Tôi đau hết cả lưng rồi.
Gian nhà nhỏ trong đêm như rộng mênh mông. Hai bà lão nằm quay lưng vào nhau và thỉnh thoảng lại khúc khắc ho.
- Bà vẫn nhai trầu đấy à? - Bà lão Ân hỏi.
- Tôi nhai cho hết kẻo phí.
- Nhai thế mà không mỏi mồm.
Đâu đó trên mái nhà có tiếng chuột đuổi nhau rinh rích. Và từ cỗ áo quan có tiếng mọt nghiến gỗ trèo trẹo.
- Bà có cầm bao diêm đấy không? Bà lão Ân hỏi.
- Có, làm gì nữa bây giờ?
- Tôi xem con mọt. Có khi lúc mình chết thì mọt cũng cắn nát cỗ áo ra rồi.
- Nó nằm trong gỗ chứ nó lại chui ra cho bà xem.
Nói vậy nhưng bà lão Mật vẫn lấy bao diêm đưa cho bà lão Ân. Bà lão Ân bật diêm châm đèn soi cỗ áo quan. Bà nghiêng đầu nghe ngóng một lúc rồi lấy tay đập đập vào cỗ áo: tiếng mọt chợt im bặt. Bà đứng bên cỗ áo quan cho đến khi yên tâm là con mọt không còn dám cắn nữa thì mới tắt đèn lên giường.
Gần sáng những ngọn gió cuối đông tuy còn lạnh nhưng đã chơm chớm xuân thổi rạo rực qua ngôi nhà của hai bà lão. Và bà lão Mật lại mơ thấy người lính trở về. Nhưng khi nhìn rõ mặt thì bà nhận ra đó không phải Ngữ mà là Bấc.
*
* *
Vào đầu năm 1960, Ân nhận được thư Bấc gửi về, trong thư anh nói đang đóng quân ở Quảng Bình bên cạnh một dòng sông đẹp như sông Đáy quê anh.
"Chị Ân ơi - Mật cuống quít - Chị đi vào tìm anh ấy đi. Đi ngay đi. Mọi việc đồng áng cứ để em".
Suốt mấy ngày đó, cứ chốc chốc Ân lại mang thư chồng ra đọc và khóc. Cuối cùng chị quyết định khăn gói đi thăm chồng.
Nhưng cuộc đời thật trớ trêu. Ân đi được dăm ngày, thì Bấc về.
"Anh Bấc, anh gặp chị Ân không? - Mật hốt hoảng hỏi khi chị linh cảm thấy điều không bình thường - Chị Ân vào Quảng Bình tìm anh rồi".
"Tìm anh hả? Đi bao giờ?"
"Chị Ân đi được dăm ngày rồi"
Nghe Mật nói, Bấc đứng chết lặng. Mãi sau anh mới nói:
"Người lính nay đây mai đó, tìm sao được"
"Anh Bấc ơi, lần này anh phải ở nhà chờ chị ấy - Mật nói và khóc - Emkhông cho anh đi đâu cả. Anh Bấc ơi! Anh Ngữ hy sinh rồi"
"Ngữ hy sinh rồi ư! Hy sinh bao giờ? Ở đâu?"
"Có giấy báo tử rồi anh ạ. Hơn ba năm rồi"
Đêm ấy Bấc nói với Mật:
"Sáng sớm mai anh phải đi rồi. Lần này anh đi rất xa và có lẽ lâu lắm".
"Không. Anh phải ở nhà chờ chị ấy về rồi đi đâu thì đi. Nếu không chị ấy chết mất."
"Không làm sao khác được Mật ạ. Anh phải đi."
Khoảng canh tư thì Bấc khoác ba lô lên đường. Mật tiễn Bấc lên đến mặt đê.
Bỗng Mật ôm lấy Bấc và khóc nấc lên.
"Anh Bấc ơi! Em thương chị Ân quá. Em thương anh hu ... hu ... và thương cả cái thân em nữa. Nếu anh Ngữ về được một lần thì em đỡ khổ, đỡ ân hận biết bao. Anh Bấc ơi, sao em không phải là chị Ân, sao anh không phải là anh Ngữ, hả anh? hu ... hu....".
Bấc không nói được gì. Anh ghì Mật vào lòng. Cả hai người run lên. Mật vội đẩy Bấc ra và vội vã nói:
"Anh đi đi, anh Bấc, anh đi đi".
Nói xong, Mật chạy nhào xuống chân đê. Chị vừa chạy, vừa ngã và nức nở gọi tên Ân và tên chồng chị.
Rồi Bấc cũng không trở về, khi Ân và Mật vừa bước qua tuổi bốn mươi. Đêm đêm hai người đàn bà thường xuống sông ngồi khóc. Và Tết lại đến, những ngọn gió chớm xuân thổi đầm ấm và rạo rực qua ngôi nhà của họ suốt đêm. Và những ngày giáp Tết là những ngày họ thường mơ nhiều hơn. Trong mơ có tiếng gà gáy và tiếng gõ cửa gấp gáp, có ngan ngát mùi lá dong xanh và hương ấm đậm của gạo nếp đã vo sạch. Họ vẫn ở lại ngoài bãi sông, mặc dù những gia đình khác đã dọn vào làng theo quy hoạch của chính quyền xã và để tránh những năm nước sông lên to. Có một điều gì đó thiêng liêng và đau khổ đã gắn chặt họ với ngôi nhà nhỏ và bến sông.
- Này, bà Mật! Bà Mật, ngủ mê đấy à? Bà lão Ân lay gọi bà lão Mật - Kêu gì mà khiếp thế.
- Tôi ngủ ... mê à? Bà lão Mật ú ớ hỏi - Sáng chưa bà?
- Còn chán.
- Bà cho tôi mượn bao diêm - bà lão Mật ngồi dậy nói.
Bà lão Mật lục đục tìm đèn và bật diêm. Ngọn đèn dầu tỏa một quầng sáng vàng ấm trong nhà.
- Bà dậy mà đi.
- Không.
- Già thì phải chịu khó mà đi. Không nhỡ ra quần, ra áo khai lắm.
- Ôi giời! Bà lão Ân cựa mình và chép miệng - Bệnh già nó thế, ai mà muốn.
Khi gà trong xóm bên kia chân đê thi nhau gáy ran thì hai bà lão lại tỉnh giấc.
Bà lão Mật lại nhóp nhép nhai cái bã trầu vẫn ngậm trong miệng khi ngủ.
- Thế bà định Tết này gói bao cái bánh? - Bà lão Mật hỏi.
- Cứ bảo mẹ Phấn nó mua cho đủ lá gói ba chục cái. Mình thì ăn là mấy, nhưng nhỡ có ai về...
Nghe bà lão Ân nói vậy, bà lão Mật ngừng nhai trầu và hơi nghiêng đầu về phía bà lão Ân như định hỏi điều gì đó. Nhưng bà lại thôi.
Và bên ngoài, những ngọn gió sông đã chơm chớm xuân vẫn rạo rực thổi qua ngôi nhà nhỏ.

Hà Đông, cuối đông 1992


3. Truyện ngắn "Những vì sao" của An-phông-xơ Đô-đê, Pháp:

Những vì sao
AlphonseDaudet

Đêm sao trên núi
Trong thời gian tôi chăn cừu trên miền núi Luberon, có khi suốt mấy tuần lễ liên tiếp tôi không trông thấy một bóng người, chỉ một mình tôi thui thủi trên cánh đồng cỏ với con chó Labri và đàn cừu của tôi. Thỉnh thoảng có vị tu sĩ sống ẩn dật ở núi Ure đi ngang qua đây để tìm kiếm dược thảo hoặc là tôi trông thấy bộ mặt lọ lem dính đầy bụi than của người thợ phu mỏ xứ Piémont, nhưng họ là những người chất phác, khuôn mặt lầm lì vì quen sống lâu ngày trong cảnh cô đơn, không còn hứng thú trò chuyện và chẳng biết gì về những chuyện trong làng ngoài tỉnh mà người ta đang bàn tán ở dưới đó. Vì thế, cứ khoảng mười lăm ngày, khi tôi nghe tiếng lục lạc từ con đường mòn dưới núi đi lên của con la ở nông trại mang lương thực nửa tháng cho tôi, rồi tôi thấy xuất hiện dần dần trên sườn dốc bộ mặt tươi vui của thằng bé miarro (thằng nhỏ giúp việc ở trại) hay chiếc khăn trùm màu hung đỏ của thím già Norade, là tôi cảm thấy trong lòng thật sung sướng vô cùng. Tôi yêu cầu họ kể cho nghe những chuyện xảy ra ở dưới đồng bằng, những buổi lễ rửa tội, những đám cưới hỏi... Nhưng điều mà tôi chú ý và thích nghe hơn cả là biết tin tức về cô con gái cưng của ông bà chủ trại, vị tiểu thư Stéphanette, thiếu nữ xinh đẹp nhất trong toàn vùng. Cố làm ra vẻ như không mấy quan tâm, tôi hỏi thăm xem nàng có hay đi dự nhiều dạ tiệc không, có nhiều chàng trai ngấp nghé tán tỉnh không. Và nếu có ai hỏi tôi muốn biết những chuyện ấy có ích lợi gì cho cái thân phận nghèo hèn của một tên chăn cừu miền núi như tôi, thì tôi sẽ trả lời rằng tôi đang tuổi hai mươi và đối với tôi nàng Stéphanette là người thiếu nữ đẹp nhất trần gian.

Thế rồi, một hôm chủ nhật nọ, tôi cũng chờ đợi chuyến tiếp tế lương thực cho nửa tháng, nhưng sao lần này nó tới muộn quá. Từ buổi sáng, tôi nghĩ bụng : “Có lẽ vì lễ lớn ở nhà thờ đây thôi.” Rồi đến trưa, một trận mưa giông lớn đổ xuống, tôi lại cho rằng vì đường trơn ướt lầy lội, con la chưa thể lên đường được. Mãi cho đến khoảng ba giờ chiều, trời quang mây tạnh, sườn núi lấp lánh nước mưa và ánh sáng mặt trời, tôi bỗng nghe được giữa tiếng nước nhỏ giọt róc rách trên cành lá và tiếng suối reo do nước lũ dâng trào, tiếng lục lạc leng keng của con la, nghe thật là vui tươi rộn ràng chẳng khác gì tiếng chuông nhà thờ đổ hồi trong ngày lễ Phục sinh cả. Nhưng không phải thằng nhỏ ở nông trại, cũng chẳng phải thím già Norade ngồi trên lưng lừa như mọi khi. Mà là... xin bạn thử đoán xem ai ? Chính là vị tiểu thư trại nhà, bạn ạ ! Đúng vậy, vị tiểu thư Stéphanette đích thân đến. Nàng ngồi ngay ngắn trên mình la giữa những chiếc giỏ mây, đôi má ửng hồng vì khí trời của núi và làn gió mát sau trận mưa giông vừa qua.

Thằng nhỏ bị bệnh, còn thím già Norade thì xin nghỉ phép về thăm con. Nàng Stéphanette xinh đẹp vừa từ trên mình la tụt xuống vừa nói cho tôi biết như vậy. Nàng còn nói thêm vì lạc đường cho nên đã đến trễ. Nhưng trông nàng ăn mặc đẹp đẽ như thế kia, trên đầu kết băng hoa và vận chiếc váy lộng lẫy có thêu đăng ten, tôi thấy cô nàng có vẻ như đã nấn ná ham vui trong một cuộc khiêu vũ nào đó hơn là đã dò dẫm tìm đường trong các bụi rậm. Ôi, người đâu mà xinh đẹp lạ thường ! Tôi say đắm nhìn nàng mà không muốn rời mắt. Thật tình mà nói tôi chưa bao giờ có dịp được nhìn ngắm nàng ở gần như thế. Về mùa đông, sau khi đã lùa đàn cừu xuống đồng bằng, tôi về nông trại để dùng cơm tối, thỉnh thoảng tôi thấy nàng đi thoăn thoắt ngang qua phòng ăn của chúng tôi, nhưng chẳng mấy khi nàng nói chuyện với kẻ ăn người ở, luôn luôn trang điểm đẹp đẽ và có vẻ hơi kiêu kỳ một chút... Thế mà bây giờ tôi lại diễm phúc có nàng đứng ngay trước mặt tôi, và chỉ có mình tôi thôi, như vậy thì bảo làm sao tôi không bối rối cho được ?

Sau khi lấy hết lương thực từ trong các giỏ ra, cô nàng bắt đầu tò mò đưa mắt nhìn chung quanh. Nàng vén nhẹ chiếc váy đẹp cho khỏi lấm, bước vào phía bên trong lán, muốn xem chỗ tôi ngủ, chiếc ổ rơm với tấm áo da cừu, cái áo choàng rộng treo trên vách, chiếc gậy, cây súng đá... Tất cả những thứ ấy có vẻ làm cho nàng ngạc nhiên thích thú.

- Thì ra anh ngủ ở đây à, anh mục đồng tội nghiệp của tôi ! Sống một mình như thế này thì chắc là buồn lắm nhỉ ? Hàng ngày anh làm gì ? Anh nghĩ gì ?

Tôi rất muốn trả lời : “Nghĩ đến cô, cô chủ ạ.” Phải nói như thế mới trung thực với lòng mình, nhưng vì bối rối quá nên tôi không nghĩ ra được một lời nói nào. Tôi tin chắc rằng nàng cũng nhận thấy sự bối rối của tôi, nhưng cô nàng tinh nghịch lại lấy đó làm thích thú và cố tình trêu chọc để làm cho tôi càng thêm bối rối:

- Mục đồng ơi, thế cô bạn gái thân thiết của anh có thỉnh thoảng lên đây thăm anh không ? Cô ấy chắc hẳn là con dê cái có bộ lông vàng hay nàng tiên Estérelle chỉ quen nhảy nhót trên các đỉnh núi thôi nhỉ ?

Trong lúc nói chuyện với tôi, chính cô nàng mới có dáng điệu giống như nàng tiên Estérelle, với nụ cười duyên dáng, đầu hơi ngả ra đàng sau và vẻ vội vàng muốn ra về, làm cho cuộc thăm viếng ngắn ngủi của nàng không khác nào một sự xuất hiện bất ngờ.

- Thôi, chào tạm biệt mục đồng nhé.

- Xin chào tạm biệt cô chủ.

Thế là nàng đi mất, mang theo những chiếc giỏ không.

Khi nàng đã khuất dạng sau con đường dốc nhỏ, tôi tưởng chừng như những viên sỏi lăn lóc dưới móng chân la đang rơi từng viên một vào lòng tôi. Tôi còn nghe thấy trong lòng tiếng sỏi rơi như thế mãi cho đến lúc chiều tàn, không dám cử động, chỉ sợ làm tan vỡ giấc mơ đẹp của tôi. Chiều tối xuống dần, khi thung lũng bắt đầu ngả màu xanh lam và đàn súc vật kêu be be chen lấn nhau về chuồng, tôi bỗng nghe thấy tiếng ai gọi tôi từ phía dưới sườn núi, rồi tôi thấy vị tiểu thư của chúng ta xuất hiện, nhưng không còn vui tươi như lúc ban chiều mà run lập cập vì ướt, lạnh và sợ hãi. Có vẻ như là, khi xuống phía lưng chừng sườn núi, nàng đã gặp con suối Sorgue bị nước lũ tràn ngập sau trận mưa giông, và vì nàng muốn lội qua cho bằng được nên suýt bị chết đuối. Nghiệt một nỗi, đêm hôm tối tăm, vào giờ này không mong gì về nông trại được nữa, vì đi đường tắt thì nàng không thể một mình tìm ra lối về, còn tôi thì không thể bỏ đàn cừu mà đi được. Ý nghĩ phải ngủ lại qua đêm trên núi làm nàng rất băn khoăn, nét lo âu hiện rõ vì sợ ở nhà bố mẹ lo lắng. Tôi cố lựa lời để nói cho nàng yên tâm :

- Trời tháng bảy, đêm ngắn thôi, cô chủ à... Không sao đâu, cô nên chịu khó một chút cho qua đêm thôi.

Tôi vội vàng nhóm một ngọn lửa lớn để nàng hơ chân và hong khô bộ áo bị ướt sũng khi lội qua suối. Rồi tôi mang sữa tươi và pho mát đến cho nàng, nhưng cô bé đáng thương chẳng thiết gì đến chuyện sưởi ấm hay ăn uống gì cả. Nhìn thấy nàng nước mắt lưng tròng, tôi cũng muốn khóc theo với nàng.

Rồi màn đêm cũng xuống hẳn. Chỉ còn một chút ít vầng dương còn vương lại trên đỉnh núi cao và một làn hơi ánh sáng mong manh ở phía mặt trời lặn. Tôi muốn để nữ chủ nhân của tôi vào nằm nghỉ bên trong lán. Sau khi trải một tấm da cừu đẹp và mới tinh xuống lớp ổ rơm mới, tôi chúc nàng ngủ ngon, rồi bước ra ngồi ngoài hiên cửa... Xin có trời chứng giám cho tôi, mặc dầu ngọn lửa tình hừng hực bốc cháy trong lòng nhưng tôi không hề có một ý tưởng xấu xa nào, trong lòng tự cảm thấy rất hãnh diện khi nghĩ đến ở góc lán bên kia, ngay cạnh đàn cừu đang tò mò nhìn nàng ngủ, có cô con gái của ông bà chủ tôi – như một con cừu non quý báu nhất và trắng ngần nhất – đang nằm ngủ và được giao phó cho tôi canh gác. Chưa bao giờ tôi được nhìn ngắm bầu trời sâu thăm thẳm và các vì tinh tú rực sáng lấp lánh như đêm nay...

Bỗng tấm chấn song xịch mở và nàng Stéphanette xinh đẹp xuất hiện bước ra. Nàng không tài nào ngủ được vì đàn cừu cựa quậy khiến rơm rạ kêu sột soạt hoặc là chúng kêu be be trong lúc đang ngủ mê. Nàng thích ra ngồi cạnh đống lửa hơn. Thấy vậy, tôi liền khoác tấm da cừu của tôi lên vai nàng, khêu to ngọn lửa, rồi hai chúng tôi ngồi bên cạnh nhau, im lặng không nói năng gì.

Nếu bạn đã từng ngủ qua đêm ngoài trời dưới trăng sao, chắc bạn cũng thừa biết rằng trong khi chúng ta ngủ thì cả một thế giới huyền bí đang bừng sống dậy trong thanh vắng và tĩnh mịch. Lúc ấy tiếng suối reo nghe như rõ hơn, những ao hồ thấy có những đốm lửa li ti nhen nhúm lên. Những thần linh của núi rừng đi lại tự do, và trong không gian có những tiếng sột soạt, những tiếng động rất khẻ, tưởng chừng như ta có thể nghe được một cành cây đang chuyển mình vươn dài ra và cỏ cây đang mọc thêm ra. Ban ngày là đời sống của các sinh vật, còn ban đêm là đời sống của các thực vật và sự vật. Nếu chưa quen với những tiếng động ban đêm, có khi làm cho ta sợ hãi... Thế nên vị tiểu thư của chúng ta, cứ mỗi lần nghe thấy một tiếng động dù là rất nhỏ, nàng cũng đã run sợ và lại nép sát vào người tôi. Có một lần, từ phía mặt ao hồ lấp lánh dưới kia, bỗng vọng lên một tiếng hú kéo dài não nuột, ngân vang uốn lượn về phía chúng tôi. Cũng vừa lúc đó một ngôi sao băng rực sáng xẹt qua trên đầu chúng tôi và bay về cùng một hướng, tựa như là tiếng than van mà chúng tôi vừa nghe thấy kia đã mang theo một luồng ánh sáng vậy.

- Cái gì thế ? nàng Stéphanette khe khẽ hỏi tôi.

- Thưa cô, đó là một linh hồn vừa được lên thiên đàng. Nói xong tôi làm dấu thánh giá.

Nàng cũng làm dấu như tôi và ngửa cổ nhìn lên trời như thế một hồi lâu, vẻ mặt trầm ngâm. Rồi nàng quay lại hỏi tôi :

- Này mục đồng, có phải các anh đều là phù thủy cả không ?

- Thưa cô, không phải đâu ạ ! Nhưng vì ở đây chúng tôi sống gần trăng sao hơn những người dưới đồng bằng nên biết rõ hơn những sự việc xảy ra ở trên trời.

Nàng vẫn đưa mắt ngước lên nhìn bầu trời, đầu dựa vào lòng bàn tay, vai khoác tấm da cừu, trông cô nàng giống như một mục đồng của nhà trời vậy.

- Ồ, nhiều sao quá ! Thật là tuyệt vời ! Chưa bao giờ tôi thấy nhiều sao như thế này. Mục đồng ơi, thế anh có biết tên của những vì sao không ?

- Biết chứ ạ, thưa cô chủ. Đây này, ngay trên đầu chúng ta, kia là Con đường của thánh Jacques, dải Ngân Hà. Nó chạy thẳng một mạch từ nước Pháp sang nước Tây Ban Nha, do chính thánh Jacques de Galice đã vạch ra để chỉ đường cho Charlemagne dũng cảm tiến quân đánh giặc Sarrasins. Xa hơn chút nữa là Chiếc xe chở linh hồn, sao Bắc Đẩu với bốn trục xe sáng ngời. Ba ngôi sao đi phía trước là Ba con vật kéo xe, và ngôi sao nhỏ nhất ở ngay sát ngôi sao thứ ba là Người đánh xe. Cô có thấy chung quanh có một chùm sao rơi rụng như mưa sa không ? Đấy là những linh hồn mà Thượng Đế không muốn chúng ở cạnh Ngài... Rồi ở phía dưới một chút là sao Bừa cào, còn gọi là Ba vua. Đó là chiếc đồng hồ của mục đồng chúng tôi để biết được giờ giấc. Chỉ cần nhìn chúng là tôi biết bây giờ đã quá nửa đêm rồi. Phía dưới một chút nữa, vẫn theo hướng Nam, là ngôi sao Jean de Milan sáng ngời, ngọn đuốc của các vì tinh tú. Về ngôi sao đó, mục đồng chúng tôi thường kể chuyện như sau: vào một đêm nọ, Jean de Milan cùng Ba vua và sao Rua được mời đến dự lễ cưới của một ngôi sao bạn. Theo lời người ta kể, sao Rua vội vã đi trước, theo con đường ở phía trên. Cô nhìn xem kìa, ngôi sao ấy ở chỗ cao tít tận cuối trời kia. Ba vua đi đường tắt phía dưới nên đuổi kịp, riêng anh chàng Jean de Milan vì lười biếng ngủ quên nên bị bỏ lại đằng sau. Anh ta bực mình liền quăng ngay chiếc gậy để cản đường họ. Bởi thế nên người ta còn gọi chòm sao Ba vua là Chiếc gậy của Jean de Milan... Nhưng cô chủ ạ, ngôi sao đẹp nhất trong tất cả những vì sao lại là ngôi sao của chúng tôi, đó là sao Mục đồng, nó soi đường cho chúng tôi lùa đàn súc vật ra bãi lúc bình minh và xua chúng về chuồng lúc hoàng hôn. Chúng tôi còn gọi ngôi sao ấy là Maguelonne, nàng Maguelonne xinh đẹp chạy theo chàng Pierre de Provence và cứ bảy năm một lần lại kết hôn với chàng.

- Thế vậy hả ? Lại có chuyện các vì sao cưới hỏi nhau nữa cơ à ?

- Có chứ ạ, thưa cô chủ.

Và trong khi tôi đang cố giải thích cho nàng thế nào là những hôn lễ của các vì sao, thì tôi cảm thấy như có vật gì tươi mát và mịn màng đè nhẹ lên vai tôi. Thì ra đầu nàng, nặng trĩu vì buồn ngủ, đã tựa vào vai tôi với tiếng sột soạt êm ái của những dải đăng ten và mái tóc gợn sóng của nàng. Nàng ngồi yên không nhúc nhích, đầu tựa vào vai tôi như thế cho đến khi những vì sao bắt đầu lu mờ dần và nhoà đi trong những tia sáng đầu tiên của buổi ban mai. Còn tôi, tôi nhìn nàng ngủ, trong đáy lòng hơi xao xuyến một chút, nhưng vẫn giữ được sự thanh khiết của tâm hồn vì đêm sao sáng như thế kia bao giờ cũng đem lại cho tôi những ý nghĩ cao đẹp. Chung quanh chúng tôi, ngàn sao vẫn tiếp tục cuộc hành trình thầm lặng, ngoan ngoãn như một đàn cừu vĩ đại, và đôi lúc tôi có cảm tưởng như một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất, sáng ngời nhất, vì lạc mất đường đã đến tựa đầu vào vai tôi và ngủ giấc yên lành...

Trúc Huy dịch


4. Truyện ngắn "Người mẹ điên" của Vương Hằng Tích, Trung Quốc:

Người mẹ điên
Vương Hằng Tích
Phong cảnh Hồ Bắc, quê hương tác giả Vương Hằng Tích
Hai mươi ba năm trước, có một người con gái trẻ lang thang qua làng tôi, đầu bù tóc rối, gặp ai cũng cười cười, cũng chả ngại ngần ngồi tè trước mặt mọi người. Vì vậy, một số đàn ông trong làng thường quanh quẩn cô, còn đàn bà đi ngang qua cô gái thường nhổ nước bọt, có bà còn chạy lên trước dậm chân, đuổi "Cút cho xa!". Thế nhưng cô gái không bỏ đi, vẫn cứ cười ngây dại quanh quẩn trong làng.
Hồi đó, cha tôi đã 35 tuổi. Cha làm việc ở bãi khai thác đá bị máy chém cụt tay trái, nhà lại quá nghèo, mãi không cưới được vợ.
Bà nội thấy con điên có sắc vóc, thì động lòng, quyết định mang cô ta về nhà cho cha tôi, làm vợ, chờ bao giờ cô ta đẻ cho nhà tôi "đứa nối dõi" sẽ đuổi đi liền.
Cha tôi dù trong lòng bất nhẫn, nhưng nhìn cảnh nhà, cắn răng đành chấp nhận. Thế là kết quả, cha tôi không phải mất đồng xu nào, nghiễm nhiên thành chú rể.
Khi mẹ sinh tôi, bà nội ẵm cháu, hóp cái miệng chẳng còn mấy cái răng vui sướng nói: "Cái con mẹ điên này, mà lại sinh cho bà cái đứa chống gậy rồi!". Có điều sinh tôi ra, bà nội ẵm mất tôi, không bao giờ cho mẹ đến gần con.
Mẹ chỉ muốn ôm tôi, bao nhiêu lần đứng trước mặt bà nội dùng hết sức gào lên: "Đưa, đưa tôi..." bà nội mặc kệ. Tôi còn trứng nước như thế, như khối thịt non, biết đâu mẹ lỡ tay vứt tôi đi đâu thì sao? Dù sao, mẹ cũng chỉ là con điên.
Cứ mỗi khi mẹ khẩn cầu được bế tôi, bà nội lại trợn mắt lên chửi: "Mày đừng có hòng bế con, tao còn lâu mới đưa cho mày. Tao mà phát hiện mày bế nó, tao đánh mày chết. Có đánh chưa chết thì tao cũng sẽ đuổi mày cút!".
Bà nội nói với vẻ kiên quyết và chắc chắn. Mẹ hiểu ra, mặt mẹ sợ hãi khủng khiếp, mỗi lần chỉ dám đứng ở xa xa ngó tôi. Cho dù vú mẹ sữa căng đầy cứng, nhưng tôi không được một ngụm sữa mẹ nào, bà nội đút từng thìa từng thìa nuôi cho tôi lớn. Bà nói, trong sữa mẹ có "bệnh thần kinh", nếu lây sang tôi thì phiền lắm.
Hồi đó nhà tôi vẫn đang giãy giụa giữa vũng bùn lầy của nghèo đói. Đặc biệt là sau khi có thêm mẹ và tôi, nhà vẫn thường phải treo niêu. Bà nội quyết định đuổi mẹ, vì mẹ không những chỉ ngồi nhà ăn hại cơm nhà, còn thỉnh thoảng làm thành tiếng thị phi.
Một ngày, bà nội nấu một nồi cơm to, tự tay xúc đầy một bát cơm đưa cho mẹ, bảo: "Con dâu, nhà ta bây giờ nghèo lắm rồi, mẹ có lỗi với cô. Cô ăn hết bát cơm này đi, rồi đi tìm nhà nào giàu có hơn một tí mà ở, sau này cấm không được quay lại đây nữa, nghe chửa?". Mẹ tôi vừa và một miếng cơm to vào mồm, nghe bà nội tôi hạ "lệnh tiễn khách" liền tỏ ra kinh ngạc, ngụm cơm đờ ra lã tã miệng. Mẹ nhìn tôi đang nằm trong lòng bà, lắp bắp kêu ai oán: "Đừng... đừng...".
Bà nội sắt mặt lại, lấy tác phong uy nghiêm của bậc gia trưởng nghiêm giọng hét: "Con dâu điên mày ngang bướng cái gì, bướng thì chả có quả tốt lành gì đâu. Mày vốn lang thang khắp nơi, tao bao dung mày hai năm rồi, mày còn đòi cái gì nữa? Ăn hết bát đấy rồi đi đi, nghe thấy chưa hả?".
Nói đoạn bà nội lôi sau cửa ra cái xẻng, đập thật mạnh xuống nền đất như Dư Thái Quân nắm gậy đầu rồng, "phầm!" một tiếng. Mẹ sợ chết giấc, khiếp nhược lén nhìn bà nội, lại chậm rãi cúi đầu nhìn xuống bát cơm trước mặt, có nước mắt rưới trên những hạt cơm trắng nhệch.
Dưới cái nhìn giám sát, mẹ chợt có một cử động kỳ quặc, mẹ chia cơm trong bát một phần lớn sang cái bát không khác, rồi nhìn bà một cách đáng thương hại.
Bà nội ngồi thẫn thờ, hoá ra, mẹ muốn nói với bà rằng, mỗi bữa mẹ sẽ chỉ ăn nửa bát, chỉ mong bà đừng đuổi mẹ đi. Bà nội trong lòng như bị ai vò cho mấy nắm, bà nội cũng là đàn bà, sự cứng rắn của bà cũng chỉ là vỏ ngoài. Bà nội quay đầu đi, nuốt những giọt nước mắt nóng đi, rồi quay lại sắt mặt nói: "Ăn mau ăn mau, ăn xong còn đi. Ở nhà này cô cũng chết đói thôi!". Mẹ tôi dường như tuyệt vọng, đến ngay cả nửa bát cơm con cũng không ăn, thập thễnh bước ra khỏi cửa, nhưng mẹ đứng ở bậc cửa rất lâu không bước ra.
Bà nội dằn lòng đuổi: "Cô đi, cô đi, đừng có quay đầu lại. Dưới gầm trời này còn nhiều nhà người ta giàu!". Mẹ tôi quay lại, đưa một tay ra phía lòng bà, thì ra, mẹ muốn được ôm tôi một tí.
Bà nội lưỡng lự một lúc, rồi đưa tôi trong bọc tã lót cho mẹ. Lần đầu tiên mẹ được ẵm tôi vào lòng, môi nhắp nhắp cười, cười hạnh phúc rạng rỡ. Còn bà nội như gặp quân thù, hai tay đỡ sẵn dưới thân tôi, chỉ sợ mẹ lên cơn điên, quăng tôi đi như quăng rác. Mẹ ôm tôi chưa được ba phút, bà nội không đợi được giằng tôi trở lại, rồi vào nhà cài chặt then cửa.
Khi tôi bắt đầu lờ mờ hiểu biết một chút, tôi mới phát hiện, ngoài tôi ra, bọn trẻ chơi cùng tôi đều có mẹ. Tôi tìm cha đòi, tìm bà đòi, họ đều nói, mẹ tôi chết rồi. Nhưng bọn bạn cùng làng đều bảo tôi: "Mẹ mày là một con điên, bị bà mày đuổi đi rồi".
Tôi tìm bà nội vòi vĩnh, đòi bà phải trả mẹ lại, còn chửi bà là đồ "bà lang sói", thậm chí hất tung mọi cơm rau bà bưng cho tôi. Ngày đó, tôi làm gì biết "điên" nghĩa là cái gì đâu, tôi chỉ cảm thấy nhớ mẹ tôi vô cùng, mẹ trông như thế nào nhỉ? mẹ còn sống không?
Không ngờ, năm tôi sáu tuổi, mẹ tôi trở về sau 5 năm lang thang. Hôm đó, mấy đứa nhóc bạn tôi chạy như bay tới báo: "Thụ, mau đi xem, mẹ mày về rồi kìa, mẹ bị điên của mày về rồi!" Tôi mừng quá đít nhổng nhổng, co giò chạy vội ra ngoài, bà nội và cha cũng chạy theo tôi. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ, kể từ khi biết nhớ. Người đàn bà đó vẫn áo quần rách nát, tóc tai còn những vụn cỏ khô vàng khè, có trời mới biết là do ngủ đêm trong đống cỏ nào.
Mẹ không dám bước vào cửa, nhưng mặt hướng về phía nhà tôi, ngồi trên một hòn đá cạnh ruộng lúa trước làng, trong tay còn cầm một quả bóng bay bẩn thỉu.
Khi tôi và lũ trẻ đứng trước mặt mẹ, mẹ cuống cuồng nhìn trong đám tôi tìm con trai mẹ. Cuối cùng mẹ dán chặt mắt vào tôi, nhìn tôi chòng chọc, nhếch mép bảo: "Thụ... bóng... bóng...". Mẹ đứng lên, liên tục giơ lên quả bóng bay trong tay, dúi vào tôi với vẻ lấy lòng. Tôi thì liên tục lùi lại. Tôi thất vọng ghê gớm, không ngờ người mẹ ngày đêm tôi nhớ thương lại là cái hình người này. Một thằng cu đứng cạnh tôi kêu to: "Thụ, bây giờ mày biết con điên là thế nào chưa? Là mẹ mày như thế này đấy!".
Tôi tức tối đáp lại nó: "Nó là mẹ mày ấy! Mẹ mày mới là con điên ấy, mẹ mày mới là thế này!" Tôi quay đầu chạy trốn. Người mẹ bị điên này tôi không thèm. Bà nội và bố thì lại đưa mẹ về nhà.
Năm đó, bà nội đuổi mẹ đi rồi, lương tâm bà bị chất vấn dày vò, bà càng ngày càng già, trái tim bà cũng không còn sắt thép được nữa, nên bà chủ động đưa mẹ về, còn tôi lại bực bội, bởi mẹ đã làm tôi mất thể diện. Tôi không bao giờ tươi tỉnh với mẹ, chưa bao giờ chủ động nói với mẹ, càng không bao giờ gọi "Mẹ!", khi phải trao đổi với mẹ, tôi gào là chủ yếu, mẹ không bao giờ dám hé miệng.
Nhà không thể nuôi không mẹ mãi, bà nội quyết định huấn luyện cho mẹ làm việc vặt. Khi đi làm đồng, bà nội dắt mẹ đi "quan sát học hỏi", bà bảo mẹ không nghe lời sẽ bị đánh đòn. Sau một thời gian, bà nội nghĩ mẹ đã được dạy dỗ tương đối rồi, liền để mẹ tự đi cắt cỏ lợn. Ai ngờ mẹ chỉ cắt nửa tiếng đã xong cả hai bồ "cỏ lợn".
Bà nội vừa nhìn đã tá hỏa sợ hãi, cỏ mẹ cắt là lúa giống vừa làm đòng trỗ bông trong ruộng nhà người ta. Bà nội vừa sợ vừa giận phát cuồng chửi rủa: "Con mẹ điên lúa và cỏ mà không phân biệt được..." Bà nội còn đang chưa biết nên xoay xở ra sao, thì nhà có ruộng bị cắt lúa tìm tới, mắng bà cố ý dạy con dâu làm càn. Bà nội tôi lửa giận bốc phừng phừng, trước mặt người ta lấy gậy đánh vào eo lưng con dâu, chửi: "Đánh chết con điên này, mày cút ngay đi cho bà..."
Mẹ tuy điên, nhưng vẫn biết đau, mẹ nhảy nhỏm lên chạy trốn đầu gậy, miệng phát ra những tiếng lắp bắp sợ hãi: "Đừng... đừng...". Sau rồi, nhà người ta cũng cảm thấy chướng mắt, chủ động bảo: "Thôi, chúng tôi cũng chẳng bắt đền nữa. Sau này giữ cô ta chặt một tí là được...".
Sau khi cơn sóng gió qua, mẹ oại người dưới đất thút thít khóc. Tôi khinh bỉ bảo: "Cỏ với lúa mà cũng chả phân biệt được, mày đúng là lợn!" Lời vừa dứt, gáy tôi bị một cái tát lật, là bà. Bà trừng mắt bảo tôi: "Thằng ngu kia, mày nói cái gì đấy? Mày còn thế này nữa? Đấy là mẹ mày đấy!" Tôi vùng vằng bĩu môi: "Cháu không có loại mẹ điên khùng thế này!".
"A, mày càng ngày càng láo. Xem bà có đánh mày không!". Bà nội lại giơ tay lên, lúc này chỉ thấy mẹ như cái lò xo bật từ dưới đất lên, che giữa bà nội và tôi, mẹ chỉ tay vào đầu mẹ, kêu thảng thốt: "Đánh tôi, đánh tôi!". Tôi hiểu rồi, mẹ bảo bà nội đánh mẹ, đừng đánh tôi. Cánh tay bà trên không trung thõng xuống, miệng lẩm bẩm: "Con mẹ điên này, trong lòng nó cũng biết thương con đây!".
Tôi vào lớp một, cha được một hộ chuyên nuôi cá làng bên mời đi canh hồ cá, mỗi tháng lương 50 tệ. Mẹ vẫn đi làm ruộng dưới sự chỉ bảo của bà, chủ yếu là đi cắt cỏ lợn, mẹ cũng không còn gây ra vụ rầy rà nào lớn nữa. Nhớ một ngày mùa đông đói rét năm tôi học lớp ba, trời đột ngột đổ mưa, bà nội sai mẹ mang ô cho tôi. Có lẽ trên đường đến trường tôi mẹ đã ngã ì oạch mấy lần, toàn thân trông như con khỉ lấm bùn, mẹ đứng ở ngoài cửa sổ lớp học nhìn tôi cười ngớ ngẩn, miệng còn gọi tôi: "Thụ... ô...".
Có mấy đứa bạn tôi cười khúc khích, tôi như ngồi trên bàn chông, oán hận mẹ khủng khiếp, hận mẹ không biết điều, hận mẹ làm tôi xấu hổ, càng hận thằng Hỷ cầm đầu trêu chọc. Trong lúc nó còn đang khoa trương bắt chước mẹ, tôi chộp cái hộp bút trước mặt, đập thật mạnh cho nó một phát, nhưng bị thằng Hỷ tránh được. Nó xông tới bóp cổ tôi, chúng tôi giằng co đánh nhau.
Tôi nhỏ con, vốn không phải là đối thủ của nó, bị nó dễ dàng đè xuống đất. Lúc này, chỉ nghe một tiếng "vút" kéo dài từ bên ngoài lớp học, mẹ giống như một đại hiệp "bay" ào vào, một tay tóm cổ thằng Hỷ, đẩy ra tận ngoài cửa lớp.
Ai cũng bảo người điên rất khỏe, thật sự đúng là như vậy. Mẹ dùng hai tay nhấc bổng thằng bắt nạt tôi lên trên không trung, nó kinh sợ kêu khóc gọi bố mẹ, một chân béo ị khua khoắng đạp loạn xạ trên không trung. Mẹ không thèm để ý, vứt nó vào ao nước cạnh cổng trường, rồi mặt thản nhiên, mẹ đi ra.
Mẹ vì tôi gây ra đại họa, mẹ lại làm như không có việc gì xảy ra. Trước mặt tôi, mẹ lại có vẻ khiếp nhược, nhìn tôi vẻ muốn lấy lòng. Tôi hiểu ra đây là tình yêu của mẹ, dù đầu óc mẹ không tỉnh táo, thì tình yêu của mẹ vẫn tỉnh táo, vì con trai của mẹ bị người ta bắt nạt.
Lúc đó tôi không kìm được kêu lên: "Mẹ!" đây là tiếng gọi đầu tiên kể từ khi tôi biết nói. Mẹ sững sờ cả người, nhìn tôi rất lâu, rồi y hệt như một đứa trẻ con, mặt mẹ đỏ hồng lên, cười ngớ ngẩn. Hôm đó, lần đầu tiên hai mẹ con tôi cùng che một cái ô về nhà.
Tôi kể sự tình cho bà nội nghe, bà nội sợ rụng rời ngã ngồi lên ghế, vội vã nhờ người đi gọi cha về. Cha vừa bước vào nhà, một đám người tráng niên vạm vỡ tay dao tay thước xông vào nhà tôi, không cần hỏi han trắng đen gì, trước tiên đập phá mọi bát đũa vò hũ trong nhà nát như tương, trong nhà như vừa có động đất cấp chín. Đây là những người do nhà thằng Hỷ nhờ tới, bố thằng Hỷ hung hãn chỉ vào cha tôi nói: "Con trai tao sợ quá đã phát điên rồi, hiện đang nằm nhà thương. Nhà mày mà không mang 1000 tệ trả tiền thuốc thang, mẹ mày tao cho một mồi lửa đốt tan cái nhà mày ra".
Một nghìn tệ? Cha đi làm một tháng chỉ 50 tệ! Nhìn những người sát khí đằng đằng nhà thằng Hỷ, cha tôi mắt đỏ lên dần, cha nhìn mẹ với ánh mắt cực kỳ khủng khiếp, một tay nhanh như cắt dỡ thắt lưng da, đánh tới tấp khắp đầu mặt mẹ.
Một trận lại một trận, mẹ chỉ còn như một con chuột khiếp hãi run rẩy, lại như một con thú săn đã bị dồn vào đường chết, nhảy lên hãi hùng, chạy trốn, cả đời tôi không thể quên tiếng thắt lưng da vụt lạnh lùng lên thân mẹ và những tiếng thê thiết mẹ kêu.
Sau đó phải trưởng đồn cảnh sát đến ngăn bàn tay bạo lực của cha. Kết quả hoà giải của đồn cảnh sát là: Cả hai bên đều có tổn thất, cả hai không nợ nần gì nhau cả. Ai còn gây sự sẽ bắt luôn người đó. Đám người đi rồi, cha tôi nhìn khắp nhà mảnh vỡ nồi niêu bát đũa tan tành, lại nhìn mẹ tôi vết roi đầy mình, cha tôi bất ngờ ôm mẹ tôi vào lòng khóc thảm thiết. "Mẹ điên ơi, không phải là tôi muốn đánh mẹ, mà nếu như tôi không đánh thì việc này không thể dàn xếp nổi, nhà mình làm gì có tiền mà đền cho người. Bởi nghèo khổ quá mà thành họa đấy thôi!".
Cha lại nhìn tôi nói: "Thụ, con phải cố mà học lên đại học. Không thì, nhà ta cứ bị người khác bắt nạt suốt đời, nhé!". Tôi gật đầu, tôi hiểu.
Mùa hè năm 2000, tôi thi đỗ vào trung học với kết quả xuất sắc. Bà nội tôi vì làm việc cực nhọc cả đời mà mất trước đó, gia cảnh ngày càng khó khăn hơn. Cục Dân Chính khu tự trị Ân Thi (Hồ Bắc) xếp nhà tôi thuộc diện đặc biệt nghèo đói, mỗi tháng trợ cấp 40 tệ. Trường tôi học cũng giảm bớt học phí cho tôi, nhờ thế tôi mới có thể học tiếp.
Vì học nội trú, bài vở nhiều, tôi rất ít khi về nhà. Cha tôi vẫn đi làm thuê 50 tệ một tháng, gánh tiếp tế cho tôi đặt lên vai mẹ, không ai thay thế được. Mỗi lần bà thím nhà bên giúp nấu xong thức ăn, đưa cho mẹ mang đi. Hai mươi ki lô mét đường núi ngoằn ngoèo ruột dê làm khổ mẹ phải tốn sức ghi nhớ đường đi, gió tuyết cũng vẫn đi. Và thật là kỳ tích, hễ bất cứ việc gì làm vì con trai, mẹ đều không điên tí nào. Ngoài tình yêu mẫu tử ra, tôi không còn cách giải thích nào khác. Y học cũng nên giải thích khám phá hiện tượng này.
27/4/2003, lại là một Chủ nhật, mẹ lại đến, không chỉ mang đồ ăn cho tôi, mẹ còn mang đến hơn chục quả đào dại. Tôi cầm một quả, cắn một miếng, cười hỏi mẹ: "Ngọt quá, ở đâu ra?" Mẹ nói: "Tôi... tôi hái..." không ngờ mẹ tôi cũng biết hái cả đào dại, tôi chân thành khen mẹ: "Mẹ, mẹ càng ngày càng tài giỏi!". Mẹ cười hì hì. Trước lúc mẹ về, tôi theo thói quen dặn dò mẹ phải cẩn thận an toàn, mẹ ờ ờ trả lời. Tiễn mẹ xong, tôi lại bận rộn ôn tập trước kỳ thi cuối cùng của thời phổ thông.
Ngày hôm sau, khi đang ở trên lớp, bà thím vội vã chạy đến trường, nhờ thầy giáo gọi tôi ra ngoài cửa. Thím hỏi tôi, mẹ tôi có đến đưa tiếp tế đồ ăn không? Tôi nói đưa rồi, hôm qua mẹ về rồi. Thím nói: "Không, mẹ mày đến giờ vẫn chưa về nhà!" Tim tôi thót lên một cái, mẹ tôi chắc không đi lạc đường? Chặng đường này mẹ đã đi ba năm rồi, có lẽ không thể lạc được.
Thím hỏi: "Mẹ mày có nói gì không?" Tôi bảo không, mẹ chỉ cho cháu chục quả đào tươi. Thím đập hai tay:" Thôi chết rồi, hỏng rồi, có lẽ vì mấy quả đào dại rồi!" Thím kêu tôi xin nghỉ học, chúng tôi đi men theo đường núi về tìm. Đường về quả thực có mấy cây đào dại, trên cây chỉ lơ thơ vài quả cọc, bởi nếu mọc ở vách đá mới còn giữ được quả. Chúng tôi cùng lúc nhìn thấy trên thân cây đào có một vết gãy cành, dưới cây là vực sâu trăm thước.
Thím nhìn tôi rồi nói: "Chúng ta đi xuống khe vách đá tìm!" Tôi nói: "Thím, thím đừng dọa cháu...". Thím không nói năng kéo tôi đi xuống vách núi...
Mẹ nằm yên tĩnh dưới khe núi, những trái đào dại vương vãi xung quanh, trong tay mẹ còn nắm chặt một quả, máu trên người mẹ đã cứng lại thành đám màu đen nặng nề.
Tôi đau đớn tới mức ngũ tạng như vỡ ra, ôm chặt cứng lấy mẹ, gọi: "Mẹ ơi, Mẹ đau khổ của con ơi! Con hối hận đã nói rằng đào này ngọt! Chính là con đã lấy mạng của mẹ... Mẹ ơi, mẹ sống chẳng được hưởng sung sướng ngày nào..."
Tôi sát đầu tôi vào khuôn mặt lạnh cứng của mẹ, khóc tới mức những hòn đá dại trên đỉnh núi cũng rớt nước mắt theo tôi.
Ngày 7/8/2003, một trăm ngày sau khi chôn cất mẹ, thư gọi nhập học dát vàng dát bạc của Đại học Hồ Bắc đi xuyên qua những ngả đường mẹ tôi đã đi, chạy qua những cây đào dại, xuyên qua ruộng lúa đầu làng, "bay" thẳng vào cửa nhà tôi.
Tôi gài lá thư đến muộn ấy vào đầu ngôi mộ cô tịch của mẹ: "MẸ, con đã có ngày mở mặt mở mày rồi, MẸ có nghe thấy không? MẸ có thể ngậm cười nơi chín suối rồi!".

Trang Hạ dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét