Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Tản mạn về Trung Quốc

Tản mạn về Trung Quốc
Vạn lý trường thành, tranh sơn dầu, Nguyễn Tuấn Khoa

Từ thuở ấu thơ, tôi đã biết Trung Quốc là một nước láng giềng phương Bắc đã từng nghìn năm đô hộ nước ta. Lớn lên, đi học, tôi lại biết Trung Quốc qua Bạch mao nữ, rồi Vạn lý trường thành, vạn lý trường chinh, cái gì cũng to lớn, vĩ đại. Trung Quốc là gươm đao và lửa trận Xích Bích trong Tam Quốc Chí, là Lâm Đại Ngọc thơ thẩn quét hoa trong Hồng Lâu Mộng, là Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh, là Võ Tòng đả hổ, Lãng tử Yến Thanh hay bánh bao nhân thịt người của vợ chồng chủ quán ở Dốc cây hòe. Trung Quốc là thơ Đường thơ Tống, là bức tranh nguời chiến sĩ hồng quân công nông ngồi trên lưng ngựa, dừng bước trên đường, bên gốc táo, đang cúi xuống nhận trái táo chín đỏ mọng của người thôn nữ dâng tặng. Trung Quốc là đại nhảy vọt nhà nhà nấu gang thép, là chiến dịch tận diệt chim sẻ, là cuộc cách mạng văn hóa vô tiền khoáng hậu trong 10 năm làm mất hàng trăm ngàn tri thức, hàng triệu mạng sống và cả một thế hệ. Năm 1964, tại Đại học Thiên Tân, tôi đã thấy một cuộc mít tinh khổng lồ của sinh viên và thanh niên Trung Quốc chi viện Việt Nam đánh Mỹ. Năm 1966, tại công viên Lỗ Tấn bên bờ biển Thanh Đảo xinh đẹp và thơ mộng, trong sương mờ sáng sớm, chạy thể dục qua Vọng hải đài hình bát giác, tôi lại thấy những xác “hồng vệ binh” muời mấy tuổi đầu đã treo cổ tự tử từ đêm trước, chỉ vì đấu tố, tranh luận, vì cuồng tín hay vì chẳng còn tin được vào đâu.


Ảnh tác giả chụp tại Vọng hải đài, Thanh Đảo, năm 1965

Rồi Trung Quốc trong tôi là cải cách, mở cửa, là đất nước có nhịp độ tăng trưởng GDP đầu người luôn ở mức trên dưới 10% trong hai chục năm liền, năm 2006 đạt 2010 đô la trên đầu người, nếu tính theo sức mua tương đương PPP thì đã đạt gần 8000 đô la, đứng thứ 102 trong gần 200 quốc gia trên thế giới. Năm 1997, Trung Quốc mở cổng Internet, tới 2005 có 100 triệu người sử dụng, tháng 3 năm 2008 đã có số người sử dụng là 213 triệu, vượt cả Mỹ.

Ngày đầu tháng 7 năm 1997, Hồng Công vừa trở về với lục địa. Đứng trên sân bay Hồng Công, trong bầu trời còn đẫm nước mưa đêm trước, tôi đã thấy người ta đang bắc thang lên sơn lại cánh và đuôi máy bay của hãng Dragonair bằng biểu tượng lá cờ đỏ với năm cánh hoa ban hồng. Rồng đang đổi màu. Thế rồi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á lan rộng, thị trường tài chính và nền kinh tế Hồng Công đã được cứu đúng lúc một phần vì Trung Quốc giữ giá đồng nhân dân tệ. Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa, chú trọng các ngành công nghệ cao. Công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, hiện có gần một tỷ thuê bao điện thoại với 400 triệu thuê bao di động, Bách Độ đang là mạng tra cứu lớn sánh với Google của thế giới, các tập đoàn viễn thông, tin học Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường khổng lồ. Trung Quốc đã đưa người lên vũ trụ, đã phát triển công nghệ sinh học, nghiên cứu gen học, tạo giống mới, ghép tạng, sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng. Hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thế giới. Hoa quả Trung Quốc vừa to đẹp, vùa rẻ lại vừa ngon, nhưng liệu ai biết được có bao nhiêu tác hại khi không ít lần các nước khác đã phải lên tiếng cảnh báo hay cấm sử dụng một số hàng hóa, thực phẩm từ Trung Quốc.

Thanh Thành Sơn là một khu du lịch nổi tiếng ở Tứ Xuyên, nơi non nước hữu tình, có ngôi chùa Đường Tam Tạng đã trụ trì trước khi đi Tây Trúc lấy kinh. Chúng tôi lên chùa trên lưng núi bằng cáp treo. Bên dưói có con đường nhỏ. Một đoàn người rồng rắn đang đeo trên lưng những tấm đá lớn ì ạch trèo lên. Họ khuân vác đá tôn tạo chùa và cho các công trình du lịch, một ngày hai chuyến đi về để nhận 20 tệ (40 nghìn đồng Việt Nam), chưa bằng giá vé một người ngồi cáp treo. Lẫn trong đám người khuân vác, lác đác thấy vài chiếc kiệu màu đỏ, phủ lọng đỏ do hai thanh niên gánh. Trên kiệu là những khách du lịch giàu có, những ông chủ mới bụng phệ không thích ngồi cáp. Giá kiệu chỉ 10 tệ một khách, lại có cả một phụ nữ gánh đồ đi theo, kiêm hướng dẫn du lịch, có điều đi mất cả nửa ngày.

Từ chùa lên đỉnh núi phải qua một hồ nước bằng xuồng. Ở bến đợi xuồng, có một ông già mù mặc bộ đại cán đã sờn, lưng dắt một túi sáo trúc to nhỏ các cỡ. Ông thổi sáo làm vui khách đợi. Tôi hỏi ông có biết bài hát trong phim Bạch mao nữ không, ông biết và bắt đầu cất tiếng sáo: Gió Bấc như giục ai ngoài song, tuyết rơi như mang tin chờ mong,… Lâu lắm rồi, tôi như gặp lại ký ức tuổi thơ, một người con gái má hồng, ngồi bên song cửa, cắt chữ hỷ và đôi chim liền cánh dán lên cửa sổ, trong chiều gió tuyết đợi người yêu.

Tôi tìm tờ giấy bạc 10 tệ đặt vào tay ông, ông đẩy tay tôi ra và bảo ông chỉ thổi sáo góp vui, không xin tiền, nếu ai có lòng thì hãy mua giúp sáo, 5 tệ một ống. Tôi chọn 2 ống sáo và trả tiền ông. Tôi nâng niu 2 ống sáo mang về, có một lần mang ra thổi thử, chả thấy kêu, chắc tại tôi không biết thổi sáo.


Người thổi sáo ở Thanh Thành Sơn, đứng cạnh là TSKH, nhà báo Vũ Công Lập,
Ảnh của Nguyễn Tuấn Khoa

Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây nghèo nhất miền Tây Nam Trung Quốc, chỉ sau 2 năm đã khánh thành khu trung tâm hiện đại, khu bờ sông sạch đẹp, khu hội nghị nguyên thủ Trung Quốc và Asean hoành tráng. Nam Ninh lại là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc hoàn thành việc gắn chip và thẻ từ trên ô tô để tự động quản lý thu phí giao thông. Trung Quốc có câu đến Tây An (kinh đô trong lịch sử) xem Trung Quốc nghìn năm, đến Bắc Kinh xem Trung Quốc trăm năm, đến Quảng Châu Thâm Quyến xem Trung Quốc mười năm, còn muốn xem Trung Quốc hằng năm thì hãy đến Nam Ninh. Cả đất nước này thay đổi nhanh quá, dù khoảng cách giàu nghèo cũng đang giãn rộng, dù miền duyên hải phía đông phát triển quá nóng, dù miền tây còn lạc hậu, dù còn quá nhiều việc cần làm cho đến khi tự nhận được là một quốc gia phát triển.

Trung Quốc cho rằng buôn lậu và tham nhũng là hai quốc nạn. Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế xã hội của một đất nước đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nhằm xây dựng một xã hội hài hòa.

Mười năm trước, giới trẻ Trung Quốc mơ ước làm giàu, có được một căn hộ riêng tư, sành điệu là chiếc điện thoại di động, có thẻ tín dụng và biết chơi chứng khoán. Cũng hơn mười năm trước, có một ngày cuối thu, mở mắt dậy, hơn hai mươi lăm triệu người nhận ra rằng mình không còn là cán bộ công nhân viên nhà nước nữa. Và rồi họ phải bươn chải, và rồi câu nói cửa miệng của mọi người sẽ là: Thương trường là chiến trường.

Giờ đây, thanh niên Trung Quốc mơ ước biệt thự ô tô, nói về WTO, về con số tám phát đạt trong năm Olympic Bắc Kinh toàn số tám, về triết lý sẻ chia trong thế giới phẳng, về trò chơi mọi người cùng thắng trong sự phụ thuộc lẫn nhau của toàn cầu hóa kinh tế, và xa hơn nữa là đổi mới không ngừng, ngày mai phải khác hôm nay trong xã hội thông tin, kinh tế tri thức.

Trong quán cà phê sang trọng giữa Thâm Quyến hiện đại và hoa lệ, giữa đám khách lịch sự, giàu có, một tiếng đàn ai đó cất lên. Tôi nhìn sang thấy chàng thanh niên đeo kính trắng ngồi trên chiếc bục nhỏ, chơi ghi ta và hát:

Yesterday, all my troubles seemed so far away
Now it looks as though they're here to stay
Oh, I believe in yesterday. …

Yesterday của John Lennon! Vâng hôm qua tưởng như đã rất xa, nhưng hôm qua còn mãi vì nỗi nhớ, và hôm nay hay ngày mai có khác được cũng là vì nó được bắt đầu từ hôm qua.

Nguyễn Tuấn Khoa

Bài đăng trên Báo Văn Nghệ, số ra ngày 8 tháng 8 năm 2008, nhân Olympic Bắc Kinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét